Kỳ 3: Những giấc ngủ hiếm hoi
...Sau khi vượt qua hàng chục hải lý đường biển với nhiều bất trắc để ra khơi giữa mùa gió chướng, con tàu NA 90567 TS đã đưa chúng tôi và 17 ngư dân đến vùng đánh bắt trên Vịnh Bắc Bộ.
Từ đây chúng tôi bắt đầu được chứng kiến trực tiếp những nỗi vất vả và nguy hiểm của người ngư dân khi ở giữa biển khơi.
Mẻ lưới đầu tiên
Sau khi vượt qua cung đoạn thường xuyên có tàu hàng chạy cắt ngang các thuyền viên ăn vội gói mì tôm rồi nhanh chóng lên mũi tàu sắm sửa lại lưới cho đợt đánh bắt đầu tiên. Thuyền trưởng Định vẫn tiếp tục lái con tàu băng băng vượt sóng đi thêm khoảng 10 hải lý nữa.
Công việc đánh bắt cá của các thuyền viên trên tàu luôn làm về đêm nên họ thường xuyên phải thức trắng đêm (ảnh Xuân Hòa) |
00 giờ ngày 18/6, khi đã cách bờ khoảng hơn 40 hải lý, chiếc tàu dừng lại. Các thuyền viên trên tàu nhanh chóng chia thành hai tốp, một tốp nhanh chóng trèo lên nóc tàu kéo dàn điện sáng ra quanh tàu, tốp còn lại thả dù xuống biển để neo tàu lại.
Hưởng ứng lời kêu gọi bám ngư trường là góp phần bảo vệ Tổ Quốc của Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã có 2 tàu cá với 24 ngư dân tình nguyện ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt. Chúng tôi sẽ đưa thông tin về những người ngư dân kiên cường bám biển trên đến với độc giả trong các kỳ sau của loạt bài này. |
Sau khi dàn bóng điện sáng được kéo ra ngoài thành tàu tất cả đều được thắp sáng. Mỗi tàu đánh cá bằng lưới vây luôn có dàn bóng điện khoảng 40 đến 50 chiếc, loại 1000W, thắp sáng để nhử cá.
Thời gian tàu thắp đèn sáng chờ cá vào thì các thuyền viên nhanh chóng đi thay quần áo bạt chuyên dùng đánh bắt cá. Lưới và máy tời được các thuyền viên kiểm tra kỹ lần cuối trước khi vào đợt đánh bắt đầu tiên.
Hành trình đánh bắt cá một ngày của người ngư dân kết thúc cũng là lúc mặt trời đã đứng bóng (ảnh Xuân Hòa) |
Gần 3 giờ sáng thuyền trưởng Định ra hiệu cho các thuyền viên chuẩn bị thả lưới. Ngay lập tức chiếc máy nâng chuyển chiếc thuyền mủng nhỏ nơi mũi tàu thả xuống nước.
Thuyền viên Hồ Xuân Liều và Trần Văn Đức nhanh chóng nhảy xuống chiếc thuyền mủng và thả chiếc đèn cao áp xuống lòng biển.
Khi chiếc thuyền mủng thắp sáng đáy biển bằng chiếc đèn cao áp để hút cá vào một nơi cũng là lúc chiếc tàu chìm vào bóng tối.
Tất cả đèn trên tàu được tắt để cá theo chiếc đèn nơi chiếc thuyền mủng, các thuyền viên trên tàu đã vào vị trí được giao và sẵn sàng đợi lệnh thả lưới.
Khoảng 15 phút sau khi chiếc thuyền mủng đã cách tàu khoảng 50m, thuyền trưởng Định rồ ga để chiếc tàu lao lên. Các thuyền viên đã sẵn sàng cho mẻ lưới đầu tiên. Khi tàu đã vào vòng quay thả lưới thuyền trưởng Định ra hiệu buông lưới.
Giờ nghỉ mỗi ngày của người ngư dân chỉ có khoảng 4 đến 5 tiếng sau hai bữa cơm trưa và chiều nên mỗi bữa cơm luôn diễn ra chóng vánh khoảng 15 phút (ảnh Xuân Hòa) |
Ngay tức thì chiếc đèn phao sáng đầu lưới được ném xuống biển. Thuyền trưởng Định rồ ga cho chiếc tàu chạy hết tốc độ, lấy đèn báo hiệu trên chiếc phao vừa được thả xuống làm tiêu rồi khéo léo lái chiếc tàu bao quanh chiếc thuyền mủng theo hình vòng cung.
Từng đoạn lưới xếp gọn gàng trước đó nhanh chóng được các thuyền viên thả xuống biển. Mỗi bộ lưới vây của tàu đánh cá có chiều cao 140m, rộng đủ khoanh diện tích mặt nước trên 500m2.
Chỉ sau hơn 5 phút các thuyền viên trên tàu đã thả xong lưới bao trọn một vùng nước rộng hơn 500m2. Khi hai đầu lưới đã gần nhau các thuyền viên ra hiệu cho thuyền trưởng Định tắt máy tàu để tàu trôi tự do lại gần đầu lưới kia.
Khi hai đầu lưới đã gần nhau các thuyền viên nhanh chóng ném móc câu để kéo đầu lưới kia lên tàu. Dây thừng hai đầu lưới nhanh chóng được kéo đến hai máy tời trên tàu để kéo lưới lên.
Đêm thức trắng đánh cá, buổi ngày người ngư dân tiếp tục phải thức để sửa vá lại lưới chuẩn bị cho đợt đánh bắt đêm tiếp (ảnh Xuân Hòa) |
Lúc này trên tàu vẫn tối đen như mực, chỉ có chiếc đèn quả táo nhỏ nơi máy tời được bật lên cho các thuyền viên kéo lưới lên. Phải hơn 15 phút sau khi hai đầu lưới đã được bọc kín với nhau lúc này đèn ao áp trên tàu mới bật sáng trở lại.
“Phải tắt đèn khi nào lưới được tời lên khép kín lại với nhau mới bật đèn pha trên tàu được. Bật đèn trên tàu sớm cá sẽ theo ánh sáng đèn trên tàu bơi ra ngoài qua lối hở của hai mối lưới chưa được khép kín”, thuyền trưởng Định giải thích cho chúng tôi.
Ngủ ngày cày đêm
Công việc kéo một mẻ lưới lên không nhanh như khi thả lưới xuống. Phải mất gần 3 tiếng đồng hồ làm việc cật lực cùng với sự trợ giúp của máy móc các thuyền viên mới kéo được gần hết lưới lên tàu.
Do đó những giờ nghỉ hiếm hoi vào buổi ngày được người ngư dân tận dụng ngủ để lấy sức (ảnh Xuân Hòa) |
Lúc này trời cũng đã sáng rõ hẳn, các thuyền viên ai cũng đã thấm mệt. Lúc này thuyền viên nhỏ tuổi nhất tàu Hồ Xuân Toàn (SN 1998) được cho vào nấu nước sôi để các thuyền viên thay nhau vào pha mì tôm ăn lấy sức làm việc. Đây cũng được xem là bữa sáng của các ngư dân trên tàu.
Mẻ lưới đầu tiên thu hoạch được khoảng gần 1 tấn cá không như mong đợi của các thuyền viên. Nhưng may mắn mẻ lưới này đánh được chủ yếu là cá Bạc má, loại cá có giá thành khá nên các thuyền viên cũng đỡ buồn lòng hơn.
“Thường mỗi mẻ lưới chúng tôi đánh được 2 đến 3 tấn cá. Nhưng đây là mẻ lưới đầu trong chuyến, đèn nhử thắp sáng chưa được lâu nên chắc cá chưa vào đèn.
Có những khi cá “ăn” đèn mỗi mẻ chúng tôi còn đánh được 10 tấn cá. Nhưng cũng may mẻ lưới này hầu hết toàn cá Bạc má còn bán được giá nên đỡ buồn hơn”, thuyền viên Phạm Văn Tý cho biết.
Công việc dài thời gian, mệt nhọc, tàu là nhà với người ngư dân nên bất cứ nơi nào trên tàu người ngư dân đều ngủ ngon trong thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi (ảnh Xuân Hòa) |
Do đặc thù cá biển rất nhanh chết khi mắc lưới và nhanh ươn khi đưa lên tàu nên khi cá vừa đưa lên tàu hai thuyền viên nhanh chóng cho vào thùng nước đá đã chuẩn bị sẵn.
Khi cá đã được đưa hết lên tàu, công việc của các thuyền viên vẫn chưa xong. Các thuyền viên phải nhanh chóng phân loại cá ra thành từng loại, những loài cá có giá trị cao được lựa chọn trước rồi đóng thành từng khay lớn riêng. Các loại cá có giá trị thấp được đóng thành các khay riêng.
Một số thuyền viên phải xuống kho chứa đá cuốc đá đưa lên rải đều khắp các khay cá để ướp. Khi cá được phân loai xong và cho xuống các hầm lạnh đã được phân loại rõ ràng để bảo quản cũng là lúc mặt trời đã gần đứng bóng.
Lúc này các thuyền viên được giao nhiệm vụ nấu ăn được vào thay quần áo chuẩn bị cơm trưa. Các thuyền viên khác ở lại mũi tàu vệ sinh và phơi khô lưới. Hơn 11 giờ đợt lưới đầu tiên kết thúc các thuyền viên mới nghỉ tay vào tắm rửa và ăn trưa.
Bữa ăn trưa diễn ra nhanh chóng chỉ trong vòng 15 phút rồi các thuyền viên nhanh chóng tìm nơi ngủ ngay. Ngày đầu tiên vì ra đến ngư trường muộn nên chỉ thả được một đợt lưới, những ngày sau đó mỗi đêm đều đặn các thuyền viên phải thả hai đợt lưới.
Thời gian làm việc kéo dài và chỉ làm được về đêm nên với người ngư dân không có khái niệm ngủ đêm. Buổi ngày kết thúc đợt lưới cuối cùng cũng đã đến buổi trưa; buổi chiều thường từ 14 giờ đến 17 giờ các thuyền viên phải vá lưới chuẩn bị cho các mẻ lưới đêm hôm đó.
Do đó mỗi ngày các thuyền viên chỉ có 4 đến 5 tiếng nghỉ ngơi giữa hai bữa cơm trưa và chiều. Thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi đó các thuyền viên phải tranh thủ ngủ để lấy sức làm việc về đêm.
“Buổi đêm cá mới “ăn” đèn nên với người ngư dân chúng tôi khi đã ra biển ít có khái niệm ngủ về đêm. Mỗi ngày chỉ được nghỉ 5 đến 6 tiếng buổi ngày nên ai cũng tranh thủ ngủ để lấy sức buổi đêm làm việc.
Nhưng ngày cũng không hoàn toàn được nghỉ mà còn phải lo sửa, vá lưới rách để chuẩn bị cho mẻ lưới đêm hôm sau. Làm việc căng thời gian và mệt nhọc vậy nếu được mẻ lưới đầy còn mừng nhưng không may cá ít cũng buồn lắm các chú ạ!”, thuyền trưởng Định chia sẻ.
Làm việc mệt nhọc nên khi vừa đặt lưng xuống các thuyền viên nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ. Với người ngư dân tàu cá là nhà nên với họ bất cứ vị trí nào của tàu họ đều có thể nằm ngủ ngon…
Công việc của ngư dân ngoài biển lớn là thế, nhưng với họ, đi biển đâu chỉ là đánh cá! Các kỳ sau, chúng tôi sẽ mô tả các mối nguy mà ngư dân ta gặp phải, không phải từ thiên nhiên, mà từ các thế lực bên ngoài. Họ tham gia đánh bắt hải sản, cũng là để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương...
Còn tiếp ...