Ông Tập Cận Bình. |
Đa Chiều ngày 1/1 bình luận, sau khi hạ 4 con hổ lớn là Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch dù các vụ án vẫn chưa kết thúc hết, nhưng Tập Cận Bình dường như đã hoàn thành công việc "thanh trừng các chướng ngại vật chủ yếu" trên đường kiểm soát tối cao trong đảng, chính quyền và quân đội.
Diễn ra đồng thời với chiến dịch đả hổ đập ruồi, cuối năm 2014 Tập Cận Bình đã luân chuyển và thay thế hàng loạt vị trí chỉ huy là các tướng lĩnh hàng đầu với con số lên tới hơn 40 tướng lĩnh chủ chốt, thế hệ 5x thay thế hoàn toàn 4x, trong đó ưu tiên các tướng thuộc dòng "hạt giống đỏ, Nam Kinh phái, có kinh nghiệm chiến tranh".
Biểu hiện tập trung nhất cho các đặc điểm này là tướng Vương Ninh, vừa có xuất thân "con ông cháu cha", vừa có liên hệ mật thiết với đại quân khu Nam Kinh - căn cứ quyền lực của ông Tập Cận Bình, và Vương Ninh là viên tướng từng tham gia cuộc Chiến tranh Biên giới 1979 xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam.
Về "nguồn gốc", Vương Ninh là con trai của một cán bộ cấp cao đại quân khu Nam Kinh, có bố vợ là Đỗ Bình, Trung tướng khai quốc công thần, cựu Chính ủy đại quân khu Nam Kinh, có cậu ruột là Lệnh Cố Huy, Thượng tướng, cựu Tư lệnh đại quân khu Nam Kinh. Xét về lý lịch gia đình, lòng trung thành của Vương Ninh với quân đội và đảng Cộng sản Trung Quốc là không phải bàn cãi, Đa Chiều nhấn mạnh. Bản thân Vương Ninh cũng từng công tác tại đại quân khu Nam Kinh.
Vương Ninh. |
Vương Ninh cùng với 1 loạt tướng cấp cao "con ông cháu cha" khác được liệt vào hàng ngũ "hạt giống đỏ thế hệ thứ 2" bao gồm Trương Hựu Hiệp - Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị, Mã Hiểu Thiên - Tư lệnh Không quân, Lưu Nguyên - Chính ủy Hậu cần, Trương Hải Dương - cựu Chính ủy Tên lửa chiến lược.
Về kinh nghiệm tham chiến, Vương Ninh đã từng tham gia các hoạt động chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam những năm thập niên 80 trên địa bàn tỉnh Vân Nam. Cùng tham gia Chiến tranh Biên giới 1979 xâm lược Việt Nam và được trọng dụng lần này còn có Chu Tùng, Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần vừa được bổ nhiệm.
Trong đợt luân chuyển lần này, rất nhiều tướng có liên hệ mật thiết với Tập Cận Bình được trọng dụng, có thể thấy ông Bình đã nắm được các vị trí cốt cán trong quân đội cũng như bộ máy chính quyền, gây dựng lên một thế hệ lãnh đạo mới lấy ông làm hạt nhân. Tuy nhiên cũng có người hoài nghi, thậm chí có người xem như Tập Cận Bình đang "đánh bạc" khi sử dụng các tay chân thân tín vào vị trí chủ chốt.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 25/12/2014 cũng đã công khai thừa nhận danh sách sĩ quan cao cấp trong quân đội được luân chuyển, điều chỉnh trong đợt này và gọi đó là "bình thường theo kế hoạch". Tờ Caixin hôm 24/12 cũng dẫn lời La Viện cho biết, đồng thời với việc xử lý Từ Tài Hậu, quân đội Trung Quốc cũng đang điều chỉnh nhân sự cả 4 Tổng cục, 7 đại quân khu, 4 đại quân binh chủng trong đó cấp "phó đại quân khu" tương đương Thiếu - Trung tướng, cấp quân khu tương đương Thiếu tướng khoảng mấy chục người.
Danh sách các tướng mới được luân chuyển, bổ nhiệm lần này có: Vương Ninh làm Tư lệnh Cảnh sát vũ trang, Tôn Tư Kính làm Chính ủy Cảnh sát vũ trang, Tần Vệ Giang và Vương Kiến Bình làm Phó Tổng tham mưu trưởng, Hứa Huy Nguyên làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ân Phương Long làm Chính ủy Tên lửa chiến lược, Miêu Hoa - Chính ủy Hải quân, Lưu Lôi - Chính ủy đại quân khu Lan Châu, Vương Đăng Bình - Phó Chính ủy Hải quân, Đỗ Bản Ấn - Chính ủy Hạm đội Nam Hải, Trương Quân Tường và Chu Á Ninh làm Phó tư lệnh Tên lửa chiến lược.