Tập trung nghiên cứu khoa học giúp nam sinh đạt học bổng thạc sĩ tại Canada

19/02/2025 09:22
Thảo Lê
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ngoài việc giành học bổng toàn phần du học thạc sĩ tại Canada, trước đó Trần Thanh Tùng còn sở hữu 6 bài báo khoa học quốc tế làm cùng giảng viên. 

Trần Thanh Tùng (2002, Nam Định) tốt nghiệp xuất sắc chương trình Tài năng Toán - Tin K65, Đại học Bách khoa Hà Nội, với điểm trung bình chung tích lũy (CPA) đạt 3.78/4. Tháng 2/2024, Thanh Tùng giành học bổng toàn phần bậc thạc sĩ của Đại học British Columbia, cơ sở Okanagan, tại Canada, (viết tắt là UBCO). Cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội chính thức lên đường du học vào vào tháng 8/2024.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thanh Tùng cho hay: “Tôi đã tìm hiểu và đăng ký ứng tuyển học bổng vào thời gian năm cuối đại học. Học bổng mà tôi trúng tuyển là hệ thạc sĩ ngành Toán học, trị giá khoảng gần 55.000 đô la Canada (CAD) cho 2 năm học, tương đương gần 1 tỷ đồng. Khoản kinh phí này đã bao gồm cả học phí và chi phí sinh hoạt.

Về chương trình học thạc sĩ ngành Toán học, các học viên có thể tham gia vào các lĩnh vực nghiên cứu chính như: phương trình vi phân và toán sinh, đại số và lý thuyết số, giải tích, xác suất thống kê. Về cấu trúc chương trình học gồm tổng cộng 30 tín chỉ, trong đó có 18 tín chỉ sau đại học và 12 tín chỉ luận văn.

Học bổng thạc sĩ tại UBCO cũng có tính cạnh tranh khá cao. Điều kiện để tham gia ứng tuyển học bổng đầu tiên là phải có bằng cử nhân ngành Toán học hoặc lĩnh vực liên quan. Tiếp đến là điểm trung bình chung bậc đại học đạt từ 3.3 trở lên, chứng chỉ tiếng anh tương đương 6.5 IELTS (không kỹ năng nào dưới 6.0), 3 lá thư giới thiệu từ giảng viên hoặc nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Toán học, bài luận cá nhân”.

Navy Modern Research Presentation (1).png
Trần Thanh Tùng là cựu sinh viên tốt nghiệp xuất sắc chương trình Tài năng Toán - Tin tại Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: NVCC. Thiết kế: Thảo Lê)

Xây dựng hồ sơ du học hiệu quả từ việc tham gia nghiên cứu khoa học

Trước thời điểm nộp hồ sơ học bổng, Thanh Tùng có gần 1 năm tham gia nghiên cứu khoa học. Nhờ đó, Tùng ghi điểm trong bộ hồ sơ du học với một bài báo khoa học được đăng tải đăng trên tạp chí Optimization Letters khi là sinh viên năm 3.

“Thời điểm trước khi ứng tuyển học bổng, vào năm 3 đại học, tôi có gần một năm tham gia nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, giảng viên Khoa Toán - Tin, Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là thời gian tôi có bài báo khoa học đầu tiên được đăng tải.

Quá trình tham gia nhóm nghiên cứu của cô Thủy, tôi được trải nghiệm hành trình nghiên cứu khoa học và định hình rõ hơn hướng đi của mình trong tương lai. Dưới sự hướng dẫn của cô, tôi được tiếp cận các bài toán nghiên cứu, tìm hiểu bài báo khoa học, tham gia hội thảo, hội nghị. Kinh nghiệm có được giúp tôi rút ngắn công đoạn tiếp cận vấn đề và tìm kiếm tài liệu liên quan trong quá trình nghiên cứu”.

Không chỉ dừng lại ở số lượng một bài báo khoa học, Thanh Tùng vẫn tiếp tục hành trình nghiên cứu khoa học và có thêm 5 bài báo nghiên cứu khoa học quốc tế SCIE-Q2 viết cùng giảng viên. Trong đó, 3 bài được công bố khi Tùng đang là sinh viên, 2 bài được công bố sau khi tốt nghiệp.

Navy Modern Research Presentation (3).png
Thanh Tùng tích cực tham gia nhóm nghiên cứu cùng Phó giáo sư, Tiến Sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy. (Ảnh: NVCC. Thiết kế: Thảo Lê

Lựa chọn tập trung vào nghiên cứu khoa học thay vì đi theo hướng phát triển hoạt động ngoại khóa như các sinh viên khác khi ứng tuyển học bổng, Thanh Tùng bày tỏ:

“Với ngành Toán học, cách để xây dựng hồ sơ du học hiệu quả đến từ việc trực tiếp tham gia làm nghiên cứu khoa học. Việc làm nghiên cứu từ sớm đã giúp tôi biết rằng mình có khả năng đi theo con đường này hay không, có phù hợp với chương trình du học mà mình lựa chọn hay không.

Tôi nghĩ nên tham gia vào con đường nghiên cứu từ sớm để quá trình học tập và nghiên cứu được song hành liên tục, không bị gián đoạn. Thời gian chuẩn bị hồ sơ thích hợp là từ 2-3 năm trước khi tốt nghiệp vì thông thường, hồ sơ phải nộp vào đầu năm cuối đại học. Ngoài ra, yếu tố quan trọng nhất là phải đạt đủ điểm chứng chỉ ngoại ngữ. Dù không có bài báo khoa học, các bạn sinh viên vẫn có thể nộp hồ sơ, nhưng nếu không có đủ điểm chứng chỉ ngoại ngữ thì sẽ không đủ điều kiện ứng tuyển.

Ngoài ra trong quá trình học tập, tôi đã may mắn xin được thư giới thiệu từ phía các chuyên gia nghiên cứu trong ngành. Thuận lợi lớn nhất của tôi là có sự hướng dẫn tận tình từ các thầy cô, anh chị trong cộng đồng làm nghiên cứu. Bên cạnh Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, còn có Tiến sĩ Vũ Thị Hướng, Phòng Giải tích số và Tính toán Khoa học, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hai cô hỗ trợ tôi rất nhiều trong quá trình làm hồ sơ du học”.

Chọn trường để du học với Tùng là giai đoạn khó khăn nhất vì mỗi trường, mỗi khoa có hướng nghiên cứu tập trung khác nhau, yêu cầu cho mỗi bộ hồ sơ cũng sẽ khác nhau. Tùng vừa phải chuẩn bị hồ sơ cho phù hợp và vừa phải nghiên cứu những yêu cầu riêng ở mỗi trường. Nam sinh cho biết mỗi bộ hồ sơ sinh viên sẽ nộp chi phí khoảng 3 triệu đồng.

Navy Modern Research Presentation (2).png

Theo đuổi con đường nghiên cứu cần mài dũa tính kiên trì

Niềm yêu thích với môn Toán đã gắn kết Thanh Tùng với con đường nghiên cứu khoa học. Cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ về những khó khăn khi bắt đầu hành trình này.

“Khi bắt đầu nghiên cứu, tôi gặp khó khăn trong việc đọc và hiểu các bài báo khoa học, vì nhiều khi tác giả không trình bày đầy đủ các kiến thức cơ bản mà mặc định người đọc đã biết rõ trước khi đọc. Vì vậy, tôi phải tìm thêm sách vở, tài liệu hay các bài báo khác để xây dựng nền tảng vững chắc, từ đó tiếp cận được với nội dung bài báo mình đang quan tâm.

Làm nghiên cứu đòi hỏi thời gian rất dài để đạt được kết quả và đôi khi những kết quả đầu tiên không như mong đợi. Mỗi bài báo khoa học được gửi đi cần phải đợi thêm 1 khoảng thời gian chờ phản hồi từ phía tạp chí (trung bình từ 6 tháng - 1 năm)”.

Nhắc lại về kỉ niệm trong hành trình nghiên cứu của bản thân, chàng trai sinh năm 2002 bồi hồi nhớ lại:

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi tôi tham dự Hội nghị Toán học Toàn quốc lần thứ X tại Đà Nẵng. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác hồi hộp, lo lắng trước khi lên báo cáo đề tài và sự nhẹ nhõm, thoải mái sau khi thực hiện báo cáo xong.

Sau khi có cơ hội tham gia nhiều hội thảo và chứng kiến những thành tựu mà các nhà nghiên cứu đã đạt được, tôi càng thêm quyết tâm theo đuổi con đường làm nghiên cứu của mình. Việc tưởng tượng về bản thân trong tương lai, khi có thể đóng góp cho cộng đồng khoa học, đã trở thành động lực mạnh mẽ giúp tôi vượt qua những thử thách trong quá trình nghiên cứu”.

Screenshot 2025-02-17 093410.png
Thanh Tùng và cô Thủy tại Hội nghị Toán học Toàn quốc lần thứ X tại Đà Nẵng. (Ảnh: NVCC)

Trải qua những giai đoạn từ khó khăn đến khi được gặt hái thành tựu, Thanh Tùng vẫn luôn giữ vững sự bền bỉ với hành trình này.

“Cá nhân tôi duy trì sự kiên trì nhờ vào niềm say mê nghiên cứu và mong muốn trở thành một phần của cộng đồng khoa học. Từ khi bắt đầu hành trình nghiên cứu, tôi luôn cố gắng làm việc thật chỉn chu với giảng viên, ghi chép và bổ sung kiến thức liên tục. Thời điểm này tôi đã quen với cách học và nhịp độ các môn trên giảng đường, không áp lực chuyện đi làm thêm nên tôi dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu. Các kiến thức ở ngành học là nền tảng để tôi vững vàng hơn trong quá trình nghiên cứu mà bản thân theo đuổi.

Tôi đã học được tinh thần làm việc nghiêm túc và trách nhiệm từ việc tham gia nghiên cứu. Giảng viên luôn yêu cầu tôi phải có sự cẩn thận trong từng bước, từ viết bài, kiểm tra kết quả đến trình bày. Được sửa từng câu, từng dấu chấm, dấu phẩy trong báo cáo và bản thuyết trình rèn luyện cho tôi sự tỉ mỉ và chuyên nghiệp”, Thanh Tùng bộc bạch.

Nghiên cứu khoa học không chỉ mở ra cho Thanh Tùng cơ hội du học tại Canada, mà còn mang đến cho anh cơ hội gặp gỡ những nhà khoa học lớn trên thế giới. Vào tháng 9/2024, Thanh Tùng là một trong 200 nhà khoa học trẻ được lựa chọn tham dự Diễn đàn Giải thưởng Heidelberg lần thứ 11 (11th Heidelberg Laureate Forum) tại Heidelberg - Đức. Đây là nơi các nhà khoa học trẻ được gặp gỡ những nhà khoa học lớn đạt giải thưởng danh giá nhất thế giới về toán học và khoa học máy tính.

Tại vòng Chung khảo Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên năm 2024, Thanh Tùng cũng xuất sắc giành giải Nhất với đề tài "Thuật toán lặp quán tính giải một lớp bài toán bất đẳng thức biến phân hai cấp".

Trong tương lai, Trần Thanh Tùng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục xin học bổng học lên tiến sĩ tại nước ngoài.

“Học lên tiến sĩ là một phần trong kế hoạch tương lai của tôi khi đến Canada du học. Sau khi hoàn thành bậc thạc sĩ, tôi sẽ tiếp tục học tiến sĩ tại Canada hoặc một đất nước khác. Mục tiêu lâu dài của tôi là trở thành một nhà nghiên cứu toán học, đóng góp cho sự phát triển của ngành này và tham gia vào những nghiên cứu sâu hơn trong các lĩnh vực mà mình yêu thích.

Sau khi hoàn thành xong chương trình học như dự định, tôi muốn quay lại Việt Nam để làm việc. Mong rằng, với các kiến thức và kinh nghiệm bản thân tích lũy được trong quá trình học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, tôi có thể đóng góp phần nào đó vào sự phát triển của ngành toán học tại Việt Nam”.

Thảo Lê