Sở GD&ĐT Điện Biên đề nghị sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách liên quan giáo dục

18/04/2024 06:33
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Từ thực tiễn khó khăn trong phát triển GD, Sở GD&ĐT Điện Biên đề nghị sửa đổi, bổ sung 1 số nghị định, thông tư, tạo thuận lợi trong triển khai chính sách GD.

Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra vào cuối tháng 12/2022.

Sau hơn một năm diễn ra hội nghị, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã có một số chuyển biến tích cực.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã có những chia sẻ liên quan đến nội dung này.

5I4A9646_page-0001.jpg
Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên. Ảnh: Sở GD&ĐT cung cấp.

Một số chuyển biến tích cực

Ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên tích cực triển khai các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ đề ra theo Kế hoạch để thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, gồm:

Tiếp tục thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục theo kế hoạch, phù hợp với thực tế, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục;

Rà soát, củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh;

Tích cực tham mưu xây dựng Đề án kiên cố hóa trường, lớp học tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025;

Đẩy mạnh phối hợp triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh uỷ về thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Picture11-.jpg
Một giờ học của cô và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trần Văn Thọ (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Sở GD&ĐT cung cấp.

Sau 02 năm tích cực triển khai thực hiện các pháp thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị, ngành giáo dục và đào tạo Điện Biên đã tháo gỡ được phần nào khó khăn ở các nội dung sau:

Một là, thực hiện rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại các các cơ sở giáo dục công lập đảm bảo tinh gọn, phù hợp với đặc thù của ngành và tình hình thực tế của địa phương. Nhiều trường có quy mô nhỏ được sáp nhập thành các trường liên cấp có quy mô lớn hơn, tăng số lớp/trường; vận động đưa học sinh lớp 3, 4, 5 từ điểm trường lẻ về điểm trường trung tâm phù hợp làm giảm số điểm trường/trường, tăng số học sinh/lớp, làm giảm đầu mối, tiết kiệm biên chế, gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục.

Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Thực hiện có hiệu quả và đúng lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục mầm non, Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng tăng (năm 2023, tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,5%, cao nhất từ trước tới nay). Năm học 2023-2024, tỉnh Điện Biên có số lượng và chất lượng thi học sinh giỏi cấp Quốc gia cao nhất từ trước tới nay (26 giải với 03 giải Nhì, 08 giải Ba và 15 giải Khuyến khích).

Hai là, tỉnh rất quan tâm xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và các trường có học sinh bán trú. Từ năm 2009, Điện Biên (tỉnh sớm nhất trong cả nước) đã thực hiện nâng cấp các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông. Đến nay, toàn tỉnh có 09 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học phổ thông; có 135 trường phổ thông dân tộc bán trú; có 89 trường phổ thông có học sinh bán trú.

Ba là, huy động lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cải tạo, sửa chữa, bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp học; bổ sung trang thiết bị trường học; đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục. Tỉ lệ phòng học, phòng nội trú kiên cố tiếp tục được nâng lên.

Picture19.jpg
Hội thảo chuyên môn do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ tổ chức. Ảnh: Sở GD&ĐT cung cấp.

Thời gian qua, triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW, tỉnh Điện Biên đã quan tâm ưu tiên phân bổ ngân sách đảm bảo đầy đủ các chế độ chính sách cho nhà giáo và học sinh, sinh viên theo quy định, quan tâm lồng ghép nguồn vốn các Chương trình Mục tiêu quốc gia, nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học cho ngành giáo dục và đào tạo cuối năm học 2021-2022.

So với năm học 2021-2022, tỉ lệ trường được công nhận đạt đạt kiểm định chất lượng giáo dục tăng 6,9% (từ 69,40% lên 76,34); trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia tăng 3,2% (từ 75,4% lên 78,06%). Tỉ lệ phòng học kiên cố tăng 1,96% (từ 72,13% lên 74,09%); tỉ lệ phòng ở nội trú kiên cố tăng 1,91% (từ 49,68% lên 51,59%); thiết bị dạy học được mua sắm và cung cấp kịp thời cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho các hoạt động dạy và học. Công tác chuẩn bị sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương cho học sinh được chuẩn bị chu đáo và triển khai kịp thời đảm bảo toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh đều có đủ sách giáo khoa phục vụ học tập.

Picture23.jpg
Hoạt động ngoài trời của cô và trò Trường Mầm non Nam Thanh (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Sở GD&ĐT cung cấp.

Thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về rà soát sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, giai đoạn 2017-2021 toàn ngành giáo dục và đào tạo đã xây dựng Đề án sáp nhập, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện sáp nhập giảm 52/518 đơn vị sự nghiệp công lập (tương đương 10,3%, vượt 0,3% chỉ tiêu giai đoạn 2017-2021).

Trong đó, khối đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo sáp nhập giảm 08 đơn vị (07 trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, giải thể 01 Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh) tổng giảm 08/41 đơn vị, tương đương 17,07%, vượt 7,07% chỉ tiêu Ủy ban nhân dân tỉnh giao); khối các phòng Giáo dục và Đào tạo: Sáp nhập giảm 44/477 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc khối phòng Giáo dục và Đào tạo (tương đương 9,2%).

Việc sáp nhập các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh được thực hiện trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học do phải đi lại quá xa. Chỉ sáp nhập những trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi về khoảng cách giữa các điểm trường, các trường có quy mô nhỏ, trên cùng địa bàn xã theo hướng dẫn tại Công văn số 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, vị Giám đốc Sở cũng chỉ ra, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên hiện vẫn còn 3 thách thức lớn cần tiếp tục được khắc phục: “Đầu tiên, tình trạng thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển giáo viên tiểu học và các môn chuyên biệt. Thứ hai, cơ sở vật chất, thiết bị trường học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục cũng như quy mô học sinh hiện nay. Thứ ba, một số chế độ, chính sách đối với giáo dục còn nhiều bất cập.

Trong đó, khó khăn lớn nhất mà toàn ngành trăn trở chính là việc thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển giáo viên tiểu học và các môn chuyên biệt”.

Tỉ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học hiện nay là 1,56 giáo viên/lớp đối với cấp mầm non; 1,41 giáo viên/lớp đối với cấp tiểu học; 1,92 giáo viên/lớp đối với cấp trung học cơ sở; 2,19 giáo viên/lớp đối với cấp trung học phổ thông.

Đội ngũ giáo viên hiện nay trên địa bàn tỉnh còn thiếu so với định mức quy định. Năm học 2023-2024 toàn tỉnh thiếu 2.008 giáo viên: 980 mầm non, 233 tiểu học, 533 trung học cơ sở, 262 trung học phổ thông. Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển giáo viên đối các môn học tích hợp, các môn chuyên biệt như Tiếng Anh (thiếu 154 giáo viên), Tin học (thiếu 62 giáo viên), Âm nhạc (thiếu 46 giáo viên), Mỹ thuật (thiếu 43 giáo viên) để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Picture20.jpg
Ngày Chủ nhật tình nguyện Đoàn Thanh niên trường tham gia gặt lúa giúp gia đình có công với cách mạng trên địa bàn thị trấn Mường Chà. Ảnh: Sở GD&ĐT cung cấp.

“Để khắc phục khó khăn trên, ngành giáo dục và đào tạo đề nghị giao tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn chuyên biệt (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật…) và giáo viên tiểu học cho các cơ sở đào tạo để đáp ứng nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương.

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan sớm triển khai Đề án kiên cố hóa trường, lớp học tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có các Chương trình, Đề án đặc thù dành riêng cho ngành giáo dục và đào tạo về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học. Ưu tiên tỉnh Điện Biên được tham gia các chương trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ thiết bị dạy học. Đề nghị điều chỉnh một số chế độ chính sách còn bất cập và có một số chính sách mới hỗ trợ cán bộ quản lý giáo viên, nhân viên, người học và các cơ sở giáo dục vùng đặc biệt khó khăn” - ông Nguyễn Văn Đoạt cho biết thêm.

Picture22.jpg
Hoạt động cải tạo cơ sở vật chất của các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Sở GD&ĐT cung cấp.

Nghị định 116 còn nhiều bất cập, 3 năm qua, Sở chưa thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên

Bên cạnh đó, vị Giám đốc Sở cũng chia sẻ: “Trước yêu cầu của thực tế đối với các môn học mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số trường đại học sư phạm mở ngành đào tạo giáo viên dạy tích hợp như ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý là hết sức cần thiết, góp phần giải quyết vướng mắc trong triển khai dạy học tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới trong trường phổ thông hiện nay.

Nghị định 116/2020/NĐ-CP hiện nay đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thảo sửa đổi bổ sung (đã xin ý kiến Ủy ban nhân dân các tỉnh từ tháng 8/2023), do còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện, nên trong 03 năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên chưa thực hiện phương thức đặt hàng đào tạo giáo viên. Trong thời gian tới, sau khi có Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 116/2020/NĐ-CP, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện nghị định này”.

Picture7.jpg
Lễ Trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương, khen thưởng học sinh đạt giải, giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia, năm học 2023-2024. Ảnh: Sở GD&ĐT cung cấp.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung nhiều nghị định, thông tư, chính sách giáo dục

Từ những khó khăn trong thực tiễn, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

Một là, đề nghị có chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ như trẻ mẫu giáo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ.

Nâng mức hỗ trợ học sinh bán trú từ 40% lên 60% mức lương cơ sở và học sinh nội trú từ 80% lên 100% mức lương cơ sở. Nâng mức hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP từ mức 2.400.000 đồng/01 tháng lên bằng mức lương tối thiểu vùng 4 là 3.250.000đồng/tháng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Đối với những điểm trường mầm non cách xa trường trung tâm từ 05 km trở lên hỗ trợ mỗi điểm trường 3.250.000 đồng/tháng để tổ chức nấu ăn cho trẻ/20 trẻ, nếu điểm trường có dưới 20 trẻ hỗ trợ bằng 70% định mức trên.

Hai là, đề nghị kéo dài thời gian được hưởng các chính sách hỗ trợ tại các xã đặc biệt khó khăn khi xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.

Ba là, đề nghị bổ sung học viên giáo dục thường xuyên người dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ như học sinh bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ.

Bốn là, đề nghị không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc được hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW đối với các tỉnh mà đời sống của người dân còn nhiều khó khăn và không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên.

Năm là, đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 76/2019/NĐ-CP theo hướng không khống chế thời gian hưởng chính sách thu hút (05 năm) mà áp dụng chính sách thu hút đối với công chức, viên chức trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hợp đồng không thời hạn đối với viên chức công tác ở vùng đặc biệt khó khăn từ 10 năm trở lên.

Kéo dài thời gian được hưởng phụ cấp thu hút đối với cán bộ, giáo viên công tác ở khu vực đặc biệt khó khăn khi các xã khu vực này được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.

Có chính sách hỗ trợ đối với giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, gồm: hỗ trợ tiền thuê nhà; ưu tiên trong việc thuê đất ở; hỗ trợ tiền đi lại đối với giáo viên dạy tại các điểm bản.

Sáu là, đề nghị có chính sách hỗ trợ trực trưa cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn dạy 2 buổi/ngày; hỗ trợ cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm làm công tác phổ cập giáo dục; nâng mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non dạy ở lớp mẫu giáo ghép, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số.

Picture10.JPG
Gặp mặt đoàn cán bộ giáo viên lên phục vụ miền núi nhân dịp kỷ niệm 50 năm (1959-2009). Ảnh: Sở GD&ĐT cung cấp.

Bảy là, đề nghị có chế độ cho cán bộ, giáo viên công tác các cơ sở giáo dục có học sinh bán trú nhưng không phải là trường bán trú.

Tám là, bổ sung vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc đối với nhân viên nấu ăn trong các trường phổ thông dân tộc nội trú; hỗ trợ kinh phí các trường phổ thông dân tộc nội trú thuê nhân viên nấu ăn cho học sinh, cho trẻ em. Giao bổ sung số lượng người làm việc để thực hiện tuyển dụng nhân viên y tế, nhân viên kế toán trường học.

Chín là, đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế học đường và nhân viên kế toán trường học phải kiêm nhiệm từ 02 đơn vị trở lên.

Mười là, đề nghị tăng số lượng cấp phó đối với các trường chuyên biệt, trường liên cấp, trường có nhiều lớp học, trường có nhiều điểm trường.

Picture2.jpg
Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Phông Sa Lỳ, nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Ảnh: Sở GD&ĐT cung cấp.

Mười một là, đề nghị sửa, đổi bổ sung Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên.

Giảm ngưỡng đầu vào các trường đại học đối với học sinh đi học theo chế độ cử tuyển. Có cơ chế ưu tiên trong tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ra trường theo diện đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP. Bổ sung ngân sách để địa phương để triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP.

Mười hai là, giao tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn chuyên biệt (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật…) và giáo viên tiểu học cho các cơ sở đào tạo để đáp ứng nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương.

Mười ba là, đề nghị sửa đổi Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT để phù hợp với điều kiện thực tế triển khai.

Mười bốn là, đề nghị sửa đổi Thông tư số 37, 38, 39/2021/TT-BGDĐT để bảo đảm tính kế thừa trong danh mục thiết bị đã ban hành, tránh lãng phí; đồng thời bảo đảm tính khả thi, tính liên thông giữa các lớp, các cấp học với nhau, tăng cường tính ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Mười năm là, đề nghị sớm triển khai Đề án kiên cố hóa trường, lớp học tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Mười sáu là, đề nghị có các chương trình, đề án đặc thù dành riêng cho ngành giáo dục và đào tạo về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học. Ưu tiên tỉnh Điện Biên được tham gia các chương trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ thiết bị dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Mười bảy là, đề nghị kết nối, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học, nhà ở cho học sinh sinh bán trú, nhà công vụ giáo viên vùng đặc biệt khó khăn… cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Mười tám là, đề nghị sớm ban hành Nghị định thực hiện Luật Giáo dục 2019 (thay thế Nghị định số 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục); xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo.

Mộc Trà