Vợ bị ung thư có thể “gần gũi”?

27/12/2011 09:10
Theo Dân Việt
Khi được chồng âu yếm, người vợ sẽ cảm nhận được tình yêu của chồng, tinh thần sảng khoái, phấn chấn, rất có lợi cho việc điều trị bệnh tật.
Vợ tôi bị bệnh ung thư đại tràng. Cô ấy đã cắt 1m ruột và hiện đang điều trị xạ trị. Tóc cô ấy bị rụng và sức khỏe cũng yếu. Tôi rất thương vợ, luôn động viên, giúp đỡ cô ấy kiên trì chữa bệnh. Có vấn đề rất tế nhị nhưng tôi không biết chia sẻ với ai. Từ lúc phát hiện bệnh đến nay đã gần 2 năm nhưng cô ấy hoàn toàn xa cách tôi, không cho tôi chạm vào người.

Sự ân cần, âu yếm sẽ xua tan mặc cảm của vợ.
Sự ân cần, âu yếm sẽ xua tan mặc cảm của vợ.

Lúc đầu vì cô ấy căng thẳng, đau đớn, bây giờ xạ trị, tóc cô ấy bị rụng thì cô ấy lại mặc cảm mình xấu xí. Tôi cũng lo cô ấy bệnh tật nếu quan hệ tình dục sẽ mệt mỏi. Đương nhiên khi kiêng cữ đã quá lâu nên tôi cũng khá căng thẳng, “bức xúc”. Nhưng trên hết tôi rất muốn ôm ấp, vuốt ve cô ấy để cô ấy bớt đau đớn, buồn phiền. Nếu “yêu” có khiến vợ tôi mất sức không? Tôi phải làm thế nào để phá vỡ mặc cảm của vợ để cô ấy chịu gần tôi?

Lê Đức Anh (duc…gmail.com)

Chỉ cần vợ anh biết được nỗi niềm này của chồng, cô ấy sẽ thực sự cảm thấy hạnh phúc và mong muốn được gần gũi chồng hơn bao giờ hết. Nếu bệnh nặng, sức khỏe suy sụp thì chắc chẳng còn sức gần gũi, có ép cũng không được. Còn nếu sức khỏe ổn định, thì vẫn có thể yêu “nhẹ nhàng” được. Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng, bệnh nhân bị ung thư sẽ bị “mất sức” nếu như quan hệ tình dục.

Hơn nữa, việc “yêu” có tác dụng tốt cho sức khỏe như giảm đau, lưu thông khí huyết. Khi bị bệnh, nhất là việc xạ trị bị rụng tóc, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, người phụ nữ nào cũng mặc cảm, sợ bị chồng chê bai, hắt hủi. Vì thế, khi được chồng âu yếm, người vợ sẽ cảm nhận được tình yêu của chồng, tinh thần sảng khóai, phấn chấn, rất có lợi cho việc điều trị bệnh tật.

Muốn phá bỏ “hàng rào” mặc cảm của vợ, trước hết, anh nên năng trò chuyện, hỏi han cô ấy. Không nên hỏi về bệnh tật nhiều mà tăng cường nói chuyện cười, chuyện vui để cô ấy lạc quan hơn về cuộc sống. Đồng thời, anh cũng thể hiện tình cảm của mình đối với vợ để cô ấy không cảm thấy ngại gần chồng. Lúc đó, anh sẽ có điều kiện “đụng chạm”, bày tỏ mong muốn được “yêu đương”. 

Bệnh nặng càng khiến người phụ nữ buông xuôi, không quan tâm đến vẻ ngoài nên ăn mặc úi xùi, không trang điểm, đã mệt mỏi càng ủ dột hơn. Anh có thể rủ cô ấy đi mua tóc giả, sắm quần áo để tân trang cho bản thân. Khi thấy mình đẹp hơn, phấn chấn hơn, vợ anh cũng sẽ yêu bản thân hơn và chấp nhận tình yêu của chồng.

Nếu cô ấy vẫn chưa cởi mở, anh vẫn nên xoa đầu, bóp vai cho vợ. Điều đó cũng làm tăng thêm sự nồng ấm trong tình cảm. Sức nóng ấy sẽ làm tan chảy bất cứ hàng rào mặc cảm nào.

BS Hoàng Tú Anh (Cty sáng kiến sức khỏe và dân số CCIHP)
Theo Dân Việt