Ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH): Hiện vẫn chưa có giải thích cụ thể thế nào là hành vi QRTD nên Bộ đã trình Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho phép hướng dẫn thêm một số nội dung trong Bộ luật Lao động, trong đó có vấn đề giải thích từ ngữ về hành vi QRTD nơi công sở.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Phạm vi điều chỉnh của nghị định này chỉ tập trung ở đối tượng trong quan hệ lao động. Còn cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức, viên chức, không thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị định này.
- Ban soạn thảo dựa trên căn cứ nào đưa ra mức phạt cho hành vi QRTD tại công sở phạt đến 75 triệu đồng (mức phạt cao nhất trong các hành vi vi phạm lĩnh vực lao động)? Mức cao như vậy nhằm mục đích gì?
Ông Đặng Đức San: Mức xử phạt hành chính đối với hành vi QRTD trong lĩnh vực lao động căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, trong đó mức xử phạt hành chính cao nhất là 75 triệu đồng. Nghị định này đang trong thời gian lấy ý kiến nếu có sự vênh nhau, chúng tôi sẽ nghiên cứu điều chỉnh mức xử phạt phù hợp hơn, không nhất nhất đóng khung như trong dự thảo.
- Vì sao mức xử phạt các hành vi QRTD, cưỡng bức lao động tại công sở phạt đến 75 triệu đồng (Điều 10); còn QRTD, cưỡng bức lao động với người giúp việc gia đình thì chỉ phạt cao nhất 10 triệu đồng (Điều 125)?
Phân biệt mức xử phạt theo đối tượng là bất hợp lý, bởi uy tín và danh dự mọi người đều bình đẳng như nhau tại sao cùng một hành vi, một hậu quả nhưng lại có sự phân biệt trong xử phạt?
Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG, Đoàn Luật sư TP.HCM
Một khi chưa làm rõ hành vi QRTD thì nghị định sẽ không có hiệu lực áp dụng, vì môi trường công sở, nơi làm việc có vô số hành vi nếu hiểu không đúng sẽ gây nhiều phiền toái cho nhiều người. Đây là môi trường phức tạp với nhiều mối quan hệ: người lao động với người sử dụng lao động; người lao động với nhau; người lao động với khách hàng, đối tác.
Chuyên gia nhân sự TRẦN THANH HƯNG
Cần phân biệt ranh giới giữa hành vi xã giao và hành vi quấy rối, bởi không xác định rõ quy định này dễ bị lợi dụng, lạm dụng. Chẳng hạn, một nhân viên nữ vì lý do cá nhân, trong một tình huống nào đó đã khéo léo bắt tay, ôm xã giao sếp rồi chụp ảnh, quay clip vu cáo cấp trên QRTD thì sẽ rất thiệt hại cho người chủ. Do vậy, không làm rõ khái niệm QRTD thì chẳng thể đi vào đời sống.
Ông HỒ ĐỨC SINH, Chủ tịch-Giám đốc điều hành CPS Việt Nam
Thanh tra lao động chưa biết có dự thảo nghị định
Cùng ngày 20/3, trao đổi với PV, một số đơn vị Thanh tra lao động từ cấp bộ (Bộ LĐ-TB&XH), cấp sở đều khẳng định chưa biết đến dự thảo nghị định này. Ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh Thanh tra lao động (Bộ LĐ-TB&XH), nói: “Chúng tôi chưa nắm dự thảo nghị định này nên chưa có ý kiến gì cả”. Tương tự, ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh tra lao động Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cũng chưa nhận được dự thảo, chưa biết mặt mũi nội dung trong đó nói gì để góp ý. Ông Dũng băn khoăn nghị định này e không thể xử phạt được, vì y "như chuyện xử phạt hút thuốc lá, người vi phạm tràn lan ở bến xe, nhà ga... nhưng có xử lý được đâu."