Một chiếc máy bay bí mật mang theo trên một chiếc xe tải của Quân đội Trung Quốc. |
Cách đây không lâu, những hình ảnh một chiếc xe tải Trung Quốc mang theo chiếc máy bay bí mật đã được tuyên truyền rộng rãi trên các diễn đàn quân sự của Trung Quốc và các nước. Truyền thông nước ngoài phỏng đoán, Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu tàng hình kiểu mới.
Ngày 6/8, Phó Trưởng ban tờ “Thời báo Đài Bắc” bản tiếng Anh, nhà nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc, J. Michael Cole đã có bài viết trên tạp chí “Nhà ngoại giao” Nhật Bản cho rằng, Quân đội Trung Quốc đang phát triển loại máy bay chiến đấu tàng hình thứ hai khác với J-20.
Các trang mạng quân sự như “Tin tức Quốc phòng” của Mỹ cũng liên tiếp đưa tin và tiến hành bình luận về công dụng của máy bay chiến đấu kiểu mới này.
“Máy bay bánh tét” gây xôn xao dư luận
Từ cuối tháng 6 đến nay, trên mạng liên tiếp xuất hiện những hình ảnh và video về một chiếc máy bay bí mật. Một chiếc máy bay có góc cạnh rõ ràng được bọc kín bằng vải bạt đã thu hút rất nhiều sự chú ý và phỏng đoán của dư luận quan tâm đến lĩnh vực quân sự. Do xuất hiện vào tết Đoan Ngọ, máy bay này được dư luận quân sự Trung Quốc gọi là “máy bay bánh tét”.
Về thân phận của chiếc máy bay này, có tin cho rằng, đây rất có thể là một loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm khác đang được Trung Quốc nghiên cứu phát triển – máy bay J-21 Tuyết Hiêu. J. Michael Cole cho rằng, máy bay chiến đấu J-20 của Công ty Máy bay Thành Đô đến nay đã làm cho các kỹ sư Trung Quốc bận tối mặt, Quân đội Trung Quốc rốt cuộc có đang nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu kiểu mới “còn rất khó nói”, nhưng các nhà phân tích quân sự phổ biến cho rằng, “điều này hoàn toàn không phải không có khả năng”, đặc biệt là xét tới máy bay này có thể sẽ “phát huy vai trò khác nhau” trong không chiến.
Trang mạng “Tin tức Quốc phòng” Mỹ bình luận, các nhà phân tích phương Tây thường sẽ không dễ dàng tin vào những bức ảnh này, nhưng họ cũng không thể không nhìn những hình ảnh video. Cuối tháng 6/2012, những đoạn video này đã được tải rộng rãi trên mạng.
Một chiếc máy bay chiến đấu bọc kín được Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương vận chuyển đến căn cứ không quân Diêm Lương ở Tây An - Thiểm Tây, Trung Quốc, điều này không thể không gây ra phỏng đoán cho dư luận.
Hình ảnh chính diện của chiếc máy bay bí mật. |
Tờ “Tin tức Quốc phòng” cho rằng, tại cuộc thi giải thưởng sáng tạo máy bay không người lái quốc tế Bắc Kinh tổ chức tháng 9/2011, sinh viên Trung Quốc có liên quan đến Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương đã trưng bày một mô hình hư hư thực thực giống như máy bay tàng hình J-21.
Mô hình này và ngoại hình của “máy bay bánh tét” xuất hiện trên mạng thống nhất với những mô tả có liên quan đến J-21 Tuyết Hiêu.
Theo phán đoán của Richard Fisher, nhà nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, máy bay này trang bị 2 động cơ, áp dụng thiết kế tàng hình, có khoang đạn, trang bị một bộ radar mảng quét điện tử chủ động. Một nhà quan sát quân sự Trung Quốc phán đoán, loại máy bay này sải cánh khoảng 11 m, dài khoảng 17 m, kích cỡ tương tự máy bay chiến đấu F/A-18C/D Hornet của Hải quân Mỹ.
Nhưng, J. Michael Cole cũng cho rằng, những thông tin về J-21 gần đây cũng có khả năng là thông tin giả. Có chuyên gia bình luận, Quân đội Trung Quốc sẽ không công nhiên vận chuyển máy bay chiến đấu tiên tiến trên đường mà không có sự bảo vệ.
J-20 không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu tác chiến
Tạp chí “Nhà ngoại giao” phân tích cho rằng, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 được Quân đội Trung Quốc công khai hiện nay mặc dù có tính năng tiên tiến, nhưng hoàn toàn không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu tác chiến.
Theo J. Michael Cole, từ khi bay thử lần đầu tiên vào tháng 1/2011, đã liên tiếp có những phỏng đoán có liên quan đến máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Tập đoàn Máy bay Thành Đô. Đến nay, bên ngoài đã có thể xác nhận, máy bay này có 2 chiếc máy bay nguyên mẫu lần lượt là 2001 và 2002 và đã tiến hành bay thử nhiều lần.
Nhưng, có báo cáo cho rằng, Trung Quốc hiện chủ yếu dựa vào động cơ hàng không tiên tiến của Nga, do Moscow gần đây từ chối xuất khẩu thiết bị quan trọng này cho Trung Quốc, J-20 rất có thể phải đợi đến năm 2017-2019 mới có thể được trang bị cho Quân đội Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc. |
Hiện nay, các tài liệu công khai cho biết, máy bay J-20 được thiết kế 2 động cơ, dài khoảng 70 thước Anh (khoảng 21 m). Chỉ riêng về kích thước, trong tương lai, máy bay này rất có thể hoạt động với tư cách là máy bay chiến đấu tấn công, vai trò tương tự như máy bay chiến đấu ném bom F-111 Aardvard của quân Mỹ, chứ không phải là máy bay chiến đấu có khả năng không chiến ưu việt với mục tiêu là giành quyền kiểm soát trên không.
J. Michael Cole cho rằng, trọng điểm chính sách quân sự hiện này của Quân đội Trung Quốc là phát triển máy bay ném bom tàng hình tầm xa. Gần đây, Công ty RAND đã công bố báo cáo “Kinh thiên động địa” cho rằng, tư tưởng tác chiến của Không quân Trung Quốc chủ yếu là phát động tập kích bất ngờ vào các mục tiêu quan trọng trên mặt đất như sân bay, căn cứ quân sự, chứ không phải là trực tiếp tiến hành chiến đấu trên không với đối thủ.
Đặc biệt là khi gặp phải đối thủ chiếm ưu thế về khả năng, kinh nghiệm và huấn luyện không chiến như Mỹ, tư tưởng này rất có thể trở thành hiện thực. Báo TQ cho rằng, còn ở khu vực biển Đông, do thực lực của các nước xung quanh kém xa Trung Quốc, Quân đội Trung Quốc có thể sẽ không tuân theo mô hình tác chiến này.
Bài viết cho rằng, những tài liệu liên quan đến chiến lược quân sự của Trung Quốc và những tuyên truyền quân sự gần đây của Trung Quốc đều nhấn mạnh do Pháo binh 2 sử dụng tên lửa đạn đạo tiến hành tấn công vòng đầu đối với sân bay, trạm radar, hệ thống chỉ huy, kiểm soát và phòng không của đối phương.
Nhưng, là vũ khí lựa chọn đầu tiên, tầm phóng của tên lửa DF-11 và DF-15 chỉ có thể bao trùm lên các khu vực như đảo Đài Loan và Okinawa, còn đối với các căn cứ quân sự của quân Mỹ ở Thái Bình Dương, những căn cứ có thể nhanh chóng can thiệp các cuộc xung đột ở Đông Bắc Á như căn cứ không quân Anderson ở Guam, Quân đội Trung Quốc hoàn toàn không có biện pháp tấn công có hiệu quả.
Máy bay ném bom H-6 Trung Quốc. |
Hiện nay, theo TQ, phương pháp duy nhất có thể tấn công quân Mỹ ở Guam là máy bay ném bom tầm xa H-6K và H-6M trang bị tên lửa YJ-63 hoặc tên lửa hành trình không đối đất DH-10 (cùng loại CJ-10). Nhưng do máy bay ném bom dòng H-6 hoàn toàn không có khả năng tránh né được sự dò tìm của radar, chỉ dựa vào nó để đạt được tính bất ngờ trong tấn công Guam có “khả năng rất nhỏ”, vì vậy Quân đội Trung Quốc buộc phải triển khai nhiều cụm máy bay yểm hộ hơn (như Su-27 và Su-30), máy bay tiếp dầu trên không (như IL-78) và máy bay gây nhiễu điện tử.
Sau khi máy bay tàng hình J-20 đi vào hoạt động sẽ làm thay đổi rất lớn hiện trạng này, làm cho Quân đội Trung Quốc có thể tiến hành tấn công tầm xa có hiệu quả hơn đối với các mục tiêu mặt đất quan trọng.
Ngoài ra, gần đây còn có nhiều báo cáo cho biết, Trung Quốc “hầu như đang nghiên cứu phát triển phiên bản hải quân của tên lửa hành trình DH-10”. Nếu các hành động đường không có thể được sự phối hợp của tàu chiến hải quân, Quân đội Trung Quốc sẽ có thể dễ dàng đột phá mạng lưới phòng thủ được hợp thành bởi tên lửa Patriot-3 và hệ thống phòng không khác, tiến hành tấn công mang tính áp đảo.
J-21 chuyên dùng để chiến đấu trên không
J. Michael Cole cho rằng, nếu Trung Quốc thực sự có kế hoạch để cho J-20 phát huy vai trò tấn công đối đất, thì Quân đội Trung Quốc sẽ cần một loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm có ưu thế về không chiến có thể chống chọi với F-22 và F-35.
Hiện nay, J-21 do Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương nghiên cứu chế tạo đã lấp chỗ trống này một cách đúng lúc. Dư luận quốc tế cũng có quan điểm cho rằng, máy bay này sẽ là một loại máy bay chiến đấu hạng trung, có kích thước tương đương với máy bay chiến đấu F-35 của quân Mỹ.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của quân Mỹ. |
Có phân tích cho rằng, Quân đội Trung Quốc sẽ bắt chước cách làm nghiên cứu phát triển tên lửa, trang bị cùng lúc hai loại máy bay chiến đấu J-20 và J-21, từ đó thúc đẩy sự cạnh tranh giữa Tập đoàn Máy bay Thành Đô và Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương, đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu phát triển máy bay, đồng thời khuyến khích sáng tạo.
Theo đó, trong tương lai J-20 sẽ chủ yếu phụ trách tiến hành thâm nhập và tấn công đối với hệ thống phòng thủ của đối phương, còn J-21 sẽ chuyên chiến đấu đường không, phát huy vai trò của máy bay chiến đấu có ưu thế về không chiến.
Về việc Không quân Trung Quốc sẽ sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình J-21 thế nào trong tương lai, Gary Lee, chuyên gia nghiên cứu về Hải quân Trung Quốc của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế London cho rằng:
“Ở góc độ thiết kế, việc máy bay J-21 khá nhẹ bổ sung cho máy bay chiến đấu hạng nặng J-20 có lý nhất định, vũ khí trang bị của Quân đội Trung Quốc luôn duy trì sự phối hợp nặng-nhẹ”, sẽ rất ít đầu tư cho nghiên cứu phát triển 2 loại trang bị có mục đích thiết kế hoàn toàn giống nhau.
Tờ “Tin tức Quốc phòng” cho rằng, Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương luôn cố gắng giành lấy quyền sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm cho Hải, Không quân Trung Quốc với Tập đoàn Máy bay Thành Đô. Tháng 1/2011, máy bay J-20 lần đầu tiên công khai với bên ngoài, luôn được dư luận quốc tế coi là tiêu chí chiến thắng của Tập đoàn Máy bay Thành Đô.
Còn sự xuất hiện của máy bay J-21 gần đây lại gây ra nhiều phỏng đoán. Đối với vấn đề này, Quân đội Trung Quốc rất có thể còn chưa xác định cuối cùng sẽ mua loại máy bay nào, cũng có thể đồng thời trang bị J-20 và J-21.
Còn Fisher thì cho rằng, Tập đoàn Máy bay Thành Đô thực sự đã giành được quyền sản xuất máy bay chiến đấu hạng nặng thế hệ thứ năm, nhưng sự cạnh tranh của hai bên đối với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm hạng trung còn chưa kết thúc.
Ông cho biết: “Có phân tích cho rằng, máy bay chiến đấu mới của Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương hoàn toàn không được sự hỗ trợ của Quân đội Trung Quốc, mà là do Tập đoàn tự bỏ vốn tiến hành nghiên cứu chế tạo, Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương hy vọng quân đội sau này có thể sử dụng máy bay này”.
Ngoài ra, có một số chuyên gia phán đoán, J-21 có thể làm một loại máy bay chiến đấu tàng hình trang bị cho hải quân, tạo sự phối hợp cao-thấp với máy bay J-15 Phi Sa của Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương. Ngày 27/7, kênh quốc tế tiếng Trung của CCTV-4 Trung Quốc từng mở tiết mục chuyên đề, mời tướng Đỗ Văn Long tiến hành phân tích về công dụng của máy bay chiến đấu J-21, suy đoán trong tương lai máy bay này sẽ sử dụng cho tàu sân bay.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ. |
Nhưng cũng có người cho rằng, máy bay này chủ yếu hướng tới thị trường nước ngoài. Phiên bản xuất khẩu của nó là F-60, sẽ tranh giành thị trường quốc tế với F-35.
Nhưng quan điểm này rất nhanh bị phản bác, một số nhà phân tích cho rằng, khách hàng chính của máy bay chiến đấu F-35 là đồng minh của Mỹ, những nước này “sẽ không mua máy bay chiến đấu của Trung Quốc”. Ngoài ra, Ấn Độ và Nga cũng sẽ không xem xét mua J-21, vì vậy khách hàng tiềm năng của máy bay này sẽ chủ yếu là Pakistan, Brazil và một số nước Trung Đông.
Hiện nay, nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài dẫn các nguồn tin cho rằng, J-21 sẽ bay thử lần đầu tiên vào tháng 9/2012. Sự thực thế nào sẽ sớm được công bố. Nếu đây là sự thật, “máy bay bánh tét” khi đó sẽ để lộ ra bộ mặt thần bí, bày ra trước mặt thế giới.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!