Triển khai tên lửa Patriot ở Okinawa
Ngày 19/4, tờ “Thái Dương” Hồng Kông có bài viết cho rằng, tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku giữa Trung-Nhật tiếp diễn, thái độ của Nhật Bản tiếp tục cứng rắn, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố có chủ quyền đối với đảo Senkaku, tuyên bố sẽ tiến hành tuần tra 24/24 giờ ở lãnh hải Nhật Bản, bảo đảm kiểm soát thực tế. Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn tiết lộ, tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ luôn ngầm hỗ trợ cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản tham gia bảo vệ đảo Senkaku.
Hệ thống tên lửa Patriot-3 của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản |
Tại Quốc hội, Thủ tướng Abe vừa tuyên bố, bất kể về lịch sử hay luật pháp quốc tế, đảo Senkaku đều là lãnh thổ vốn có của Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh, tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản sẽ duy trì trạng thái tuần tra trong mọi điều kiện thời tiết ở lãnh hải Nhật Bản và vùng biển tiếp giáp 24/24 giờ, xác lập sự kiểm soát có hiệu quả thực tế của Nhật Bản.
Ngày 18/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cũng tiết lộ, về danh nghĩa tuy là Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản ứng phó với tàu công vụ của Trung Quốc ở vùng biển đảo Senkaku, trên thực tế tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản luôn cảnh giới, theo dõi ở phía sau, bảo đảm tuyệt đối không để xảy ra sai lầm, ngầm cho biết Lực lượng Phòng vệ cũng tham gia bảo vệ đảo Senkaku.
Ngoài ra, người dân đảo Yonaguni, Okinawa cho rằng, Lực lượng Phòng vệ có kế hoạch đồn trú ở đảo Yonaguni để theo dõi Hải, Không quân Trung Quốc và có thể dẫn ngọn lửa chiến tranh đến hòn đảo này, yêu cầu Lực lượng Phòng vệ không chỉ phải bỏ kinh phí thuê đất, mà còn phải bỏ ra “phí gây phiền phức”. Bộ Quốc phòng Nhật Bản từ chối và nhấn mạnh kế hoạch đóng quân ở đảo Yonaguni không thay đổi.
Ngày 19/4, tờ “Thành báo” Hồng Kông đăng bài viết cho rằng, ngày 18/4, khi hội đàm với chủ tịch nghị viện thành phố Ishigaki, Okinawa, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, xét thấy tàu Hải giám Trung Quốc nhiều lần xâm nhập vùng biển đảo Senkaku, Nhật Bản phải tăng cường cảnh giới, theo dõi, tuyệt đối không để xảy ra sai lầm.
Cùng ngày, khi gặp gỡ chủ tịch nghị viện của thành phố Taketomi, Yonaguni, Okinawa, ông Onodera nhấn mạnh, tàu công vụ Trung Quốc liên tục xâm phạm lãnh hải Nhật Bản ở vùng biển đảo Senkaku, tuy Nhật bề ngoài là Lực lượng bảo vệ bờ biển ứng phó, nhưng “xin mọi người yên tâm, Lực lượng Phòng vệ duy trì cảnh giác rất cao ở phía sau”.
Hạm đội tàu chiến Nhật Bản |
Theo hãng Kyodo, ngày 18/4, xe vận chuyển tên lửa đánh chặn đất đối không Patriot-3 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã đến cảng mới Naha ở thành phố Naha. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản triển khai lâu dài tên lửa Patriot-3 ở Okinawa.
Khoảng 200 người của tổ chức dân sự đã tụ tập tại cảng, phản đối triển khai Patriot-3 tại Okinawa. Bộ Quốc phòng Nhật Bản vốn có kế hoạch vào năm 2014 triển khai Patriot-3 ở Okinawa, hiện đã tiến hành trước.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch triển khai lực lượng giám sát bờ biển của Lực lượng Phòng vệ Biển tại đảo Yonaguni, nhưng các cuộc đàm phán với chính quyền địa phương để có được địa điểm triển khai rơi vào bế tắc.
Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản Eiji Kimizuka nhấn mạnh: “Phòng thủ khu vực tây nam rất quan trọng, cần thiết phải triển khai lực lượng giám sát bờ biển”. Bộ Quốc phòng có kế hoạch trước tháng 4/2016 triển khai lực lượng giám sát bờ biển ở đảo Yonaguni, nhưng không thể thực hiện mục tiêu có được địa điểm triển khai vào tháng 4 năm nay.
Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản
Ngày 18/4, hãng Reuters cho rằng, vào thứ Năm tuần trước, Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản chấm dứt điều động máy bay chiến đấu ứng phó với máy bay Trung Quốc.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, trong 12 tháng tính đến tháng 3/20113, để ứng phó với máy bay Trung Quốc, số lần máy bay chiến đấu Nhật Bản bay lên khẩn cấp đã tăng gần gấp đôi, lên tới 306 lần. Trong thời gian đó, tổng số lần khẩn cấp bay lên của máy bay chiến đấu Nhật Bản từ 425 lần tăng lên 567 lần, là mức cao nhất trong 22 năm qua.
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản |
Xung quanh tranh chấp chủ quyền hòn đảo ở biển Hoa Đông, Trung Quốc và Nhật Bản đã rơi vào một cuộc đối đầu ngày càng nghiêm trọng. Trung Quốc đòi chủ quyền đảo Senkaku và coi các hoạt động của Nhật Bản là hành động khiêu khích, coi đây là căn nguyên gây ra tranh chấp liên tục giữa Trung-Nhật, đồng thời yêu cầu Nhật Bản chấm dứt điều động nhiều máy bay hơn, đối thoại với Trung Quốc để giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, Nhật Bản luôn khẳng định rằng, đảo Senkaku thuộc chủ quyền của họ, không tồn tại tranh chấp chủ quyền, đồng thời coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với Nhật Bản.
Theo hãng AP, hiện nay, Trung Quốc đang tăng số lần điều động máy bay ra biển Hoa Đông nhằm khẳng định chủ quyền, trong đó có đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư.
Còn theo “Nhật báo phố Wall” Mỹ, Nhật Bản phải điều động máy bay chiến đấu ứng phó khẩn cấp với máy bay Trung Quốc có số lần gần gấp đôi cùng kỳ năm trước cho thấy, trong thời điểm tranh chấp đảo Senkaku quyết liệt giữa hai nước Trung-Nhật, tình hình căng thẳng trên không ở Đông Á đã đột ngột leo thang.
Một mục tiêu khác phải ứng phó của máy bay chiến đấu Nhật Bản là Nga. Cùng kỳ, số lần máy bay chiến đấu Nhật Bản phải cất cánh khẩn cấp ứng phó mát bay Nga là 248 lần, cùng kỳ năm trước là 247 lần.
Như vậy, việc máy bay Nhật Bản ứng phó với máy bay Trung Quốc không chỉ cho thấy Trung Quốc gia tăng khiên khích Nhật Bản trên không ở biển Hoa Đông, mà còn cho thấy Nhật Bản đã áp dụng các hành động đáp trả mạnh mẽ đối với Trung Quốc. Đây cũng là một trong những biện pháp của Chính phủ Nhật Bản để ngăn chặn chủ trương chủ quyền ngày càng cứng rắn của Trung Quốc.
Phó Chủ tịch LDP sẽ thăm Trung Quốc vào tháng tới
Ngày 19/4, tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản dẫn lời Phó chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) Masahiko Komura cho biết, ông sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 1 tới ngày 3/5 với tư cách là Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Trung, đồng thời muốn có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nếu hai bên tiến hành hội đàm, đây sẽ là lần đầu tiên một nhân vật quan trọng của Chính phủ hoặc đảng cầm quyền Nhật Bản gặp gỡ ông Tập Cận Bình kể từ sau khi ông Tập làm Chủ tịch nước.
Phó chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) Masahiko Komura |
Masahiko Komura muốn đại diện cho Thủ tướng Nhật Bản cải thiện môi trường xây dựng quan hệ hai nước. Nhưng, về việc có thăm Trung Quốc với tư cách là đặc phái viên của Thủ tướng Nhật hay không, ông cho biết vẫn còn chưa sắp xếp cụ thể.
Khi trả lời phỏng vấn, ông Masahiko Komura cho biết, gần 3 năm qua, tôi đều thăm Trung Quốc vào đầu tháng 5 với tư cách là Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Trung và cũng từng hội đàm với ông Tập Cận Bình khi ông còn làm Phó Chủ tịch nước. Ông cho biết, nếu là đặc phái viên của Thủ tướng Abe thì sẽ có thư viết tay của ông Abe.
Theo hãng Kyodo, Trung Quốc luôn lấy lý do tranh chấp đảo Trung-Nhật, yêu cầu Hàn Quốc trì hoãn tổ chức hội đàm cấp cao Trung-Nhật-Hàn. Còn theo hãng Yonhap Hàn Quốc, hội nghị thượng đỉnh 3 nước Trung-Nhật-Hàn e rằng khó được tổ chức vào tháng 5 tới. Hội nghị Ngoại trưởng Nhật-Trung-Hàn tổ chức vào tháng 4 dự kiến cũng trì hoãn.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vốn có kế hoạch tham dự hội nghị cấp cao. Tiêu điểm của hội nghị là quan hệ Nhật-Trung, Nhật-Hàn vốn bị xấu đi do tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc luôn cho rằng, thời cơ tổ chức hội đàm cấp cao chưa chín muồi.