"Đề nghị không biểu quyết hộ"
Sau phần giải lao giữa phiên họp HĐND TP Hà Nội chiều 9/12, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Cuối phiên họp, khi bỏ phiếu thông qua nội dung này chỉ có 71/95 đại biểu, Chủ tọa kỳ họp cho biết có 6 đại biểu đã “mất tích” kể từ sau giờ nghỉ giải lao mà không hề có lý do. Thành viên của Ban điều hành kỳ họp đã nói: “Đề nghị các đại biểu có mặt biểu quyết đúng số có mặt tại hội trường, không biểu quyết hộ người khác”.
Kết thúc phần biểu quyết, thành viên Ban điều hành kỳ họp đã nêu tên 6 đại biểu đang họp nhưng bỏ về giữa giờ và không tham gia biểu quyết nội dung này, đó là: ĐB Phạm Văn Châm (Đông Anh), ĐB Nguyễn Duy Hùng (Hoài Đức), ĐB Ngô Thị Thanh Hằng (Long Biên), ĐB Đào Đức Toàn (Cầu Giấy), ĐB Nguyễn Văn Sửu (Thanh Xuân), ĐB Nguyễn Thị Như Mai (Tây Hồ).
Nhiều ĐB rất "nhiệt", nhưng cũng có những ĐB đột ngột "mất tích" |
Các ĐB có mặt tại hội trường đã thông qua nội dung đặt tên mới 29 phố mới, đó là: Phố Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy); Phố An Trạch, đường Đê La Thành (quận Đống Đa); Phố Ngô Thì Sỹ (quận Hà Đông); Phố Linh Đường (quận Hoàng Mai); Phố Vệ Hồ, phố Nhật Chiêu, phố Quảng Bá, phố Yên Hoa, phố Trích Sài (quận Tây Hồ); Đặt tên đường Vân Trì, đường Đản Dị, đường Thuỵ Lâm, đường Thư Lâm, đường Thuỵ Lôi, đường Dục Nội (huyện Đông Anh); Đường Trung Mầu, đường Phù Đổng (huyện Gia Lâm); Đường Hoàng Công Chất, đường Phan Bá Vành, phố Nguyễn Đổng Chi, phố Đỗ Xuân Hợp, đường Đình Thôn, phố Trần Văn Lai, đường Châu Văn Liêm, phố Đỗ Nhuận, đường Đức Diễn, đường Hữu Hưng, phố Võ Quí Huân (huyện Từ Liêm).
Ngoài ra, HĐND cũng nhất trí thông qua đề xuất kéo dài 3 đường, phố: Tại quận Ba Đình, kéo dài phố Vĩnh Phúc cho đoạn từ cuối phố Vĩnh Phúc đến Khách sạn La Thành; Tại quận Hai Bà Trưng, kéo dài phố Trần Đại Nghĩa Cho đoạn từ ngã tư Đại La - Trần Đại Nghĩa (số nhà 149 Đại La) đến Khu Tập thể Thành ủy (Đầu mương kè); Tại huyện Đông Anh, kéo dài đường Việt Hùng Cho đoạn từ cuối đường Việt Hùng đến Cầu Bài (đầu đường Liên Hà).
Đối với các công trình công cộng, đặt tên 2 vườn hoa gồm: Vườn hoa Yécxanh cho phần diện tích đất ở khu vực phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng), giáp các phố Nguyễn Huy Tự, Lê Quý Đôn và phố Nguyễn Cao (tổng diện tích khu đất 1.500m²); Vườn hoa Lạc Long Quân cho phần diện tích đất ở khu vực cuối đường Nguyễn Hoàng Tôn (quận Tây Hồ), giáp các phố Nguyễn Hoàng Tôn, Lạc Long Quân và đường ven Hồ Tây(tổng diện tích khu đất 10.000m², gồm đường dạo và vườn hoa).
Hà Nội đặt tên mới 29 phố và 2 vườn hoa |
"Chúng ta tuyển được người giỏi nhưng không giữ được"
Trước đó, các đại biểu đã thảo luận và thông qua 3 vấn đề, đó là: Tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2012; Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố, công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Tại phần đầu của buổi làm việc, HĐND đã nhất trí thông qua Tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2012: Quyết định kế hoạch sử dụng biên chế công chức sự nghiệp là 9.430 người (54 biên chế dự phòng); Quyết định kế hoạch sử dụng biên chế sự nghiệp là 120.268 người (500 biên chế dự phòng); Phê chuẩn số lao động hợp đồng trong các cơ quan hành chính là 1.476 người; Phê chuẩn định mức lao động trong các trường mầm non công lập và công lập tự chủ năm 2012 là 18.638 người.
Đáng chú ý, ông Vũ Hồng Khanh - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: tại một số đơn vị, đã tuyển được nhân sự giỏi nhưng sau một thời gian, họ lại bỏ ra "ngoài" làm...
Ngoài ra, HĐND cũng đã thông qua Nghị quyết đối với nội dung “Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích 3.344,47 km2 và dân số gần 6,23 triệu người (thống kê năm 2008) có mở rộng ra vùng phụ cận Thủ đô Hà Nội.
Phạm vi lập quy hoạch bao gồm các đô thị, khu công nghiệp, khu vực nông thôn có thể kết hợp với cấp nước đô thị thuộc địa bàn Thủ đô Hà Nội: Nguồn nước dưới đất (phía Nam sông Hồng thuộc khu vực Hà Nội trung tâm và phía Bắc sông Hồng); Nguồn nước mặt (sông Hồng, sông Đà và sông Đuống).
Thành phố sẽ đầu tư nâng công suất của các nhà máy nước để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của nhân dân tại các đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, thị trấn và nông thôn liền kề. Công nghệ xử lý nước tại các nhà máy nước xây dựng mới sẽ lựa chọn thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo môi trường. Đối với nguồn nước dưới đất, chủ yếu áp dụng công nghệ truyền thống với công trình xử lý là: Dàn mưa, (tháp làm thoáng tải trọng cao), bể tiếp xúc, bể lọc nhanh, khử trùng.
Đối với nguồn nước mặt, công trình xử lý là bể tiếp nhận và sơ lắng, cụm bể trộn, phản ứng và lắng, bể lọc nhanh, khử trùng. Tổng mức đầu tư để thực hiện Quy hoạch hệ thống cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 khoảng hơn 34 nghìn tỷ đồng từ vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vay vốn thương mại từ Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển của Thủ đô Hà Nội, mở rộng các hình thức BOO, BOT, PPP.