Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ nhận định, việc truy bắt Dương Chí Dũng, điều tra rốt ráo và đưa ra xử trước Tết Nguyên đán cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong công tác phòng chống tham nhũng.
Rút kinh nghiệm sâu sắc trong quản lý và xây dựng Đảng
PV: Thưa ông, sai phạm của Dương Chí Dũng thì đã rõ và chắc chắn sẽ được xử lý nghiêm minh. Nhưng giá như có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước thì Dương Chí Dũng đâu thể tiêu tiền nhà nước dễ dàng như vậy?
Ông Vũ Quốc Hùng: Qua vụ này chúng ta mất rất nhiều: Thứ nhất là mất người – rất nhiều cựu lãnh đạo của Vinaline đã bị sa lưới pháp luật và cũng không loại trừ có những cán bộ của các cơ quan quản lý liên quan cũng sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật. Thứ hai là mất tiền, hơn 366 tỷ đồng là một con số rất lớn, và càng đau xót hơn đấy là tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân đấy chứ, đâu phải nước mưa trên trời rơi xuống. Thứ ba là mất uy tín của tổ chức.
Qua kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 vừa rồi rất nhiều ĐBQH đã thẳng thắn chỉ rõ những điều băn khoăn trong công tác phòng chống tham nhũng và cũng đã nhấn mạnh là đừng để phải nói “giá như thế này” hay “giá như thế khác” thì sẽ không có những vụ việc đau lòng nữa. Vậy muốn không còn phải “giá như…” thì rõ ràng là các cơ quan chức năng phải xem lại trình quản lý, gắn trách nhiệm cụ thể tới từng cá nhân.
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ. Ảnh: Ngọc Quang |
PV: Ông có thấy công tác đào tạo, sử dụng và quản lý cán bộ của ta đang có những dấu hiệu "không bình thường"?
Ông Vũ Quốc Hùng: Qua vụ Vinalines, một lần nữa chúng ta lại thấy có điều gì đó chưa ổn trong công tác đào tạo và quản lý cán bộ, trong tiêu chí quan trọng nhất là giám sát và kiểm tra đã bị buông lỏng. Lãnh đạo mà không có kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo. Quản lý mà không có kiểm tra thì coi như không có quản lý. Vì vậy, đây là một bài học sâu sắc cho công tác kiểm tra và giám sát.
Trường hợp Dương Chí Dũng trước khi được đề bạt làm lãnh đạo của Vinalines thì đã có những ý kiến có ý nhắc nhở về tư cách đạo đức của con người này, nhưng rốt cuộc vẫn được bổ nhiệm làm người đứng đầu của doanh nghiệp này. Tư chất con người anh ta đã không ngay ngắn, mà khi có quyền hành trong tay lại không bị kiểm tra giám sát chặt chẽ thì đương nhiên là sẽ xảy ra hậu quả như ngày hôm nay.
Việc này cho thấy, quản lý cán bộ không đến nơi đến trốn, lẽ ra các tổ chức phải lắng nghe các ý kiến phản ánh chứ không nên coi nhẹ hoặc cho rằng các ý kiến đó không có tinh thần xây dựng. Tôi cho rằng, qua việc này phải rút kinh nghiệm sâu sắc với công tác quản lý nhà nước và công tác xây dựng Đảng.
PV: Thưa ông, trong thời gian đang thanh tra những sai phạm ở Vinalines thì Dương Chí Dũng lại được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Ông có thấy việc đề bạt như vậy là vội vàng, gây mất niềm tin trong nhân dân?
Ông Vũ Quốc Hùng: Dương Chí Dũng làm ăn ở Vinalines thua lỗ thế mà lại bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng Hải, tức là được lên chức, làm công việc ở tầm cao hơn khi ở Vinalines là không bình thường.
Khi ấy các thông tin còn cho biết, lễ khởi công một dự án mà Dương Chí Dũng tiêu cả mấy tỷ đồng, trong khi quy định của Chính phủ cho phép chỉ là 50 triệu đồng. Tôi đã nói rằng, đó là một sự quá lãng phí quá lớn, số tiền ấy đủ để xây cả trăm căn nhà tình nghĩa cho người nghèo, và qua đó mấy trăm con người sẽ bớt đi cảnh bần hàn. Nhưng thực tế lại không như những gì tôi và nhiều người mong muốn, đấy là một điều vô cùng đáng tiếc.
Quy định chung của các tổ chức Đảng chúng ta là khi một người nào đó bị tố cáo hoặc đang bị thanh tra, kiểm tra thì phải xem xét và chưa được đề bạt, thậm chí không được đưa người đó vào cấp ủy. Và để tránh những tố cáo sai có ý đồ bôi xấu cán bộ thì tổ chức phải nhanh chóng vào cuộc làm rõ. Tôi lấy thí dụ, khi sắp đến một cuộc bầu cử nào đó thì phải công khai danh sách các ứng cử viên. Người xấu sẽ bị quần chúng phát hiện. Nhưng cũng có người tốt sẽ bị kẻ xấu bôi nhọ, như vậy cơ quan quản lý phải nắm vững cán bộ, để công khai kết luận tới toàn dân. Tôi tin rằng “dân chủ – công khai – minh bạch” là bảo bối vô cùng quan trọng để Đảng ta tiến hành làm lành mạnh đội ngũ của mình.
Hàng triệu đô la được chi ra để mua "đống sắt vụn". |
Từ sai phạm của Vinalines, xem lại công tác chống tham nhũng
PV: Sai phạm hàng trăm tỷ đồng của Dương Chí Dũng cũng có phần trách nhiệm của Bộ GTVT, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Khi phát hiện ra bất cứ một sai phạm nào đó thuộc các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thì phải xét tới trách nhiệm của tất cả các cơ quan có liên quan. Điều đó trong quá khứ chúng ta đã làm rồi, tôi lấy thí dụ như vụ “Thủy cung Thăng Long” hơn 10 năm trước tại Hà Nội, ngay khi mới ra quyết định đầu tư thôi thì đã có một loạt cán bộ từ trung ương tới địa phương bị thi hành kỷ luật. Bây giờ nhớ lại việc này, tôi thấy có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và đồng bộ của Bộ Chính trị, của Chính phủ và các cơ quan chức năng khác. Và một điều không thể không nhắc đến là các đồng chí bị xử lý kỷ luật từ trung ương tới địa phương không hề có khiếu nại mà nghiêm chỉnh chấp hành các hình thức kỷ luật vì đã để xảy ra sai sót trong phạm vi quyền hạn quản lý của mình.
Vụ thứ hai là “vụ án Năm Cam” – một tên xã hội đen từ thời Mỹ Ngụy, tác oai tác quái ở TP.HCM, móc nối với nhiều cán bộ của các cơ quan ở TP.HCM làm nhiều việc vi phạm pháp luật. Khi Năm Cam sa lưới pháp luật, một số cán bộ lãnh đạo, một số ủy viên trung ương đảng, cán bộ của các cơ quan ở TP.HCM đã phải chịu các hình thức kỷ luật.
Từ Đại hội X thì đã nói tới việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng. Ở mỗi doanh nghiệp nhà nước đều có ban cán sự đảng và các đảng đoàn
PV: Nhưng thưa ông, qua những sai phạm như ở Vinashin và bây giờ là Vinalines, thì dường như tổ chức Đảng ở những đơn vị này còn quá yếu? Đặc biệt là việc đề bạt bổ nhiệm Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải thì có tới 6/6 thành viên trong Thường vụ Đảng ủy Vinalines nhất trí vào ngày 15/12/2011?
Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi không muốn dùng từ “tê liệt” khi nói về các tổ chức Đảng ở những doanh nghiệp đã xảy ra sai phạm tày đình như Vinashin hay Vinalines. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn chỉ ra rằng các tổ chức Đảng tại những đơn vị ấy chưa phát huy tốt vai trò của mình.
Nhìn ở một góc độ khác, tôi thì tin rằng không phải là cán bộ, công nhân viên của Vinalines không biết về những sai phạm của Dương Chí Dũng và đồng phạm, đặc biệt là chuyện chi vài triệu USD để mua một “đống sắt vụn” như ví von của nhiều người. Nhưng ai sẽ nghe họ nói về những sai phạm ấy? Và ai sẽ bảo vệ họ khỏi việc bị trả thù? Đây là hai câu hỏi cũng đã được nhiều ĐBQH đề cập trước và sau kỳ họp quốc hội vừa qua, và tới bây giờ thì cũng chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Trân trọng cảm ơn ông!