Tên lửa S-300 Nga kém về khả năng chống tàng hình?

16/09/2013 08:28
Đông Bình
(GDVN) - Bài viết khẳng định tính năng ưu việt của hệ thống phòng không S-300, S-400, S-500 Nga, cùng với hệ thống Patriot của Mỹ dẫn trước thế giới.
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 do Nga chế tạo.
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 do Nga chế tạo.

Tờ "Giải phóng quân" Trung Quốc vừa đăng bài viết phỏng vấn Dương Kiên, kỹ sư cao cấp, chuyên gia Không quân Trung Quốc phân tích về tính năng của tên lửa phòng không S-300 Nga. Sau đây là nội dung chính của bài viết:

Gần đây, tình hình căng thẳng ở Syria đã gây chú ý cho dư luận về một loại vũ khí của Nga, đó là tên lửa phòng không S-300. Ngày 4 tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga đã tạm dừng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Syria. Một câu hỏi được đề cập tới là: Tại sao Syria lại cần gấp lá chắn phòng không này? Hệ thống này có tính năng kỹ chiến thuật như thế nào?

Lá chắn phòng không không phải là “hư danh”

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 là tên gọi khác của NATO đối với vũ khí tên lửa đất đối không dòng C-300 của Nga, hệ thống S-300P sớm nhất còn có biệt hiệu: Grumble.

Hệ thống này là vũ khí tên lửa phòng không thế hệ thứ ba có năng lực cơ động, trong mọi điều kiện thời tiết, hoạt động ở không vực lớn, nhiều hướng phóng, có thể đánh chặn các loại máy bay tác chiến, tên lửa hành trình, tên lửa không đối đất và tên lửa chiến thuật tầm gần.

Hệ thống này có rất nhiều tính năng ưu việt. Nó có thể đồng thời dẫn đường cho 12 quả tên lửa tiến hành đánh chặn đối với 6 nhóm mục tiêu trên không, có thể đánh chặn nhiều nhóm mục tiêu trên nhiều hướng.

Ngoài ra, hệ thống này áp dụng công nghệ đa nòng phóng thẳng đứng, năng lực chống tấn công bão hòa mạnh; trang bị tác chiến đều bằng xe, có năng lực tác chiến cơ động khá mạnh; trong điều kiện nhất định, nó còn có thể tiến hành đánh chặn đối với các phương tiện tác chiến gây nhiễu.

Tên lửa phòng không S-300
Tên lửa phòng không S-300

Về khả năng ứng phó với các cuộc tập kích đường không quy mô lớn: Trong phạm vi 200 km, tên lửa S-300 có thể đánh chặn hết khả năng các loại máy bay; ở khu vực trên không siêu thấp như 10 m, S-300 có thể đối phó hiệu quả với tên lửa hành trình đột phá phòng không ở độ cao thấp.

Có thể nói, nếu bên tấn công không sử dụng máy bay tàng hình tiên tiến phát động tập kích đường không, năng lực ứng phó của hệ thống S-300 đối với các loại mục tiêu trên không còn rất mạnh, xứng với danh hiệu "lá chắn phòng không".

Nhưng, hệ thống S-300 lệ thuộc rất cao vào dẫn dường mục tiêu chính xác của radar tìm kiếm, phải sử dụng radar dẫn đường chiếu xạ của nó để hoàn thành tìm kiếm đối với mục tiêu, nếu năng lực tìm kiếm của radar kém, làm cho thời gian khởi động quá lâu, dễ bị máy bay tàng hình phóng tên lửa chống bức xạ tấn công.

Vì vậy, nếu chỉ có vài thiết bị dẫn đường, phóng và tên lửa của hệ thống S-300, không có sự phối hợp sử dụng thiết bị chỉ huy tiên tiến và hệ thống chỉ huy dùng để cảnh báo sớm, tình báo, định hướng, năng lực tạo được hệ thống phòng không khu vực của hệ thống S-300 bị hạn chế rất lớn.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2
Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2

Nhiều phiên bản cải tiến “hưng thịnh”

Cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, do đối tượng tác chiến phòng không lãnh thổ bắt đầu từ đột phá phòng không siêu âm tầm cao chuyển sang đột phá phòng không siêu âm siêu thấp và tấn công tên lửa hành trình, Liên Xô cũ đã đề xuất nghiên cứu chế tạo một loại hệ thống tên lửa phòng không mới thông dụng, đa hướng phóng, chống máy bay, có năng lực tác chiến mọi không vực, đó là hệ thống S-300.

Sự phát triển của hệ thống S-300 cơ bản đã trải qua 2 giai đoạn. Lúc ban đầu nghiên cứu chế tạo, nó chủ yếu lấy chống mục tiêu khí động học làm đối tượng tác chiến chính, chức năng tác chiến tương đối đơn nhất. Cùng với việc ứng dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật ngày càng rộng rãi, hệ thống này từng bước được phát triển thành các phiên bản có thể chống tên lửa đạn đạo chiến thuật như S-300PMU1, PMU2, PMU3.

Đến nay, trên cơ sở hệ thống S-300, Nga lại phát triển hệ thống tên lửa phòng không S-400 và trang bị sử dụng trong nước. Khu vực phòng thủ, năng lực chống tấn công bão hòa và năng lực sống sót chiến trường của hệ thống này đều được tăng cường rõ rệt.

Về vị trí của dòng tên lửa phòng không S-300 trong lĩnh vực hệ thống phòng không thế giới: Trên phương diện thiết kế hệ thống vũ khí tên lửa đạn đạo, Mỹ, Nga thuộc thê đội thứ nhất, dẫn trước các nước khác. Về hệ thống S-300PMU2, nó có trình độ tương đương với hệ thống Patriot-II.

Tên lửa phòng không S-300 của Lực lượng phòng không Trung Quốc
Tên lửa phòng không S-300 của Lực lượng phòng không Trung Quốc

Nhìn vào vùng trời sát thương, năng lực đánh chặn nhiều mục tiêu và phá hủy mục tiêu, hệ thống S-300 mạnh hơn một chút. Trong chiến tranh vùng Vịnh, hiệu quả phá hủy tên lửa đạn đạo của hệ thống Patriot không tốt lắm; nhưng về chống gây nhiễu và sử dụng nguồn thông tin, hệ thống Patriot có thể tốt hơn S-300 một chút, bởi vì hệ thống S-300 không có chức năng biến tần số nhanh, dễ bị kẻ thù gây nhiễu.

Có thể nói, hệ thống tên lửa phòng không S-300 và hệ thống tên lửa đất đối không Patriot đều thuộc hệ thống vũ khí phòng không dẫn trước thế giới hiện nay, tính năng kỹ chiến thuật cùng một thế hệ, chỉ tiêu tính năng cá biệt mỗi loại có ưu điểm riêng.

Triển vọng

Kế tiếp sau hệ thống S-300, Cục thiết kế vũ khí Almaz-Antei Nga đã lần lượt thiết kế ra hai hệ thống tên lửa phòng không S-400 và S-500. Được biết, công tác nghiên cứu phát triển S-500 sẽ kết thúc vào năm 2015.

Khác với các loại trước đây, hệ thống S-500 tương lai đã xác định tiêu chuẩn thống nhất thông dụng cho các quân chủng trước khi nghiên cứu phát triển chính thức, từ đó có thể trực tiếp dùng cho lục, hải, không quân. Nó không những có chức năng phòng không phòng thủ tên lửa của hệ thống S-400, mà còn có năng lực phòng thủ vũ trụ, phòng thủ tên lửa và chống vệ tinh, có thể đảm đương nhiệm vụ tác chiến mang tính tổng hợp trên đất liền, trên biển và phòng không phòng thủ tên lửa của lục quân.

Tên lửa phòng không Nga chế tạo.
Tên lửa phòng không Nga chế tạo.

Về triển vọng ứng dụng của S-300 sau khi Nga phát triển được hệ thống tên lửa phòng không mới: Hiện nay, nhìn vào các kết quả diễn tập thực binh và bắn bia của hệ thống S-300, các chỉ tiêu và chức năng tác chiến đều có thể đạt yêu cầu thiết kế, thậm chí một phần chỉ tiêu tính năng còn hơn cả thiết kế.

Sau khi Quân đội Nga đưa hệ thống S-400 vào sử dụng, hoàn toàn không từ bỏ hệ thống S-300. Bởi vì, hệ thống mới có thể trực tiếp chỉ huy hệ thống vũ khí của các tiểu đoàn tên lửa S-300PMU1, PMU2. Hơn nữa, trong sử dụng phối kết hợp, tính năng vũ khí của một tiểu đoàn tên lửa S-300 còn có thể được phát huy đầy đủ hơn.

Việc thiết kế hệ thống S-500 cũng đã áp dụng mô hình tương thích với S-400. Có thể thấy, trong tương lai, trên phương diện tác chiến phòng không, Quân đội Nga sẽ lấy S-400 làm chính, còn trên phương diện tác chiến phòng thủ vũ trụ, phòng thủ tên lửa, sẽ lấy các loại tên lửa đánh chặn của S-500 làm chính, còn hệ thống S-300 vẫn có thể phát huy khả năng còn lại, thể hiện được vai trò cần thiết trong toàn bộ hệ thống phòng không.

Hình ảnh về radar 96L6 băng tần UHF của tên lửa S-500 Nga hé lộ.
Hình ảnh về radar 96L6 băng tần UHF của tên lửa S-500 Nga hé lộ.

Những hệ thống tên lửa phòng không chính trên thế giới:

Patriot - lá chắn bảo vệ đồng minh của Mỹ

Bắt đầu từ khi lần đầu tiên đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo bay đến Saudi Arabia, đối tượng đánh chặn của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung, tầm xa thế hệ thứ ba Patriot do Mỹ chế tạo, phần lớn là những tên lửa phóng tới các đồng minh của Mỹ.

Nhưng, chính vì nhờ có tính năng ưu việt của hệ thống tên lửa Patriot, trong các cuộc chiến tranh, chú Sam mới trấn an được các đồng minh khi đang ở trên bờ vực chiến tranh. Hệ thống Patriot-III có thể đồng thời tìm kiếm và theo dõi 100 mục tiêu, đồng thời dẫn đường cho 8 quả tên lửa tiến hành đánh chặn. Tỷ lệ bắn trúng máy bay địch có thể đạt 90%.

Tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ chế tạo.
Tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ chế tạo.

Aster - ô bảo vệ của đại lục châu Âu

Những năm gần đây, hợp tác nghiên cứu chế tạo hệ thống vũ khí đang trở thành cách làm phổ biến của các nước châu Âu. Hệ thống tên lửa phòng không Aster chính là sản phẩm đại diện tập trung công nghệ tiên tiến của nhiều nước châu Âu.

Đặc điểm nổi bật của hệ thống này là tốc độ phản ứng nhanh, thời gian từ khi phát hiện tên lửa kẻ thù đến khi phóng một quả tên lửa đánh chặn chỉ cần có 6 giây, thời gian ống phóng tên lửa bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cũng chỉ cần 20 phút.

Được biết, trong tương lai, hệ thống này sẽ trở thành hệ thống tiêu chuẩn được rất nhiều quốc gia châu Âu sử dụng, là “ô bảo vệ” bầu trời các nước châu Âu.

Hệ thống phòng không Aster của châu Âu.
Hệ thống phòng không Aster của châu Âu.

Arrow - biên cương cao của người Israel

Người Israel (luôn nằm trong vòng bao vây của các nước Arabia) luôn chú trọng công nghệ phòng thủ. Nhưng, hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất của họ lại lấy vũ khí kiểu tấn công “Arrow” để đặt tên.

Arrow là hệ thống phòng không mới được phát triển để tăng cường năng lực đánh chặn tầm cao cho nước này. Một hệ thống Arrow-2 có thể đồng thời đánh chặn 14 mục tiêu ở độ cao 50.000 m. Hệ thống Arrow-3 còn tiên tiến hơn, có thể xác định nhanh hơn vị trí, đường đạn và điểm lao tới biết trước của tên lửa địch, trong tương lai nó sẽ cùng với hệ thống Patriot dựng lên “biên cương cao” cho người Israel.

Tên lửa phòng không Arrow-2 do Israel chế tạo.
Tên lửa phòng không Arrow-2 do Israel chế tạo.

Mica - nỏ trời của chú gà trống Gôloa

Có lẽ, từ việc chế tạo vũ khí cũng có thể đọc được ý nghĩa kỳ lạ và lãng mạn của người Pháp. Chẳng hạn, họ đưa tên lửa không đối không (được gọi là “nỏ trời”) chuyển xuống mặt đất, cải tạo thành hệ thống tên lửa phòng không tầm gần Mica.

Hệ thống tên lửa đã trang bị 2 loại đầu dẫn (radar chủ động và hình ảnh hồng ngoại bị động) này có thể “tự do hoạt động sau khi phóng”. Hơn nữa, Mica (phóng thẳng) còn có thể phóng 8 quả tên lửa trong vòng 12 giây. Do trang bị hỗn hợp 2 mô hình dẫn đường này, năng lực chống gây nhiễu điện tử của hệ thống này tương đối mạnh, có thể đảm đương nhiệm vụ tác chiến trong môi trường điện từ phức tạp.

Hệ thống tên lửa phòng không phóng thẳng Mica phiên bản đất đối không của Pháp tại Triển lãm hàng không châu Á - Singapore năm 2000.
Hệ thống tên lửa phòng không phóng thẳng Mica phiên bản đất đối không của Pháp tại Triển lãm hàng không châu Á - Singapore năm 2000.
* Đề nghị không sao chép, tái xuất bản với mục đích thương mại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình