Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngoài các môn học bắt buộc, học sinh lớp 10 được tự chọn một tổ hợp môn do nhà trường xây dựng.
Trong đó, 8 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Bên cạnh các môn học bắt buộc, học sinh được lựa chọn 4 trong 9 môn học gồm Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Việc lựa chọn tổ hợp môn đúng sẽ giúp các em phát triển kỹ năng, kiến thức cần thiết và mở ra cơ hội nghề nghiệp sau này.
Công tác tư vấn hướng nghiệp phải thực hiện sớm
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập (Nghệ An) khẳng định tầm quan trọng của việc lựa chọn đúng tổ hợp môn khi bước vào bậc trung học phổ thông.
Nếu chọn sai định hướng, sau này học sinh muốn chuyển tổ hợp môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ rất khó khăn, kể cả với các em có ý định từ khối xã hội chuyển sang khối tự nhiên hoặc ngược lại, vì không được học đủ nền tảng ở các môn cần thiết ngay từ đầu.
Chính vì thế, học sinh cần hiểu rõ năng lực cá nhân, đặc điểm của từng môn học để lựa chọn tổ hợp phù hợp với định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Do đó, công tác tư vấn chọn tổ hợp môn học cần được các trường thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng ngay từ trước khi học sinh vào lớp 10.

“Với học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc lựa chọn tổ hợp môn càng phải cẩn trọng hơn, bởi các em chưa phân biệt rõ ràng về những môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học - vốn nằm chung trong môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở. Điều này khiến học sinh chưa hiểu rõ khả năng của mình với những môn học mới, dẫn đến khó khăn trong việc định hướng từ sớm.
Tại Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập, sau khi học sinh trúng tuyển, nhà trường tổ chức các buổi tư vấn chuyên sâu cho cả học sinh và phụ huynh để phân tích xu hướng nghề nghiệp, thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học những năm gần đây.
Trường cũng nhấn mạnh đến việc lựa chọn các tổ hợp gồm những môn học không có trong chương trình trung học cơ sở nhưng lại rất quan trọng khi lựa chọn ngành nghề sau này, như Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học… Nhờ đó, học sinh có thêm căn cứ để lựa chọn tổ hợp môn phù hợp”, thầy Bảo chia sẻ.
Đồng quan điểm, thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (Ninh Bình) nhấn mạnh sự cần thiết của công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp ngay từ những buổi đầu học sinh vào lớp 10.
“Việc lựa chọn tổ hợp môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 có vai trò quyết định đối với định hướng nghề nghiệp và tương lai của học sinh. Nếu có quyết định đúng, học sinh mới có thể hiện thực hóa mục tiêu và ước mơ của mình.
Chính vì lẽ đó, công tác tư vấn ngay từ những buổi học đầu tiên là hết sức cần thiết nhằm giúp học sinh đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với năng lực, sở thích và định hướng tương lai.
Tại Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho, mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn thành, nhà trường sẽ triển khai ngay khi học sinh chính thức vào lớp 10”, thầy Hải cho hay.

Tuy nhiên, cũng theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho, một thực trạng đáng chú ý là học sinh và phụ huynh thường có xu hướng lựa chọn môn học dựa trên mục tiêu đầu ra hoặc theo "xu hướng" tuyển sinh đại học.
Điều này dẫn đến tình trạng một số tổ hợp truyền thống như C00 (Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý) ngày càng ít học sinh lựa chọn do một số trường đại học không còn dùng trong xét tuyển.
Hệ quả là những học sinh đã theo học gần ba năm bỗng rơi vào thế khó, đồng thời tạo áp lực rất lớn cho nhà trường trong việc sắp xếp nhân sự giảng dạy và xây dựng thời khóa biểu nếu học sinh muốn đổi tổ hợp môn học.
Trong khi đó, em Nguyễn Quang Dũng - học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy (Phú Thọ) cho biết, sự định hướng sớm của nhà trường tạo thuận lợi cho quá trình học tập và kế hoạch chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sau này của nam sinh.
"Ngay từ khi vào lớp 10, em đã được nhà trường tổ chức các buổi tư vấn, định hướng lựa chọn tổ hợp môn học rất rõ ràng. Thầy cô giúp em hiểu được mối liên hệ giữa tổ hợp các môn học với các tổ hợp xét tuyển đại học và ngành nghề tương lai.
Dựa trên năng lực học tập và sở thích cá nhân, em đã đăng ký tổ hợp gồm các môn tự chọn: Tiếng Anh, Địa lý, Kinh tế và pháp luật, Tin học,... và được nhà trường xếp lớp đúng theo nguyện vọng.
Em cảm thấy việc lựa chọn tổ hợp như vậy là hoàn toàn phù hợp. Các môn học đều gắn liền với định hướng thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học. Em đặc biệt yêu thích môn Ngữ văn vì nó giúp phát triển tư duy, cảm xúc và khả năng diễn đạt. Với sự hỗ trợ của thầy cô và môi trường học tập thoải mái, em thấy việc học cho đến thời điểm này diễn ra tương đối thuận lợi", Quang Dũng nói.
Quang Dũng cũng chia sẻ thêm, em có dự định thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nhờ có năng khiếu vẽ. Tuy nhiên, hiện Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy (Phú Thọ) không tổ chức dạy môn Mỹ thuật, nên em phải tự tìm trung tâm học vẽ bên ngoài để chuẩn bị cho phần thi năng khiếu.
Nhà trường đảm bảo hài hòa giữa nguyện vọng của học sinh và nguồn lực hiện có
Nói về định hướng phát triển việc xây dựng nhóm môn lựa chọn ở bậc trung học phổ thông, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Hà Huy Tập cho biết: Nhà trường không chỉ dựa trên nguồn lực giáo viên mà còn phải đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau của các cơ sở giáo dục đại học.
Ví dụ, tổ hợp Toán - Vật lý - Hóa học vừa đáp ứng thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa phù hợp với tổ hợp A00 truyền thống, đồng thời vẫn cho phép học sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy.
Tương tự, tổ hợp có Hóa học - Sinh học cũng cần có thêm môn Vật lý để tạo sự linh hoạt trong định hướng thi. Mục tiêu là học sinh dù chọn tổ hợp nào cũng vẫn có thể chuyển đổi hướng đi khi cần thiết mà không gặp quá nhiều trở ngại.
Vì thế, khi thiết kế tổ hợp, nhà trường phải tính đến các khả năng giúp học sinh chuyển đổi giữa các tổ hợp môn từ A00 sang B00, từ A01 sang D00, từ D00 sang C00…
Sự linh hoạt này giúp học sinh vừa có thể theo đuổi định hướng đã chọn, vừa dễ dàng điều chỉnh khi phát hiện những sở trường, đam mê mới trong quá trình học tập.
“Khó khăn sẽ nằm ở phía nhà trường trong việc xây dựng tổ hợp môn học hợp lý, còn mục tiêu cuối cùng vẫn là phải tạo thuận lợi tối đa cho học sinh - những người vẫn đang trong quá trình khám phá năng lực và định hình tương lai của chính mình”, thầy Cao Thanh Bảo bày tỏ.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho khẳng định nguyên tắc cốt lõi phải là "tôn trọng sự lựa chọn của học sinh". Nhà trường tuyệt đối không áp đặt, mà sẽ luôn tư vấn, đồng hành và tạo mọi điều kiện để các em phát triển năng lực cá nhân cũng như các kỹ năng toàn diện cần thiết.
Nhờ tuân thủ nguyên tắc này, Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho đã tổ chức thành công việc xếp lớp cho học sinh lớp 10 ngay từ đầu năm học, không gặp trở ngại và vẫn đảm bảo được sự hài hòa giữa nguyện vọng cá nhân và nguồn lực hiện có.
Mô hình này không chỉ giúp học sinh chủ động hơn trong con đường học tập mà còn tạo tiền đề vững chắc cho việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai của các em.
“Trong quá trình xây dựng các nhóm môn lựa chọn, nhà trường đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là bài toán cân đối giữa nguyện vọng đa dạng của học sinh và khả năng tổ chức dạy học của nhà trường. Đây cũng là một vấn đề vô cùng khó với tất cả các trường trung học phổ thông chứ không của riêng trường nào”, thầy Hải chia sẻ.
Để giúp học sinh có cái nhìn rõ ràng hơn về các ngành nghề, Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho tích cực tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế ngay khi học sinh lớp 10 nhập học.
Những hoạt động này bao gồm việc tham quan các cơ sở đào tạo uy tín như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tổ chức giao lưu với đại diện các trường đại học, giới thiệu chuyên sâu về các nhóm ngành nghề,... và đặc biệt là mời nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp về chia sẻ kinh nghiệm, định hướng.
Những trải nghiệm phong phú này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về các môn học mới liên quan đến giáo dục STEM như Công nghệ, Sinh học,... từ đó củng cố cơ sở để các em xác định hướng đi nghề nghiệp phù hợp với bản thân.