Sức nóng của BOT và phát ngôn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

28/05/2018 06:25
NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN) - Có ý kiến cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải đổi trạm thu phí BOT thành trạm thu giá BOT là một hình thức đánh tráo khái niệm.

LTS: Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá XIV, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã có phát ngôn gây dậy sóng dư luận về vấn đề BOT.

Trong bài viết này, Đại tá Nguyễn Huy Viện chia sẻ đôi điều mạn đàm về vấn đề này.

Toà soạn trân trọng gửi đến cùng quý độc giả.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ (Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá XIV), sáng 22/5/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng: “Thời gian qua trạm thu giá BOT rất nóng, chưa lúc nào nóng như 2017, nhưng đây là sản phẩm của giai đoạn trước, nhiệm kỳ trước”. (1)

Phát biểu này của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã làm dậy sóng đồng loạt trên các phương tiện truyền thông bởi mấy lẽ:

Thứ nhất: Trong nhiều năm qua, các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhà nước cũng như các chuyên gia và các cơ quan truyền thông tập trung đả phá lề thói tư duy nhiệm kỳ.

Vì lề thói tư duy này là nguồn gốc của lợi ích nhóm, dẫn đến tệ nạn tham nhũng và bất công xã hội; là một trong những nguyên nhân cơ bản kéo lùi sự phát triển của quốc gia.

Trạm BOT Cai Lậy từng nhiều lần bị phản đối. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)
Trạm BOT Cai Lậy từng nhiều lần bị phản đối. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Thứ hai: Nhiệm kỳ trước mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói là giai đoạn 2011 - 2016, chẳng lẽ ông Thể không nhớ mình đã làm Thứ trưởng quá nửa nhiệm kỳ (6/2013 - 10/2015)?

Không những vậy, ông Thể còn được phân công phụ trách các dự án BOT giao thông. Và, ông là người ký phê duyệt nhiều dự án BOT, trong đó có những trạm đã bị dư luận xã hội phản đối rất mạnh thời gian qua.

Trong số các trạm thu phí BOT xảy ra xung đột lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư thì trạm BOT Cai Lậy do ông Nguyễn Văn Thể phê duyệt (lúc đó ông là Thứ trưởng), không qua đấu thầu mà chỉ định thầu đã để lại nhiều "điều tiếng".

Đây cũng là trạm thu phí xảy ra xung đột lợi ích căng thẳng nhất giữa người dân với doanh nghiệp, buộc Thủ tướng Chính phủ phải họp khẩn với lãnh đạo Tiền Giang và các bộ ngành chức năng vào chiều ngày 4/12/2017 để bàn biện pháp tháo “ngòi nổ”.

Thứ ba: Những bức xúc về BOT thời gian qua có trách nhiệm của ông Đinh La Thăng khi còn làm Bộ trưởng ở giai 2011-2016.

Dù vậy cũng không thể đổ hết mọi tội lỗi cho ông Thăng, mà bên cạnh đó còn phải xét trách nhiệm cụ thể của từng Thứ trưởng phụ trách và trực tiếp ký duyệt dự án.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - ông Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - ông Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Quochoi.vn

Cũng trong chiều 22/5/2018, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về những băn khoăn mà dư luận đặt ra với việc đổi tên gọi trạm thu phí BOT thành trạm thu giá BOT, ông Nguyễn Văn Thể cho biết:

"Giờ mình xem BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của Nhà nước".

Và "Bây giờ phí liên quan tới Hội đồng nhân dân, Quốc hội quyết định, còn giá là do doanh nghiệp cung cấp, vì BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên cần điều chỉnh lại cho chính xác.

Từ khi chuyển qua giá thì sẽ giảm giá, giảm để cân đối được phương án tài chính, còn nếu phí muốn thay đổi sẽ phải thông qua các bộ nên rất chậm" (2)

Trong phạm vi bài viết này, xin không bàn về mục đích của thay đổi từ thuật ngữ “thu phí BOT” sang thuật ngữ “thu giá BOT” mà chỉ có đôi lời bàn về ngữ nghĩa của vấn đề.

Trong từ điển tiếng Việt: “phí” là danh từ chỉ khoản tiền phải trả cho một công việc phục vụ, dịch vụ công cộng nào đó. Ví dụ phí giao thông, phí an ninh, phí giữ xe …

Khi những người kinh doanh các loại dịch vụ này thu tiền khách hàng thì gọi là thu phí giao thông, thu phí an ninh, thu phí giữ xe chứ không ai gọi là "thu giá".

Và “giá” cũng là một danh từ để biểu hiện giá trị bằng tiền của một sản phẩm, người bán hàng thông báo cho khách hàng biết giá cả của sản phẩm.

Ví dụ: Chiếc áo giá 500.000 đồng, chiếc quần giá 600.000 đồng, đôi dép giá 300.000 đồng… 

Hoặc khi khuyến mại sản phẩm hay cần bán tháo hàng, người bán hàng thông báo: bán hàng đại hạ giá.

Sức nóng của BOT và phát ngôn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ảnh 3Giải quyết vướng mắc Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Còn khi thu tiền của khách hàng, người ta gọi là thu ngân chứ không ai gọi là thu giá.

Bởi vậy, đã có ý kiến từ dư luận cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải đổi thuật ngữ "thu phí BOT" thành thuật ngữ "thu giá BOT" là một hình thức đánh tráo khái niệm.

Trước câu hỏi của các phóng viên về vấn đề dư luận đặt ra trên đây, bên hành lang Quốc hội, chiều 22/5/2018, Bộ trưởng Giao thông Vận tải khẳng định: "Không phải do Bộ quy định mà do Nghị định của Chính phủ quy định..." (3)

Nhưng Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan có nhiệm vụ tham mưu, soạn thảo để Chính phủ ban hành Nghị định trên đây, vậy xin hỏi Bộ trưởng trong bản thảo Nghị định của quý Bộ trình Chính phủ việc đổi thuật ngữ “thu phí BOT” sang “thu giá BOT” do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất hay do lãnh đạo Chính phủ yêu cầu.

Nếu do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thì Bộ trưởng nên nhận trách nhiệm của cơ quan tham mưu đề xuất chứ không nên đổ “do Nghị định của Chính phủ quy định”.

Thiết nghĩ để xứng tầm phong cách, bản lĩnh của một Bộ trưởng, trước những sai phạm trong triển khai thực hiện các dự án BOT giao thông đang làm dư luận hết sức bức xúc, ông Nguyễn Văn Thể nên thẳng thắn trước công luận.

Tài liệu tham khảo:

(1).http://dantri.com.vn/chinh-tri/bo-truong-gtvt-bot-rat-nong-nhung-la-san-pham-cua-nhiem-ky-truoc--20180522142523645.htm

(2),(3).https://nld.com.vn/thoi-su/bo-truong-nguyen-van-the-giai-thich-gi-ve-thu-gia-thu-phi-bot-20180522164904497.htm

NGUYỄN HUY VIỆN