Tâm sự của du khách bị 'chặt chém' ở Sầm Sơn ngày 13/7

19/07/2012 06:31
Hoàng Lực - Hải Sơn
(GDVN) - Xung quanh đoạn clip “chặt chém” du khách gây xôn xao dư luận, để tìm hiểu rõ hơn vấn đền này phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện ngắn với đoàn du khách trong clip.

Sau khi báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng đải đoạn clip "Choáng váng clip 'chặt chém' du khách tại biển Sầm Sơn ngày 13/7" đã có rất nhiều các ý kiến, thông tin từ bạn đọc trong và ngoài nước gửi về tòa soạn. Rất nhiều người đã gửi những ý kiến, chia sẻ về những lần bị "chặt chém" khi đi du lịch đến biển Sầm Sơn này bày tỏ sự bức xúc và rất khó chịu đối với cung cách phục vụ kinh doanh của một bộ phận các chủ nhà hàng, chủ kinh doanh ở đây...

Trước bức xúc của dư luận về thái độ ứng xử của người kinh doanh dịch vụ trên Hòn Trống Mái, Sầm Sơn, Thanh Hóa về thái độ dọa nạt, đòi đập máy ảnh của du khách. Phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã gặp gỡ những người trong cuộc để hiểu rõ thêm nội tình câu chuyện.

Cảnh đe dọa du khách của một người kinh doanh dịch vụ tại khu du lịch Sầm Sơn (ảnh cắt từ clip)
Cảnh đe dọa du khách của một người kinh doanh dịch vụ tại khu du lịch Sầm Sơn (ảnh cắt từ clip)

Audio phỏng vấn chị Nguyễn Thị Lệ Thu, một nạn nhân bị chặt chém ở bãi biển Sầm Sơn


Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Lệ Thu, nữ du khách trong đoạn clip người có ý kiến phản đối kịch liệt nhất về mức thu phí dịch vụ vô lý tại Hòn Trống Mái kể lại: “Ban đầu đoàn chúng tôi đi qua thấy có con đà điểu muốn ngồi lên chụp mấy kiểu kỷ niệm, nhưng chủ đà điểu đó nói giá 20.000 đồng/ lượt ngồi nên tôi chê: Đà điểu bằng vàng à mà đắt thế”.
Cũng theo lời kể của chị Thu, do thấy giá đắt nên đoàn du khách của chị Thu bỏ đi, nhưng vừa đi được mấy bước những chủ đà điểu này giữ lại hạ giá xuống 10.000 đồng/ lượt. Thấy giá cũng tạm chấp nhận được nên cả đoàn chị Thu quay lại, một nữ du khách khác trong đoàn ngồi lên và cả đoàn chụp bằng hai máy ảnh du lịch cá nhân.

Nhưng sau đó những chủ đà điểu đã không thu theo lượt ngồi đà điểu là một lần, mà tính số kiểu chụp nên đòi thu theo số lần bấm máy.
Quá bức xúc, chị Thu đã đòi trả lại file, xóa ảnh đi và chỉ trả 20.000 đồng tiền ngồi đà điểu. Vì theo chị Thu lí giải thì: bấm máy ảnh kỹ thuật số thì có thể chụp một tí đã mất vài chục kiểu, mà có phải kiểu nào cũng được đâu?
Tuy nhiên những chủ đà điểu đã không đồng ý đồng thời hạ giá tính xuống 5 kiểu là 100.000 đồng. Do không đồng ý với cách tính đó nên đoàn khách chị Thu đã đòi được gặp quản lý khu du lịch.

Dưới sự hướng dẫn của một cán bộ dân phòng, đoàn khách chị Thu đã xuống làm việc với ban quản lý an ninh tại khu du lịch Hòn Trống Mái. Tại buổi làm việc, lắng nghe ý kiến phản ánh của đoàn chị Thu có một Trung tá Công an, một Thượng úy bộ đội biên phòng và 2 cán bộ dân phòng.

Sau khi nghe đoàn chị Thu thuật lại câu chuyện, những cán bộ phụ trách an ninh tại đây giải thích, cách thu của chủ đà điểu là đúng quy định của UBND thị xã Sầm Sơn. Cách thu tiền như vậy là không sai.,tuy nhiên khi nói đến việc chủ đà điểu đe dọa du khách, đòi đập máy ảnh, những cán bộ này chỉ nói sẽ nhắc nhở...

Quá bức xúc trước cách xử lý như vậy, đồng thời biết rằng kiểu gì cũng mất tiền. Anh Trung một thành viên trong đoàn đã đưa ra ý kiến trả cho 50.000 đồng (bằng 1 nửa số tiền chủ đà điểu yêu cầu). Sau đó đoàn du khách của anh Trung và chị Thu đã bỏ về.
Đoàn du khách chị Thu bức xúc trước kiểu "chặt chém" khách du lịch nơi đây (ảnh cắt từ clip)
Đoàn du khách chị Thu bức xúc trước kiểu "chặt chém" khách du lịch nơi đây (ảnh cắt từ clip)
Sau sự việc xảy ra, chị Thu tỏ ra bức xúc: “Họ tính tiền như vậy quả thật quá vô lí, làm như vậy khác gì lừa du khách, nếu nói rõ cách tính tiền bằng kiểu chụp thì chúng tôi có phải trả bao nhiêu tiền cũng xứng đáng, đằng này không giải thích rõ, chờ việc đã rồi sau đó họ tính tiền như vậy thì quá là lừa đảo...?”.

Đồng ý kiến với chị Thu, anh Trung một nam du khách trong đoàn kể, chúng tôi làm công việc tại một công ty về chăm sóc khách hàng, nếu như ở công ty tôi mà chăm sóc khách như vậy thì không những không giữ được khách hàng, còn bị đối tác phạt vì có hành vi cư xử không đúng.

Theo kế hoạch của đoàn anh Trung và chị Thu, sau khi đi chơi Hòn Trống Mái, đoàn sẽ tiếp tục thăm các bãi tắm A,B,C và D tuy nhiên sau khi xảy ra sự việc như trên, cả đoàn đã quyết định về sớm hơn vài ngày. “Ở đây còn thế chắc dưới biển chặt chém còn kinh khủng hơn, biết trước chúng tôi cạch mặt, không đến để đỡ phải mua sự bực mình vào người...” – Chị Thu chia sẻ.

Được biết theo tính toán của ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa, năm 2012 khu du lịch biển Sầm Sơn dự tính sẽ đón khoảng 2.5 triệu du khách từ khắp nơi trong cả nước. Nhưng rõ ràng với thái độ ứng xử và kiểu “chặt chém” có một không hai như trong câu chuyện vừa rồi, không biết còn ai nghĩ đến đi du lịch Sầm Sơn?

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn "chặt chém" trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Điểm nóng
Tranh cãi về Clip mỳ Gấu đỏ Góc ảnh độc giả
Văn hóa ứng xử nơi công cộng  Hình ảnh cười chỉ có ở giao thông VN
Hà Nội - một thời để nhớ
Bấm xem ảnh đẹp
Điểm nóng: Hành trình tổ công tác đặc biệt 142
Bấm xem clip hot
Hoàng Lực - Hải Sơn