Zack Cooper và Bonnie S. Glaser, hai nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ngày 11/5 bình luận trên The National Interest về lý do tại sao Hoa Kỳ lại chọn Chữ Thập mà không phải Vành Khăn như mong muốn của các học giả Mỹ, để tiến hành tuần tra tự do hàng hải lần thứ 3 trên Biển Đông.
Chiến hạm Hoa Kỳ USS William P. Lawrence, ảnh: The National Interest. |
Hoạt động tuần tra ở đá Chữ Thập (Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam) mà Trung Quốc đang chiếm đóng (bất hợp pháp) diễn ra ngày 10/5 bởi tàu USS William P. Lawrence trong bối cảnh một hoạt động tương tự dự kiến ở bãi cạn Scarborough vào tháng trước nhưng cuối cùng bị hoãn lại.
Nhiều nhà quan sát ngạc nhiên vì lần này Hoa Kỳ lại lựa chọn đá Chữ Thập. Hai lần trước, hoạt động tuần tra hàng hải của Hoa Kỳ được xem như đi qua không gây hại, thay vì đi lại tự do trong phạm vi 12 hải lý đá Xu Bi, Trường Sa và đảo Tri Tôn, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).
Về mặt pháp lý, Xu Bi là một rặng san hô ngập hoàn toàn dưới mặt nước khi thủy triều lên, bản thân thực thể này không tạo ra 12 hải lý lãnh hải theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Nhưng mép nước của Xu Bi khi thủy triều rút lại có thể được sử dụng để tính lãnh hải 12 hải lý cho đảo Thị Tứ vì nó nằm bên trong phạm vi 12 hải lý lãnh hải của Thị Tứ.
Còn đảo Tri Tôn, Hoàng Sa nằm hoàn toàn trên mặt nước khi thủy triều lên, do đó theo UNCLOS nó có 12 hải lý lãnh hải. Vì vậy tàu hải quân Mỹ khi tuần tra, di chuyển bên trong 12 hải lý của thực thể này phải hạ vũ khí, tắt ra đa và không được tiến hành các hoạt động quân sự như "tự do đi lại".
Hoạt động tuần tra hàng hải lần thứ 3 ở đá Chữ Thập cũng tương tự 2 lần trước, trong khi một số chuyên gia Hoa Kỳ mong đợi hành động mạnh mẽ hơn từ Lầu Năm Góc trên Biển Đông, cụ thể là thách thức yêu sách lãnh hải 12 hải lý của đá Vành Khăn, một rặng san hô ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển khi thủy triều lên, do đó nó chỉ có tối đa 500 mét bán kính vùng an toàn.
Nếu tàu chiến Mỹ di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Vành Khăn, nó có thể mở vũ khí, bật ra đa và tiến hành các hoạt động quân sự bình thường. Bằng động thái này, Mỹ trực tiếp chống lại các hoạt động bồi đắp, biến rặng san hô này thành đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành.
Điều này khiến các học giả Hoa Kỳ đang cố gắng lý giải, tại sao Washington vẫn tiếp tục tiến hành hoạt động bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông lần thứ 3 dưới dạng đi qua không gây hại, mà không phải là đi lại tự do, để chuyển tải thông điệp mạnh mẽ hơn phản ứng với hành vi leo thang của Trung Quốc?
Đầu tiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng Nhà Trắng chỉ đơn giản không muốn rủi ro, họ tránh bất kỳ cuộc khủng hoảng tiềm ẩn nào với Trung Quốc trước khi ông Obama rời nhiệm sở. Từ khi Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải đầu tiên ở Xu Bi ngày 27/10 năm ngoái, các nhà nghiên cứu Mỹ đã hy vọng mục tiêu tiếp theo sẽ là đá Vành Khăn.
Lý do thứ hai được các học giả đưa ra là, có thể Nhà Trắng đang chờ đợi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA về hiệu lực pháp lý của Vành Khăn, vì đây là một nội dung vụ Philippines kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm UNCLOS) ở Biển Đông và PCA đã thụ lý, sắp ra phán quyết.
Tòa có thể sẽ ra phán quyết Vành Khăn là một thực thể ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển khi thủy triều lên, không phải một đá hay đảo, và do đó nó không thể có lãnh hải 12 hải lý. Phán quyết đó sẽ khiến Trung Quốc khó phản đối các hoạt động của Hoa Kỳ. Có lẽ Lầu Năm Góc chờ đợi phán quyết này rồi mới "ra tay" ở Vành Khăn?
Hai học giả CSIS nhận xét, lý do thứ 2 tỏ ra hợp lý hơn, Nhà Trắng có thể chờ đợi phán quyết của PCA, miễn là họ nên tránh để dư luận hiểu rằng, Mỹ không sẵn sàng hấp nhận rủi ro để duy trì trật tự hiện hành và đảm bảo tiến hành thường xuyên các hoạt động tự do hàng hải hàng không trên Biển Đông trước sự leo thang của Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc nói rằng, nước này đã điều động 2 chiến đấu cơ J-11, máy bay cảnh báo sớm Y-8 và 1 tàu khu trục, 2 tàu hộ vệ bám theo USS William P. Lawrence khi đi qua Chữ Thập. Cả Zack Cooper và Bonnie S. Glaser đều nhận định, đó là phản ứng được dự kiến từ trước, là cái giá tối thiểu mà Mỹ phải chấp nhận để duy trì, bảo vệ luật pháp quốc tế trên Biển Đông.