Bệnh nhân ức chế khi siêu âm mỗi lúc một kết quả!

22/02/2012 10:20
Theo Tuổi Trẻ
Nhiều bệnh nhân đã lo sợ, mất ăn mất ngủ khi nhận được những kết quả siêu âm, chẩn đoán hình ảnh về bệnh của mình lúc thế này, lúc thế khác...
Bệnh nhân ức chế khi siêu âm mỗi lúc một kết quả! ảnh 1

Chị T.T.T.T., 19 tuổi, đến siêu âm tại phòng khám đa khoa Uyên Trang, Q.Bình Thạnh, TP.HCM ngày 4-11-2011. Đọc kết quả siêu âm bác sĩ Trần Anh Tân kết luận chị có thai 4 tuần 3 ngày, nhưng khi khám ở một cơ sở khác chị được kết luận không có thai!

Nơi “thấy” có thai, nơi không

Trao đổi về trường hợp chị T.T., bác sĩ Tân cho rằng “trong siêu âm nhầm lẫn cũng là chuyện bình thường”. Theo bác sĩ Tân, nhầm lẫn trong kết quả siêu âm không gây hậu quả nghiêm trọng vì thường hẹn để kiểm tra siêu âm lại sau đó. Tuy nhiên, khi phóng viên Tuổi Trẻ đặt vấn đề: “Sao trong giấy siêu âm của chị T.T.T.T. ở phần đề nghị không thấy bác sĩ ghi cần siêu âm lại?” thì bác sĩ Tân cho rằng có thể do quên!

Chị P.T.T.D., 32 tuổi, cũng đến phòng khám Uyên Trang siêu âm, được kết luận: theo dõi u xơ tử cung. Chị D. lo lắng đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM siêu âm lại vào ngày 8-12 thì kết quả siêu âm là: theo dõi nang xuất huyết buồng trứng (P). Sau đó, trong đợt khám sức khỏe tại cơ quan gần đó thì bác sĩ siêu âm lại nói bình thường.

Còn chị V.T.N.H., 26 tuổi, ở Q.Bình Tân, TP.HCM, bị hiếm muộn nhiều năm. Khi chị đến nhà bảo sanh HP, Q.6 siêu âm thì được phát hiện buồng trứng hai bên dạng đa nang, nhưng ngày 13-11-2011 đến Bệnh viện Hùng Vương siêu âm lại thì tại đây kết luận chưa phát hiện bất thường qua siêu âm.

TS.BS Lê Thị Thu Hà, phó khoa sản A Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, cho biết nhiều bệnh nhân lo lắng về một kết quả siêu âm nhưng khi kiểm tra lại tại Bệnh viện Từ Dũ thì cho kết quả ngược hẳn. Mới đây, bác sĩ Thu Hà tiếp nhận một phụ nữ từ Campuchia sang Việt Nam khám.

Trước đó, vào tháng 9, 10 và 11-2011, chị này được ba bác sĩ khác nhau cùng chẩn đoán mang song thai trong tử cung. Nhưng một điều lạ là ở ba thời điểm khác nhau (cách nhau 2-3 tuần) kết quả siêu âm lại cùng ghi “song thai trong tử cung khoảng 5-6 tuần”. Khi bác sĩ Hà khám, siêu âm lại chỉ thấy có u xơ tử cung to chứ không phải có thai.

Giải thích sở dĩ có những kết quả siêu âm khác nhau này, theo bác sĩ Thu Hà, là do sự hạn chế của máy siêu âm tại những cơ sở y tế đó, hoặc máy tốt nhưng người đọc lại đọc chưa chính xác. Còn khi máy siêu âm và người đọc kết quả đều tốt, nếu có sai sót có thể do những bệnh lý ở mỗi thời điểm khác nhau sẽ biểu hiện khác nhau nên các bác sĩ thường ghi theo dõi bệnh này, bệnh khác... Người bệnh không nên quá lo lắng vì chỉ sau một thời gian nhất định, siêu âm lại bác sĩ mới khẳng định được bệnh nhân đó có mắc bệnh hay không.

Đã cắt mà “thấy” còn

Bồi thường phải thỏa đáng

Trả lời về quy định mở “bệnh viện và nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm thỏa thuận về mức phí cũng như bồi thường khi có rủi ro” liệu có thiệt thòi cho bệnh nhân, ông Lý Ngọc Kính cho rằng nếu bồi thường chưa thỏa đáng, người bệnh có thể khởi kiện lên cấp cao hơn và nếu tòa án xác định bồi thường chưa thỏa đáng, phía bảo hiểm sẽ phải đền bù.

Bà Đỗ Thị Thoa (thị xã Bãi Cháy, Quảng Ninh) bị sỏi mật, buộc phải cắt túi mật tháng 5-2005 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi cắt mật hơn sáu năm, mới đây bà đi siêu âm tại một phòng khám trên đường Giải Phóng, Hà Nội và nhận kết quả khá bất ngờ: “túi mật không to, dịch trong, thành mỏng đều, không có sỏi”.

Chìa phiếu siêu âm màu in rất đẹp, bà Thoa vẫn chưa hết bàng hoàng: “Vết mổ mở cắt túi mật từ năm 2005 còn để lại hàng sẹo dài chạy dọc bụng mà bác sĩ lại kết luận túi mật ổn thì đúng là bó tay”!

Chẩn đoán hình ảnh sai không chỉ có ở bệnh viện cơ sở, mà ngay bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt cũng không hiếm khi vướng phải.

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội từng có bệnh nhân được nội soi lấy thai ngoài tử cung hơn một tháng, khi đến khám lại vẫn có thai! Nạn nhân của chẩn đoán sai hi hữu này là chị Dương Thị T., sinh năm 1987 ở Bắc Giang.

Khi đến khám thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và được chẩn đoán có thai ngoài tử cung, chị phải phẫu thuật nội soi lấy thai ngoài tử cung ngay ngày hôm sau. Song một tháng sau đó, lúc đến khám lại, bác sĩ lại xác định chị T. có thai 9 tuần 5 ngày tuổi, thai phát triển bình thường.

Trả lời gia đình chị T., đại diện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay trong quá trình nội soi, bác sĩ đã phát hiện chị T. không có thai ngoài tử cung và đã ngừng phẫu thuật!

Một bệnh nhân đến Bệnh viện Hữu Nghị khám với kết luận ghi trong phiếu siêu âm của cơ sở y tế tuyến dưới là u gan, nhưng khi các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu Nghị xem lại kết quả siêu âm thì chỉ kết luận bệnh nhân “gan nhiễm mỡ”. Theo các bác sĩ ở khoa chẩn đoán hình ảnh, sai sót thường thấy là do trình độ đọc phim ở một số bác sĩ, có người không chuyên môn làm công tác chẩn đoán hình ảnh nên đã không biết hết các từ chuyên môn!

Do đó, để có kết luận chính xác, phải kết hợp với tình huống lâm sàng và chẩn đoán toàn diện, chứ không chỉ dựa vào kết quả siêu âm, chẩn đoán hình ảnh.

Có thể khởi kiện

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lý Ngọc Kính cho hay người bệnh là nạn nhân của chẩn đoán, điều trị sai lầm ảnh hưởng đến sức khỏe có thể khởi kiện bệnh viện theo Luật khám chữa bệnh. Theo đó, cơ sở y tế phải mua bảo hiểm rủi ro cho thầy thuốc và nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm sẽ là bên thứ ba đại diện bệnh nhân thỏa thuận mức đền bù khi có rủi ro y khoa.

Đáng nói là dù Luật khám chữa bệnh đã có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-1-2011, nhưng đến nay vẫn chưa có nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm nào cung cấp loại hình bảo hiểm rủi ro cho thầy thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM, cho biết: Nếu nhận được những kết quả siêu âm khác nhau tại những cơ sở khác nhau, người bệnh nên tái khám ở một trong những cơ sở từng đến khám, không nhất thiết phải sang một cơ sở y tế khác. Tốt nhất, người bệnh tìm gặp lại bác sĩ từng khám cho mình trao đổi về những kết quả siêu âm khác nhau này để được bác sĩ kiểm tra, giải thích rõ.

Nhận một kết quả siêu âm sai ở một cơ sở y tế dẫn đến chẩn đoán sai, điều trị sai, ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh nhân có thể khiếu nại đến cơ sở y tế này. Nếu cơ sở y tế này vẫn giải quyết không thỏa đáng thì có thể khiếu nại ở các cấp cao hơn như thanh tra sở y tế. Lúc đó sở y tế sẽ thành lập hội đồng để kết luận vụ việc.

Theo Tuổi Trẻ