Quốc hội thống nhất áp giá trần với sách giáo khoa

19/06/2023 19:42
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, sách giáo khoa được áp giá trần để có công cụ quản lý, kiểm soát, bảo đảm không tác động tiêu cực người dân.

Chiều ngày 19/6, sau khi Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi).

Theo đó, với 92,91% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi). Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn.

Luật Giá (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý được Quốc hội thông qua gồm 8 Chương, 75 Điều quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; Hoạt động quản lý, điều tiết giá của nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cơ sở dữ liệu về giá; Thẩm định giá; Thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá; Điều khoản thi hành…

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn.

Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 có nhiều điểm mới nhằm khắc phục một số hạn chế bất cập của luật hiện hành. Về phạm vi điều chỉnh, luật bổ sung quy định cơ sở dữ liệu về giá, theo đó: Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Theo luật được thông qua, Nhà nước quy định giá trần với sách giáo khoa. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, lượng tiêu dùng rất lớn và giá mặt hàng này tác động trực tiếp tới số đông người dân, trong đó có người thu nhập thấp.

Hiện các nhà xuất bản vẫn cộng chi phí phát hành sách, mức chiết khấu rất cao (28-35% giá bìa) khi tính giá sách giáo khoa, dẫn tới giá mặt hàng này bị đẩy lên cao so với thu nhập của nhiều người dân.

Vì vậy, cần thiết phải có công cụ kiểm soát để bảo đảm không tác động tiêu cực người dân.

Luật thông qua hôm nay cũng quy định khung giá với vé máy bay, tức áp giá trần với mặt hàng này.

Toàn cảnh phiên làm việc chiều ngày 19/6. Ảnh: quochoi.vn.
Toàn cảnh phiên làm việc chiều ngày 19/6. Ảnh: quochoi.vn.

Theo Luật Cạnh tranh, thị trường này có tính cạnh tranh hạn chế, trước mắt Nhà nước vẫn cần công cụ quản lý giá dịch vụ hàng không nội địa để ổn định thị trường. Về lâu dài, khi các loại hình giao thông phát triển đồng bộ, nhiều lựa chọn, Nhà nước sẽ tính toán quy định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa phù hợp.

Việc quy định giá trần vé máy bay vẫn bảo đảm quyền chủ động của doanh nghiệp. Bởi, hiện các hãng hàng không toàn quyền quyết định giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay, chỉ riêng giá vé hạng phổ thông thì không được vượt giá trần.

“Nếu không quy định giá trần, đồng nghĩa Nhà nước bỏ công cụ điều tiết giá. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá vé máy bay cao với hạng vé phổ thông, nhất là các dịp lễ, tết, mùa du lịch nhu cầu đi lại tăng cao. Việc này ảnh hưởng đến người dân, nhất là người có thu nhập thấp khó có thể tiếp cận các dịch vụ hàng không, làm tăng chi phí xã hội” - Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình.

Trần giá vé máy bay nội địa không thay đổi 8 năm nay, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến tăng mức trần, với mức tăng trung bình 3,75% so với hiện tại. Với chặng bay trên 1.280 km, giá trần có thể lên tới 4 triệu đồng một lượt.

Về điện, Nhà nước vẫn định giá mặt hàng này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải, định giá là biện pháp điều tiết với mức độ cao nhất của Nhà nước với giá hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo các mục tiêu về hạn chế vị thế độc quyền, đời sống người dân.

Theo Điều 30 Luật Điện lực, giá điện được điều chỉnh trên cơ sở các yếu tố chi phí và mức độ, thời gian thay đổi giá được xem xét trong bối cảnh điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu nhập của người dân.

Như vậy, khi dùng biện pháp định giá, Nhà nước đã tính đến mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên, trong đó đã có cả mục tiêu ổn định giá cả phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội.

Luật Giá (sửa đổi) được thông qua cũng bỏ thịt heo, sữa cho người cao tuổi khỏi danh mục hàng hóa, bình ổn giá sau khi tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngân Chi