Những ngày qua dư luận trong nước và quốc tế lại tiếp tục lên tiếng phản đối hành động đâm chìm tàu cá Việt Nam của Trung Quốc. Cụ thể ngày 26/5 khi đang khai thác trên ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng bất ngờ bị tàu cá Trung Quốc số 11209 cố tình lao thẳng tới đâm chính diện. Hậu quả dẫn đến tàu cá ngư dân Việt Nam bị chìm rất may ngư dân đã kịp nhảy khỏi thuyền và được cứu hộ kịp thời.
Đặt vấn đề hỗ trợ ngư dân tiếp tục ra khơi sau hành động phá hoại của Trung Quốc, đồng thời vạch trần bộ mặt thật của các tàu đang đội lốt tàu cá ngư dân của các lực lượng Trung Quốc, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Võ Văn Trác – Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề Cá Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản).
Hình ảnh tàu cá Việt Nam bị đâm chìm (ảnh minh họa) |
5 biện pháp hộ trợ ngư dân ra khơi
Ngang nhiên đánh bắt thủy hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, tàu cá Trung Quốc cố tính đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, ông đánh giá gì về hành động này của Trung Quốc?
PGS.TS Võ Văn Trác: Phải khẳng định đây là hành động sai phạm, ngang ngược của tàu cá Trung Quốc. Hành động này của Trung Quốc nhằm phá hoại tài sản của ngư dân Việt Nam, mục đích làm nhụt ý chí của ngư dân đang khai thác trên vùng ngư trường thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
PGS.TS Võ Văn Trác – Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề Cá Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản) |
Hành động của tàu cá Trung Quốc vừa ăn cắp trắng trợn nguồn tài nguyên thủy hải sản, vừa phá hoại tài sản ngư dân Việt Nam. Trung Quốc phải chịu trách nhiệm bồi thường hư hại gây ra cho ngư dân Việt Nam, Hội nghề cá Việt Nam đã có văn bản kịch liệt phản đối hành động này của Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc tiếp tục có hành động phá hoại tàu cá ngư dân, chúng ta phải làm gì để bảo vệ ngư dân thưa ông?
PGS.TS Võ Văn Trác: Các biện pháp bảo vệ ngư dân đã và đang thực hiện. Tuy nhiên theo tôi, trong thời gian tới, chính quyền các địa phương cần thực hiện mạnh hơn các biện pháp sau: Thứ nhất, tuyên truyền cho ngư dân hiểu và nắm chắc quy định luật pháp như công ước Luật Biển quốc tế 1982, để biết mình được làm gì, không được làm gì, tránh việc Trung Quốc “vừa ăn cắp vừa la làng”.
Thứ hai, vận động ngư dân tổ chức đi thành đội hình để bảo vệ nhau, hỗ trợ nhau khi chống lại những hành động gây hấn của tàu Trung Quốc. Tránh đi từng tàu đơn lẻ, dễ bị tàu Trung Quốc vây hãm, phá hoại.
Thứ ba, các lực lượng chức năng như kiểm ngư, cảnh sát biển luôn phải sẵn sàng hỗ trợ bảo vệ ngư dân.
Thứ tư, Chính phủ, Nhà nước cũng như dư luận trong nước phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa phê phán hành động phá hoại tàu ngư dân của Trung Quốc, yêu cầu nước này phải bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam, ở đây tiếng nói của phương tiên thông tin đại chúng, tiếng nói dư luận rất quan trọng.
Cuối cùng, để hỗ trợ cho ngư dân yên tâm ra khơi, vừa đảm bảo cuộc sống và gián tiếp thể hiện chủ quyền Việt Nam trên biển Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho ngư dân như vốn giúp ngư dân sửa chữa tàu thiệt hại, đóng mới tàu có trọng tải lớn để ra khơi. Ngoài nguồn tiền từ ngân sách, nên huy động nguồn vốn từ xã hội hóa.
Bên cạnh đó, với ngư dân bị thương hoặc tử nạn, mất tích do tàu Trung Quốc gây ra chính quyền các địa phương phải tham gia giúp đỡ cứu chữa ngư dân bị trương, hỗ trợ gia đình ngư dân có người bị tử nạn, giúp mai táng, tìm kiếm...
Tàu Trung Quốc "đội lốt" tàu cá để phá hoại?
Có ý kiến cho rằng việc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam là chủ định của Trung Quốc được ngụy trang dưới tàu cá, ông đánh giá như thế nào về nhận định này?
PGS.TS Võ Văn Trác: Hiện nay chưa có bằng chứng cụ thể nên chưa thể khẳng định, tuy nhiên, theo nhận định trong số các tàu cá của Trung Quốc có tàu đánh cá thật của ngư dân nhưng cũng có tàu của các lực lượng đội lốt tàu đánh cá nhằm mục đích phá hoại tài sản của ngư dân Việt Nam.
Thực chất ngư dân Trung Quốc cũng như ngư dân Việt Nam do hoàn cảnh họ phải lênh đênh trên biển kiếm sống. Việc ngư dân Trung Quốc đánh bắt thủy hải sản trái phép trên ngư trường Việt Nam lỗi thuộc về nhà cầm quyền Trung Quốc khi họ đưa luận điệu xuyên tạc về đường lưỡi bò, thậm chí trong đó có cả việc Trung Quốc xúi giục ngư dân ra khai thác thủy hải sản trái phép trên vùng ngư trường thuộc chủ quyền Việt Nam.
Nói như vậy để chúng ta hiểu ngư dân Trung Quốc cũng có người xấu người tốt, đâu đó ngư dân Trung Quốc cũng bị nhà cầm quyền nước này đánh lừa bằng luận điệu sai trái.
Sau việc diễu hành hòa bình phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển Việt Nam, Hội nghề Cá Việt Nam dự định tổ chức các hoạt động nào khác không, thưa ông?
PGS.TS Võ Văn Trác: Sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển thềm lục địa Việt Nam vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam, Hội nghề Cá Việt Nam đã tổ chức diễu hành ôn hòa phản đối hành động của Trung Quốc, cuộc diễu hành nhận được sự ủng hộ lớn của dư luận cả nước.
Hiện nay Hội nghề Cá cũng đang tiếp tục thực hiện các biện pháp để phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông như kết hợp với Hội đánh cá Đông Nam Á, Hội nghề cá các nước có biển trong khối ASEAN liên kết cùng phản đối hành động của tàu cá Trung Quốc và tàu quân sự Trung Quốc trên vùng Biển Đông.
Xin cảm ơn ông!