HS không cần tham gia nhiều kỳ thi nếu đề thi tốt nghiệp đánh giá năng lực tốt

08/01/2025 06:29
Diệp Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ tình huống thật trong đời sống, yêu cầu thí sinh phải vận dụng được kiến thức vào thực tế.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, với điểm nổi bật là chuyển trọng tâm từ việc kiểm tra kiến thức và kỹ năng sang đánh giá năng lực thực tiễn của người học.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Theo đó sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.

Đề thi tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa học và hành

Thông tin với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Ngọc Phương, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Gia Bình số 1 (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) cho biết: “Tôi đáng giá cao việc đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn của học sinh. Đây là một hướng đi rất đúng đắn và phù hợp với tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Thầy Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh, chương trình giáo dục phổ thông 2018 không chỉ chú trọng đến việc học kiến thức mà còn nhằm phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, khuyến khích các em áp dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống. Việc đề thi thay đổi theo hướng như vậy sẽ giúp học sinh không chỉ có kiến thức mà còn phát triển được khả năng giải quyết các vấn đề trong đời sống. Điều này tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa học và hành.

329161603_2332677263577486_1271050021218502275_n.jpg
Thầy Nguyễn Ngọc Phương, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Gia Bình số 1, Bắc Ninh. (Ảnh: website nhà trường)

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 phân bố tỉ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy biết, hiểu, vận dụng là 4 : 3 : 3. Có thể thấy, với tỉ lệ biết và hiểu khoảng 70% sẽ nghiêng về mục đích phục vụ thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông trong khi tỉ lệ hiểu và vận dụng khoảng 60% sẽ có tác dụng phân hóa tốt phục vụ mục đích tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.

Thầy Phương cho rằng, mặc dù tỷ lệ câu hỏi vẫn tương đương như đề thi của chương trình giáo dục phổ thông 2006, nhưng cách thức xử lý bài làm và yêu cầu đối với học sinh đã có sự thay đổi lớn. Đặc biệt hơn, với các câu hỏi ở các mức độ nhận biết và thông hiểu, không chỉ đơn giản là những câu hỏi nhận biết kiến thức đơn thuần mà phần nào đó đan xen cả kiến thức thực tiễn.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Gia Bình số 1, đề thi được phân bổ tỉ lệ như vậy sẽ giúp phân hóa học sinh rõ rệt hơn, bởi những câu hỏi trong đề thi không còn đơn thuần là kiểm tra kiến thức mà còn yêu cầu các em có khả năng áp dụng vào giải quyết các tình huống thực tế.

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phù Lưu (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ, việc chuyển trọng tâm đề thi từ việc kiểm tra kiến thức thuần túy sang việc đánh giá khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn là điều cần thiết.

Theo thầy Hải, nếu học sinh chỉ học để thi mà không áp dụng được kiến thức vào cuộc sống thì quá trình học tập sẽ trở nên thiếu hiệu quả. Với sự đổi mới của đề thi, học sinh sẽ không chỉ học những kiến thức cơ bản mà còn có cơ hội rèn luyện và phát triển tư duy sáng tạo cũng như khả năng giải quyết vấn đề thực tế, từ đó phát huy tối đa năng lực của các em.

Một số ý kiến cho rằng, đề thi hướng đến việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn sẽ một phần nhằm hướng đến việc giảm các kỳ thi riêng, chỉ tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Từ đó, học sinh sẽ giảm bớt áp lực thi cử cũng như tiết kiệm chi phí.

Nêu quan điểm về vấn đề này, thầy Hải cho hay, việc giảm thiểu áp lực cho học sinh và phụ huynh là điều quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Nếu đề thi tập trung vào đánh giá khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, học sinh sẽ không phải đối mặt với quá nhiều kỳ thi, giúp giảm tải áp lực và tạo điều kiện cho các em tập trung vào việc phát triển bản thân nhiều hơn. Đây là một hướng đi hợp lý với thực tiễn.

1735638676.png
Thầy Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phù Lưu, Tuyên Quang. (Ảnh: website nhà trường)

Với sự phân bổ tỷ lệ câu hỏi trong đề thi, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phù Lưu cho rằng điều đó giúp học sinh sẽ có cơ hội phát triển toàn diện hơn cả khả năng tư duy phản biện và sáng tạo.

Sự thay đổi này sẽ giúp phân hóa học sinh rõ rệt, đặc biệt là đối với những học sinh có khả năng vận dụng kiến thức tốt hơn. Từ đó, việc tuyển sinh vào các trường đại học sẽ hiệu quả hơn.

Bàn về nội dung và cấu trúc của đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 2025, thầy Nguyễn Anh Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tử Đà (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Đề thi từ năm 2025 được thay đổi như vậy sẽ phù hợp với mục tiêu và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thông qua đó, kết quả thi chính là căn cứ để đánh giá các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện dạy và học có đảm bảo bám sát mục tiêu, yêu cầu cần đạt hay không”.

Đối với việc phân bố tỷ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy biết, hiểu, vận dụng là 4 : 3 : 3, thầy Hùng cho rằng, sự thay đổi này sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện hơn và các câu hỏi trong đề thi được chia theo tỷ lệ như vậy sẽ giúp phân hóa học sinh rõ rệt hơn giữa các em nghiêng về mục đích tốt nghiệp và các em sử dụng kết quả thi phục vụ mục đích vào đại học.

Chuyển đổi phương pháp dạy học và ôn luyện để phù hợp với đề thi mới

Trong bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ không chỉ đánh giá kiến thức mà còn chú trọng năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn, các trường trung học phổ thông đã chủ động đổi mới trong công tác ôn luyện để giúp học sinh dễ dàng tiếp cận và giải quyết các tình huống trong đề thi.

Thầy Nguyễn Anh Hùng thông tin, Trường Trung học phổ thông Tử Đà đã tiến hành chỉ đạo chuyên môn ngay từ khâu xây dựng kế hoạch giáo dục, từ cấp trường đến tổ, nhóm môn, đảm bảo rằng kế hoạch dạy học của giáo viên luôn bám sát chuẩn kiến thức và năng lực của từng môn học, bài học, tiết học. Cùng với đó, công tác kiểm tra đánh giá cũng được đổi mới toàn diện, từ việc ra đề đến cách thức chấm điểm, sao cho phù hợp với ma trận đề thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.

Ngoài ra, để giúp học sinh phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế, nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động nâng cao chất lượng dạy và học của cả giáo viên và học sinh. Các hình thức đổi mới phương pháp giảng dạy được áp dụng qua các hội thi giáo viên giỏi cấp trường, các đợt hội giảng thường xuyên và việc đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn theo mô hình nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh.

Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các chương trình trải nghiệm và hướng nghiệp để học sinh có thể tự tin hơn trong việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

471292766_1329379231806556_6001934779794899126_n.jpg
Thầy Nguyễn Anh Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tử Đà, Phú Thọ. (Ảnh: website nhà trường)

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tử Đà cũng nhấn mạnh rằng, không chỉ có sự nỗ lực từ phía nhà trường và thầy cô mà học sinh cũng cần phải tích cực, chủ động trong việc học tập, nâng cao nhận thức về mục tiêu đổi mới giáo dục. Điều quan trọng là mỗi học sinh phải tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực, thích ứng với những đổi mới căn bản và toàn diện trong chương trình giáo dục.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Gia Bình số 1 cho biết, trường đã chủ động điều chỉnh phương thức dạy học ngay từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo. Theo đó, giáo viên hướng dẫn học sinh tiếp cận các vấn đề thực tiễn trong từng môn học, tích hợp các tình huống thực tế vào bài giảng để học sinh có thể thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và ứng dụng trong cuộc sống.

2024_11_21_09_22_551.jpg
Một tiết học của học sinh Trường Trung học phổ thông Gia Bình số 1. (Ảnh: website nhà trường)

Ngoài việc ôn tập kiến thức chính khóa và ra đề kiểm tra bám sát với cấu trúc và tinh thần của đề thi mới, nhà trường cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các buổi học tình huống để học sinh có cơ hội trải nghiệm và thực hành kỹ năng giải quyết vấn đề. Đặc biệt, trường chú trọng đến việc hướng dẫn học sinh làm quen với các dạng câu hỏi ứng dụng thực tế, giúp các em dễ dàng tiếp cận và giải quyết các tình huống trong kỳ thi.

Bàn về công tác giảng dạy hiện nay, thầy Trần Thanh Hải chia sẻ rằng, ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố các định hướng về đề thi, nhà trường đã chủ động điều chỉnh phương pháp giảng dạy. Các thầy cô giáo được chỉ đạo thường xuyên đưa ra các bài tập và tình huống mang tính ứng dụng thực tiễn, giúp học sinh hiểu cách vận dụng kiến thức vào đời sống.

Để phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, Trường Trung học phổ thông Phù Lưu đã triển khai các buổi thảo luận nhóm, hoạt động ngoại khóa và các dự án học tập, Trong đó, học sinh phải tự nghiên cứu, phân tích các vấn đề thực tế, đưa ra giải pháp và thảo luận với bạn bè.

Thầy Hải nhận định, những hoạt động này giúp học sinh rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo và phản biện, đồng thời nâng cao khả năng ứng dụng kiến thức vào các tình huống thực tế, tạo nền tảng vững chắc để các em tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

Diệp Anh