Ngày 19/3/2024, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo các đơn vị thành viên Tập đoàn về hoạt động sản xuất, kinh doanh tháng 2 và 2 tháng đầu năm, dự kiến quý I năm 2024, đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Lê Mạnh Hùng dự và phát biểu chỉ đạo.
Trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn cầu tháng 2 đạt 50,3 điểm, tăng 0,3 điểm so với tháng 1.
Trong nước, chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 2 tăng 0,1 điểm so với tháng 1, đạt 50,4 điểm, và là tháng thứ 2 liên tiếp đạt trên 50 điểm.
Tuy nhiên, những rủi ro về kinh tế vĩ mô, thị trường tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là lạm phát có dấu hiệu quay trở lại, nợ công toàn cầu tăng mạnh, trong nước tăng trưởng tín dụng thấp, tỷ giá biến động bất lợi (trong 2 tháng đầu năm, tỷ giá VNĐ/USD bình quân tăng 3,9% so với cùng kỳ)…; cùng với đó là các rủi ro do căng thẳng địa chính trị, hệ lụy từ các lệnh trừng phạt, kinh tế toàn cầu phân cực, quy tắc thương mại đa phương bị đe dọa.
Về mặt thị trường, mặc dù giá dầu thô tháng 2 có mức tăng nhẹ so với tháng 1 nhưng vẫn thấp hơn 3,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Chỉ số giá nhiều mặt hàng sản xuất khác của Petrovietnam giảm và không ổn định: Giá khí đốt giảm mạnh, chạm đáy trong tháng 2/2024 và tiếp tục duy trì ở mức thấp trong nửa đầu tháng 3; giá phân bón bấp bênh (giảm 10% so với cùng kỳ); biên lợi nhuận lọc hóa dầu giảm 15%; cơ chế giá điện đang trong quá trình dự thảo, trình xem xét thay đổi; giá than giảm mạnh (giá than thế giới trong tháng 2/2024 giảm đến 25% so với trung bình tháng 1/2024) ảnh hưởng đến việc tiêu thụ khí cho điện cũng như sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh đó, huy động khí và điện tiếp tục ở mức thấp, nhiều nhà máy điện khí gần như không được huy động, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.
Trong tình hình đó, toàn Tập đoàn bám sát các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch được cấp trên giao và Quyết định 529/QĐ-DKVN của Hội đồng thành viên Tập đoàn ngày 15/02/2024 về Giao mục tiêu, giải pháp triển khai nhiệm vụ kế hoạch quản trị năm 2024 (Kế hoạch 529); theo dõi chặt diễn biến thị trường: tài chính, các sản phẩm năng lượng để có các giải pháp quản trị, điều hành liên thông từ khai thác đến vận chuyển, chế biến; từ tồn kho đến sản xuất và tổ chức kinh doanh; công tác đảm bảo an ninh, an toàn sản xuất tại tất cả các đơn vị/công trình/nhà máy/giàn khoan đều thực hiện nghiêm túc, thông suốt... nhờ đó các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn tháng 2/2024 đều hoàn thành vượt mức từ 3- 37% so với kế hoạch.
Tính chung 2 tháng đầu năm, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch 2 tháng từ 5 - 30%, nổi bật là: khai thác dầu đạt 1,66 triệu tấn, vượt 19% kế hoạch; khai thác khí đạt 1,07 tỷ m3, vượt 30% kế hoạch (nhưng chỉ bằng 87% so với khả năng cung cấp của Tập đoàn); đạm đạt 314 nghìn tấn, vượt 6% kế hoạch, LPG đạt 143 nghìn tấn, vượt 6,8% kế hoạch; xăng dầu (bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 2,67 triệu tấn, vượt 8,3% kế hoạch; Polypropylen đạt 29,2 nghìn tấn, vượt 14% kế hoạch.
Đặc biệt, có 6 chỉ tiêu sản xuất thực hiện 2 tháng đầu năm tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023, đó là: xăng dầu tăng 23,5%; sản xuất điện tăng 11%; LPG tăng 6,7%; Sản xuất đạm tăng 2,1%; Polypropylen tăng 8,5%; NPK tăng 2,6 lần, góp phần ổn định thị trường và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
Nổi bật, xuất khẩu phân bón của PVFCCo trong 2 tháng đầu năm đã đạt tương đương so với mức của cả năm 2023.
Phân bón Cà Mau chính thức xâm nhập sản phẩm vào hai thị trường phân bón khó tính của thế giới là Úc, New Zealand, đồng thời tiếp tục chinh phục chất lượng từ thị trường đã có của Châu Mỹ.
PV GAS chính thức triển khai cung cấp LNG cho khách hàng công nghiệp từ ngày 15/3/2024.
Trong thời gian bảo dưỡng tổng thể Nhà máy lọc dầu Dung Quất, BSR vẫn tiếp tục xuất hàng ra thị trường thông qua việc pha chế sản phẩm trên cơ sở các cấu tử, sản phẩm trung gian còn lại tại nhà máy cũng như hợp tác với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn…
Nhờ thực hiện tốt công tác quản trị biến động nên mặc dù giá các sản phẩm chủ lực của Tập đoàn 2 tháng đầu năm 2024 giảm từ 3 - 15% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng tất cả các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức từ 18 - 48% kế hoạch, tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 149,6 nghìn tỷ đồng, vượt 28%, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023; Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 20,6 nghìn tỷ đồng, vượt 18%, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Cùng với đó, công tác đầu tư được Tập đoàn triển khai tích cực, giá trị thực hiện đầu tư toàn Tập đoàn 2 tháng đạt 3,14 nghìn tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Petrovietnam tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư: Đối với Chuỗi dự án Khí điện Lô B - Ô Môn, tích cực đàm phán các thỏa thuận thương mại với các Bên liên quan, với mục tiêu có FID trong tháng 4/2024 theo kế hoạch.
Tiến độ tổng thể dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4 đến ngày 29/02/2024 đạt 80,2%, hiện tại đang tích cực triển khai, đảm bảo đưa Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 vào vận hành thương mại trong tháng 12/2024, Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 vào tháng 6/2025.
Tại buổi giao ban, bên cạnh thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh 2 tháng đầu năm 2024, lãnh đạo Petrovietnam và các đơn vị thành viên đã tập trung thảo luận, đánh giá và đưa ra các dự báo về tình hình thị trường trong tháng 3 cũng như các tháng còn lại của năm; từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến các hoạt động, cũng như chủ động tận dụng các cơ hội thị trường.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Lê Mạnh Hùng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả Petrovietnam đã đạt được trong 2 tháng đầu năm 2024.
Nhận định những khó khăn, thách thức mà Petrovietnam phải đối diện thời gian tới là rất lớn, đang có dấu hiệu gia tăng, Chủ tịch Tập đoàn đề nghị, Ban điều hành và người đại diện Tập đoàn tại các đơn vị tiếp tục quán triệt mục tiêu kế hoạch quản trị với tinh thần đồng bộ, đồng hành, toàn diện, liên tục, hướng đích, từng bước theo tháng, theo quý hoàn thành kế hoạch quản trị của Tập đoàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ thời gian tới như: tập trung thúc đẩy hoàn thiện chiến lược, thể chế, cơ chế, chính sách cho sự phát triển của ngành; theo dõi các rủi ro về kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính để có giải pháp ứng phó; tập trung công tác đầu tư, bám sát tiến độ, xử lý các vướng mắc tại các dự án trọng điểm như Lô B, Nhơn Trạch 3 và 4; thúc đẩy các dự án tạo ra các động lực tăng trưởng mới cho Tập đoàn trong tương lai như dự án tại Long Sơn và Vũng Áng; xử lý triệt để vướng mắc tại các dự án, công trình khó khăn như tái cấu trúc DQS, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn…
Kết luận buổi làm việc, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn đánh giá, doanh thu và nộp ngân sách toàn Tập đoàn trong 2 tháng đầu năm đạt mục tiêu kế hoạch quản trị đề ra và tăng trưởng so với cùng kỳ là điểm sáng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.
Petrovietnam đạt được kết quả đó trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động bất lợi, đó là sản lượng khai thác dầu, khí, đạt thấp hơn so với kế hoạch do đà suy giảm tự nhiên lớn; tiêu thụ khí và điện khí khó khăn, các cơ chế chính sách về giá, cước phí, bao tiêu, huy động… trong lĩnh vực khí, điện còn nhiều vướng mắc.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tích cực triển khai các giải pháp, duy trì công tác quản trị để thực hiện thành công Kế hoạch 529, nỗ lực hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của tháng 3, quý I/2024 và các tháng tiếp theo; bám sát, phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng liên quan và tập trung chỉ đạo để thúc đẩy hoàn thiện các văn bản pháp quy, trước mắt là tập trung thúc đẩy các cơ chế, chính sách liên quan đến LNG, khí, điện, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cho sự phát triển xuyên suốt chuỗi hoạt động của Tập đoàn từ thăm dò khai thác đến sản xuất, tiêu thụ; tiếp tục tối ưu hoạt động khai thác, áp dụng các giải pháp hạn chế đà suy giảm sản lượng tự nhiên, cùng với việc thúc đẩy công tác đầu tư, phát triển mỏ để đảm bảo sản lượng khai thác dầu khí; tập trung nguồn lực, bám sát tiến độ các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án Lô B; tích cực chuẩn bị các công tác liên quan đến đại hội đồng cổ đông thường niên tại các đơn vị thành viên;....
Chủ trì cuộc họp giao ban đầu tiên với lãnh đạo các đơn vị, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn mong muốn và tin tưởng với tinh thần “Một đội ngũ – Một mục tiêu”, toàn Tập đoàn sẽ đoàn kết một lòng, cùng nhau thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao.