“Sau một thời gian quá dài trẻ phải học trực tuyến mà không được đến trường vì dịch bệnh, và khi các con được quay trở lại trường học trực tiếp, sau những háo hức vui mừng đi qua thì chúng ta thấy có rất nhiều thứ phải chuẩn bị cho các con như:
Những kĩ năng bị “lãng quên” vì phải ở nhà quá lâu, các mối quan hệ ở trường lớp trở nên lỏng lẻo, không ít các con lớp 1, lớp 6, lớp 10 là đầu cấp chưa hề gặp bạn bè mới và thầy cô từ đầu năm học, không ít con sẽ không quen với lịch trình của học trực tiếp…tất cả những việc đó có thể làm suy giảm động lực học tập.
Bên cạnh đó, khi các con chưa quen, chưa thích nghi với một lịch học trực tiếp nên những ngày đầu có thể dậy muộn, đi học muộn, quên đồ dùng sách vở…đến lớp có thể có những hành vi bực bội, cáu gắt vô cớ, và đó là những việc mà cha mẹ và thầy cô cần chuẩn bị cho các con trong những ngày đầu vừa đi học trở lại”, đó là ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) khi chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Theo thầy Nam: “Với tư cách là một phụ huynh, tôi thấy để đưa các con trở lại trường một cách bền vững, đó là niềm vui nhưng cũng cần có 3 sẵn sàng:
Thứ nhất: Từ trước Tết đến nay các trường đều có công tác chuẩn bị kĩ lưỡng, vệ sinh phòng dịch, lịch trình đón học sinh, thầy cô được tập huấn với nhiều “kịch bản” đối phó nếu có tình huống xấu xảy ra, có những buổi nói chuyện online với các kĩ năng để các con tự biết cách phòng dịch, tự chăm sóc bản thân, sức khỏe tinh thần…khi được đi học trực tiếp.
Thứ hai: Phụ huynh sẵn sàng. Nếu đã cam kết cho các con trở lại trường thì bản thân cha mẹ cũng phải có trách nhiệm cùng với ngành giáo dục đưa con trở lại trường. Phụ huynh phải khuyến khích con dậy sớm, đi học đúng giờ, thực hiện tuân thủ 5K, khởi động kết nối lại với các hoạt động học tập, nếu có những thông tin sai lệch thì cũng phải trấn an các con.
Thứ ba: Học sinh cũng phải sẵn sàng. Sau một khoảng thời gian rất dài các em học trực tuyến ở nhà, bây giờ là lúc các em sẵn sàng vận động bởi khi học ở nhà rất ít vận động, nhưng đã quay trở lại trường thì các hoạt động rất cần phải tham gia, không được lười như khi học ở nhà nên cần phải có sự chuẩn bị về mặt thể chất.
Hơn nữa, các con cần phải chuẩn bị cả về mặt tâm thế tình cảm, tự tin, các kĩ năng giao tiếp, ứng xử một cách thân thiện lại. Cũng cần chuẩn bị cả về mặt xã hội, tái kết nối với bạn bè, thầy cô chứ bây giờ là kết nối trực tiếp chứ không phải qua mạng.
Về mặt trí tuệ cũng cần phải khởi động bởi khi học trực tuyến sự tập trung sẽ kém hơn bởi cùng một lúc các em phải vận động đa nhiệm. Sự sắc bén của hệ thần kinh khi phải học trực tuyến sau một thời gian bị Stress nhiều nên cũng đã bị giảm.
Tâm lý của các em học sinh là rất quan trọng nếu như được quay trở lại trường học trực tiếp, đặc biệt là các em học sinh lớp 1 chưa bao giờ đến trường. Đến thời điểm này quay trở lại trường thì chúng ta nên tổ chức ngày quay trở lại trường, coi như là ngày “tiệc” đến trường, sẽ có chụp ảnh với thầy cô, với bạn để tạo nên mối liên kết và tâm thế mình gắn bó với tập thể này.
Khi đã có đủ 3 sẵn sàng đó thì việc các em quay trở lại trường sẽ bền vững, bên cạnh các yếu tố an toàn về mặt y tế thì yếu tố tâm lí sẽ phải được đề cao như vậy”.
Mỗi mẩu giấy là những cảm xúc, mong ước của học sinh trong ngày đầu tiên quay trở lại trường học. Ảnh: NVCC. |
Cần chuẩn bị tâm lý tránh kì thị
Thầy Nam cho biết: “Sau một thời gian dài chúng ta khuyến khích các con ở nhà bởi bên ngoài có nhiều nguy cơ nhiễm dịch bệnh, dẫn đến hiện nay có nhiều em nhạy cảm thái quá. Với những em đã từng là F0, F1 có thể có những nhận thức chưa đúng, chúng ta cũng cần phải nói với các con rằng những bạn vô tình mắc dương tính với vi rút là các bạn đó không làm gì sai, không có gì đáng ngại, vậy chúng ta không nên đối xử khác biệt với những bạn này.
Vì vậy cha mẹ, thầy cô cũng cần nâng cao nhận thức đó cho học sinh, phân tích tuyên truyền rõ ràng, cụ thể. Thậm chí cần có phương án nếu ở trường xảy ra nếu có một người bị F0 thì các con cần bình tĩnh, chỉ có một người đó sẽ bị cách li Y tế thôi, còn bên cạnh đó tất cả những bạn khác phải như thế nào mới được gọi là F1…tất cả những điều đó cần phải nói với các con một cách rõ ràng làm tăng sự yên tâm, tránh các con có những suy nghĩ tiêu cực.
Tôi được biết Bộ Y tế và Bộ Giáo dục đã có văn bản quy chế mới nhất phối hợp khi có tình huống xấu xảy ra khi trong nhà trường bỗng nhiên có F0, F1…có hướng dẫn cho từng khối lớp. Vậy theo tôi khi học sinh đã quay trở lại trường thì cũng nên được tham gia diễn tập với các thầy cô để có cái tình tổng thể, có thể hiểu rõ tất cả quy trình cụ thể, như vậy càng làm cho các em và cha mẹ an tâm hơn”.
Chăm lo tinh thần cho các con trước
Cũng về vấn đề này, nhà giáo Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã cho biết: “Việc quan trọng nhất hiện nay là tổ chức dạy và học thế nào để tinh thần của học sinh không bị quá căng thẳng, lo lắng, bởi sau một thời gian rất dài ở nhà, các con đều có tâm lý ngại tiếp xúc. Chính vì vậy nhà trường đã thống nhất chăm lo đưa tinh thần cho các con lên trước, rồi vừa dạy bài mới, vừa bổ sung kiến thức bị hổng. Đây là điều mà ban giám hiệu nhà trường rất quan tâm.
Trong ngày đầu tiên các con quay trở lại trường, tôi cùng các giáo viên chủ nhiệm cũng đã đến từng lớp, động viên và chúc tết các con tạo không khí đầm ấm, vui vẻ. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã khởi động lại các hoạt động như thể thao, bóng đá, nhảy hiphop cùng các hoạt động ngoại khóa nếu điều kiện cho phép, với từng thời điểm cụ thể chúng tôi sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp”.
Qua những dòng suy nghĩ này, các thầy cô giáo có thể nắm được cảm xúc học trò, từ đó thấu hiểu, có sự chia sẻ, định hướng, giúp đỡ, hỗ trợ về mặt tâm lý cho các em ổn định việc học tập trở lại. Ảnh: NVCC. |
Bảng ghi suy nghĩ, mong ước, cảm xúc của học sinh tại Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Để các con tự nói ra cảm xúc của mình
Nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Việc đảm bảo tinh thần cho học sinh cũng rất quan trọng, ngoài các hoạt động chào đón học sinh, ban giám hiệu cũng đã chuẩn bị một bảng ở sân trường để các con viết những cảm xúc, những ước muốn của mình lên những mẩu giấy nhỏ và dán lên đó, chia sẻ những suy nghĩ trong ngày đầu trở lại trường.
Trên những mẫu giấy nhỏ được viết tay, các em học sinh đã chia sẻ những niềm vui, sự háo hức và cả những cảm xúc chưa sẵn sàng sau quãng thời gian dài không đến trường. Ý tưởng về một góc chia sẻ cảm xúc được nhà trường đưa ra nhằm để học sinh được chia sẻ những suy nghĩ, nỗi niềm, cảm xúc của mình khi trở lại trường học tập. Qua đó, các thầy cô giáo có thể nắm được cảm xúc học trò, từ đó thấu hiểu, có sự chia sẻ, định hướng, giúp đỡ, hỗ trợ về mặt tâm lý cho các em ổn định việc học tập trở lại.
Sau gần 10 tháng nghỉ và giờ quay trở lại, chắc chắn các em sẽ có rất nhiều cảm xúc và cán bộ, giáo viên nhà trường cũng rất mong muốn biết được cảm xúc của các học trò. Đây cũng là một cơ hội để các em học sinh được giải tỏa tâm lý, chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm của mình. Bảng cảm xúc cũng là cơ hội để tất cả học sinh thể hiện sự cởi mở, các em có thể ghi tên, lớp của mình hoặc không, nhưng tất cả sẽ tạo nên một hoạt động chung toàn trường, tạo thành một bức tranh cảm xúc”.