Sáng 22/5, theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, các đại biểu thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Đỗ Thơm |
Kiến nghị chỉ áp dụng 3 bậc thang giá điện
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Hoàng Ngân – đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, năm 2018 là năm có tăng trưởng cao nhất từ năm 2008 đến nay, GDP tăng hơn 7%.
"Quan trọng hơn là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam từ năm 2012 đến nay đã có những dấu hiệu khả quan.
Chất lượng tăng trưởng thay đổi theo chiều hướng tốt như công nghiệp khai khoáng trước đây đóng góp vào GDP cao thì hiện nay đóng góp theo xu hướng giảm dần.
Đóng góp của công nghiệp chế tạo vào GDP theo chiều hướng tích cực hơn. Trước đây chỉ đóng góp 14% giờ đây là 16%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã giảm đáng kể…", đại biểu Ngân phân tích.
Tuy nhiên, theo đại biểu, năm 2019 có nhiều biến động như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, bất ổn ở Trung Đông, khó khăn của tiến trình Brexit sẽ tạo ra những bất ổn cho thế giới và cả Việt Nam.
“Độ mở của nền kinh tế Việt Nam đứng hàng đầu thế giới. Khi thương mại thế giới suy giảm thì kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động.
Chính phủ cần phải xây dựng các kịch bản ứng phó biến động thế giới”, ông Ngân nói.
Nói về việc tăng giá điện, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết đã đọc báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội, nhưng ông không đồng tình về cách tính giá điện theo thang 6 bậc hiện nay.
Đại biểu cho hay, thực tế tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng chỉ áp dụng 3 bậc giá. Tại Indonesia áp dụng 5 bậc.
“Tại Việt Nam áp dụng 6 bậc là quá nhiều. Trong khi mức tiêu thụ 0-50 kWh/tháng là quá thấp.
Tôi đề xuất chỉ nên áp dụng 3 bậc thang giá điện. Cụ thể, bậc 1 áp dụng từ 0 đến 100 kWh; bậc 2 áp dụng từ 101 đến 300 kWh và bậc 3 từ 301 kWh trở lên”, ông nói.
“Bậc 2 từ 101 đến 300 kWh là hợp lý. Nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng lên, do thu nhập được cải thiện, điều kiện sinh hoạt cũng hơn trước, do đó định mức thang bậc phải có sự thay đổi.
Có như vậy việc tăng giá điện mới không làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân”, ông Ngân đề xuất.
Đại biểu Lê Thu Hà. Ảnh: Quochoi.vn |
Đề xuất kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện
Cũng liên quan đến giá điện, đại biểu Lê Thu Hà – đoàn đại biểu Quốc hội Lào Cai đã phân tích, trích dẫn cách tính toán của các chuyên gia nghi ngờ về tính minh bạch của cách tính giá điện.
Đại biểu Thu Hà kiến nghị: “Tôi cho rằng nên đề xuất kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như cách kinh doanh điện trong thời gian qua.
Báo cáo Bộ Công thương gửi thấy lý giải rất nhiều lý do, nhưng cá nhân tôi cảm thấy báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri cũng như thông tin đến đại biểu Quốc hội”, đại biểu Hà nói.
Cũng theo bà Hà, Bộ Công thương lý giải giá điện 6 bậc thang là căn cứ tham khảo các quốc gia trên thế giới, nhưng theo bà là chỉ tham khảo một nửa.
Ở Hàn Quốc, khi thời tiết quá nóng thì Chính phủ quyết định tạm thời giảm giá điện để giúp nhân dân vượt qua giai đoạn này, vì họ coi nắng nóng như thiên tai.
Các gia đình có con nhỏ cũng được giảm giá điện và Hàn Quốc đang cân nhắc thay đổi tính giá điện theo mùa.
Tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện |
“Ta copy là phải có bậc thang, nhưng chính sách đi kèm thì ta chưa thể hiện được trong chính sách giá của mình”, đại biểu Hà đánh giá.
Đồng ý việc phải giữ giá điện bậc thang, nhưng bà Hà đề nghị phải cân nhắc các bậc thang như thế nào cho hợp lý.
Bởi bậc 1 ở mức dưới 50 kWh đã được áp dụng từ rất lâu, khi các hộ gia đình còn ít thiết bị sử dụng điện. Còn đến nay, khi đời sống đã cao hơn, bậc thang cũng cần được điều chỉnh.