ĐBQH không thể vô can
Ông Dương Trung Quốc - ĐBQH tỉnh Đồng Nai thẳng thắn chỉ rõ, trong những chức năng của Quốc hội, Quốc hội Việt Nam cũng như Quốc hội bất kỳ nước nào trên thế giới có một chức năng rất quan trọng và thiết thực, đó là quản lý ngân sách, là người giữ tay hòm chìa khóa của nhân dân.
Quốc hội có trách nhiệm ban hành Luật ngân sách, thông qua và quyết toán ngân sách hàng năm, quyết định những khoản thu chi đặc biệt như những vấn đề quốc gia đại sự và thực thi việc giám sát ngân sách thường xuyên. Chính phủ chỉ là người được giao và chi tiêu theo luật và sự giám sát của Quốc hội. Hiệu quả sử dụng ngân sách trước tiên thuộc về Quốc hội phải chịu trách nhiệm trước nhân dân như người được ủy thác còn Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
ĐBQH Dương Trung Quốc. Ảnh: Ngọc Quang |
Ông Quốc phân tích: “Trên thực tế, nước ta mọi thất thoát lãng phí hay tham ô ngân sách của nhà nước chỉ dồn hết trách nhiệm vào Chính phủ, Quốc hội và đại biểu Quốc hội luôn tự cho mình vô can trong những sai phạm của bộ máy hành pháp. Theo tôi, Quốc hội phải liên đới trách nhiệm.
Chúng ta tin tưởng vào bộ máy chuyên trách trong các ủy ban thay mặt Quốc hội tham gia thẩm định báo cáo và những kiến nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần cụ thể hơn nữa, phải coi những đề nghị của Chính phủ như một dự án được tính toán chi li trên cơ sở Chính phủ phải cam kết khi sử dụng số tiền này. Số tiền này phải được thể hiện cụ thể là bao nhiêu bằng những con số tuyệt đối chứ không chỉ căn cứ vào những chỉ số như 5,3% GDP, mức bội chi ngân sách hay 65% GDP giới hạn trần công nợ, phát hành trái phiếu Chính phủ, cần làm rõ cơ sở khoa học và khả thi của những chỉ số này”.
Vốn là người không ngại va chạm, ông Dương Trung Quốc cũng đặt “nghi vấn”: Với cơ cấu Quốc hội nước ta hiện nay số người am hiểu về kinh tế chi tiêu ngân sách chủ yếu là những thành viên của bộ máy hành pháp tham gia Quốc hội rất dễ thỏa hiệp với Chính phủ. Chính phủ phải cam kết trách nhiệm về hiệu quả của việc sử dụng khoản ngân sách phát sinh này.
"Đã tìm được giải pháp, vì sao tham nhũng không giảm?"
Vì sao Chính phủ báo cáo màu hồng, nhưng nhân dân nói là màu tối?
Chính phủ cần củng cố lòng tin của nhân dân
Theo ông Dương Trung Quốc, cần phải ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ đã tạo được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát đạt được nhiều chỉ tiêu, ứng phó với thiên tai, quan tâm đến an sinh xã hội… tuy nhiên, để cho những nỗ lực trong thời kỳ tiếp theo phát huy hiệu quả tích cực, vấn đề còn thiếu mà Chính phủ cần quan tâm là phải gây dựng và củng cố lòng tin của nhân dân.
“Chúng ta, những ĐBQH trong đó có nhiều thành viên của bộ máy hành pháp ở trung ương và địa phương có thể nhận ra như hiệu quả của nền kinh tế vĩ mô, nhưng với nhân dân thì nhận thức những hiệu quả tích cực đó phải phản ánh trong đời sống thường nhật của mình như thu nhập, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội, môi trường đạo đức xã hội và chất lượng dịch vụ của bộ máy công quyền... vẫn còn quá nhiều vấn đề khiến lòng tin không những chưa được xác lập mà còn bị giảm sút. Cho dù Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình, nhưng ngay những con số thống kê luôn được sử dụng như những cơ sở đánh giá hoạt động của nhà nước thì người dân, kể cả một số nhà nghiên cứu đều còn ngờ vực về tính xác thực của nó”, ông Quốc nói.
Bên cạnh đó, ông Dương Trung Quốc cũng dẫn lại thông tin báo chí mới đây đưa tin trong phiên họp của Chính phủ cách đây chỉ vài ngày, chính Thủ tướng Chính phủ còn đặt câu hỏi là con số thực hay con số ảo khi nghe báo cáo về 19 tỉ USD đầu tư của nước ngoài. Qua báo chí phản ánh chi tiết này, người dân đánh giá tốt về thái độ thận trọng, không tô hồng, không bôi đen của Thủ tướng Chính phủ, nhưng cũng không thể không băn khoăn về tính khả thi của những giải pháp Chính phủ nêu ra để những chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
“Khi nói đến 3 đột phá chiến lược khi đề cập đến mục tiêu về phát triển nguồn nhân lực, báo cáo của Thủ tướng Chính phủ coi việc triển khai thực hiện Nghị quyết của trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là nền tảng. Điều đó chỉ đúng về mặt lý thuyết, vì để biến một nghị quyết thành hiện thực chắc không thể phát huy hiệu quả sớm ngay trong 2 năm còn lại mà bản báo cáo đề cập tới”, ông Quốc nêu thí dụ.