Tạp chí điện tử Giáo dục Việt nam nhận được đơn của cô Phan Thị Phương Dung – Giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên biệt Trường Tiểu học Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), về việc chi trả phụ cấp cho giáo viên chuyên biệt.
Trong đơn cô Dung có phản ánh về việc: "Từ tháng 3/2003, tôi được Ban giám hiệu Trường Tiểu học Bạch Mai phân công dạy lớp chuyên biệt cho đến nay.
Trong thời gian công tác, tôi luôn hoàn thành tốt công việc dạy học, nhiều năm được nhận giấy khen có đóng góp trong hoạt động trợ giúp trẻ em khuyết tật Hà Nội. Nhiều năm được tuyên dương “gương người tốt, việc tốt” của Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội.
Nay tôi đã gần đến tuổi Nhà nước cho nghỉ chế độ hưu trí. Tôi đã cống hiến cho ngành Giáo dục và đặc biệt là dạy các em học sinh chậm phát triển trí tuệ cho đến nay là 18/35 năm".
Trường Tiểu học Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). |
Cô giáo Phan Thị Phương Dung cho rằng: “sau khi tôi nghiên cứu kĩ Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ. Ngoài chế độ hưởng 70% phụ cấp, tôi còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,3 so với lương tối thiểu.
Theo điều 2 chương 6 của Nghị định trên ghi rõ: Nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục đang công tác tại trường chuyên biệt được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,3 so với mức lương tối thiểu”.
Chương 1 điều 2 nghị định cũng nêu rõ Trường chuyên biệt gồm:
Trường phổ thông dân tộc Nội trú; Trường chuyên, trường năng khiếu; Trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật; Trường giáo dưỡng.
Vậy trường hợp của tôi đang dạy thuộc vào Trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật. Vậy Trường Tiểu học Bạch Mai được vào diện trường chuyên biệt”.
Cũng theo cô Dung: “Ngày 8/2/2012, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có ra quyết định 310/QĐ-UBND về việc công nhận Trường Tiểu học Bạch Mai có lớp chuyên biệt.
Dựa vào căn cứ quyết định số 103/2009/ QĐ-UBND ngày 24/9/2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc “ban hành, quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương, tiền công, cán bộ, công chức, viên chức và hợp đồng lao động trong cơ quan đơn vị thuộc Thành phố Hà Nội” Quyết định 310/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng – Hà Nội có 3 điều sau:
Điều 1: Công nhận lớp dành cho học sinh chậm phát triển trí tuệ tại Trường Tiểu học Bạch Mai quận Hai Bà Trưng là lớp chuyên biệt (chậm phát triển trí tuệ).
Điều 2: Nhà trường, giáo viên được giao dạy tại lớp chậm phát triển trí tuệ của trường được hưởng các chế độ ưu đãi theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ.
Điều 3: các Ông, (Bà) Chánh văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận, Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Bạch Mai, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc quận Hai Bà Trưng chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Cô Dung cho biết: “Sau khi có quyết định này, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Bạch Mai đã làm phụ cấp 70% cho tôi theo theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP.
Nhưng trong suốt những năm qua vẫn chưa làm cho tôi phụ cấp trách nhiệm 0,3 so với mức lương tối thiểu theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP.
Vì vậy tháng 4/2021 tôi đã có gửi đơn lên Phòng Giáo dục, Thanh tra quận Ủy, Phòng Tài chính – Kế hoạch của Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng – Hà Nội để kiến nghị về việc này, đến ngày 4 tháng 5/2021 tôi lại gửi tiếp đơn lần 2 vẫn với nội dung này nhưng cho đến nay là tháng 2/2022 vẫn không nhận được phản hồi.
Văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng – Hà Nội. |
Sau nhiều ngày có ý kiến, đến ngày 14/12/2021, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng – Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo giao Phòng Nội vụ quận chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch phòng Giáo dục và Đào tạo quận tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận xử lý dứt điểm nội dung kiến nghị, trả lời kết quả cho bà Phan Thị Phương Dung về hệ số 0,3 phụ cấp trách nhiệm liên quan đến công tác giảng dạy lớp chuyên biệt học hòa nhập tại Trường Tiểu học Bạch Mai.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, vẫn chưa có cơ quan hữu quan nào giải quyết chế độ cho cô giáo Phan Thị Phương Dung.
Để tìm hiểu vấn đề này, ngày 14/2/2022, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài chính – Kế hoạch của Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng – Hà Nội, nhưng hiện nay vẫn chưa có câu trả lời từ các phòng ban trên.