Khu công nghiệp FLC Hoàng Long nằm trên địa bàn 4 xã thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chấp nhận chủ trương đầu tư từ tháng 6/2015 cho Tập đoàn FLC đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp với mục tiêu xây dựng khu công nghiệp này thành khu công nghiệp kiểu mẫu của tỉnh.
Sau ngày lễ khởi công động thổ long trọng, với những lời phát biểu “có cánh” của ông chủ tập đoàn FLC thì tất cả lại rơi vào im lặng.
Hơn 3 năm trôi qua, gần 300ha đất “bờ xôi ruộng mật” của nhân dân đã trở thành một bãi đất hoang.
Người dân mất đất sản xuất và nếu tính về kinh tế thì đây là một thiệt hại đáng kể đối với kinh tế của huyện Hoằng Hóa.
Một vấn đề mang tính xã hội nặng nề đó là những người dân bị mất đất, những lời hứa bồi thường thỏa đáng cho nhân dân của ông chủ tập đoàn FLC vẫn phớt lờ và những người dân đang gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống.
Ba năm qua không biết đã có bao nhiêu hộ dân tái nghèo, liệu có ảnh hưởng đến chính sách xóa đói giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa và của đất nước?.
Khu công nghiệp FLC Hoàng Long chủ yếu vẫn là bãi đất trống. Ảnh của Xuân Quang. |
Cách đây mấy hôm, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam lại vừa đăng một công văn do Tập đoàn FLC gửi Báo Giáo dục Việt Nam với mục tiêu chính là tập đoàn FLC giải thích sự chậm trễ thực hiện dự án này với lí do:
“Tập đoàn FLC đang làm việc với các ban ngành của tỉnh Thanh Hóa và Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa để chuyển đổi mục đích đầu tư khu công nghiệp Hoàng Long thành một khu đô thị thông minh”.
Điều này đã gây ra một sự khó hiểu và bức xúc trong dư luận.
Quy hoạch đâu phải nền kinh tế mũi nhọn “quả mít”
Quy hoạch xây dựng chung của thành phố Thanh Hóa cũng như quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong 10-20 năm và định hướng tới 30 năm.
Quy hoạch này đã được các nhà khoa học, các bộ, ban, ngành có nhiều ý kiến trước khi phê duyệt; tuy nhiên trong từng giai đoạn 5 năm hoặc ngắn hơn, căn cứ tình hình phát triển kinh tế của tỉnh, của đất nước thì quy hoạch cũng có thể được điều chỉnh cho phù hợp.
Cũng trong văn bản mà FLC gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có nêu: “trong đó thủ tục điều chỉnh quy hoạch 1/2000, đấu nối đường từ khu công nghiệp vào quốc lộ 1A, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang phi nông nghiệp, lấy ý kiến của nhiều bộ ngành trung ương và được Thủ tướng phê duyệt”.
Tập đoàn FLC cung cấp thông tin về Dự án Hoàng Long nằm bất động |
Việc điều chỉnh gần 300ha đất trồng lúa sang làm khu công nghiệp là chủ trương chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa và đã được các bộ, ngành thông qua, Thủ tướng phê duyệt để xây dựng khu công nghiệp Hoàng Long.
Có lẽ đây là chủ trương đúng, bức thiết, chính vì vậy mới có sự tham gia của nhiều bộ, ngành và ý kiến của Thủ tướng để “khai sinh” khu công nghiệp Hoàng Long trở thành 1 khu công nghiệp kiểu mẫu.
Sau 3 năm không triển khai, nếu đúng như công văn này nêu thì Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương để điều chỉnh mục đích xây dựng khu công nghiệp này thành khu đô thị thông minh.
Điều này đã đặt ra nhiều câu hỏi trong dư luận; liệu đây lại là một chủ trương đúng?
Và sự thay đổi mục tiêu sử dụng đất từ xây dựng khu công nghiệp kiểu mẫu thành khu đô thị thông minh có mang lợi ích gì cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa hay vì những lợi ích khác?
Liệu các bộ, ngành sẽ có ý kiến thế nào khi vừa kí văn bản chưa ráo mực để đồng tình với chủ trương đúng đắn của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa là chuyển gần 300ha đất trồng lúa sang để xây dựng khu công nghiệp nay lại chuyển đổi mục đích sang thành khu đô thị thông minh?
Đây có phải là cách làm truyền thống của tỉnh Thanh Hóa?
Cách đây hơn 1 năm, dư luận cũng đã bất bình khi Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ưu ái đối với việc đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh:
Như việc, ngày 4/5/2013 Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch sân golf theo quyết định 1421/QĐ-UBND trước 11 tháng, trước khi được Thủ tướng chính phủ đồng ý bổ sung vào danh mục quy hoạch sân golf Việt Nam để tập đoàn FLC xây dựng, đồng thời chuyển đổi trái pháp luật 11,06ha đất rừng phòng hộ để xây dựng sân golf theo quyết định số 4384/QĐ-UBND ngày 10/12/2014.
FLC mang tiếng là tập đoàn kinh tế lớn, sao vẫn nợ cả người nông dân? |
Không những thế, cũng tại quyết định số 4383/QĐ-UBND ngày 10/12/2014 Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá cũng cho phép chuyển đổi trái pháp luật 11,57ha đất rừng phòng hộ làm đất thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC… và nhiều các vi phạm khác.
Tất cả các sai phạm dư luận đã lên tiếng nhưng rồi lại rơi vào im lặng.
Việc một dự án 3 năm không thực hiện theo quy định của Luật đất đai phải được thu hồi, nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa không hề thực hiện theo pháp luật trong khi đời sống nhân dân ngày một khó khăn.
Thậm chí, 3 năm nhiều người dân không nhận được một đồng tiền bồi thường.
Nếu như chủ trương chuyển đổi mục đích từ đất làm khu công nghiệp sang xây dựng đô thị thông minh là có thật theo như công văn nêu trên thì Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng cần phải cân nhắc lại chủ trương này.
Chúng tôi nghĩ dù gần 300ha đất ấy có làm khu công nghiệp hay làm khu đô thị phải căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn và quyền lợi nhân dân phải được đặt lên hàng đầu.