Sai phạm NXBGDVN giai đoạn 2014-2019: Lãnh đạo Bộ thời kỳ đó trách nhiệm ra sao?

07/03/2023 06:32
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ĐBQH, sai phạm của NXBGDVN, không thể riêng phía NXB chịu trách nhiệm, phải xem xét cả lãnh đạo Bộ GD cũng như bộ phận tham mưu, giúp việc thời điểm đó.

Những tiêu cực đi ngược lại sự nỗ lực của toàn xã hội

Theo kết luận thanh tra về chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo (thời kỳ thanh tra tính từ ngày 01/01/2014 - 31/12/2018), Thanh tra Chính phủ có nêu những sai phạm của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (viết tắt Nhà xuất bản).

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo được phân công phụ trách (theo từng thời kỳ) có liên quan đến những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm đã nêu.

Liên quan đến những sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ: “Theo tôi, sai phạm của Nhà xuất bản đã quá rõ ràng, cũng đã có kết luận và được các cơ quan báo chí thông tin nên người dân cũng đã phần nào nắm được diễn biến chính của vụ việc.

Những sai phạm này gây hậu quả rất nghiêm trọng, trong báo cáo kết luận thanh tra cũng đã nêu rất rõ, với những sai phạm như vậy, gây thiệt hại cho nhà nước bao nhiêu tiền; thống kê này kiểm đếm trên văn bản, sổ sách, giấy tờ... còn có những thiệt hại lớn hơn thế khó có thể đo được hết về sự mất mát lòng tin.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC.

Chẳng hạn, Nhà xuất bản có những vi phạm khiến cho giá sách giáo khoa bị đẩy lên cao, thiệt hại này tính trên rất nhiều học sinh, phụ huynh học sinh phải bỏ tiền mua sách giáo khoa giá cao một cách bất hợp lý trong nhiều năm.

Hằng năm, Chính phủ vẫn dành ra một nguồn kinh phí giúp các học sinh nghèo có được bộ sách giáo khoa miễn phí; rồi cả các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện cũng rất nỗ lực để mang sách đến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở vùng sâu vùng xa...

Trong khi đó, chỉ vì lợi ích nhóm, một số cán bộ, lãnh đạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có hành vi sai phạm như vậy, không chỉ gây hại cho nguồn lực nhà nước, gây hại cho nguồn lực xã hội nói chung mà đã và đang gây thiệt hại cho chính gia đình các em học sinh”.

“Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị sự nghiệp đặt dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên dù sao trước đó, nhân dân cũng rất tin tưởng vào môi trường quản lý giáo dục nói chung, một môi trường như vậy lại xảy ra sự việc này, thực sự đã khiến niềm tin phần nào bị lung lay” - nữ Đại biểu phân tích.

Trao đổi với phóng viên, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Khoa giáo Trung ương cũng cho biết: “Trước đây, Nhà xuất bản luôn nói rằng tất cả vì phục vụ cho học sinh, phục vụ cho giáo dục, nhưng thực chất mục tiêu lại không phải là như vậy. Mục tiêu là nắm được nhu cầu về sách giáo khoa của tất cả người dân, lũng đoạn thị trường thông qua thế “độc quyền”.

Ngoài ra, họ đưa ra những thông tin rất “mập mờ” khiến cho phụ huynh lầm tưởng rằng, đã dùng sách giáo khoa thì phải mua kèm sách bài tập, sách tham khảo, theo kiểu bán “bia kèm lạc”... trong khi sách bài tập thì không thể tái sử dụng do học sinh ghi trực tiếp vào đó, dẫn đến mỗi năm làm lãng phí rất nhiều chi phí của cả nhà nước lẫn nhân dân”.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Khoa giáo Trung ương. Ảnh: Thùy Linh.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Khoa giáo Trung ương. Ảnh: Thùy Linh.

Xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý ở giai đoạn xảy ra sai phạm

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng: “Trong vụ việc này, đối tượng sai phạm - bản thân Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải chịu trách nhiệm đầu tiên, tuy nhiên, đây là đơn vị sự nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên cũng cần xem xét trách nhiệm quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn đó.

Bởi, sai phạm này không phải chỉ ngày một ngày hai, mà đã có hệ thống, thậm chí từ rất lâu đã có phản ánh của dư luận về sách giáo khoa, chẳng hạn như về giá sách giáo khoa, hay về chuyện xuất bản tràn lan sách bài tập... Không phải đến bây giờ mới có ý kiến, mà dư luận xã hội, đại biểu quốc hội, cử tri, phụ huynh học sinh đã có ý kiến từ rất lâu nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gần như “phớt lờ”.

Tôi cho rằng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ở thời điểm đó không thể không biết việc dư luận phản ánh. Nhưng tại sao, sai phạm lại có thể diễn ra trong thời gian khá dài và kéo theo hậu quả nghiêm trọng như vậy? Theo tôi, trách nhiệm của người quản lý, trách nhiệm người đứng đầu, chúng ta cũng phải xét đến, chứ không phải chỉ là những cá nhân trực tiếp vi phạm. Quy định đã khá chặt chẽ, cần phải căn cứ vào những quy định đó để xem xét và đi đến cùng của sự việc”.

Đồng tình với quan điểm đó, Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng bày tỏ: “Quan điểm dưới góc độ đại biểu, tôi cho rằng, vai trò, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với ban lãnh đạo Nhà xuất bản là không thể tránh khỏi, bởi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chính là “con đẻ” của Bộ Giáo dục và Đào tạo".

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NVCC.

“Đáng lẽ, với một đất nước mà điều kiện kinh tế chưa thực sự phát triển thì làm gì cũng phải tính đến phương án tiết kiệm nhất cho nhân dân, vậy mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn nâng giá một cách không kiểm soát đối với sách giáo khoa - ảnh hưởng trực tiếp đến mọi gia đình.

Từ lâu, vốn đã có dư luận lên tiếng về vấn đề giá sách giáo khoa, nhưng dường như chưa được lắng nghe một cách kịp thời, đúng mực. Lần này, khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, chúng ta mới nhận thấy rõ hơn rằng, những phản ánh của dư luận lâu nay là có căn cứ, có tồn tại.

Vậy trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời kỳ đó như thế nào? Bên cạnh những đối tượng đã bị khởi tố, cần phải gắn với trách nhiệm của các cán bộ, lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu, rà soát lại xem những vị này trong thời kỳ đó có liên đới hay không, tránh “để lọt” những sai phạm” - Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh phân tích thêm.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong cũng nhấn mạnh: “Với những dấu hiệu như vậy, không thể nói chỉ riêng Nhà xuất bản sai, mà phải xử lý thật nghiêm minh, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như bộ máy giúp việc, tham mưu thời kỳ đó cũng phải chịu trách nhiệm”.

Ngân Chi