Phát huy chuỗi liên kết - động lực tăng trưởng mới của Petrovietnam

23/02/2024 14:41
Vương Nghị
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Có thể nói, các lĩnh vực hoạt động của Petrovietnam từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn có mối liên kết tự nhiên rất lớn.

Trong những năm qua, việc đẩy mạnh triển khai chuỗi liên kết giá trị, liên kết các nguồn lực, phát triển hệ sinh thái nội bộ đã giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tăng khả năng ứng phó với tác động tiêu cực từ bên ngoài, biến thách thức thành cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, thật sự trở thành động lực tăng trưởng mới của Tập đoàn.

Có thể nói, các lĩnh vực hoạt động của Petrovietnam từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn có mối liên kết tự nhiên rất lớn. Tuy nhiên, để định hình, kết nối và khai thác hiệu quả chuỗi giá trị này, cũng như hình thành những mối liên kết mới để gia tăng giá trị thì mới thật sự được Petrovietnam đưa vào trong quản trị, điều hành từ năm 2020 đến nay.

A1 (2).jpg
Petrovietnam tăng cường quản trị, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi.

Trên cơ sở ý tưởng, định hướng, chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, việc triển khai các chuỗi giá trị được quyết liệt thực hiện một cách bài bản và hệ thống trong Tập đoàn qua việc khảo sát, đánh giá, hệ thống tổng thể các nguồn lực, tài sản trong từng lĩnh vực, xác định điểm mạnh, lợi thế cạnh tranh, xây dựng danh mục sản phẩm, dịch vụ chiến lược...; từ đó đưa ra định hướng, kế hoạch, lựa chọn được những chuỗi có tính khả thi và hiệu quả cao để tập trung nguồn lực tổ chức triển khai và đưa vào vận hành.

Song song với đó là việc đổi mới công tác quản trị, điều hành tập trung theo khối để tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ, gợi mở các cơ hội liên kết, hợp tác trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, giúp phát huy các thế mạnh của từng đơn vị, gia tăng tỷ trọng tham gia trong chuỗi giá trị dầu khí, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí khi tận dụng được thế mạnh, nguồn lực có sẵn của nhau, nâng cao hiệu quả của toàn hệ sinh thái Petrovietnam.

Từ đó, các chuỗi giá trị của Petrovietnam dần được hình thành và không ngừng phát triển: Chuỗi sản xuất; chuỗi dịch vụ; chuỗi kinh doanh phát triển thị trường (trong và ngoài nước); chuỗi liên kết đầu tư (cảng dịch vụ, cho thuê kho chứa…); chuỗi tổng hợp (đầu tư, kinh doanh dịch vụ)… giúp tối ưu hóa nguồn lực, cũng như mô hình quản trị.

A2 (2).jpg
Ký kết thỏa thuận hợp tác về việc triển khai các chuỗi liên kết cung cấp dầu thô, pha chế, mở rộng thị trường và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu trong và ngoài nước giữa BSR và PVOIL.

Đến nay, toàn Tập đoàn đã có trên 30 chuỗi liên kết sản xuất, liên kết đầu tư được danh mục hóa. Trong đó, nhiều chuỗi đã hình thành và đi vào hoạt động có kết quả, gắn với hoạt động thường xuyên của đơn vị, cùng nhiều chuỗi khả thi đang được đề xuất, nghiên cứu và tiến hành triển khai.

Có thể kể đến như chuỗi hợp tác BCC sản xuất xăng nền RON91, DO sản phẩm đáy giữa PV GAS và PVOIL được triển khai hiệu quả từ tháng 2/2021 đến nay, góp phần đem lại lợi nhuận, nâng cao hiệu quả hoạt động của hai đơn vị; chuỗi năng lượng tái tạo giữa PV Power và PVFCCo, PVCFC với việc hợp tác lắp đặt điện mặt trời mái nhà; BSR hợp tác với PVOIL trong cung cấp dầu thô, pha chế, mở rộng thị trường và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu trong và ngoài nước; BSR hợp tác với PVTrans trong công tác vận chuyển dầu thô; hợp tác giữa PVD và PTSC cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực E&P…

A3 (2).jpg
Khảo sát chân đế tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Nguyễn Trường Sơn

Bên cạnh đó, nhiều dự án nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm đã và đang được nghiên cứu triển khai như: DA sản xuất filler masterbatch/compound; tách olefin ra khỏi LPG; sản xuất nước ôxy già, sản xuất melamin; chuỗi cảng dịch vụ - khí - điện; nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị liên kết trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng phi truyền thống/sạch; thiết lập chuỗi cung ứng nội địa nhằm cung cấp dịch vụ cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi…

Phát triển chuỗi liên kết giá trị trong hệ sinh thái Petrovietnam góp phần tích cực cho các đơn vị thành viên cùng nhau nghiên cứu các giải pháp nhằm tối đa nguồn lực, đổi mới sáng tạo để phát triển các sản phẩm mới.

Trong đó nổi bật: BSR đã nghiên cứu, sản xuất và xuất bán thành công 3 sản phẩm mới: BOPP, RFCC Naphtha, MixC4 và tối đa chỉ số RON để tăng sản lượng xăng Mogas 95; PVChem phát triển các sản phẩm hóa chất, hóa dầu có giá trị cao, thân thiện với môi trường như sản xuất PP Filler Masterbatch/Compound từ bột PP.

Việc liên kết trong các chuỗi giá trị đã giúp doanh nghiệp tận dụng được nguồn lực sẵn có, giảm chi phí đào tạo, đầu tư và cũng tạo ra lực kéo cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong chuỗi.

Gần đây nhất có thể kể đến những động lực đến từ chuỗi cung ứng nội địa nhằm cung cấp dịch vụ cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Chuỗi cung ứng này không chỉ giúp cho PTSC có sự chuyển dịch mạnh mẽ, đầy tiềm năng, mà còn là lực kéo giúp cho nhiều đơn vị trong Tập đoàn với các năng lực đáp ứng tham gia vào chuỗi, đặc biệt là các đơn vị khó khăn chuyển mình vươn lên khi tham gia chuỗi giá trị.

A4 (1).jpg
Nhập dầu thô tại phao SPM - nguyên liệu đầu vào cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Việc phát triển thị trường trong và ngoài nước của các đơn vị Tập đoàn cũng có những bước tiến vượt bậc từ định hướng đi trước mở đường của Công ty mẹ Tập đoàn, cũng như tận dụng nguồn lực đã đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm thị trường của các đơn vị đi trước với các đơn vị đi sau trên cùng một thị trường.

Không chỉ giúp nâng cao tầm vóc, năng lực cạnh tranh, việc phát triển theo các chuỗi giá trị còn giúp Petrovietnam tăng cường sức chống đỡ trước những khó khăn, biến động của thị trường trong bối cảnh thế giới biến động khó lường.

Thực tế, các chuỗi giá trị đã giúp Petrovietnam vững vàng vượt qua khó khăn, khủng hoảng lớn của biến động thị trường, cũng như góp phần ổn định vĩ mô, an ninh năng lượng của đất nước như: khủng hoảng giá dầu, ngành dầu khí toàn cầu đối mặt với việc quá tải các hệ thống tồn chứa, giá dầu xuống mức âm (năm 2020); khủng hoảng đại dịch Covid-19 lan rộng và giá dầu giảm sâu (năm 2021); tình hình thiếu hụt xăng dầu (năm 2022); tình trạng thiếu điện cho sản xuất và đời sống trong mùa khô năm 2023…

Mà trong các tình huống, giai đoạn cấp bách này, đều cần sự điều phối, kết hợp của các đơn vị trong chuỗi từ sản xuất, vận hành, vận chuyển, tồn chứa… đến cung ứng ra thị trường.

Với tầm nhìn trong một hệ sinh thái, cũng giúp Petrovietnam phát triển các động lực tăng trưởng mới để bù đắp cho những lĩnh vực, đơn vị gặp nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất kinh doanh do các yếu tố khách quan của thị trường ở từng thời điểm.

A5 (1).JPG
Tàu dịch vụ của PTSC.

Liên tiếp các năm từ 2020 đến nay, Petrovietnam đã lập những thành tích vượt khó ngoạn mục, tăng trưởng, thiết lập những kỷ lục mới về sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu, biến động lớn của thị trường năng lượng, đồng thời nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu Tập đoàn.

Trong đó, năm 2023, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 942,8 nghìn tỉ đồng, vượt 39% kế hoạch năm, cao hơn 11,6 nghìn tỉ đồng so với kỷ lục năm 2022 Tập đoàn thiết lập (931,2 nghìn tỉ đồng), tương đương 9,2% GDP cả nước.

Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 151,8 nghìn tỉ đồng, vượt 94% kế hoạch năm, chiếm khoảng 9,4% tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023…

Một trong các giải pháp làm nên những kết quả này là đóng góp của việc phát huy chuỗi giá trị trong toàn hệ thống.

Những kết quả rất cụ thể, thiết thực đạt được là minh chứng rõ nét cho thành công của một giải pháp quản trị sáng tạo được triển khai vào trong thực tế, trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng cho Petrovietnam trong những năm vừa qua và sẽ còn tiếp tục trong hành trình chuyển dịch để xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực.

Để bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững, gia tăng giá trị thương hiệu, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Petrovietnam tiếp tục tập trung đẩy mạnh chuỗi liên kết giá trị giữa các đơn vị trong Tập đoàn; củng cố các chuỗi liên kết giá trị đã hoạt động có hiệu quả và gia tăng, thiết lập thêm các chuỗi liên kết mới đưa vào hoạt động.

Vương Nghị