Quy định thăng hạng theo thông tư 34/2021 dễ tạo ra cuộc đua các danh hiệu

13/12/2021 06:40
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các minh chứng quy định ở Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT còn nặng về tính chất hành chính, thành tích, chưa đi sâu vào chất lượng giảng dạy của giáo viên.

Ngày 30/11/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2022.

Thông tư này thay thế các Thông tư: Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT ngày 18/8/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập; Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT ngày 30/11/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Bãi bỏ Quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập ban hành kèm theo Thông tư số 29/2017/TT-BGDĐT ngày 30/11/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ảnh minh hoạ: Sggp.org.vn

Ảnh minh hoạ: Sggp.org.vn

Theo ý kiến cá nhân tôi, các minh chứng quy định ở Thông tư 34 còn nặng về tính chất hành chính, thành tích, chưa đi sâu vào chất lượng giảng dạy của giáo viên, bởi những lí do sau đây.

Thứ nhất, Điều 5 quy định nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp như sau (trích):

Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng II lên giáo viên hạng I: Việc kiểm tra, sát hạch được thực hiện bằng hình thức làm bài trắc nghiệm hoặc phỏng vấn.

- Đối với hình thức làm bài trắc nghiệm: Thời gian thực hiện bài thi trắc nghiệm là 60 phút, nội dung gồm các câu hỏi liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp (theo từng hạng chức danh nghề nghiệp của mỗi cấp học), tối đa không quá 60 câu hỏi. Bài trắc nghiệm được chấm theo thang điểm 30 và được thực hiện trên giấy hoặc trên máy tính.

- Đối với hình thức phỏng vấn: Thời gian thực hiện bài phỏng vấn không quá 15 phút/01 người dự xét, nội dung phỏng vấn liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp (theo từng hạng chức danh nghề nghiệp của mỗi cấp học). Bài phỏng vấn được chấm theo thang điểm 30 và được thực hiện trực tiếp đối với từng người.

Tôi cho rằng, quy định giáo viên thăng hạng từ hạng II lên I phải làm bài trắc nghiệm và phỏng vấn gồm các câu hỏi liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và nhiệm vụ của nhà giáo còn bất cập.

Bởi, viên chức nói chung và giáo viên nói riêng đều phải nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và nhiệm vụ của nhà giáo.

Điều này được lãnh đạo nhà trường đánh giá thông qua hồ sơ viên chức giáo viên theo từng học kì, từng năm học. Chẳng hạn, mục a “tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp” của giáo viên trung học hạng III yêu cầu phải đạt tiêu chí: Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục trung học phổ thông (Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Hơn nữa, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và nhiệm vụ của nhà giáo thì giáo viên có thể tham khảo dễ dàng từ mạng Internet. Cho nên, việc yêu cầu giáo viên phải ghi nhớ những điều này để làm cả bài thi trắc nghiệm và tự luận là rất khó khăn.

Hiện tại, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và nhiệm vụ của nhà giáo được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Ví dụ, Bộ luật Lao động; Luật Viên chức; Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học…

Thứ hai, phụ lục Thông tư 34 hướng dẫn minh chứng và chấm điểm hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập quy định điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng (20 điểm).

Bao gồm các bằng cấp, chứng chỉ theo quy định về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng của hạng đăng ký dự xét.

Tôi nhận thấy, quy định chấm 20 điểm về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng khi xét thăng hạng là chưa hợp lí, vì trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo áp dụng theo Điều 72 Luật Giáo dục 2019. Lẽ ra, nên quy định giáo viên đạt trình độ trên chuẩn thì được cộng thêm một mức điểm nào đó. Ví dụ cộng điểm cho giáo viên mầm non đã tốt nghiệp đại học sư phạm; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có học vị Thạc sĩ.

Thứ ba, quy định điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ (80 điểm) vẫn còn nặng về hành chính, thành tích, chưa chú trọng đến chất lượng, hiệu quả giảng giảng dạy của giáo viên. Theo đó, điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ bao gồm các minh chứng sau:

- Biên bản cuộc họp với sự tham gia của Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, tổ chuyên môn, đại diện các tổ chức đoàn thể trong nhà trường ghi ý kiến nhận xét, đánh giá từng tiêu chí có xác nhận của hiệu trưởng;

Các minh chứng khác (nếu có) thể hiện việc đáp ứng tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để có thể đảm nhận nhiệm vụ của hạng dự xét như các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, quyết định, bằng khen, giấy khen, đề tài, đề án hoặc sản phẩm được ứng dụng trong giáo dục, giảng dạy học sinh và tài liệu có liên quan: 45 điểm;

- Minh chứng về các danh hiệu thi đua, khen thưởng, các danh hiệu giáo viên giỏi theo yêu cầu của hạng đăng ký dự xét: 20 điểm;

- Minh chứng về thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp thấp hơn liền kề (bao gồm cả thời gian giữ hạng tương đương theo quy định) theo yêu cầu của hạng đăng ký dự xét: 15 điểm.

Trong các minh chứng này, có thể nhận thấy minh chứng các danh hiệu giáo viên giỏi là thiết thực hơn cả. Giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp tỉnh đã được hội đồng đánh giá kết luận, có thể lượng hóa chính xác năng lực chuyên môn của giáo viên. Tuy vậy, nội dung này cũng chỉ quy định 20 điểm cho giáo viên dự xét thăng hạng là chưa thỏa đáng.

Trong khi đó, giáo viên nếu được chứng nhận, quyết định, bằng khen, giấy khen, đề tài, đề án hoặc sản phẩm… thì được cộng đến 45 điểm. Là giáo viên có thâm niên giảng dạy hàng chục năm, tôi cho rằng danh hiệu giáo viên dạy giỏi phải có giá trị hơn các danh hiệu như danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.

Như những gì đã phân tích, có thể khẳng định việc thăng hạng giáo viên các cấp từ hạng II lên hạng I là rất khó khăn. Cùng với đó, quy định về minh chứng thăng hạng, tôi nghĩ, tới đây sẽ có những cuộc đua đầy căng thẳng về các danh hiệu là điều khó tránh khỏi.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-34-2021-tt-bgddt-213572-d1.html

https://luatvietnam.vn/co-cau-to-chuc/thong-tu-04-2021-tieu-chuan-xep-luong-giao-vien-thpt-cong-lap-198083-d1.html

https://luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Cao Nguyên