Theo quốc lộ 2C về làng Thiệu Tổ, xã Trung Nguyên, Yên Lạc, Vĩnh Phúc, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bời những biệt thự 4-5 tầng mọc lên san sát mà phía trước phía sau sân là những đống tóc ngồn ngộn khổng lồ.
Đậu ngay cổng các biệt thự là những chiếc xe hơi bạc tỷ với nhiều chiếc “Mẹc” (Mercedes), “Au-đì” (Audi) hàng hiệu thứ thiệt.
Ông Nguyễn Văn Bình, trưởng thôn Thiệu Tổ, chỉ tay về những biệt thự quanh làng tự hào nói: “Toàn là biệt thự, ôtô có được nhờ nghề buôn tóc. Ông chủ của chúng đều là tỷ phú cả đấy”.
Dãy biệt thự của các đại gia buôn tóc đi lên từ đồng ruộng của thôn Thiệu Tổ. |
Mới 7h sáng, làng Thiệu Tổ đã vắng hoe người chỉ còn trẻ con và cụ già ngồi tán gẫu hay sửa sang những nắm tóc rối kiếm thêm đồng ra vào. “Các đại gia và người nhà đã dậy từ khi gà chưa gáy để ngược xuôi mua bán tóc rồi. Muốn gặp được phải chờ các ông chủ đều đến tối mịt mới về”, bà Nguyễn Thị Định một người dân làng Thiệu Tổ chải những nắm tóc rối cho gọn gàng ngẩng lên nói.
Đại gia làng tóc Nguyễn Văn Bốn nức tiếng của Thiệu Tổ mặc complet sang trọng, tóc bóng mượt, đủng đỉnh ăn sáng ở một quán phở ngoài cổng làng.
Gặng hỏi mãi, đại gia này mới mở lời: “Kinh tế năm nay khó khăn với các ngành khác chứ “ngành buôn tóc” của tớ không bao giờ có chuyện khủng hoảng. Không tin thì cứ đi một vòng quanh làng mà xem. Nhà nào cũng có của ăn của để và mua sắm xe cộ tưng bừng đó thôi”, đại gia Nguyễn Văn Bốn cười lớn rồi mở cửa chiếc xe Audi phóng vút đi sau lời hẹn: “9h tối nhé!”. Đại gia này sợ mất thời gian khi đang vội đi giao dịch với một mối mua tóc ở Hong Kong mới về.
Phân loại tóc trước khi đánh hàng. |
Những lần giao hàng cho chủ mua tóc thấy họ bán qua tay lời với giá hàng trăm nghìn đồng mỗi kg thì thấy công của mình bèo quá. Vợ chồng Bốn thấy làm ăn được quyết liều một phen”, bà Định, người biết rõ việc ăn nên làm ra của vợ chồng đại gia Bốn kể.
Về nhà, vợ chồng Bốn thế chấp ngân hàng vay được 5 triệu đồng làm vốn rồi đi “săn” tóc ở khắp các vùng quê, vào cả những nơi buôn bán đồng nát để thu gom từng nắm tóc rối. Sau mấy tháng vợ chồng ông Bốn có kinh nghiệm rồi thì đi lên tận Đồng Đăng (Lạng Sơn) để tìm mối bán hàng, sang cả Trung Quốc để “làm giá” chuẩn nhất.
Đúng lúc thị trường tóc lên cơn sốt do nhu cầu làm đẹp (nối tóc, làm tóc giả) lên cao nên vợ chồng ông ăn nên làm ra. Chỉ trong 5 năm vợ chồng ông đã đủ tiền xây biệt thự.
Thấy ông giàu lên nhanh chóng với nghề buôn tóc, cà làng học theo nên ông chỉ thuê người đi mua hoặc gom của họ “đánh hàng” mà không phải lặn lội như trước nữa.
Khi tóc mua của những miền quê miền Bắc không đủ cho các mối hàng, đại gia Bốn cho người vào cả miền Trung và miền Nam thu gom. “Khách mua của tôi cũng phong phú hơn nhiều.
Không chỉ có lái thương của Trung Quốc nữa mà cả ở Pháp, Hong Kong, Hàn Quốc… cũng tìm sang chào giá khiến tôi nhàn tênh. Bán tóc cho mấy khách này vừa được giá vừa sòng phẳng nên tôi sắm được ngay con xe Audi này vừa để cả nhà đi lại vừa để giao dịch cho tiện”, đại gia Bốn tự hào.
Theo lời đại gia này, cái gì suy giảm thì đúng chứ giá mua bán tóc ngày một cao. Những năm 2000 chỉ 300.000/kg đến nay đã lên 5-6 triệu đồng/kg. “Đối với thứ khác không bán thì mất giá nhưng riêng tóc thì có để cả năm không bán thì sang năm lại được nhiều tiền hơn”, ông Bốn nói.
Bây giờ, “quân” của đại gia Bốn còn đi khắp các vùng Tây Bắc để mua tóc của người Thái, người Mông để đáp ứng nhu cầu thị trường bởi “tóc của họ vừa dày, vừa đẹp lại không có nhiều mỹ phẩm nên được các nước phương Tây đặt hàng ưa chuộng lắm”.
Ở Thiệu Tổ không chỉ có đại gia Bốn tay trắng mà thành tỷ phú nhờ nghề buôn “một góc con người”. Trong ba năm gần đây có hàng chục tên tuổi như đại gia làng tóc như Bình, Huynh, Hoàn… xuất hiện.
Theo ông Nguyễn Như Bể, Chủ tịch UBND xã Trung Nguyên (Yên Lạc) cho biết thôn Thiệu Tổ có 350 hộ thì có hơn nửa làm nghề buôn bán tóc trong đó có trên 30 đại lý mà các ông chủ có thể xếp vào hàng tỷ phú.
“Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến nay đã có hơn 50 căn biệt thự 4-5 tầng được xây tại Thiệu Tổ từ nghề buôn tóc. Quả thật, nhờ nghề này mà từ một thôn thuần nông nghèo khó đã thay da đổi thịt trở nên giàu có”, Chủ tịch Bể nói.
Tuy nhiên, theo nữ đại gia mới nổi Nguyễn Thị Hoàn thì nghề buôn tóc không phải lúc nào cũng thành công mà đòi hỏi người buôn phải tinh ý và đặt giá chuẩn.
“Làm nghề buôn tóc phải rất nhạy bén mới làm được. Vì trọng lượng của tóc tính từng hoa nên người bán luôn nghĩ ra nhiều cách để tăng trọng lượng tóc. Chỉ cần hao một lạng là coi như lỗ vốn.
Thế rồi phải “làm giá” với khách nữa. Nếu là khách Trung Quốc thì phải đặt giá vừa phải nhưng hàng không cần đẹp, nếu là khách của Hàn Quốc thì giá cao lên nhưng hàng phải mẫu mực và không được pha thêm bất cứ nguyên liệu nào, còn khách hàng châu Âu thì tốt nhất là giữ nguyên mẫu tóc để tự họ đánh giá rồi trả tiền”, chị Hoàn chia sẻ.
Theo lời ông trưởng thôn Nguyễn Văn Bình, nghề buôn tóc này kiếm ra tiền, lại không độc hại, ít hao hụt nên ngày càng có nhiều người trong làng theo nghề.
“Chỉ tính riêng 10 đại lý lớn của làng mỗi ngày xuất ra khoảng một tấn tóc. Giá mỗi tấn tóc trung bình hiện nay là 5-6 tỷ đồng thì tiền lãi của các đại lý này đã vài tỷ đồng rồi (giá mua vào của các đại lý chỉ 3 triệu đồng 1 kg). Đấy là chưa kể những đại lý nhỏ và nhưng người thu gom bán mỗi ngày vài tạ nữa”, ông Bình nói.
(Theo Đất Việt)