Sử dụng sách giáo khoa Chương trình GDPT 2018 sao cho hiệu quả?

14/08/2023 10:44
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy giáo Nguyễn Văn Lượng – Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Sơn (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) đã chia sẻ quan điểm của mình về cách sử dụng SGK sao cho hiệu quả.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời.

Đồng thời giúp học sinh có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hoá, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.

Các nhà trường ở Hải Phòng chủ động, tích cực thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Lã Tiến)

Các nhà trường ở Hải Phòng chủ động, tích cực thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Lã Tiến)

Đến nay, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai giảng dạy ở các trường phổ thông được một nửa chặng đường.

Vậy, sách giáo khoa của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có những gì mới so với sách giáo khoa hiện hành và vấn đề sử dụng sách giáo khoa như thế nào để đáp ứng được mục tiêu của chương trình, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Văn Lượng – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Sơn (huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) về vấn đề này.

Những điểm mới của sách giáo khoa 2018

Khác với Chương trình hiện hành, sách giáo khoa trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (gọi tắt sách giáo khoa 2018) có nhiều bộ sách khác nhau và là học liệu chính trong quá trình dạy học chứ không phải là “pháp lệnh” như sách giáo khoa của Chương trình hiện hành.

Cấu trúc và nội dung sách giáo khoa cũng có nhiều thay đổi so với sách giáo khoa hiện hành. Sách giáo khoa không biên soạn theo bài, theo tiết có sẵn như trước đây mà biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức. Số tiết trong mỗi chủ đề/bài học chỉ là dự kiến, gợi ý, còn tuỳ thuộc vào giáo viên xác định và tổ chức dạy học.

Phần lớn các sách giáo khoa đều có cấu trúc một chủ đề/bài học gồm: phần mở đầu, phần kiến thức mới, phần luyện tập và phần vận dụng. Ngoài ra, một số sách sẽ có thêm phần yêu cầu cần đạt hoặc phần mở rộng.

Các sách giáo khoa đều được biên soạn theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, các chủ đề/bài học tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập.

Giáo viên tại Hải Phòng sử dụng sách giáo khoa để tổ chức dạy học, giáo dục đáp ứng được yêu cầu (Ảnh: Lã Tiến)

Giáo viên tại Hải Phòng sử dụng sách giáo khoa để tổ chức dạy học, giáo dục đáp ứng được yêu cầu (Ảnh: Lã Tiến)

Tư liệu học tập trong sách giáo khoa phong phú, thẩm mỹ, có sự kết hợp chặt chẽ giữa kênh hình và kênh chữ. Trong phần thông tin đều có các câu hỏi hoặc tình huống/nhiệm vụ học tập liên quan đến các tư liệu học tập để giáo viên có thể tổ chức các hoạt động cho học sinh khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.

Chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” phù hợp với xu hướng của giáo dục thế giới, đồng thời tạo điều kiện để cơ sở giáo dục lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của mình.

Trên cơ sở bộ sách giáo khoa đã được phê duyệt và đưa vào sử dụng trong nhà trường, giáo viên sử dụng sách giáo khoa để tổ chức dạy học, giáo dục đáp ứng được yêu cầu cần đạt, cũng như hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cho học sinh như trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã quy định.

Giáo viên sử dụng sách giáo khoa 2018 thế nào?

Cùng một chủ đề trong sách giáo khoa nhưng tùy vào đối tượng học sinh mà trường này có thể dạy 2 tiết nhưng trường khác có thể dạy 3 đến 4 tiết.

Tốc độ thực hiện chương trình nhanh hay chậm từng giai đoạn có thể khác nhau giữa các trường, miễn là không vượt quá tổng thời gian của môn học đó trong một năm.

Vì vậy, giáo viên cần hiểu rõ chương trình, sách giáo khoa, đặc điểm của học sinh và điều kiện của nhà trường để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đối tượng.

Giáo viên chủ động, sáng tạo trong tổ chức dạy học và giáo dục, không nhất thiết phải tuân thủ hoàn toàn như trong sách giáo khoa.

Học sinh Hải Phòng sử dụng sách giáo khoa một cách chủ động, linh hoạt dưới sự hướng dẫn của giáo viên (Ảnh: Lã Tiến)

Học sinh Hải Phòng sử dụng sách giáo khoa một cách chủ động, linh hoạt dưới sự hướng dẫn của giáo viên (Ảnh: Lã Tiến)

Thời lượng của một chủ đề/bài học trong sách giáo khoa chỉ là dự kiến, giáo viên cần căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình, đối tượng học sinh và điều kiện của nhà trường để sắp xếp thời lượng cho mỗi chủ đề và toàn bộ môn học một cách phù hợp và khoa học.

Ngoài sách giáo khoa đã được phê duyệt để dạy học trong trường của mình, giáo viên có thể sử dụng các bộ sách giáo khoa khác để tham khảo, xây dựng kế hoạch dạy học và tổ chức dạy học ở một số chủ đề cụ thể nếu cần thiết.

Một số thông tin/ngữ liệu,… của chủ đề/bài học trong sách giáo khoa nếu giáo viên thấy chưa phù hợp với đối tượng học sinh thì giáo viên có quyền chủ động lựa chọn, sử dụng các thông tin/ngữ liệu,… dạy học từ các tài liệu tham khảo khác để biên soạn và tổ chức dạy học để đáp ứng được yêu cầu cần đạt của Chương trình môn học và phù hợp với đối tượng học sinh.

Giáo viên cần căn cứ vào các yêu cầu cần đạt trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục, các năng lực đặc thù của môn học/hoạt động giáo dục đó cũng như năng lực chung và phẩm chất chủ yếu trong Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể để thiết kế kế hoạch dạy học cho môn học/hoạt động giáo dục đó, không căn cứ vào sách giáo khoa như hiện nay nhiều giáo viên vẫn thường sử dụng.

Trong quá trình dạy học, giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn các hoạt động học tập cho học sinh theo các nội dung đã có trong sách giáo khoa hoặc những nội dung mà giáo viên đã biên soạn nhằm đáp ứng được mục tiêu đặt ra.

Ngoài những câu hỏi, nhiệm vụ học tập có trong sách, giáo viên có thể thay đổi hoặc tạo tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển.

Đối với dạy học phát triển năng lực, đánh giá quá trình (đánh giá thường xuyên) rất quan trọng. Việc đánh giá quá trình, đánh giá sự tiến bộ mới là đánh giá thiết thực và hiệu quả nhất cho sự phát triển của mỗi học sinh.

Phần lớn các sách giáo khoa biên soạn đã gợi ý, tạo điều kiện cho giáo viên sử dụng nhiều công cụ, biện pháp khác nhau trong kiểm tra, đánh giá như: sử dụng phiếu học tập, thảo luận,… đánh giá đồng đẳng và tự đánh giá của học sinh.

Tuy nhiên, giáo viên cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá cụ thể mỗi hoạt động trong mỗi chủ đề/bài học và toàn bộ chương trình đối với học sinh để đo lường được sự tiến bộ của học sinh cũng như đánh giá được hiệu quả dạy học và giáo dục.

Sách giáo khoa là học liệu chính của học sinh

Tuy nhiên, học sinh cũng cần sử dụng sách giáo khoa một cách chủ động, linh hoạt dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Để sử dụng sách giáo khoa một cách hiệu quả, học sinh cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng sách, hiểu rõ cấu trúc của mỗi chủ đề và toàn bộ sách giáo khoa.

Trong quá trình học tập, học sinh cần biết rõ mục tiêu học tập trong mỗi chủ đề/bài học. Từ đó, học sinh chủ động thực hiện nhiệm vụ học tập thông qua nội dung sách giáo khoa và dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Học sinh sử dụng các thông tin, ngữ liệu, tình huống, hình ảnh,… trong sách giáo khoa để thực hiện học tập cá nhân hoặc học tập hợp tác (cặp đôi, nhóm) để trao đổi, tranh luận và giải quyết được nhiệm vụ học tập.

Ngoài sách giáo khoa, các tài liệu giáo viên giới thiệu, học sinh có thể chủ động khai thác các nguồn tài liệu khác liên quan đến nội dung và mục tiêu của chủ đề bài học để phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu cũng như vận dụng các kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn để hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội.

Như vậy, sách giáo khoa của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho phép người giáo viên chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong quá trình dạy học.

Sách giáo khoa chỉ là học liệu chính, người giáo viên hoàn toàn chủ động trong lựa chọn các nội dung, phương pháp và tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp với đối tượng học sinh cũng như đáp ứng được các yêu cầu cần đạt trong chương trình môn học nói riêng và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nói chung.

LÃ TIẾN