Tác chiến trên không-biển và phương án đánh phủ đầu TQ của Mỹ

06/08/2013 07:56
Việt Dũng
(GDVN) - "Tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" yêu cầu Mỹ tấn công Trung Quốc trước khi Trung Quốc phát động tấn công. Chiến lược như vậy chắc chắn mở màn cho một cuộc chạy đua vũ trang kịch liệt, tiến tới làm cho hai nước rơi vào trạng thái đối lập.
Mỹ sử dụng cụm chiến đấu tàu sân bay để thực hiện chiến lược "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" nhằm vào Trung Quốc
Mỹ sử dụng cụm chiến đấu tàu sân bay để thực hiện chiến lược "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" nhằm vào Trung Quốc

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, về lịch sử, Đông Á từ lâu đã là nơi diễn ra đấu tranh chính trị quyền lực truyền thống, nhưng mặc dù là hiện nay kinh tế và văn hóa thịnh vượng, Thái Bình Dương của Đông Á cũng thường có nhiều sóng gió không thái bình.

Ngày 2 tháng 8, tạp chí "Chính sách ngoại giao" Mỹ cho rằng, chiến lược "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" mới của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ gây ra cuộc chạy đua vũ trang gay gắt hơn ở khu vực Đông Á, đồng thời làm xuất hiện tình trạng bất ổn.

Bài viết cho rằng, chiến lược "có thể gây ra chiến tranh Trung-Mỹ" này thiếu cái nhìn toàn diện, kêu gọi Mỹ cần thận trọng hơn trong việc xây dựng chiến lược quân sự.

Theo bài viết, năng lực điều động sức mạnh và vai trò ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương bị thách thức nghiêm trọng và lâu dài.

Gần đây, Lầu Năm Góc Mỹ đưa ra chiến lược "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển", nhằm tích hợp sức chiến đấu trên không-trên biển của Mỹ và liên kết với các đồng minh khu vực châu Á-Thái Bình Dương cùng ngăn chặn hoặc đánh bại đối thủ mang tính khu vực tiềm tàng.

Tuy Mỹ cho rằng, chiến lược này hoàn toàn không nhằm vào đối thủ cụ thể nào, nhưng rõ ràng đây là chiến lược mà Mỹ lấy Trung Quốc làm đối tượng xây dựng và thực hiện.

Tàu sân bay USS George Washington của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ
Tàu sân bay USS George Washington của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ

"Tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" yêu cầu Mỹ tấn công Trung Quốc trước khi Trung Quốc phát động tấn công. Chiến lược như vậy chắc chắn mở màn cho một cuộc chạy đua vũ trang kịch liệt, tiến tới làm cho hai nước rơi vào trạng thái đối lập.

Nhưng, Trung Quốc năm 2013 khác với Liên Xô bị cô lập thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc là bộ phận của nền kinh tế thế giới, cũng là đối tác của Mỹ trong nhiều vấn đề của thế giới.

Theo bài viết, Mỹ vừa cần phải tìm kiếm cân bằng thực lực với Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vừa phải duy trì sự ổn định của Đông Á, đồng thời phải nhanh chóng toàn lực để cho Trung Quốc tham gia vào giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên.

Tuy Mỹ tiến hành triển khai các hoạt động nhằm ngăn chặn Trung Quốc bành trướng thực lực là cần thiết, nhưng cần thấy việc để xảy ra chiến tranh với Trung Quốc là một việc rất nguy hiểm; hơn nữa Trung Quốc còn đang ra sức đầu tư cho quân sự.

Mặc dù Mỹ có thể tiến hành đánh đòn phủ đầu dựa trên chiến lược "tác chiến hợp nhất trên biển-trên không", nhưng xuất phát từ nhu cầu an ninh tự thân, Trung Quốc cũng có thể đánh đòn phủ đầu, đồng thời tận dụng thời cơ phát động cuộc tấn công chống vệ tinh quy mô lớn.

Tác chiến hợp nhất trên biển-trên không thường dựa vào mạng máy tính và vệ tinh, Trung Quốc đương nhiên sẽ tăng cường đầu tư vào công nghệ vũ trụ và mạng, Mỹ có khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công mạng quy mô lớn hay không còn chưa rõ. Trong khi đó, về quân sự, Mỹ còn phụ thuộc vào mạng máy tính hơn cả Trung Quốc, trong chiến tranh mạng, thông tin càng dễ bị tiết lộ hơn.

Tên lửa đạn đạo tầm trung dòng Đông Phong-21 của Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo tầm trung dòng Đông Phong-21 của Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc

Điều gây lo ngại là, "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" chỉ tính tới làm thế nào để bắt đầu chiến tranh, nhưng đã né tránh các vấn đề như tiến trình chiến tranh, làm thế nào để kết thúc chiến tranh theo phương thức có lợi cho Mỹ.

Bài viết cho rằng, Mỹ cần thực hiện chiến lược quân sự đa dạng hóa khả thi hơn ở Đông Á, và phát triển 2 công nghệ phản công có triển vọng rộng lớn: máy bay không người lái và vũ khí mạng. Ngoài ra, đồng minh giúp Mỹ ở Đông Á phát triển vũ khí kiểu mới và nâng cao năng lực phòng thủ cũng rất quan trọng.

Nếu Mỹ và đồng minh lệ thuộc nhiều hơn vào vũ khí tiên tiến để phòng thủ xâm lược thì "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" sẽ chỉ là sự lựa chọn dự phòng, từ đó giảm thấp bầu không khí căng thẳng quân sự và khả năng phát động tấn công trước của hai bên Trung-Mỹ. Đồng thời, điều này cũng đã tranh thủ được thời gian hóa giải khủng hoảng trong điều kiện có lợi.

Tờ "Chính sách ngoại giao" cuối cùng chỉ ra, Tổng thống Mỹ tương lai không thể tránh khỏi phải cần nhiều hơn các hành động để ngăn chặn thế lực Trung Quốc, giải quyết ổn thỏa xung đột khu vực và thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ phát triển tích cực. Mỹ cần tiến hành phòng thủ đối với vũ khí tiên tiến của Trung Quốc, nhưng mục đích này nên là tăng cường chứ không phải làm suy yếu sự ổn định của khu vực.

Ngày 10 tháng 7 năm 2013, máy bay chiến đấu không người lái X-47B hạ cánh thành công trên tàu sân bay USS George Bush, Hải quân Mỹ
Ngày 10 tháng 7 năm 2013, máy bay chiến đấu không người lái X-47B hạ cánh thành công trên tàu sân bay USS George Bush, Hải quân Mỹ
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook
Việt Dũng