Ngày 27/12, tại Thành phố Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lễ trao giải thưởng Quả Cầu Vàng 2017 và phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật lần thứ 19.
Đây cũng là năm thứ 7 Tập đoàn Tân Hiệp Phát – nhãn hàng Trà thanh nhiệt Dr Thanh đồng hành cùng giải thưởng này.
Vượt qua 58 hồ sơ đề cử từ 21 đơn vị, 9 tài năng trẻ có thành tích xuất sắc ở năm lĩnh vực được trao giải, gồm:
Công nghệ thông tin và truyền thông (hai giải), Công nghệ môi trường (hai giải), Công nghệ y – dược (hai giải), Công nghệ vật liệu mới (một giải) và Công nghệ sinh học (hai giải).
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng và ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trao giải Quả Cầu Vàng năm 2017 cho các cá nhân xuất sắc. |
Đặc biệt, trong số chín tài năng trẻ đoạt giải có 8 tiến sĩ và một sinh viên xuất sắc về công nghệ thông tin của trường Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sinh viên Phạm Văn Hạnh cũng là cá nhân trẻ tuổi nhất (sinh năm 1997).
Mỗi cá nhân đạt giải được nhận cúp Quả Cầu Vàng, giấy chứng nhận và huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” của Ban chấp hành Trung ương Đoàn kèm tiền thưởng 20 triệu đồng.
Bắt đầu triển khai từ năm 2003, Giải thưởng Khoa học kỹ thuật Thanh niên Quả Cầu Vàng do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức được trao mỗi năm cho các tài năng trẻ xuất sắc về khoa học kỹ thuật.
Bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát trao phần thưởng nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật lần thứ 19. |
Để đáp ứng thực tiễn yêu cầu phát triển khoa học công nghệ của đất nước, trên cơ sở thống nhất ý kiến của các bộ ngành có liên quan, từ năm 2016 tên gọi của giải thưởng Khoa học kỹ thuật Thanh niên Quả Cầu vàng được đổi thành giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng và mở rộng thêm lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới.
Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc, Nghiên cứu viên Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, một trong 9 người đoạt giải cho biết:
“Trong hơn 10 năm nghiên cứu khoa học, tôi đã nhận được nhiều kết quả hơn mong đợi nhờ sự hỗ trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điều này đã tạo cho chúng tôi động lực rất lớn để tiếp tục phát triển các nghiên cứu của mình phục vụ xã hội.
Tôi hy vọng các cấp lãnh đạo tiếp tục tạo điều kiện để những người trẻ như tôi có thể đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp khoa học công nghệ của đất nước”.
Trao giải cho nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật lần thứ 19. |
Từ năm 2011, Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc đã làm thư ký tham gia bốn đề tài cấp Nhà nước.
Trong đó đề tài "Nghiên cứu điều trị thực nghiệm bệnh đái tháo đường bằng liệu pháp tế bào gốc, 2012 - 2016" thực hiện nghiên cứu thiết lập quy trình điều trị đái tháo đường type 1 và 2 bằng liệu pháp cấy ghép các tế bào có khả năng sản xuất insulin đã được nghiệm thu loại xuất sắc.
Ngoài hàng chục bài báo khoa học đồng tác giả trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCI, SCI –Expanded, Tiến sĩ Ngọc còn là tác giả chính của một và đồng tác giả của sáu chương sách và cuốn sách xuất bản quốc tế.
Chị cũng đang là Thư ký của tạp chí Bimedical research and therapy.
Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết:
“Tập đoàn Tân Hiệp Phát, nhãn hàng Trà thanh nhiệt Dr Thanh quyết định đồng hành cùng chương trình này từ năm 2011.
Bởi chúng tôi thấy đây là một hoạt động ý nghĩa và thiết thực mang lại các giá trị ứng dụng trong cuộc sống, đồng thời cũng gắn kết với định hướng chiến lược của tập đoàn.
Tập đoàn Tân Hiệp Phát là một doanh nghiệp Việt luôn đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Trong suốt quá trình hoạt động, chúng tôi luôn chủ động tìm kiếm các giải pháp và đầu tư rất nhiều cho các ứng dụng công nghệ sản xuất nước giải khát hiện đại trên thế giới để làm sao có thể tạo ra các sản phẩm tốt nhất cho sức khỏe người tiêu dùng”.
“Tham dự và trao giải cho các tài năng trẻ của đất nước, tôi không chỉ cảm thấy tự hào mà còn cảm thấy được truyền sức mạnh từ nghị lực và sự nỗ lực của các em không chỉ trong học tập mà còn là sự đóng góp cho những công trình, hoạt động mang lại những ứng dụng thiết thực trong cuộc sống”, bà Uyên Phương chia sẻ.
Bà Trần Uyên Phương nhận hoa và kỷ niệm chương từ Ban tổ chức chương trình. |
Cũng tại buổi lễ, 20 nữ sinh thuộc 4 lĩnh vực công nghệ thông tin, điện, điện tử và cơ khí đã được Trung ương Đoàn trao tặng phần thưởng “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật 2017”.
Phần thưởng nhằm khuyến khích nữ sinh viên tham gia học tập, nghiên cứu trong các ngành kỹ thuật, góp phần đào tạo nguồn cán bộ khoa học kỹ thuật nữ trẻ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mỗi nữ sinh đạt phần thưởng được tặng bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Đoàn kèm theo tiền thưởng là 5 triệu đồng.
Danh sách 9 cá nhân đạt giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2017 gồm : * Lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông: Tiến sĩ. Hà Minh Hoàng, Giảng viên khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Phạm Văn Hạnh, sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; * Lĩnh vực Công nghệ môi trường: Tiến sĩ Nguyễn Thị Ánh Dương, Nghiên cứu viên Phòng Tuyến trùng học, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Thị Thuỷ, Giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học và Kỹ thuật môi trường, Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh. * Lĩnh vực Công nghệ Y – Dược: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Bách, Giảng viên cao cấp, Bộ môn Kinh tế Y tế, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội; Tiến sĩ. Hoàng Văn Tổng, Nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu Sinh Y dược học, Giảng viên Bộ môn Sinh lý bệnh, Học viện Quân y. * Lĩnh vực Công nghệ sinh học: Tiến sĩ Võ Thanh Sang, Trưởng phòng Công nghệ Sinh học Dược, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành; Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc, Nghiên cứu viên Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. * Lĩnh vực Công nghệ Vật liệu mới: Tiến sĩ Phạm Thị Năm, Nghiên cứu viên chính Phòng Ăn mòn và bảo vệ kim loại, Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. |