Dù đề xuất tăng giá dịch vụ hàng không vẫn chưa được Bộ Giao thông vận tải thông qua nhưng mới đây, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam tiếp tục đưa ra đề xuất rút ngắn lộ trình tăng giá dịch vụ hàng không để lấy tiền tái đầu tư hạ tầng lĩnh vực này.
Chỉ trong thời gian ngắn Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam liên tục có đề xuất tăng giá vụ hàng không khiến dư luận hoài nghi đặt ra câu hỏi: Cơ sở nào để doanh nghiệp này đề xuất tăng giá dịch vụ hàng không? Việc tăng giá có đi cùng với tăng chất lượng phục vụ?.
Một góc nhà ga T1 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - ảnh Hoàng Lực. |
Đẩy nhanh quá trình tăng giá
Theo báo cáo của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, trong giai đoạn năm 2016-2020, tổng mức đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không cần khoảng 31.670 tỷ đồng, trong đó tổng nhu cầu vốn dự kiến giải ngân trong giai đoạn này là 22.143 tỷ đồng. Trung bình nhu cầu vốn đầu tư hàng năm hơn 5.600 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, với lợi nhuận sau thuế trung bình cho giai đoạn 2017-2020 dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng/năm, trong đó chia cổ tức hàng năm dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng/năm, phần còn lại dùng để trích lập Quỹ đầu tư phát triển (khoảng 800-1.000 tỷ đồng/năm), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam sẽ không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Do đó, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ hàng không để tạo nguồn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không mà trọng tâm là giai đoạn 2017-2020 là vô cùng cấp thiết.
Trước đó, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ hàng không thì nên chia thành 4 giai đoạn, bắt đầu thực hiện từ 1/10/2017.
Cụ thể, giai đoạn 1 từ ngày 1/10 đến 31/12/2017; giai đoạn 2 từ ngày 1/1 đến 31/3/2018; giai đoạn 3 từ ngày 1/4 đến 30/6/2018 và giai đoạn 4 từ ngày 1/7 đến 31/12/2018.
Trong đó, phí phục vụ hành khách quốc nội, áp dụng theo từng nhóm sân bay A, B và C, giai đoạn 1 tăng từ 60.000-75.000 đồng/hành khách; giai đoạn 2 tăng từ 60.000-80.000 đồng/hành khách; giai đoạn 3 tăng từ 60.000-85.000 đồng/hành khách, giai đoạn 4 tăng từ 60.000-100.000 đồng/hành khách. Phương án này cũng đã được Cục Hàng không thống nhất thông qua.
Câu hỏi đặt ra cho Tổng Công ty Cảng hàng không khi tăng giá dịch vụ hàng không thì chất lượng phục vụ có tăng cùng không? - ảnh: Hoàng Lực. |
Theo tính toán của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam thực hiện phương án điều chỉnh mức thu phí như trên sẽ tăng doanh thu thêm 1.043 tỷ đồng, trong đó các hãng hàng không sẽ bỏ thêm 161,5 tỷ đồng (tương đương tăng 4.531 đồng/vé máy bay, tỷ lệ 0,02% vé máy bay) và giá dịch vụ thu về từ hành khách 883,6 tỷ đồng (tương đương tăng 24.789 đồng/vé máy bay, tỷ lệ 0,1%).
Dù đã được Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Cục Hàng không Việt Nam thống nhất chia làm 4 giai đoạn tăng giá dịch vụ hàng không để giảm tối đa tác động lên hành khách và các hãng hàng không nhưng tại đề xuất mới nhất, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam muốn rút ngắn xuống còn 3 giai đoạn.
Cụ thể, từ ngày 1/10/2017 tăng 75.000 đồng/hành khách; từ ngày 1/1/2018 tăng 85.000 đồng/hành khách; từ ngày 1/7/2018 tăng 100.000 đồng/hành khách.
Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, với lộ trình tăng giá mới doanh nghiệp này sẽ tăng doanh thu 1.148 tỷ đồng (tăng thêm 105 tỷ đồng so với phương án của Cục Quản lý giá và Cục Hàng không).
Như vậy, đối với hành khách, mỗi vé máy bay 1 chiều sẽ tăng thêm 25.709 đồng/vé.
Ngoài đề xuất rút ngắn giai đoạn tăng giá dịch vụ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam còn đề nghị bổ sung 4 cảng hàng không gồm Phú Quốc, Liên Khương (Đà Lạt), Buôn Ma Thuột và Phú Bài (Huế) vào danh sách các Cảng hàng không nhóm A (nhóm cảng khai thác 24/24h) cùng với các Cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vinh và Phú Bài.
Lo ngại tăng giá dịch vụ hàng không đến 40% gây sức ép tăng giá vé máy bay Bộ Giao thông Vận tải nói gì về đề xuất áp giá sàn vé máy bay? |
Trước đề xuất rút ngắn thời gian tăng giá dịch vụ hàng không, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến - Nghiên cứu sinh ngành Kinh tế học tại Colombo University (Sri Lanka) cho rằng, việc tăng giá dịch vụ nội địa có thể tính đến bởi giá dịch vụ hàng không trên đầu người ở nước ta thấp so với nhiều nước ở khu vực.
“Tuy nhiên nhìn lại thì dịch vụ hàng không của chúng ta chưa có gì. Hành khách đi hàng không tại sân bay Việt Nam giống như đến nhà ga xe lửa đến rồi đi, không có dịch vụ gì.
Điều đó cho thấy tăng giá dịch vụ hàng không là chưa hợp lý”, Thạc sĩ Chiến cho biết.
Thạc sĩ Chiến cho biết, so với cảng hàng không các nước cảng hàng không nước ta thiếu dịch vụ như như nhà hàng, khách sạn, spa hiện đại. “Cho dù hành khách có thể không sử dụng dịch vụ đi kèm nhưng rõ ràng khi cảng hàng không có những dịch vụ như vậy thì sẽ nâng chất lượng dịch vụ chung của sân bay”, Thạc sĩ Chiến đánh giá.
Trở lại với đề xuất tăng giá dịch vụ, Thạc sĩ Chiến cho rằng trước khi tăng lên phải minh bạch chi phí tức làm rõ thu chi.
“Ngoài ra việc tăng giá dịch sử dụng làm gì? Và, việc tăng giá dịch vụ thì chất lượng phục vụ có được cải thiện, tình trạng chậm hủy chuyến có giảm hay không?”, Thạc sĩ Chiến đặt câu hỏi.
Theo ông Chiến, trong những năm qua thị trường hàng không phát triển, đặc biệt hàng không giá rẻ của Vietjet đã tạo cơ hội cho nhiều người dân được đi máy bay. Tuy nhiên, nếu giá dịch vụ tăng kéo theo giá vé tăng tức làm giảm cơ hội đi lại bằng hàng không của người dân.
Đề xuất thiếu minh bạch
Cũng liên quan đến đề xuất của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Khoa Kỹ thuật giao thông (Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đề xuất tăng giá dịch vụ hàng không thể hiện độc quyền.
“Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đề xuất tăng giá dịch vụ hàng không và chỉ quan tâm việc tăng như vậy sẽ đạt doanh thu bao nhiêu còn đối với khách hàng những người sử dụng dịch vụ họ không quan tâm”, ông Tống nhận định.
Theo Phó Giáo sư Tống việc tăng giá dịch vụ hàng không như đề xuất của Tổng Công ty Cảng hàng không đúng hay sai cao hay thấp chỉ có doanh nghiệp này, Cục Hàng không Việt Nam biết.
“Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nắm thông tin giá dịch vụ cũng như chất lượng dịch vụ hàng không các nước trong khu vực.
Trước khi đề xuất tăng đáng nhẽ họ phải minh bạch giá dịch vụ hàng không các nước xung quanh chúng ta để người dân so sánh, đối chiếu chứ không thể nói mơ hồ rằng ta thấp nên phải tăng”, ông Tống chỉ rõ.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Khoa Kỹ thuật giao thông (Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) - ảnh: Hoàng Lực. |
Bình luận việc tăng giá dịch vụ hàng không, Phó Giáo sư Tống nhận định: “Đầu tư dàn trải thậm chí “vô tội vạ” vào nhiều sân bay dẫn đến lỗ và lãng phí nhiều nên cần phải kiếm cớ để tăng thu lại, khi tăng thu hành khách đi hàng không phải chịu”.
Cũng về vấn đề tăng giá dịch vụ hàng không, ông Nguyễn Thiện Tống cho rằng, tăng giá dịch vụ nhưng chất lượng dịch vụ hàng không hiện nay chưa tương xứng, đặc biệt khi nhìn vào tỷ lệ chậm hủy chuyến bay.
Thống kê tình trạng chậm hủy chuyến Quý 1/2017 của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy từ ngày 1/1 đến 15/3/2017, các hãng hàng không trong nước đã thực hiện tới 55.251 chuyến bay với 7.059 chuyến bay chậm, 337 chuyến hủy.
Theo ông Tống hiện nay tình trạng chậm hủy chuyến xảy ra thường xuyên khiến khách hàng bị thiệt hại nhưng mức đề bù hỗ trợ khách hàng hiện nay còn thấp.
Vì thế nếu tăng giá dịch vụ hàng không phải đồng thời tăng chất lượng phục vụ, tăng mức đền bù trong trường hợp chuyến bay bị chậm, hủy chuyến.
Ngoài ra trước đề xuất của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đề nghị đưa 4 cảng hàng không gồm Phú Quốc, Liên Khương, Buôn Ma Thuột và Phú Bài vào danh sách các Cảng hàng không nhóm A (nhóm cảng khai thác 24/24h) đồng nghĩa với việc giá dịch vụ các sân bay bay này tương đương với cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài…Theo ông Tống không hợp lý.
“Giá dịch vụ như nhau vì đều là cảng hàng không nhóm A nhưng vấn đề là chất lượng dịch vụ có tương xứng, có như nhau hay không?
Không thể so sánh chất lược dịch vụ của sân bay Buôn Ma Thuột, Liên Khương… với tiện ích của Nội Bài, Tân Sơn Nhất được.
Rõ ràng đề xuất tăng giá dịch vụ hàng không cho thấy vẫn còn tồn tại tư duy tùy tiện của nền kinh tế bao cấp trước đây”, ông Tống đánh giá.