Quyết tâm cao đưa Đường dây 500kV Quảng Trạch-Phố Nối đi vào vận hành ngày 30/6

28/01/2024 16:58
Theo Nhandan.vn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- 9 tỉnh có Dự án đi qua đều cam kết với Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh việc bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và các nhà thầu để sớm thi công.

Sáng 28/1, tại thành phố Thanh Hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên). Đồng chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy Dự án Đường dây 500kV Quảng Trạch-Phố Nối. Ảnh: Trần Hải.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy Dự án Đường dây 500kV Quảng Trạch-Phố Nối. Ảnh: Trần Hải.

9 địa phương có Dự án Đường dây 500kV Quảng Trạch-Phố Nối đi qua gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tổng công suất nguồn không thiếu, nhưng vẫn thiếu điện là do điều hành chưa tốt.

Năm nay, Chính phủ rà soát lại công việc, kiện toàn tổ chức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do đó chúng ta cần rút kinh nghiệm những gì chưa làm tốt, những gì khó khăn, thách thức phải tháo gỡ, vượt qua.

Chính phủ thực hiện chức năng nhiệm vụ của Chính phủ; các bộ, ngành thực hiện chức năng của các bộ ngành; các tỉnh, thành phố, tập đoàn, tổng công ty theo chức năng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng lưu ý Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần đi sâu đi sát, nắm rõ tình hình công nhân, người lao động trên các công trường Đường dây 500kV mạch 3 dịp Tết này để có hình thức động viên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đường dây 500kV này đáng lẽ phải triển khai từ lâu, do đó bây giờ phải huy động tổng lực để bù lại sự chậm trễ; phải tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, lấy lại thời gian đã mất trong những năm vừa qua.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu phải tập trung suy nghĩ, đề xuất các giải pháp thúc đẩy tiến độ.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An báo cáo Thủ tướng tại Hội nghị.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An báo cáo Thủ tướng tại Hội nghị.

Thủ tướng nêu lại bài học kinh nghiệm triển khai thi công Đường dây 500kV mạch 1 cách đây mấy chục năm với thời gian kỷ lục, vậy chúng ta cần suy nghĩ trong bối cảnh hiện nay có đầy đủ hơn nhiều các điều kiện về công nghệ, vốn, lực lượng thi công thì phải đẩy nhanh hơn nữa.

Cấp ủy, chính quyền cũng phải vào cuộc vì đây là lợi ích của quốc gia, dân tộc, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, huy động tổng lực vào cuộc.

Thủ tướng nhấn mạnh, qua thị sát, nếu cứ như cách làm hiện nay thì không đạt tiến độ, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Các địa phương phải tích cực vào cuộc vì công trình này không phải của EVN.

Công việc nào của Trung ương thì Trung ương phải làm, địa phương thì địa phương phải làm. Chúng ta phải bàn tìm giải pháp. Tỉnh thì có cấp ủy, chính quyền các cấp.

Chúng ta phải rút kinh nghiệm, không được để xảy ra tình trạng thiếu điện như thời điểm năm 2023, làm mất lòng các nhà đầu tư.

Sau đây, EVN phải đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải làm gì? Trên cơ sở đó, chúng ta thống nhất với tinh thần “Chỉ bàn làm, không bàn lùi” với tinh thần tất cả vì dân, vì nước. Chúng ta cùng thống nhất ý chí, cùng nhau hành động.

Thủ tướng cho biết, ngay sau Tết, Thủ tướng sẽ tiếp tục đi kiểm tra Đường dây 500kV này, tất cả vì mục tiêu tháng 6 này hoàn thành và đưa công trình vào vận hành.

* Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, các Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối có tổng chiều dài khoảng 519km, đi qua địa bàn 211 xã, phường, của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh gồm: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên; tổng số móng cột là 1.179 móng cột, tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng.

Dự án có ý nghĩa rất quan trọng để tăng cường năng lực lưới điện truyền tải 500kV bắc-trung, góp phần bảo đảm cung cấp điện cho miền bắc ngay ở thời điểm hiện tại và trong những năm tới.

Dự án giúp nâng cao ổn định-vận hành hệ thống điện quốc gia, góp phần tăng cường truyền tải điện từ các nguồn điện khu vực Bắc Trung Bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền bắc.

Bên cạnh đó, dự án góp phần giảm bớt nguy cơ đầy và quá tải cho các đường dây 500kV hiện hữu bảo đảm tiêu chí N-1, đặc biệt khi công suất truyền tải cao theo giao diện bắc-trung ở thời điểm các nhà máy thủy điện miền bắc phát thấp.

Với tính chất cấp bách của dự án, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thường xuyên, liên tục, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa, phối hợp chặt chẽ hơn, chủ động giải quyết nhanh nhất các thủ tục, hồ sơ, công việc liên quan đến dự án theo chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm hoàn thành dự án, đưa vào vận hành theo mục tiêu phấn đấu.

Các bộ ngành, địa phương liên quan đã vào cuộc quyết liệt để nhanh chóng triển khai các thủ tục nhằm bảo đảm mục tiêu của Dự án.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị.

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt là tại Công điện số 1412/CĐ-TTg ngày 25/12/2023 chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo trong đó có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Đường dây 500kV mạch 3.

Thời gian qua, EVN, EVNNPT luôn xác định và nhận thức rõ đây là dự án trọng điểm, cấp bách và đã chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương liên quan, sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai Dự án; đồng thời huy động tối đa các nguồn lực, làm việc không kể giờ giấc, xuyên đêm, không có ngày nghỉ... để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án.

Trong công tác đấu thầu, đây là dự án có tới 226 gói thầu chính, trong đó có 93 gói thầu xây lắp.

Để có thể huy động được các nhà thầu, các nhà sản xuất có năng lực tham gia các gói thầu của các dự án, EVNNPT đã lập và duyệt các kế hoạch lựa chọn nhà thầu với giá trị gói thầu phù hợp; các nhà thầu có năng lực đều có thể tham gia đấu thầu với tư cách nhà thầu độc lập hoặc liên danh nhà thầu bảo đảm thực hiện đúng các quy định của nhà nước về công tác đấu thầu.

Đến nay, Dự án Đường dây 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I-Thanh Hóa đã hoàn thành ký hợp đồng tất cả các gói thầu.

Đối với các dự án còn lại, một số gói thầu đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, các gói thầu còn lại đang tiến hành thủ tục lựa chọn nhà thầu và dự kiến hoàn thành toàn bộ trong tháng 1/2024.

EVN, EVNNPT đã chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện dự án; đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án của EVN, EVNNPT; thành lập 4 Ban điều hành và 13 Ban tiền phương tại các tỉnh, thành phố để khẩn trương tổ chức triển khai thi công dự án.

Với tinh thần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để nỗ lực, phấn đấu hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy và lãnh đạo EVN, EVNNPT đã thường xuyên làm việc với cấp ủy và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố, nơi có đường dây đi qua để phối hợp triển khai tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ dự án.

Nỗ lực lớn, quyết tâm cao đưa Đường dây 500kV Quảng Trạch-Phố Nối đi vào vận hành ngày 30/6/2024

Tại phần thảo luận, Thủ tướng yêu cầu địa phương phải có trách nhiệm giải phóng mặt bằng, đường hậu cần; phải phân định rõ cái gì địa phương có thể hỗ trợ, cái gì thì nhà thầu làm.

Chúng ta cần nghiên cứu phương án sử dụng nhân lực, nguyên vật liệu tại chỗ. EVN, EVNNPT cố gắng sử dụng lực lượng tại chỗ.

Tại hội nghị, 9 tỉnh có Dự án đi qua đều cam kết với Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh việc bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và các nhà thầu để sớm thi công.

Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cam kết phấn đấu bàn giao mặt bằng trước Tết. Tỉnh Hải Dương vẫn còn 6 vị trí móng cột chưa bàn giao, cam kết bàn giao trong tháng 2; tích cực phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để làm đường thi công.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho biết, đến ngày 25/1, tỉnh đã bàn giao 66 vị trí móng cột, từ nay đến hết tháng 1, sẽ bàn giao tiếp 26 vị trí, như vậy tổng sẽ bàn giao 92/107 vị trí; trung tuần tháng 2 sẽ bàn giao đủ 107 vị trí.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định cho biết, đến nay tỉnh đã bàn giao 96 vị trí cột. Dự án được nhân dân đồng thuận cao, nhờ đó đã bàn giao cho chủ đầu tư sớm trước tiến độ.

Tỉnh cam kết bàn giao toàn bộ 145 vị trí trước ngày 10/2; phần hành lang tuyến bàn giao trong tháng 3. Tỉnh cũng cam kết phối hợp chặt chẽ EVN, EVNNPT.

Đối với hậu cần thi công, Nam Định tạo điều kiện tối đa, không vướng mắc. Nếu chủ đầu tư giao các phần việc đào đắp, thì địa phương sẵn sàng. Nam Định cam kết thực hiện đúng tiến độ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cho biết, theo kinh nghiệm của tỉnh, cần phải vận động nhân dân vì dù sao, việc xây dựng Đường dây 500kV thì dân chưa thấy ngay lợi ích.

Tỉnh phối hợp chặt chẽ với nhà thầu về các lĩnh vực như bảo đảm an ninh trật tự, hậu cần, nhất là việc này thuộc trách nhiệm của xã. Huyện sẽ tạo thuận lợi tối đa cho các đơn vị thi công.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, Hội đồng nhân dân tỉnh đã họp 2 kỳ họp bất thường để thông qua việc chuyển đổi đất rừng phục vụ dự án. Tỉnh cam kết bảo đảm an ninh trật tự cho quá trình thi công và kể cả lúc vận hành.

Tỉnh hoàn toàn ủng hộ việc địa phương tham gia những công việc không liên quan kỹ thuật của công trình. EVNNPT cần sớm hồ sơ hành lang tuyến để tỉnh làm nhanh bàn giao mặt bằng.

Nghệ An thực hiện nghiêm, phối hợp chặt chẽ với EVN, EVNNPT thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

Tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng. Đối với 202 vị trí móng, đúng là so với các địa phương khác thì chậm. Quá trình bàn giao móng cột liên quan bàn giao mốc, vì chỉ có mốc thì địa phương mới kiểm đếm, tiến hành bồi thường. 171/202 vị trí đã thu hồi.

Nếu từ giờ đến trước Tết, tỉnh nhận được tiền đền bù thì sẽ vận động nhận tạm ứng để bàn giao mặt bằng. Nếu được tạo điều kiện thuận lợi thì tỉnh cam kết bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 2.

Đối với diện tích rừng, tỉnh sẽ họp trước Tết, hoặc muộn nhất là trước rằm tháng Giêng để giải quyết; phần hành lang tuyến trước 31/3 sẽ bàn giao chủ đầu tư.

Tỉnh mong chủ đầu tư bàn giao hồ sơ hành lang tuyến; cần thống nhất chính sách hành lang tuyến giữa các địa phương. Thời gian tới, Nghệ An sẽ đẩy nhanh tiến độ.

Tỉnh Hà Tĩnh nhận lỗi với Thủ tướng Chính phủ vì mới bàn giao được có 27/285 vị trí. Về phần này, tỉnh hứa sẽ tập trung làm quyết liệt.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, nhấn mạnh tính chất quan trọng của công trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Rút kinh nghiệm thiếu điện tháng 5 và 6/2023, Chính phủ, Thủ tướng quan tâm việc đầu tư phát triển điện năng; do đó, chúng ta phải làm những việc cấp bách để bảo đảm không thiếu điện năm 2024 và những năm tiếp theo.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có gặp các nhà đầu tư nước ngoài, họ bày tỏ quan tâm vấn đề bảo đảm điện.

Liên quan một số vấn đề nhận thức, quan điểm của Dự án, Thủ tướng nhấn mạnh đây là dự án trọng điểm quốc gia, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương liên quan có đường dây đi qua, là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị mà chúng ta phải làm bằng được để cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy phải lãnh đạo, chính quyền địa phương phải tổ chức thực hiện, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, người dân phải tham gia.

Đường dây 500kV này đáng lý phải thực hiện từ nhiều năm trước. Vừa qua, chúng ta mới triển khai và khẩn trương thực hiện để bù đắp thời gian đã mất.

Quyết tâm của Chính phủ là hoàn thành công trình trước 30/6/2024, đây là yêu cầu rất cao và áp lực lớn.

Tuy nhiên, càng áp lực lớn thì phải càng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, có trình tự, khoa học.

Ngoài việc triển khai, chúng ta phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức liên quan pháp lý, cơ chế, chính sách, giải phóng mặt bằng; vượt qua những khó khăn về điều kiện tự nhiên như mưa gió, bão lụt, nắng gắt…; phải kịp thời bảo đảm tiến độ; nâng cao chất lượng công trình; bảo đảm không có tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; an toàn lao động, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc; bảo đảm vệ sinh môi trường.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan phải phối hợp chặt chẽ xử lý các vướng mắc; tăng cường phối hợp giữa chủ đầu tư với các địa phương; phải đổi mới cách làm, các địa phương cũng phải vào cuộc cùng bàn, cùng làm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, các đoàn thể tích cực vào cuộc xử lý các vướng mắc ở địa phương.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Công thương giao ban hằng tháng, xử lý công việc, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên; Văn phòng Chính phủ phải tổ chức giao ban trước ngày 28 hằng tháng để kiểm điểm ai làm tốt, ai làm chưa tốt.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang xử lý các vấn đề liên quan rừng, cần phải sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ trước Tết Nguyên đán; tinh thần là đã nói là làm, đã làm phải có kết quả cụ thể.

Về các công việc cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đây là việc của địa phương; chủ đầu tư phải bàn giao hồ sơ vị trí để xác định rõ công tác giải phóng mặt bằng, xác định rõ thời gian hoàn thành.

Về công tác hậu cầu, hành lang tuyến, chủ đầu tư cũng phải cho địa phương các thông tin cần thiết.

Với việc đào hố, xây dựng móng, các đơn vị phải làm theo thiết kế, huy động lực lượng tại chỗ để làm việc này, kể cả cung cấp nguyên vật liệu, qua đó, đồng thời tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Theo Thủ tướng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương đều có thể làm được theo thiết kế, chỉ đạo của chủ đầu tư; miễn là không để xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng…

Về vấn đề xây dựng cột, Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp nào ở địa phương có thể làm được thì chủ đầu tư hướng dẫn, qua đó góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp của địa phương.

Về vấn đề kéo dây, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải chủ trì; đề nghị các địa phương nghiên cứu nếu có các khu công nghiệp, khu dịch vụ, khu đô thị chúng ta phải làm sẵn các trạm biến áp dự phòng phù hợp để khi nhu cầu tăng thì có thể sử dụng được ngay.

Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng kế hoạch, tiến độ cho từng tỉnh để lãnh đạo tỉnh tham gia chỉ đạo, lãnh đạo, kêu gọi hệ thống chính trị vào cuộc.

Làm tốt công tác tuyên truyền vì đây là lợi ích lâu dài, lợi ích chung của đất nước và cả địa phương, của từng người dân; lực lượng công an các cấp phải tăng cường bảo đảm an ninh trật tự phục vụ thi công công trình.

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, chủ đầu tư, địa phương phải quan tâm người lao động, công nhân thi công trên công trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán; động viên tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “3 ca, 4 kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Về nguyên vật liệu cát, đá, sỏi, xi-măng, Bộ Xây dựng nỗ lực quản lý giá cả, đáp ứng kịp thời; địa phương cũng phải vào cuộc trong bảo đảm nguyên vật liệu. Những cái gì ai làm tốt hơn thì giao cho người đó, cái gì địa phương làm được và làm tốt hơn thì giao địa phương.

Đây mới là tinh thần cả hệ thống chính trị vào cuộc vì việc này liên quan cả hệ thống chính trị, người dân. Việc giải ngân cho công trình cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Thủ tướng nêu rõ, qua việc này, chúng ta rút kinh nghiệm là trước đây, chưa thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước; hiện nay, với công trình này, nếu quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt thì sẽ làm được.

Chúng ta đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện, đã là chủ trương của Đảng, Nhà nước thì phải thực hiện nghiêm túc.

Theo Thủ tướng, nếu để thiếu điện sẽ thiệt hại rất lớn, ảnh hưởng uy tín quốc gia; phải chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong việc này; quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, làm việc nào dứt việc đó.

Thủ tướng biểu dương sáng kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng với ngành điện phát động phong trào thi đua từ nay đến ngày 30/6 chào mừng các ngày kỷ niệm lớn 30/4, 7/5; thực hiện khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; quyết tâm thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; vệ sinh môi trường, không để xảy ra sự cố đáng tiếc.

Chúng ta đã nhất trí cao rồi thì phải hành động quyết liệt, khẩn trương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, từng ngành, địa phương, từng đơn vị, cơ quan.

Theo Nhandan.vn