Sơn La là một tỉnh miền núi có diện tích tự nhiên là 14.174km2, với dân số hơn 1,2 triệu người. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 83,51%.
Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Sơn La có 112/204 xã khu vực III và 17.08 thôn bản đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó do địa hình đồi núi cao, giao thông đi lại khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện tiếp cận với thông tin, phúc lợi xã hội còn hạn chế; việc chuyển hướng sản xuất tuy có tiến bộ so với trước nhưng chủ yếu vẫn là kinh tế thuần nông; những bản vùng sâu, vùng cao tỷ lệ hộ đói nghèo, tình trạng mù chữ, tái mù chữ còn cao.
Do đó, tỉnh Sơn La đã xác định thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc đòi hỏi phải có sự vận dụng linh hoạt sáng tạo, sự quyết tâm đồng bộ của hệ thống chính trị gắn liền với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mang tính bền vững, lâu dài đó là: phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao mức sống đồng bào dân tộc; giữ vững an ninh, quốc phòng ở vùng dân tộc và miền núi.
Sản phẩm của người nông dân các dân tộc ở Sơn La đã vươn ra thế giới. (Ảnh: Baotainguyenmoitruong) |
Đó là chủ trương, đường lối, là quyết sách, nền tảng cho bước đường phát triển kinh tế, xã hội đối với đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người từng bước đi lên xóa đói, giảm nghèo để thoát nghèo bền vững...
Các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành liên quan đã nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo để phát huy tối đa có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, phát huy lợi thế của địa phương.
Đặc biệt các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn được quan tâm triển khai thực hiện tương đối đồng bộ nhằm củng cố cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc.
Sức mạnh đại đoàn kết, ý chí tự cường của dân tộc Việt Nam |
Cụ thể: các chính sách hỗ trợ sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư được triển khai hiệu quả; thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp.
Do đó, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước rút ngắn khoảng cách với các tỉnh trong khu vực.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) năm 2003 tăng 11,1%, năm 2004 tăng 14,21%; năm 2005 ước đạt 15,55%; năm 2016 tăng 8,03% so với năm 2015, năm 2017 tăng 9,59% so với năm 2016; năm 2018 ước tăng 8,59% so với năm 2017, bình quân 3 năm (2016-2018) tăng 8,8%/năm.
Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch mạnh hơn theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng và dịch vụ: chiếm tỷ trọng cao nhất và đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng chung của tỉnh là khu vực dịch vụ tăng từ 34,1% (năm 2003) lên 35,02% (năm 2005),36,2% năm 2015 lên 39,1% năm 2018; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, giảm dần từ 25,5% năm 2015 xuống còn 23,2% năm 2018; khu vực công nghiệp - xây dựng giảm từ 38,3% năm 2015 xuống 33,8% năm 2018.
Quy mô kinh tế tăng mạnh, năm 2018 ước đạt 47.150 tỷ đồng, tăng gấp 1,37 lần so với năm 2015, đứng thứ 4/14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và cao nhất so với 6 tỉnh vùng Tây Bắc. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tập trung thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến thương mại; chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chương trình nông thôn mới, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 188/188 xã, trong đó có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới: 09 xã đạt 15-19 tiêu chí; 42 xã đạt 10-14 tiêu chí; 110 xã đạt từ 5-9 tiêu chí.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 46% xuống còn 38% (năm 2010-2015), từ 38% xuống còn 22% (bình quân giảm 3,2%/năm (năm 2010 - 2015); năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 31,85%; năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 29,22%; năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 25,42%. Năm 2018, số hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số chiếm 97,67% so với số hộ nghèo của toàn tỉnh.
Tốc độ giảm nghèo 03 năm gần đây (2016 - 2018) trung bình đạt 3,245%/năm. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới (tính đến ngày 31/12/2018) đạt 93,84%; được sử dụng nước sạch đạt 89%, có phương tiện nghe nhìn, có thẻ bảo hiểm y tế đạt 96,4% (hộ Dân tộc thiểu số chiếm 64,79%).
Nhiệm vụ ổn định đời sống nhân dân vùng tái định cư Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La được tập trung thực hiện.
Đã tổ chức triển khai thực hiện Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La.
Bữa ăn bán trú góp phần giúp đỡ các em học sinh đỡ vất vả, yên tâm học tập. Ảnh:Công Luật/TTXVN |
Tổ chức nấu ăn tập trung tại 235 trường, với 49.825 học sinh bán trú thuộc các xã đặc biệt khó khăn; Đến nay 100% số xã, phường có trường tiểu học, nhà trẻ, lớp mẫu giáo.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được triển khai thực hiện tích cực; chỉ đạo các đơn vị tổ chức tốt công tác khám, điều trị, cấp cứu, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tình hình tôn giáo cơ bản ổn định, sinh hoạt tôn giáo thuần túy, tuân thủ pháp luật. Công tác đảm bảo an ninh nông thôn, an ninh tư tưởng, an ninh thông tin được tăng cường thực hiện.
Có được những thành quả như trên về công tác dân tộc là cả một quá trình vận dụng sáng tạo các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào hoàn cảnh thực tế của địa phương, nhất là các chính sách về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Những nỗ lực của toàn ngành giáo dục cho kỳ thi Quốc gia năm 2019 |
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc có nơi còn hạn chế; kết cấu hạ tầng đã được đầu tư xây dựng nhưng tính đồng bộ chưa cao, nhiều nơi xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của đồng bào; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao.
Trong thời gian tới, trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi phải tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác dân vận, dân tộc cần tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới.
Coi công tác dân tộc của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước cho mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân. Phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi cho đồng bào các dân tộc thiểu số.