Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội trong hai ngày 30 và 31/10/2019 đã có nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm, lo lắng cho sức khỏe của nhân dân vì các sự cố môi trường, trong đó nổi lên thời gian gần đây là không khí ô nhiễm và nước sinh hoạt của nhân dân bị nhiễm bẩn.
Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cho rằng, vụ đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước cấp cho nhà máy nước Sông Đà tại Hà Nội vừa qua cho thấy công tác quản lý nhà nước đối với nguồn nước ngọt còn nhiều sơ hở và ẩn chứa nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dân.
“Chúng ta đều nhận thức được mức độ nguy hiểm như thế nào khi sự cố nhà máy nước vừa rồi, nếu chất gây ô nhiễm không phải là dầu mà là một loại hóa chất độc hại khác”, đại biểu Giang cho biết.
Giáo sư Lê Huy Bá: Nhà máy nước sông Đà coi thường sức khoẻ, tính mạng người dân |
Đại biểu đoàn Cà Mau cho rằng, đã đến lúc Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương có liên quan cần phải nghiêm túc xem xét, tổ chức thực hiện triệt để, tổ chức thực hiện tốt các luật như Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Thủy lợi năm 2017, đồng thời triển khai quy hoạch vùng liên quan đến nguồn nước lưu vực sông được nêu tại Khoản 7 Điều 3 của Luật quy hoạch và đặc biệt là có giải pháp kịp thời để bảo vệ nguồn nước để cung cấp sinh hoạt cho người dân.
Theo đại biểu Giang, hiện nay một nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu khác là nguồn nước ngầm cũng đã được Chính phủ quan tâm và hạn chế khai thác hoặc khai thác theo quy hoạch, khai thác theo kế hoạch, tiến tới sẽ giảm trữ lượng khai thác nước ngầm.
Nếu khai thác quá mức thì sẽ làm cạn kiệt và sẽ tạo nên nhiều hệ lụy. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương khẩn trương rà soát lại và có báo cáo cụ thể Chính phủ việc tổ chức thực hiện Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, tiến hành quy hoạch liên quan đến nguồn nước lưu vực sông theo Luật quy hoạch để đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Đại biểu Thái Trường Giang. ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu Thái Trường Giang cho rằng, cần chỉ đạo, kiểm tra các địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan đến Nhà máy nước trên phạm vi cả nước, đặc biệt là chú ý giải pháp chủ động ngăn chặn việc cố ý gây ô nhiễm, gây nhiễm độc nguồn nước thô là nguyên liệu để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Cũng bày tỏ sự lo lắng về vấn đề môi trường hiện nay, đại biểu Ngô Sách Thực (đoàn Bắc Giang) dẫn số liệu kết quả điều tra năm 2018 cho thấy, trên 70% người dân quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói: "Viwasupco lấy nước từ một hồ không an toàn lộ thiên về bán cho dân dùng nhiều năm mà không một ai cảnh báo, nhắc nhở, vô cảm lâu dài đến thế là cùng". Thứ hai, cần tạo điều kiện thuận lợi, tốt nhất để người dân tố cáo hành vi thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm. Thứ ba, không nên để những người thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với người dân, doanh nghiệp giữ các chức vụ trong bộ máy công quyền". |
"Ô nhiễm nguồn nước, không khí, an toàn thực phẩm vẫn là điều đáng lo ngại", đại biểu Thực nhấn mạnh.
Để giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đại biểu Ngô Sách Thực cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo, bổ sung hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường, hoàn thiện cơ chế người xả thải trả phí, người gây ô nhiễm môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng bị truy tố trước pháp luật.
Đồng thời, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong xử lý nước thải; tổ chức biểu dương các sáng kiến hoạt động, cách làm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong nhân dân hàng năm và định kỳ...
Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là nhiệm vụ quan trọng nhất của chính quyền
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng), nếu như trước đây, ô nhiễm là vấn đề nhỏ lẻ thì đến nay đã trở thành nghiêm trọng.
Tất cả những gì liên quan đến rác thải rắn, nhựa, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí trước mắt là vấn đề đời sống xã hội, nhưng sớm muộn cũng sẽ trở thành vấn đề an ninh trật tự, hay nghiêm trọng hơn là vấn đề chính trị.
Ô nhiễm ở ngay cả những vùng nông thôn, miền núi chứ không chỉ ở các đô thị lớn. Về việc xử lý rác thải sinh hoạt, đại biểu cho rằng, trong lúc nhiều ngành, lĩnh vực đang tiếp cận với sự tiến bộ khoa học, văn minh của thế giới, thì nhiều địa phương vẫn đang loay hoay với vấn đề đốt rác chưa mang lại hiệu quả.
Cũng tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 31/10, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) cho rằng, người dân hàng ngày vẫn đang đối mặt với ô nhiễm và hệ lụy là bệnh tật, suy yếu sức khỏe.
“Cả triệu người dân Thủ đô lao đao khi nguồn cung cấp nước sạch bị ô nhiễm kéo dài cả tuần thì cả xã hội mới giật mình nhận ra cách quản lý tắc trách của các cơ quan quản lý nhà nước đối với một vấn đề sinh tử của dân…”, Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai). |
Theo nữ đại biểu này, sống trong môi trường ô nhiễm từ không khí đến nguồn nước và thực phẩm nghĩa là từ thở đến uống và ăn đều trở nên nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thực sự được nâng cao?
“Ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề mà cử tri quan tâm. Không có kỳ tiếp xúc cử tri nào mà không có kiến nghị của cử tri về vấn đề này nhưng kết quả thì ô nhiễm vẫn tiếp diễn. Câu hỏi nhiều cử tri đặt ra là liệu Chính phủ đã thực sự vào cuộc xử lý quyết liệt vấn đề ô nhiễm môi trường hay chưa?”, đại biểu Phúc đặt câu hỏi.
Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, nguồn khí thải không chỉ có từ phương tiện giao thông đường bộ mà chiếm 75% là từ nguồn khác. Chính vì vậy cần can thiệp của chính sách, sự phối hợp giữa nhiều ban ngành, địa phương. Không thể cải thiện môi trường không khí chỉ bằng biện pháp đơn lẻ mà cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
“Vừa qua, vấn đề nước sạch đã tạo hình ảnh rất đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội như thời bao cấp khi người dân xếp hàng lấy nước. Qua đó cho thấy sự lỏng lẻo trong quản lý nguồn nước, tạo ra nhiều khe hở để đối tượng vô lương tâm thu lợi bất chấp sức khoẻ của người dân” – ông Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh và cho rằng, nhiều sự việc về môi trường vẫn được tặc lưỡi cho qua với suy nghĩ “môi trường là cái gì đó rất chung chung, không chết ngay đâu mà sợ”.
Chất thải đã chảy lan ra suối rồi vào hồ Đầm Bài, là nơi cấp nước cho Nhà máy nước Sông Đà. Ảnh: QĐ. |
Cùng đề cập nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh, nhiều vụ gây ô nhiễm môi trường như vụ cháy nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông, vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà... cho thấy chính quyền nhiều nơi, trong đó có chính quyền đô thị còn lúng túng, chưa thực thi đầy đủ trách nhiệm với dân.
Từ thực tế đặt ra nhiều câu hỏi: Vì sao chính quyền nhiều vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt không có biện pháp phòng ngừa, hạn chế thiệt hại cho dân như tăng cường trồng rừng, xây dựng công trình kiên cố chống lũ?
Vì sao chính quyền nhiều vùng ô nhiễm không có biện pháp kiểm tra giám sát để kịp thời xử lý vi phạm? Rồi khi xảy ra vụ sự cố không kịp thời thông báo cho người dân để có biện pháp bảo vệ sức khoẻ, tính mạng?
Đại biểu Thúy nhấn mạnh: “Bảo đảm quyền lợi, sức khỏe, tính mạng người dân là trách nhiệm lớn nhất của chính quyền. Chúng ta nên giảm bớt họp hành, mít tinh và các công việc bề nổi để nâng cao năng lực quản lý, phục vụ, hoàn thành những nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Chính phủ trong thời gian tới cần có biện pháp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tập thể, cá nhân có trách nhiệm để làm thay đổi thực trạng đáng buồn này”.