Ngành Thiết kế đồ họa hấp dẫn thí sinh với nhiều cơ hội "thực chiến" ngay khi là SV

11/07/2025 10:08
Thu Trang
Theo dõi trên Google News

GDVN -Trường ĐH Hòa Bình với mạng lưới liên kết doanh nghiệp chặt chẽ, sẵn sàng hỗ trợ SV trong việc thực tập và tiếp nhận nhân sự ngay sau khi tốt nghiệp.

Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, Thiết kế đồ họa họa trở thành một trong những ngành học thu hút đông đảo sự quan tâm của sinh viên.

Chương trình đào tạo ngành Thiết kế đồ họa tại Trường Đại học Hòa Bình được xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại, đáp ứng xu hướng và yêu cầu của thị trường lao động. Sinh viên sẽ được học các môn học cơ bản về mỹ thuật, công nghệ đồ họa, cũng như các kỹ năng sử dụng các phần mềm thiết kế như Adobe Photoshop, Illustrator, After Effects, 3D Max,… và nhiều công cụ sáng tạo khác.

Mô hình đào tạo lấy người học làm trung tâm, đáp ứng xu hướng và yêu cầu của thị trường lao động

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Chu Kim Định, Trưởng bộ môn ngành Thiết kế đồ họa, Khoa Truyền thông và Thiết kế – Trường Đại học Hòa Bình chia sẻ, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và nhu cầu truyền thông ngày càng tăng, ngành Thiết kế đồ họa đang trở thành lựa chọn hấp dẫn với nhiều bạn trẻ với nhiều lý do.

Thứ nhất, nhu cầu thị trường không ngừng mở rộng. Ngày nay, hầu hết các lĩnh vực từ thương mại điện tử, giáo dục, y tế, đến giải trí đều cần đến sản phẩm thiết kế để truyền tải thương hiệu và thông tin một cách sinh động, hiệu quả, tạo nên một thị trường việc làm rộng lớn cho ngành này.

Thứ hai, đa dạng lĩnh vực ứng dụng, thiết kế đồ họa không chỉ gói gọn trong lĩnh vực in ấn hay quảng cáo như trước đây, mà đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới. Trong ngành công nghệ, thiết kế UI/UX trở thành yếu tố quan trọng để phát triển phần mềm, website. Thiết kế chuyển động (motion graphic) được ứng dụng trong sản xuất video marketing, phim ảnh, truyền hình. Các ngành sản xuất, tiêu dùng cũng không thể thiếu thiết kế bao bì, nhãn hàng (logo, bộ nhận diện, tài liệu văn phòng).

Thứ ba, cơ hội việc làm và thu nhập hấp dẫn. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, các công ty công nghệ, truyền thông, marketing luôn săn tìm các nhà thiết kế giỏi để phục vụ hoạt động truyền thông, xây dựng hình ảnh thương hiệu.

Chương trình đào tạo ngành Thiết kế đồ họa tại Trường Đại học Hòa Bình được xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại, đáp ứng xu hướng và yêu cầu của thị trường lao động. Ảnh: Website nhà trường
Chương trình đào tạo ngành Thiết kế đồ họa tại Trường Đại học Hòa Bình được xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại, đáp ứng xu hướng và yêu cầu của thị trường lao động. Ảnh: Website nhà trường

Nhận thấy tiềm năng lớn của ngành Thiết kế đồ họa trong thời đại số, nhiều cơ sở giáo dục đã triển khai đào tạo ngành học này. Tuy nhiên, chương trình Thiết kế đồ họa tại Trường Đại học Hòa Bình lại tạo dấu ấn riêng khi kết hợp đào tạo kỹ năng chuyên môn vững chắc với tư duy sáng tạo, bắt kịp xu hướng công nghệ mới.

Theo Thạc sĩ Chu Kim Định, ngành Thiết kế đồ họa là một trong những ngành được Trường Đại học Hòa Bình xây dựng đầu tiên ngay khi thành lập trường, thể hiện tầm nhìn đón đầu xu hướng đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo trong kỷ nguyên số.

Nhà trường tổ chức đào tạo theo phương châm: “Học và làm việc chuyên nghiệp – Sự nghiệp vững bền – Tương lai ngời sáng”, với mô hình đào tạo lấy người học làm trung tâm, đề cao tự học và nghiên cứu làm nền tảng phát triển.

Đồng thời, với triết lý “Chất lượng – Sáng tạo – Hội nhập”, nhà trường luôn chú trọng phát triển không vì lợi nhuận, đặt chất lượng đào tạo làm tiêu chí hàng đầu, xây dựng môi trường dạy và học hiện đại, linh hoạt và khoa học. Mọi hoạt động của trường đều hướng đến sự chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả cao, tạo tiền đề để người học tự tin hội nhập và phát triển bền vững trong lĩnh vực thiết kế đồ họa đầy tiềm năng hiện nay.

Với chương trình đào tạo ngành Thiết kế đồ họa tại Trường Đại học Hòa Bình, sinh viên được tiếp cận những công nghệ ứng dụng thực tế ảo phát triển tư duy sáng tạo, trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về nghệ thuật: Mỹ thuật, hội họa, tin học ứng dụng đồ họa truyền thông và đồ họa kỹ thuật số, nguyên lý thiết kế đồ họa.

Đồng thời, sinh viên sẽ nắm vững kiến thức về thiết kế nhận diện thương hiệu và sử dụng thành thạo các phần mềm máy tính và các phần mềm thiết kế 2D-3D cũng như các kỹ năng sử dụng các phần mềm thiết kế như Adobe Photoshop, Illustrator, After Effects, 3D Max..

Sinh viên được học tập, nghiên cứu và thực hành nghề nghiệp trong môi trường năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp. Ảnh: Website nhà trường.
Sinh viên được học tập, nghiên cứu và thực hành nghề nghiệp trong môi trường năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp. Ảnh: Website nhà trường.

Ngoài ra, nhà trường còn tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các dự án thực tế, các cuộc thi thiết kế và thực tập tại các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành, sẵn sàng hỗ trợ sinh viên trong việc thực tập, thực hành và tiếp nhận nhân sự sau khi sinh viên tốt nghiệp nếu có nhu cầu. Điều này giúp sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn có cơ hội áp dụng, trau dồi kiến thức vào thực tiễn, từ đó nâng cao kỹ năng và mở rộng mạng lưới nghề nghiệp.

Đào tạo ngành Thiết kế đồ ra sao để không bị AI thay thế?

Thiết kế đồ họa là một trong những ngành "hot", đòi hỏi ở người học tư duy sáng tạo cao và sự thay đổi, thích ứng nhanh nhạy để bắt kịp các xu hướng của xã hội. Tuy nhiên, sự ra đời của AI đã tạo nên không ít lo ngại rằng các nhân sự trong ngành Thiết kế đồ họa sẽ nhanh chóng bị thay thế và đào thải.

Theo cô Định, khi trí tuệ nhân tạo đang dần bước vào nhiều lĩnh vực sáng tạo, trong đó có Thiết kế đồ họa, xu hướng lo ngại rằng AI sẽ thay thế là điều dễ hiểu.

Thực tế cho thấy, AI có những lợi thế rõ rệt về tốc độ và chi phí. Chỉ trong vài giây, các công cụ AI có thể tạo ra những thiết kế cơ bản, tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí so với công việc của con người.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế quan trọng, AI chỉ là công cụ hỗ trợ, không thể thay thế hoàn toàn con người trong lĩnh vực thiết kế. Bởi thiết kế không chỉ dừng lại ở việc tạo ra những hình ảnh đẹp mắt mà còn là quá trình tư duy truyền thông, thấu hiểu ngữ cảnh văn hóa, nắm bắt tâm lý người dùng và truyền tải thông điệp thương hiệu một cách tinh tế.

Đồng thời, thiết kế còn cần sự độc đáo, cảm xúc, tính nhân văn và cá tính thương hiệu, điều mà chỉ bàn tay và khối óc con người mới có thể tạo nên dấu ấn riêng biệt.

“Vì thế, thay vì lo sợ, người học và người làm Thiết kế Đồ họa cần chủ động thay đổi để thích nghi, biến AI trở thành trợ thủ đắc lực, hỗ trợ quá trình sáng tạo và nâng cao năng suất công việc”, cô Định chia sẻ.

Sản phẩm của sinh viên nhà trường tại Triển lãm “Mừng Đảng – Mừng Xuân” năm 2024. Ảnh: Website nhà trường.
Sản phẩm của sinh viên nhà trường tại Triển lãm “Mừng Đảng – Mừng Xuân” năm 2024. Ảnh: Website nhà trường.

Với người học thiết kế, cần hiểu rằng không nên chống lại AI mà cần học cách sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ trong quá trình sáng tạo. Việc biết khai thác các công cụ như Midjourney, DALL·E, Runway, Adobe Firefly… không chỉ giúp tạo cảm hứng mà còn giúp tăng tốc quá trình thiết kế, sau đó phát triển sâu bằng tư duy con người

Quan trọng hơn, người học cần tập trung phát triển những kỹ năng mà AI không thể thay thế, như tư duy thiết kế, storytelling (nghệ thuật kể chuyện), nghiên cứu người dùng (UX research), phân tích ngữ nghĩa hình ảnh, cũng như hiểu rõ quy trình thiết kế chuyên nghiệp từ tiếp nhận brief, nghiên cứu, phát triển ý tưởng, thử nghiệm đến hoàn thiện sản phẩm.

Bên cạnh đó, người học nên trau dồi thêm kỹ năng liên ngành. Việc kết hợp thiết kế với công nghệ, marketing, UX/UI sẽ giúp người học gia tăng giá trị cạnh tranh và dễ dàng thích ứng với công việc nhóm có sự phối hợp giữa con người và AI, mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong môi trường toàn cầu hóa.

Về phía người dạy, cần liên tục cập nhật chương trình, tích hợp AI vào quá trình sáng tạo thay vì tách biệt công nghệ với tư duy thiết kế. Việc xây dựng các bài tập kết hợp giữa sự hỗ trợ của AI và sự phát triển tư duy sáng tạo của con người sẽ giúp sinh viên tiếp cận đúng cách, hiểu rõ giới hạn và điểm mạnh của công cụ, tránh lệ thuộc vào công nghệ một chiều.

Đồng thời, cần khuyến khích sinh viên rèn luyện tư duy phản biện, phân tích thẩm mỹ để biết đánh giá, chọn lọc và phát triển ý tưởng từ sản phẩm do AI tạo ra, thay vì sao chép máy móc.

Ngoài ra, có thể tổ chức các workshop, studio học tập kết hợp AI và thiết kế, mời chuyên gia công nghệ, thiết kế đến chia sẻ, sẽ giúp sinh viên tiếp cận thực tiễn, thấy được cách ngành đang thay đổi và những năng lực cần có để thích nghi.

Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên

Một trong những điểm nổi bật tại Trường Đại học Hòa Bình là sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, đây là lợi thế vượt trội giúp sinh viên rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và thực tiễn, sẵn sàng bước vào thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.

Nhà trường thường xuyên tổ chức các hội nghị hợp tác giữa trường và doanh nghiệp nhằm ký kết các hợp tác về nhu cầu đào tạo, đào tạo theo đơn đặt hàng. Từ đó sinh viên dễ dàng tiếp cận, trao đổi thông tin cần thiết, bổ ích về cơ hội nghề nghiệp.

Đồng thời, điều này cũng giúp sinh viên có thể tìm được việc làm phù hợp hoặc có sự định hướng, chuẩn bị cần thiết về nghề nghiệp từ các nhà tuyển dụng nhân sự chuyên nghiệp trước khi tham gia thị trường lao động.

Bàn về cơ hội việc làm của ngành này, cô Định chia sẻ, sinh viên tốt nghiệp chương trình đại học chính quy ngành Thiết kế đồ họa có nhiều cơ hội nghề nghiệp rộng mở.

Sinh viên ra trường có thể làm chuyên gia thiết kế tại các xưởng, trung tâm sáng tạo, doanh nghiệp in ấn, xuất bản, quảng cáo, truyền thông, truyền hình, hoạt hình trong nước và quốc tế hoặc làm chuyên viên thiết kế thương hiệu

Đồng thời, người tốt nghiệp ngành này cũng có thể tự mở xưởng, thành lập công ty riêng trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, quảng cáo, tư vấn, sản xuất, in ấn hoặc tham gia đào tạo nhân lực cho ngành.

Ngoài ra, người học có thể trở thành chuyên viên, cán bộ nghiên cứu, giảng viên tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu hoặc phát triển thành cán bộ quản lý trong tương lai. Sinh viên cũng có thể tiếp tục học lên bậc thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường đại học trong và ngoài nước để mở rộng con đường nghiên cứu và phát triển sự nghiệp bền vững.

Đến nay, trường đã ký kết hợp tác chiến lược với hơn 200 doanh nghiệp và tập đoàn lớn tại Việt Nam. Ảnh: Website nhà trường.
Đến nay, trường đã ký kết hợp tác chiến lược với hơn 200 doanh nghiệp và tập đoàn lớn tại Việt Nam. Ảnh: Website nhà trường.

Cũng theo Trưởng bộ môn ngành Thiết kế đồ họa, Khoa Truyền thông và Thiết kế – Trường Đại học Hòa Bình, trong bối cảnh thị trường lao động liên tục thay đổi, cạnh tranh khốc liệt và chịu tác động mạnh mẽ từ công nghệ, đặc biệt là AI, để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, sinh viên ngành Thiết kế đồ họa cần trang bị nền tảng kiến thức vững chắc, tư duy linh hoạt và kỹ năng toàn diện để không bị tụt lại trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Ngoài kỹ năng chuyên môn, sinh viên cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thuyết trình ý tưởng rõ ràng, biết lắng nghe phản hồi và điều chỉnh thiết kế phù hợp, Song song đó, xây dựng một hồ sơ chuyên nghiệp, thể hiện rõ kỹ năng, tư duy sáng tạo qua các sản phẩm đa dạng và quy trình thiết kế là yếu tố quan trọng giúp sinh viên gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

“Trên hết, thiết kế đồ họa là lĩnh vực thay đổi không ngừng, đòi hỏi sinh viên nuôi dưỡng tinh thần học tập suốt đời, luôn sẵn sàng cập nhật xu hướng, công nghệ mới để mở rộng cơ hội nghề nghiệp.

Khi kết hợp kiến thức nền vững chắc, làm chủ công cụ hiện đại, rèn luyện tư duy sáng tạo định hướng rõ ràng cùng tinh thần học hỏi không ngừng, sinh viên không chỉ học tốt mà còn có thể vững vàng phát triển trong nghề, khẳng định bản thân trong kỷ nguyên AI đầy cơ hội”, cô Định đưa ra lời khuyên.

Còn dưới góc nhìn của một người làm nghề, chị Đặng Thị Nga, cựu sinh viên ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Hòa Bình chia sẻ: “Là người đã làm việc trong lĩnh này được 5 năm, tôi nhận ra điều cần thiết nhất để đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp chính là sự sáng tạo và khả năng thích nghi linh hoạt”.

Việc đi làm cũng có sự khác biệt với lúc còn ngồi trên ghế nhà trường bởi khi còn trong quá trình học, yếu tố thẩm mỹ được đặt lên hàng đầu, nhưng khi đi làm, doanh nghiệp cần một người có thể hiểu và “vẽ” lại ý tưởng của họ thành hình ảnh. “Đẹp” không còn quan trọng bằng “chuẩn”, nhưng trong “chuẩn” vẫn cần có cái “đẹp”.

Chia sẻ về những thuận lợi và thách thức trong quá trình làm nghề, theo chị Nga, về thuận lợi, môi trường học tập đã trang bị nền tảng kiến thức chuyên ngành bài bản, kiến thức phổ thông bậc đại học và cả những kỹ năng mềm cần thiết.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là ý tưởng. Gu thẩm mỹ mỗi người khác nhau, vì vậy, để hiểu và thể hiện đúng ý khách hàng sẽ mất nhiều thời gian nếu bạn chưa có kinh nghiệm.

Tiếp theo là sự cẩn thận, mỗi sự “cẩu thả” tưởng chừng nhỏ cũng có thể gây hậu quả lớn, nhất là trong mảng in ấn. Vì vậy, hãy luôn chắc chắn với từng chi tiết mình làm.

Chia sẻ về mức lương, theo chị Nga, ngành này phụ thuộc vào kỹ năng, kinh nghiệm và vị trí. Mức khởi điểm thường khoảng 8–12 triệu đồng/tháng. Với nhà thiết kế có kinh nghiệm 2–5 năm, mức lương có thể đạt 15–25 triệu, và với những vị trí yêu cầu kinh nghiệm, chuyên môn cao hơn hoặc Giám đốc nghệ thuật, thu nhập có thể từ 30 triệu trở lên, chưa kể các dự án freelance (tự do) bên ngoài nếu nhà thiết kế muốn tăng thêm nguồn thu nhập.

Còn theo anh Đàm Hồng Sơn, cựu sinh viên ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Hòa Bình cho biết: “Để tăng cơ hội việc làm khi ra trường của ngành này, trước hết các bạn cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu kỹ về các vị trí thiết kế cụ thể tại các công ty.

Từ đó xác định những công việc liên quan đến vị trí đó để luyện tập, thực hành và chuẩn bị cho hồ sơ phục vụ ứng tuyển sau này. Điều này giúp bạn không rơi vào tình trạng học và làm một cách lan man, mà tập trung vào đúng kỹ năng và định hướng thị trường cần”.

Theo anh Sơn, áp lực lớn nhất của nghề chính là nỗi sợ thiết kế bị lỗi thời bởi thiết kế thay đổi từng ngày, xu hướng và công cụ luôn đổi mới. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn luôn chủ động học hỏi, cập nhật công nghệ, phần mềm mới và cách ứng dụng chúng vào công việc thiết kế hằng ngày. Sự linh hoạt sẽ giúp bạn duy trì cảm hứng và khả năng cạnh tranh trong ngành.

Đồng thời, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, để không bị AI thay thế, người học và người làm trong ngành thiết kế cần tập trung phát triển những giá trị mà AI không thể thay thế hoàn toàn, đó là tư duy sáng tạo, khả năng cảm nhận thẩm mỹ, hiểu insight khách hàng và biết cách kể câu chuyện bằng hình ảnh.

AI có thể hỗ trợ về tốc độ, kỹ thuật, gợi ý ý tưởng, nhưng chính con người mới là người quyết định cách triển khai phù hợp với bối cảnh thương hiệu, thị trường và cảm xúc người xem. Bên cạnh đó, việc liên tục học hỏi, cập nhật công cụ mới, công nghệ mới để biết cách khai thác AI làm trợ lý cho mình sẽ giúp bạn duy trì lợi thế cạnh tranh, thay vì lo sợ bị thay thế.

Chia sẻ về cảm nhận khi học ngành này tại Trường Đại học Hòa Bình, theo anh Sơn, chính những nền tảng và kỹ năng được rèn luyện trong quá trình học tại trường đã giúp anh có thể nhanh chóng bắt nhịp được thị trường lao động.

Nhà trường có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất, môi trường học tập năng động. Chương trình đào tạo của trường khi có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp sinh viên phát triển cả kỹ năng tư duy thẩm mỹ lẫn kỹ năng sử dụng công cụ thiết kế.

Ngoài ra, nhà trường có sự hợp tác gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ sinh viên trong việc thực tập, thực hành, sinh viên có nhiều cơ hội được thực chiến ngay trên ghế nhà trường.

Thu Trang