Thời gian gần đây một số hãng truyền thông phương Tây và các trang mạng xã hội đăng tải bài viết “Sự thật về Thác Bản Giốc” của ông Mai Thái Lĩnh, trong đó có những nhận định và quy chụp hết sức chủ quan khi cho rằng Việt Nam đã bán đất cho Trung Quốc (TQ) khiến dư luận có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó nhiều người vẫn cảm thấy mơ hồ khi nhắc tới địa danh này. Điều đó một lần nữa cho thấy những bất cập trong nhận thức của không ít người ngay từ các nhà nghiên cứu, trí thức, quản lý cho đến người dân về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là sự nhầm lẫn, nhận thức sai lầm, mơ hồ về bằng chứng lịch sử, yếu tố lịch sử, tài liệu lịch sử trong văn chương, sách giáo khoa, bản đồ, bưu ảnh...với những chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ, người trực tiếp tham gia đàm phán hoạch định biên giới Việt Nam - TQ nói chung, khu vực Thác Bản Giốc nói riêng đã chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam những ý kiến của ông xung quanh vấn đề này.
Tiến sĩ Trần Công Trục. |
- PV: Thưa Tiến sĩ Trần Công Trục, gần đây trên một số phương tiện truyền thông nước ngoài và mạng xã hội có đăng tải bài viết “Sự thật về thác Bản Giốc” của ông Mai Thái Lĩnh gây ra nhiều băn khoăn, hoài nghi trong dư luận. Ông Lĩnh đưa ra một số “bằng chứng lịch sử” như bản đồ, bưu thiếp, ghi chép cá nhân của một sĩ quan Pháp cho đến viện dẫn sách trắng Ngoại giao để tìm cách chứng minh rằng toàn bộ thác Bản Giốc là của Việt Nam và các nhà đàm phán Việt Nam đã nhân nhượng vô nguyên tắc, thậm chí quy chụp ta đã bán đất cho TQ. Xin Tiến sĩ vui lòng chia sẻ những nhận định của mình về vấn đề này?
- Ts Trần Công Trục: Tôi đã đọc kỹ bài viết này của ông Mai Thái Lĩnh. Đây là một trường hợp điển hình về việc nhầm lẫn giữa chủ quyền lịch sử, bằng chứng lịch sử, quan điểm lịch sử với các chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế. Gần đây những vấn đề về quan điểm về chủ quyền lịch sử, bằng chứng lịch sử đã trở thành vấn đề nếu như chúng ta không nhìn nhận một cách khách quan, thực tế, cầu thị, có căn cứ sẽ dẫn đến tình trạng hết sức phức tạp, không chỉ những vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên đất liền mà cả đối với các hải đảo và các vùng biển. Để hiểu rõ câu chuyện ông Mai Thái Lĩnh đặt ra và giải tỏa những thắc mắc, băn khoăn trong dư luận, tôi xin nói qua về bối cảnh, xu hướng nhận thức sai lầm trong quan điểm xử lý tranh chấp lãnh thổ dựa trên quan điểm “chủ quyền lịch sử” đang tồn tại hiện nay. Về mặt lịch sử, gần đây mọi người có lẽ cũng đọc những thông tin về các phe phái chính trị ở Campuchia sử dụng các vấn đề lãnh thổ mang tính lịch sử không những để kích động cử tri Campuchia gây bất ổn chính trị xã hội đất nước này sau bầu cử Quốc hội mà còn gây chia rẽ quan hệ Campuchia - Việt Nam trên khu vực biên giới Tây Nam, điển hình là những phát biểu sai trái của ông Sam Rainsy, đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia vừa qua. Luận điệu sai trái bám vào lịch sử của Sam Rainsy không mới, trước đây những nhóm chính trị đối lập Campuchia đã từng đưa ra các nhận định, lập luận dựa vào lịch sử cho rằng xét về lịch sử các đảo Phú Quốc, Thổ Chu (thuộc chủ quyền Việt Nam) là của Campuchia. Thậm chí có những người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi tại Campuchia tuyên truyền rằng cứ theo lịch sử của họ thì ở đâu có cây thốt nốt, ở đâu có người Khemer thì ở đó là đất của Campuchia. Những luận điệu sai trái bám vào cái gọi là bằng chứng lịch sử, vùng đất lịch sử ấy đang được các thế lực chính trị lợi dụng tuyên truyền trong cộng đồng người dân Campuchia để kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan gây ra những vấn đề phức tạp, mặc dù 2 bên đã có quá trình thống nhất cơ sở pháp lý, đàm phán và phân giới cắm mốc một cách rõ ràng, minh bạch, hết sức mang tính xây dựng, tuân thủ luật pháp quốc tế và chiếu cố đến lợi ích của nhau.
- Ts Trần Công Trục: Tôi đã đọc kỹ bài viết này của ông Mai Thái Lĩnh. Đây là một trường hợp điển hình về việc nhầm lẫn giữa chủ quyền lịch sử, bằng chứng lịch sử, quan điểm lịch sử với các chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế. Gần đây những vấn đề về quan điểm về chủ quyền lịch sử, bằng chứng lịch sử đã trở thành vấn đề nếu như chúng ta không nhìn nhận một cách khách quan, thực tế, cầu thị, có căn cứ sẽ dẫn đến tình trạng hết sức phức tạp, không chỉ những vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên đất liền mà cả đối với các hải đảo và các vùng biển. Để hiểu rõ câu chuyện ông Mai Thái Lĩnh đặt ra và giải tỏa những thắc mắc, băn khoăn trong dư luận, tôi xin nói qua về bối cảnh, xu hướng nhận thức sai lầm trong quan điểm xử lý tranh chấp lãnh thổ dựa trên quan điểm “chủ quyền lịch sử” đang tồn tại hiện nay. Về mặt lịch sử, gần đây mọi người có lẽ cũng đọc những thông tin về các phe phái chính trị ở Campuchia sử dụng các vấn đề lãnh thổ mang tính lịch sử không những để kích động cử tri Campuchia gây bất ổn chính trị xã hội đất nước này sau bầu cử Quốc hội mà còn gây chia rẽ quan hệ Campuchia - Việt Nam trên khu vực biên giới Tây Nam, điển hình là những phát biểu sai trái của ông Sam Rainsy, đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia vừa qua. Luận điệu sai trái bám vào lịch sử của Sam Rainsy không mới, trước đây những nhóm chính trị đối lập Campuchia đã từng đưa ra các nhận định, lập luận dựa vào lịch sử cho rằng xét về lịch sử các đảo Phú Quốc, Thổ Chu (thuộc chủ quyền Việt Nam) là của Campuchia. Thậm chí có những người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi tại Campuchia tuyên truyền rằng cứ theo lịch sử của họ thì ở đâu có cây thốt nốt, ở đâu có người Khemer thì ở đó là đất của Campuchia. Những luận điệu sai trái bám vào cái gọi là bằng chứng lịch sử, vùng đất lịch sử ấy đang được các thế lực chính trị lợi dụng tuyên truyền trong cộng đồng người dân Campuchia để kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan gây ra những vấn đề phức tạp, mặc dù 2 bên đã có quá trình thống nhất cơ sở pháp lý, đàm phán và phân giới cắm mốc một cách rõ ràng, minh bạch, hết sức mang tính xây dựng, tuân thủ luật pháp quốc tế và chiếu cố đến lợi ích của nhau.
Ông Sam Rainsy, lãnh đạo đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia là người đưa ra những quan điểm hết sức sai lệch về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, kích thích chủ nghĩa dân tộc cực đoan và gây tổn hại đến quan hệ Campuchia - Việt Nam. |
Đó là một ví dụ điển hình của quan điểm sai trái dựa vào chứng cứ lịch sử, quan điểm lịch sử, chủ quyền lịch sử hết sức mù mờ để giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia. Điều này không những không có cách nào góp phần giải quyết tranh chấp lãnh thổ mà còn gây rối loạn xã hội, kích thích chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi và trở thành mảnh đất màu mỡ cho các thế lực chính trị lợi dụng tuyên truyền thu hút sự chú ý của dư luận nhằm thực hiện các ý đồ, mục tiêu của riêng họ. Câu chuyện về Sam Rainsy và một số nhóm chính trị đối lập tại Campuchia viện dẫn những quan điểm sai trái về chủ quyền lịch sử, bằng chứng lịch sử để đưa ra những tuyên bố vô lý về vấn đề chủ quyền, gây rối loạn xã hội Campuchia, chia rẽ quan hệ Campuchia - Việt Nam. Điều này không khác gì hiện nay trong dư luận đang sử dụng yếu tố lịch sử để lật lại vấn đề đàm phán biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc (TQ) và tung tin các nhà đàm phán Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam bán đất cho TQ. Quay trở lại vấn đề biên giới phía Bắc, lâu nay vẫn có không ít người nhầm lẫn giữa quan điểm chủ quyền lịch sử với các chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý trong giải quyết tranh chấp chủ quyền. Tôi xin nhắc lại thỏa thuận về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa Việt nam và TQ: “Vấn đề biên giới trên đất liền: Căn cứ vào nguyên tắc: “Hai bên đồng ý căn cứ vào Công ước hoạch định biên giới ký giữa Pháp và TQ ngày 26-6-1887 và Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới ngày 20-6-1895, cùng các văn kiện và bản đồ hoạch định cắm mốc kèm theo đã được Công ước và Công ước bổ sung nói trên xác nhận và quy định; đối chiếu xác nhận lại toàn bộ đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và TQ.” Đó là nguyên tắc cơ bản nhất mà 2 bên Việt Nam và TQ đã thỏa thuận và dựa vào. Như vậy, ngoài nội dung của Công ước hoạch định này còn có các văn kiện và bản đồ phân giới cắm mốc kèm theo được “Công ước và Công ước bổ sung xác nhận và quy định”. Nguyên tắc này đã chỉ rất rõ các loại văn bản, tài liệu nào có thể được sử dụng làm cơ sở để 2 bên dựa vào đó đàm phán.
Tiến sĩ Trần Công Trục trong một lần đi thực địa xác định, tìm hiểu đường biên giới phía Bắc. |
Xin nói thêm là nguyên tắc này sau khi hai bên thỏa thuận, thống nhất xong đều phải đưa ra Quốc hội 2 nước họp và thông qua bằng Nghị quyết chứ không một cá nhân nào có thể tùy tiện nêu ra. Hai bên chính thức ký kết thỏa thuận về những nguyên tắc giải quyết tranh chấp biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với TQ ngày 9/10/1993. Công ước Pháp - Thanh 1887 và Công ước Pháp - Thanh bổ sung 1895 cùng các văn kiện, bản đồ hoạch định cắm mốc kèm theo được công ước trên xác nhận và quy định mới được xem xét là có giá trị khi đưa ra đàm phán các khu vực có tranh chấp về chủ quyền. Tất cả các tài liệu, chứng cứ lịch sử như bản đồ, thư tịch, sách giáo khoa, bưu ảnh, ghi chép cá nhân nằm ngoài phạm vi của 2 bản Công ước trên đều không được chấp nhận, kể cả là ta hay TQ. Nếu cứ dựa vào lịch sử, sách giáo khoa, bản đồ để khẳng định chủ quyền đối với các khu vực tranh chấp thì không bao giờ, không ở đâu có thể giải quyết được vì không có một cơ sở nguyên tắc chung. Ta có tài liệu, có bản đồ, có sách giáo khoa, có bưu ảnh để nói chủ quyền một số khu vực nào đó là của ta thì phía TQ họ cũng có những tài liệu tương tự. Vì vậy, chỉ có thể dựa trên nguyên tắc pháp lý, văn bản pháp lý có giá trị cao nhất ở đây là Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 mới có thể giải quyết được vấn đề, nếu không đồng báo chiến sĩ sẽ tiếp tục hi sinh, môi trường bất ổn định và không thể có hòa bình, chắc chắn ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Chúng ta luôn sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất của Tổ Quốc nhưng phải trên cơ sở pháp lý, trên cơ sở chúng ta phải xác nhận rõ ràng khu vực đó thuộc chủ quyền của Việt Nam được quốc tế thừa nhận, dù có phải đổ máu, hi sinh bao nhiêu chúng ta cũng phải bảo vệ. Nhưng những khu vực tranh chấp trên tuyến biên giới trên bộ giữa Việt Nam và TQ thì cả 2 bên đều không đủ chứng cứ pháp lý chứng minh chủ quyền của mình và thuyết phục được đối phương. Vì thế mới cần đàm phán, giải quyết theo thỏa thuận trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế.
Tiến sĩ Trần Công Trục và một người dân địa phương bên cột mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc từ thời Pháp - Thanh để lại. |
Chúng ta không thể ở khu vực biên giới phía Bắc thì cứ đòi dựa vào lịch sử, vào sách giáo khoa, vào tiềm thức, tâm tư và tình cảm của mình để khẳng định một vùng đất là của chúng ta nhưng ở khu vực khác như biên giới Tây Nam chúng ta lại phủ nhận quan điểm lịch sử, bằng chứng lịch sử, chủ quyền lịch sử khi đối phương đưa ra để đòi chủ quyền những vùng đất của chúng ta. Khi chúng ta đọc được, nghe được các thông tin về các nhóm chính trị ở Campuchia tuyên truyền rằng Việt Nam bành trướng, cướp đất của Campuchia, chắc chắn chúng ta đều hết sức phẫn nộ và kịch liệt phản đối. Chúng ta không xem nhẹ các yếu tố, sự kiện lịch sử, nhưng cần đánh giá một cách khách quan, yếu tố tư liệu lịch sử nào có giá trị pháp lý áp dụng giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc 2 bên thỏa thuận trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế. Những người vẫn còn đang theo đuổi “chủ quyền lịch sử, quan điểm lịch sử và bằng chứng lịch sử” để chỉ trích Việt Nam bán đất cho TQ ở thác Bản Giốc, Hữu Nghị Quan hay sông Bắc Luân, thử hỏi họ có thể chấp nhận được quan điểm vô lý của một số người Campuchia như Sam Rainsy khi đòi “chủ quyền” đối với đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu, thậm chí là cả Nam Bộ của Việt Nam hay không? Tôi tin là hoàn toàn không. Ở ngoài Biển Đông, liệu những người này có thừa nhận quan điểm “chủ quyền lịch sử” của TQ đòi yêu sách đối với Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam hay không? Đường lưỡi bò mà TQ đưa ra ở Biển Đông được họ chủ trương là “chủ quyền lịch sử”, “danh nghĩa lịch sử”, họ đưa ra những tài liệu lịch sử, chứng cứ lịch sử, đặt tên đảo, thậm chí nói là từ trước Công nguyên, liệu những người theo đuổi “chủ quyền lịch sử” có chấp nhận được quan điểm đó không?
Đường lưỡi bò phi pháp Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông dựa vào cái gọi là "chủ quyền lịch sử", "quan điểm lịch sử", "bằng chứng lịch sử" hoàn toàn không có giá trị pháp lý. |
Tôi không nói về vấn đề quan điểm chính trị, chỉ nói về nhận thức thì rất nhiều người yêu nước, tâm huyết với công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia hiện nay nhưng lại chỉ say sưa với “bằng chứng lịch sử”, “chủ quyền lịch sử” mà vô tình không thấy rằng chính TQ và thế lực chính trị đối lập, cực đoan tại Campuchia đang khai thác yếu tố “chủ quyền lịch sử”, “chứng cứ lịch sử” để đưa ra yêu sách phi lý và phi pháp, chúng ta không thể cứ mãi tiếp tục mơ hồ, chạy theo quan điểm sai trái này. Chúng ta phải đặt mình vào vị trí của các nước có liên quan để có cái nhìn khách quan và đầy đủ đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Tại sao chúng ta và cộng đồng quốc tế có thể chấp nhận những tư duy duy ý chí đó? Ví dụ như 2 gia đình tranh chấp một thửa đất, thì chỉ có thể dựa vào các tài liệu, chứng cứ pháp lý như sổ đỏ, hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, di chúc...để xem xét giải quyết, anh không thể vác gia phả sang hàng xóm bảo họ rằng, căn nhà này anh có sổ đỏ, nhưng nó thuộc gia đình tôi từ thời cụ tổ và giờ hàng xóm phải trả lại. Đó là những tư duy duy ý chí, hết sức sai lầm và chỉ đẩy vấn đề vào ngõ cụt. Vì vậy chúng ta phải hiểu một cách hết sức rõ ràng, công khai và sòng phẳng về những điều này. Còn đương nhiên Công ước Pháp - Thanh, cơ sở pháp lý mà chúng ta đã ký kết, thỏa thuận với TQ ra đời cách thời điểm hai bên ngồi đàm phán với nhau cả trăm năm thì việc mô tả, thể hiện trên bản đồ do rào cản kỹ thuật cũng như điều kiện địa hình, địa mạo, một số khu vực có thể có sai khác mới dẫn đến tranh chấp và nhận thức khác nhau, điều này hết sức bình thường, hai bên mới phải ngồi vào bàn đàm phán. Nếu đã có một đường biên giới hoàn chỉnh và rõ ràng thì cần gì đàm phán, và cũng chẳng có chuyện tranh chấp, giằng co nhau dẫn tới đổ máu. Do đó chúng ta phải nghiên cứu cách tiếp cận vấn đề, tránh những hiểu lầm trong nội bộ chúng ta cũng như tránh những hệ lụy nguy hiểm chỉ vì thiếu thông tin hoặc nhận định sai lầm về “chủ quyền lịch sử”. Câu chuyện về thác Bản Giốc, Hữu Nghị Quan, sông Bắc Luân là câu chuyện của ngày hôm qua nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hôm nay và ngày mai, khi trên Biển Đông thì TQ đòi yêu sách “chủ quyền lịch sử”, ở biên giới Tây Nam các thế lực chính trị cực đoan Campuchia dùng “chủ quyền lịch sử” âm mưu phá vỡ sự ổn định đường biên giới đã được chính thức đàm phán, ký kết và phân giới cắm mốc. Còn bám vào quan điểm “chủ quyền lịch sử” là vô tình trúng bẫy của TQ cũng như Sam Rainsy.
Bức ảnh chụp lại buổi trao bản đồ đường biên giới chủ trương giữa 2 đoàn Việt Nam - Trung Quốc, Tiến sĩ Trần Công Trục (bên phải) đại diện đoàn Việt Nam. Sự kiện diễn ra lúc 11 giờ 30 phút ngày 27/6/1994 tại phòng họp lớn tầng 4 khách sạn Hoa Phượng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh do ông Nguyễn Hiền Nhân chụp lại. |
Chúng ta nghiên cứu lịch sử để hiểu công lao dựng nước, giữ nước của các thế hệ cha ông, nhưng về mặt tranh chấp lãnh thổ thì chúng ta phải hết sức lưu ý giá trị pháp lý của các chứng cứ lịch sử, tài liệu lịch sử ở mức độ nào chứ không phải tất cả các yếu tố lịch sử có thể đem ra khẳng định yêu sách chủ quyền, không ai chấp nhận điều đó trên bình diện luật pháp quốc tế. - PV: Quay lại câu chuyện tài liệu “Sự thật thác Bản Giốc” của ông Mai Thái Lĩnh đưa ra các tài liệu lịch sử, chứng cứ lịch sử để khẳng định rằng toàn bộ ngọn thác này thuộc chủ quyền của Việt Nam và quy kết các nhà đàm phán, lãnh đạo Việt Nam đã nhân nhượng vô nguyên tắc, bán đất cho TQ. Xin Tiến sĩ vui lòng phân tích cụ thể trường hợp điển hình này về những nhầm lẫn giữa “chủ quyền lịch sử”, “bằng chứng lịch sử” với các chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý trong giải quyết tranh chấp biên giới lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế? - Ts Trần Công Trục: Trong tài liệu này, ông Mai Thái Lĩnh căn cứ vào sách giáo khoa, vào lịch sử, văn chương, bưu ảnh, bản đồ cho đến cả ghi chép cá nhân của một người trong đoàn đàm phán Pháp - Thanh. Tất cả các tài liệu này, như đã phân tích ở trên rõ ràng nó nằm ngoài phạm vi nguyên tắc pháp lý mà 2 bên Việt Nam và TQ có thể thống nhất và đã thống nhất với nhau là Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 và các văn kiện bản đồ phân giới cắm mốc đi kèm, do đó những tài liệu ông Lĩnh đưa ra chỉ có tính chất tham khảo và không thể dùng làm chứng cứ để khẳng định chủ quyền của anh hay của tôi. Phía TQ cũng có các tài liệu tương tự như vậy, và ta không chấp nhận. Để giải đáp những băn khoăn, thắc mắc trong dư luận về thác Bản Giốc, tranh chấp ở chỗ nào và tại sao có những tranh chấp đó, xin được nhắc lại như sau. Thác Bản Giốc là 1 trong 4 khu vực C trọng điểm tồn lại trong quá trình Việt Nam và TQ đàm phán biên giới trên bộ. Căn cứ vào Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 và các bản đồ, văn kiện kèm theo thì đường biên giới qua khu vực thác Bản Giốc được mô tả là đi giữa dòng sông Quây Sơn đến đỉnh thác chính và thác Bản Gốc là một bộ phận của sông Quây Sơn. Từ đỉnh dòng thác chính thác Bản Giốc đường biên giới kéo thẳng đến mốc 53 nằm bên sườn quả núi bên trái con đường đi. Các tài liệu pháp lý để lại đã mô tả như vậy. Khi hai bên đã thỏa thuận xong được nguyên tắc chung đàm phán hoạch định biên giới trên đất liền, Việt Nam và TQ mỗi bên về thể hiện đường biên giới chủ trương của mình lên bản đồ địa hình chung do 2 bên thỏa thuận trước. Đường biên giới chủ trương do 2 bên tự xác định bởi các chuyên gia bản đồ, pháp lý, kỹ thuật của mỗi bên và được các địa phương nơi đường biên giới đi qua xác nhận. Khi trao đổi bản đồ thể hiện đường biên giới chủ trương thì đoạn đường biên giới qua khu vực sông Quây Sơn và thác Bản Giốc gần như trùng nhau hoàn toàn, chỉ có duy nhất 1 điểm khác biệt là ở thượng nguồn thác Bản Giốc trong Công ước không mô tả khu vực sông Quây Sơn rẽ thành 2 nhánh ôm lấy một cồn gọi là cồn Pò Thoong.
Thác Bản Giốc không có tranh chấp, chỉ có cồn Pò Thoong (cồn Pò Đon) do tài liệu pháp lý để lại không rõ nên mới tạo ra tranh chấp. Mốc 53 theo Công ước Pháp - Thanh là mốc 835/1 hiện nay. Các mốc giới khu vực sông suối đều được cắm so le trên đất liền, không cắm giữa sông suối. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Tranh chấp chính là cồn Pò Thoong với 2 luồng chảy đổ xuống thác Bản Giốc do tài liệu để lại không rõ ràng. Do đó thác Bản Giốc không có gì tranh chấp, chỉ còn lại cồn Pò Thoong 2 bên phải đàm phán giải quyết. Trong thực tế quản lý có rất nhiều quan điểm khác nhau, ta nói của ta, TQ nói của họ, vì có tranh chấp nên có những thời kỳ xuất hiện cả kiến trúc xây dựng trên cồn Pò Thoong để khẳng định chủ quyền, và điều này là hoàn toàn bình thường. Khi cả ta và TQ không đủ chứng cứ, tài liệu pháp lý để bảo vệ yêu sách chủ quyền đối với cồn Pò Thoong, 2 bên phải dựa vào nguyên tắc chung thỏa thuận ban đầu, đối với đường biên giới di qua sông suối tàu thuyền không đi lại được thì đường biên giới đi qua trung tuyến dòng chảy chính. Khi phân giới cắm mốc, 2 bên đo đạc xác định dòng chảy chính nằm về phía Việt Nam, nếu căn cứ vào nguyên tắc pháp lý trên thì cả cồn Pò Thoong sẽ thuộc về Trung Quốc. Khi giải quyết, vấn đề này động chạm đến tình cảm, tiềm thức của người dân Việt Nam nên 2 bên có sự trao đổi, chiếu cố lợi ích của nhau để giải quyết tranh chấp một cách thích hợp. Cuối cùng 2 bên thống nhất đường biên giới đi qua cồn Pò Thoong, hai phần ba thuộc về TQ và một phần ba thuộc về Việt Nam. Đó là giải pháp đã tính đến lợi ích của đôi bên, liên quan đến tình cảm và quá trình quản lý. Tuy nhiên khu vực này là 1 cảnh quan có giá trị đối với cả 2 bên, không ai xây dựng cột mốc ở khu vực giữa dòng sông suối nên theo thông lệ quốc tế, chúng ta và TQ thỏa thuận hợp tác khai thác du lịch tại khu vực thác Bản Giốc vì lợi ích đôi bên, cụ thể 2 bên sẽ đàm phán và có phương án hợp lý. Tôi cho rằng kết quả đàm phán là hoàn toàn phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế. Chính tôi đã từng lội sông, lội suối lên khu vực thượng nguồn sông Quây Sơn, thác Bản Giốc, tận tay sờ vào cột mốc 53 và rõ ràng cồn Pò Thoong không được mô tả trong tài liệu 2 bên dựa vào làm căn cứ. Không có chuyện mốc 53 cắm trên cồn Pò Thoong. Sở dĩ có những hiểu lầm trong dư luận là toàn bộ thác Bản Giốc thuộc về Việt Nam là vì trong quá trình quản lý biên giới, theo quy định và cũng như thông lệ, không ai đem cột mốc cắm giữa dòng sông biên giới, những khu vực đường biên giới đi qua sông suối như khu vực thác Bản Giốc thì mốc được cắm so le. Tuy nhiên quá trình quản lý biên giới, biến thiên lịch sử, do chiến tranh, hoặc do nguyên nhân nào đó khu vực thác Bản Giốc, cột mốc biên giới từ thời Pháp - Thanh xác lập bị mất cột mốc bên phía Việt Nam, chỉ còn cột mốc bên phía TQ nên người dân đến đây có cảm giác toàn bộ thác Bản Giốc thuộc về Việt Nam vì chỉ nhìn thấy cột mốc bên phía TQ. Trong khi đó Công ước Pháp - Thanh mô tả đường biên giới qua thác Bản Giốc bằng tiếng Pháp và tiếng TQ thì không được dịch và phổ biến ra cộng đồng, nên sự nghi ngờ, mơ hồ của dư luận về khu vực này là có thể hiểu được. Hiện nay rõ ràng nhiều người vẫn còn chưa hiểu rõ về vấn đề thác Bản Giốc và điều đáng nói là không chỉ người dân mà ngay cả những người làm công tác nghiên cứu và quản lý vẫn cảm thấy mơ hồ như tôi đã từng phân tích, họ thiếu thông tin, thiếu nghiên cứu pháp lý và thực địa. Trong dân gian người ta đã đọc được nhiều tài liệu về thác Bản Giốc, trong đó có những tài liệu của chính chúng ta, kể cả tài liệu chính thức như sách giáo khoa và các tài liệu văn bản mang tính chất nhà nước trong suốt một thời kỳ đã từng khẳng định, nhấn mạnh thác Bản Giốc là của Việt Nam. Thực tế chúng ta cũng thấy rằng, thời kỳ trước đây chưa có đường biên giới rõ ràng và cộng đồng dân cư vùng biên giao lưu qua lại mật thiết với nhau, những điều này dẫn đến hình thành nhận thức, tình cảm, thậm chí là tiềm thức cho rằng toàn bộ thác Bản Giốc là của Việt Nam cũng là điều dễ hiểu. Đã có lúc đồng bào, chiến sĩ ta phải đổ máu để bảo vệ. Đó là sản phẩm của một quá trình nhận thức duy ý chí cả của ta lẫn TQ nên đã dẫn tới những tranh chấp, xung đột. Và khi xét dưới lăng kính luật pháp quốc tế, cái gì chúng ta sai chúng ta phải điều chỉnh, cái gì chúng ta đúng, chúng ta kiên quyết bảo vệ. Chỉ có trên tinh thần cầu thị, tôn trọng luật pháp quốc tế và nguyên tắc chung 2 bên đã thỏa thuận, chúng ta mới có thể ngồi lại đàm phán với TQ để hoạch định phân giới cắm mốc, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, ổn định và hữu nghị. Một số người có thể cố tình, có thể vô ý do nhận thức hạn chế về vấn đề “chủ quyền lịch sử” vẫn đang tiếp tục khai thác những tài liệu này để quy chụp rằng Việt Nam bán đất cho TQ, gây hoài nghi, chia rẽ trong dư luận, làm giảm sức mạnh đoàn kết dân tộc, gây bất ổn xã hội nhằm thực hiện một ý đồ, mục tiêu chính trị nào đó. Chúng ta phải hiểu rất rõ vấn đề này, nếu không sẽ rơi vào trạng thái mơ hồ, hoang mang, lúng túng và bị động.
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn".
Mọi ý kiến nhận xét, phản biện về các nội dung trong bài viết trên tinh thần tôn trọng sự thật khách quan, bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc và có lợi cho việc gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển đất nước, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẵn sàng đăng tải. Tiến sĩ Trần Công Trục sẵn sàng trao đổi để làm rõ những thắc mắc, nghi vấn xung quanh vấn đề này. Những ý kiến, phản biện xin quý độc giả vui lòng gửi về địa chỉ doanphuc@giaoduc.net.vn, trân trọng cảm ơn!
Mọi ý kiến nhận xét, phản biện về các nội dung trong bài viết trên tinh thần tôn trọng sự thật khách quan, bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc và có lợi cho việc gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển đất nước, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẵn sàng đăng tải. Tiến sĩ Trần Công Trục sẵn sàng trao đổi để làm rõ những thắc mắc, nghi vấn xung quanh vấn đề này. Những ý kiến, phản biện xin quý độc giả vui lòng gửi về địa chỉ doanphuc@giaoduc.net.vn, trân trọng cảm ơn!
Hồng Thủy