“Ăn bớt” số tiết, ban hành quy chế thi trái quy định?
Trường THPT Lê Quý Đôn từng được đánh giá là một trong những trường chất lượng tốt nhất của tỉnh Thái Bình.
Tuy nhiên, những sai phạm về việc hiệu trưởng nhận tiền phụ cấp dù không trực tiếp đứng lớp, kế toán để xảy ra nhiều sai phạm về tài chính vẫn chưa được thanh tra, kết luận rõ ràng từ Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây, ông Trần Đức Hinh, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Lê Qúy Đôn cùng một số cán bộ, giáo viên trong trường đã tố cáo lãnh đạo trong trường làm trái Quy chế thi nghề phổ thông trong việc tổ chức chấm và công nhận kết quả thi nghề phổ thông khối 11, năm học 2015- 2016.
Những sai phạm tại trường THPT Lê Qúy Đôn, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình cần được làm rõ, công minh hơn (Ảnh MC) |
Theo Công văn 10945/BGDĐT-GDTrH ngày 27/11/2008 về Hướng dẫn thi và cấp giấy chứng nhận nghề phổ thông của Bộ GD&ĐT đã chỉ rõ thí sinh được dự thi và cấp chứng nhận nghề phổ thông phải hoàn thành chương trình nghề phổ thông theo quy định ở cấp THPT là 105 tiết.
Quy định là vậy nhưng Trường THPT Lê Qúy Đôn lại cắt giảm số tiết, chỉ đạo giáo viên dạy nghề ghi vào sổ đầu bài với chương trình 105 tiết, trong khi đó số tiết giảng dạy vẫn chưa đạt.
Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường còn phân công cho giáo viên không đúng chuyên môn chấm thi.
Theo 2 giáo viên giảng dạy bộ môn nghề trong trường cho biết: “Số tiết chúng tôi dạy được phân theo thời khóa biểu của nhà trường, từ 10 đến 15 buổi và 1 buổi bằng 3 tiết.
Như vậy, số tiết thực tế chúng tôi lên lớp chỉ khoảng 45 tiết, chưa bằng một nửa số tiết theo quy định. Tất cả các lớp đều như vậy”.
Theo thông tin đơn phản ánh, sau khi giảng dạy các giáo viên trên được yêu cầu làm sổ đầu bài khống theo nội dung chương trình 105 tiết. Trong khi đó “Sổ theo dõi học nghề” năm học 2015-2016 thì khác xa hoàn toàn.
“Chúng tôi biết là không đúng quy định, nhưng đây là chỉ đạo của lãnh đạo nên chúng tôi phải làm theo. Bản gốc sổ theo dõi học nghề đã được chúng tôi nộp lại nhà trường”, một giáo viên trực tiếp giảng dạy nghề cho hay.
Theo phản ánh của ôn Hinh, sau khi chấm và duyệt kết quả thi nghề, ông Phạm Văn Tân, Phó Hiệu trưởng đã gọi một số giám thị lên “dọa” và yêu cầu sửa chữa một số văn bản để nhằm đổ lỗi cho người khác và hợp thức hóa, việc làm trái quy chế.
Hiệu trưởng Trường Lê Qúy Đôn chống lệnh Sở Tài chính, bổ nhiệm kế toán sai(GDVN) - Hiệu trưởng không đứng lớp vẫn nhận phụ cấp, kế toán vi phạm quy định, không đạt tiêu chuẩn vẫn tại vị khiến nhiều phụ huynh, giáo viên bức xúc. |
Ông Hinh đã gửi các chứng cứ là đĩa ghi âm, bản sao chụp văn bản thi cho đoàn thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình liên quan đến nhiều vấn đề.
Tuy nhiên, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình lại ban hành Kết luận thanh tra có phần “né tránh”.
Ông Hinh cho rằng: “Nội dung tố cáo của tôi là Ban lãnh đạo Hội đồng thi nghề Phổ thông chứ không tố cáo một mình ông Phạm Văn Tân.
Cùng với đó, trong quá trình thụ lý để kết luận, Đoàn Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh không một lần tổ chức đối thoại với người tố cáo, không sử dụng đến những bằng chứng, nhân chứng, vật chứng do người tố cáo cung cấp.
Kết luận thanh tra có thể nói là không khách quan, mang ý chủ quan của đơn vị thụ lý tố cáo”.
Mặt khác, ông Hinh còn khẳng định: “Kết luận cần phải nêu rõ trách nhiệm của ông Vũ Minh Thuật. Vì trong bản kế hoạch năm học 2015 - 2016 do ông Vũ Minh Thuật ký ngày 15/9/2015 phát cho tất cả cán bộ, giáo viên nêu rõ:
Thời lượng học nghề từ 10 đến 15 buổi, yêu cầu đối với giáo viên dạy ghi và ký sổ đầu bài theo nội dung chương trình 105 tiết.
Ông Thuật đã báo cáo sai sự thật để tổ chức thi nghề phổ thông, trái với quy định của Bộ GD&ĐT”.
Sở GD&ĐT ban hành kết luận thanh tra chưa xác đáng
Ngày 1/4/2016, Hội đồng thi nghề phổ thông của trường đã tổ chức thi cho 631 học sinh khối 11 gồm nghề điện dân dụng và tin học văn phòng.
Trong đó, 223 thí sinh dự thi nghề điện dân dụng, 408 thí sinh dự thi nghề tin học văn phòng.
Điều đặc biệt, trong số các giám khảo chấm thi thực hành, có 3 người giảng dạy các môn giáo dục thể chất (thể dục), sinh học, không đúng với chuyên ngành trong dạy nghề, vẫn tham gia chấm thực hành.
Kết luận của Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình được cho là không xác đáng khiến người tố cáo và nhiều giáo viên, phụ huynh trường THPT Lê Qúy Đôn bức xúc (Ảnh MC) |
Theo tố cáo, những giáo viên trực tiếp tham gia chấm thi môn nghề là ông Phạm Quang Khoái - giáo viên thể dục tham gia chấm thực hành nghề điện dân dụng.
Ông Nguyễn Quang Khải – giáo viên sinh học và bà Phạm Thị Sen – giáo viên thể dục, chấm thi thực hành nghề tin học văn phòng.
Việc đưa giáo viên không phải chuyên ngành vào chấm thi môn nghề là trái với các quy định hiện hành theo các văn bản như:
Hướng dẫn thi và cấp giấy chứng nhận nghề phổ thông của Bộ GD&ĐT nêu cụ thể tại 10945/BGDĐT-GDTrH ngày 27/11/2008; Quy chế thi THPT quốc gia ban hành kèm Thông tư số 02/2015/TT-BGDĐT ngày 26/02/2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT;
Công văn số 58/SGDĐT-KT&QLCLG ngày 22/02/2016 về Hướng dẫn thi nghề phổ thông năm học 2015-2016 của Sở GD&ĐT Thái Bình.
Bên cạnh đó, theo quy định, quá trình coi thi, chấm thi thực hiện theo Quy chế thi THPT quốc gia hiện hành (Điều 27) kèm Thông tư số 02/2015/TT-BGDĐT ngày 26/02/2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng ban chấm thi thành lập tổ chấm kiểm tra, thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi đã chấm của mỗi môn thi tự luận, theo tiến độ chấm thi môn đó; việc chấm kiểm tra thực hiện theo quy trình tại Điều 25 Quy chế này.
Tuy nhiên, theo ông Hinh, Hội đồng thi nghề của trường cũng không thực hiện quy định này.
Còn tại Kết luận số 481/KL-SGDĐT ngày 9/8/ 2016, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình thì cho rằng: Việc phân công giáo viên không đúng chuyên môn như giáo viên dạy Sinh học, môn Giáo dục thể chất chấm thi môn Tin, giáo viên môn Giáo dục thể chất chấm môn điện dân dụng “là cần thiết” và lý giải, “vì đây là công việc sử dụng nhiều thiết bị cần có người hỗ trợ”. Và kết luận rằng: Nội dung đơn phản ánh có “phần đúng”.
Sai phạm nghiêm trọng liên quan đến nhiều vấn đề về tài chính, thi cử, phụ cấp đứng lớp,
Tuy nhiên, Sở GD&ĐT chỉ tiến hành kiểm điểm trách nhiệm với ông Vũ Minh Thuật, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn;
Theo thẩm quyền Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và khắc phục hậu quả về những sai sót đã nêu; xử phạt hành chính.
Không đồng tình với kết luận của Sở GD&ĐT, các giáo viên đứng đơn cho rằng Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình kết luận như vậy là có dấu hiệu cho sự bao che, dung túng, chưa thoả mãn được niềm tin của giáo viên, phụ huynh và họ sẽ tiếp tục gửi đơn khiếu nại và tố cáo những nội dung mà đoàn Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh chưa làm rõ.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.