Tai nạn nghiêm trọng
Ngày 21/4, một lò sấy gạch tại khu vực lò gạch công nghiệp thuộc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch và Vận tải Phú Hà (sau đây xin gọi tắt là Công ty Phú Hà, có địa chỉ tại xã Văn Khê, Mê Linh, Hà Nội) bị sập khiến 2 người chết và một người bị thương. Câu chuyện trên đã gióng lên hồi chuông về công tác đảm bảo an toàn cho người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp.
Hiện trường vụ sập lò sấy gạch khiến 2 người tử vong |
Như tin đã đưa, Công ty Phú Hà có nhiều dấu hiệu sai phạm liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường và an toàn lao động. Về vấn đề an toàn lao động cho công nhân, sau khi vụ tai nạn xảy ra thì ông Hoàng Bảo Hà – đại diện của Công ty Phú Hà cũng thừa nhận hiện công ty đang có khoảng 200 công nhân làm việc nhưng hầu như toàn bộ số lao động này đều là công nhân thời vụ, không có hợp đồng lao động.
Như vậy, những công nhân đó có thể không được đào tạo về an toàn lao động và cũng không được đóng bảo hiểm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Công ty Phú Hà đã vi phạm Luật Lao động, “trốn” bảo hiểm xã hội, khi tai nạn xảy ra người lao động sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Liên quan đến vụ sập lò sấy gạch này, ngày 22/4/2014, UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) đã thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra, xác minh những phản ánh liên quan đến sai phạm của Công ty Phú Hà.
Tổ công tác bao gồm đại diện của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện; Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện; Công an kinh tế huyện; phòng tư pháp; thanh tra xây dựng; cán bộ thanh tra huyện; trung tâm y tế huyện; phòng quản lý đô thị;…
Ông Đinh Ngọc Thức – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mê Linh được chỉ định làm tổ trưởng tổ công tác.
Sau hơn 1 tháng kể từ ngày thành lập, đến nay vẫn chưa thấy tổ công tác đưa ra kết luận về việc thanh kiểm tra Công ty Phú Hà. Do đó, nhiều người đang hoài nghi về tiến độ làm việc của tổ công tác liên ngành này.
Trốn chạy công luận
Ngày 29/5, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã đến UBND huyện Mê Linh để tìm hiểu. Sau khi xuất trình giấy giới thiệu, thẻ phóng viên và nêu nội dung cần làm việc, ông Phó Chánh văn phòng UBND huyện nói rằng với vụ việc phức tạp như vậy thì sẽ phải có một đồng chí lãnh đạo của ủy ban huyện đứng ra tiếp nhiều nhà báo một lúc.
Khi phóng viên nói xin được gặp ông Thức - Tổ trưởng tổ công tác liên ngành để hỏi về quá trình, kết quả thanh kiểm tra công ty Phú Hà, vị phó chánh văn phòng cho biết: “Hiện lãnh đạo huyện đang họp thường vụ. Nếu phóng viên muốn gặp đồng chí Thức (Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Tổ trưởng tổ công tác - PV) mà không có “bút phê” của chủ tịch huyện vào giấy giới thiệu thì Phòng tài nguyên và Môi trường cũng sẽ không làm việc với đồng chí”.
Sau đó, vị phó chánh văn phòng xin phô tô lại giấy tờ liên quan của phóng viên. Theo ý của vị này, làm vậy là để lúc nào lãnh đạo huyện sắp xếp được thời gian sẽ có một một buổi gặp gỡ báo chí, khi đó văn phòng sẽ liên hệ lại với phóng viên để biết lịch.
Trong vòng chưa đầy hai tháng, khi đến liên hệ làm việc tại UBND huyện Mê Linh, cả hai lần phóng viên đều thấy cách “né” báo chí ở đây giống nhau y hệt.
Trước đó, liên quan đến khiếu nại của người dân huyện Mê Linh về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, phóng viên có đến UBND huyện này để liên hệ làm việc. Tuy nhiên, cũng như vừa rồi, bà Chánh văn phòng cho biết hiện lãnh đạo đang đi họp, không có ai đứng ra trả lời báo chí. Phóng viên phải viết câu hỏi vào giấy, sau đó văn phòng phô tô lại giấy giới thiệu và nói sẽ chuyển câu hỏi tới người có thẩm quyền nghiên cứu rồi thông tin cho phóng viên sau. Tuy nhiên, hơn nửa tháng trôi qua không thấy văn phòng UBND huyện Mê Linh thông báo lại.
Đây có thể nói là cách tránh báo chí rất khéo của UBND huyện Mê Linh. Với cách làm này, Uỷ ban huyện vừa “giấu được thông tin cần giấu”, vừa không bị mang tiếng là “bạc bẽo” với báo chí.
Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục trở lại với vụ việc này!