Tên lửa Triều Tiên mới phóng có thể thay đổi cơ bản cấu trúc an ninh Đông Bắc Á

30/07/2017 08:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Khi nào Nhà Trắng nhận thấy an ninh, an toàn của nước Mỹ thực sự bị đe dọa, thì khi đó chắc chắn sẽ không có giải pháp nào bị loại trừ, kể cả tấn công quân sự.

Tối 28/7, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên vừa phóng quả tên lửa đạn đạo liên lục địa thứ 2, sau vụ phóng ngày 4/7. Khác với lần trước, lần này Triều Tiên phóng tên lửa liên lục địa vào ban đêm.

Theo Lầu Năm Góc, quả tên lửa này được phóng từ Mupyong-ni và di chuyển khoảng 1000 km, đạt độ cao khoảng 3700 km, trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản trên biển Nhật Bản. [1]

Hàn Quốc hết kiên nhẫn theo đuổi đối thoại với miền Bắc

The New York Times ngày 28/9 đưa tin, Hàn Quốc tuyên bố nước này sẽ sớm đàm phán với chính phủ Tổng thống Donald Trump về việc cho phép Seoul xây dựng hệ thống tên lửa đạn đạo mạnh hơn, để chống lại nguy cơ từ Bình Nhưỡng. [2]

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi Washington nới lỏng các giới hạn về kho vũ khí tên lửa của Seoul sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa liên lục địa tối thứ Sáu 28/7.

Hàn Quốc mong muốn có được các tên lửa đạn đạo với tầm bắn xa hơn, ngoài khả năng tấn công sâu lên phía Bắc, còn có thể là một cách gây áp lực với Trung Quốc phải kiềm chế Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: The New York Times.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: The New York Times.

Cố vấn An ninh quốc gia hàng đầu của Tổng thống Hàn Quốc, Chung Eui-yong đã điện đàm với đối tác từ Nhà Trắng, Trung tướng HR McMaster vào hôm qua 29/7 để đề xuất đàm phán về việc cho phép Seoul phát triển khả năng tên lửa.

Trung tướng McMaster đồng ý với đề xuất này, trong đó bao gồm khả năng tăng tải trọng đầu đạn cho các tên lửa đạn đạo Hàn Quốc.

Theo các điều khoản của một hiệp định song phương ký năm 1970, Hàn Quốc cần sự chấp thuận của Hoa Kỳ để sở hữu các tên lửa mạnh hơn.

Thỏa thuận này cho phép Hàn Quốc phát triển tên lửa với tầm bắn khoảng 497 dặm, tương đương 800 km, nhưng cấm sử dụng chúng với đầu đạn nặng hơn 500 kg, vì Mỹ lo ngại chạy đua vũ trang trong khu vực.

Hàn Quốc đang muốn tăng gấp đôi giới hạn tải trọng đầu đạn tên lửa, lên 1 tấn.

Quốc gia này không có vũ khí hạt nhân riêng. Hàng thập kỷ trước, Mỹ đã can thiệp ngăn chặn một chương trình bí mật để phát triển thứ vũ khí này của Seoul.

Hôm qua Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng ra lệnh cho chính phủ của ông thúc đẩy hợp tác với Hoa Kỳ để cài đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, cái mà ông đã tạm đình chỉ khi nhậm chức hồi tháng Năm vừa qua. [2]

Nhật Bản trước đó cũng cho biết, Tokyo đang cân nhắc mua hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (THAAD) của Hoa Kỳ. [3]

Hàn Quốc lo sợ rằng, với việc phát triển tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân uy hiếp trực tiếp các thành phố lớn của Hoa Kỳ, Bình Nhưỡng đang cố gắng làm suy yếu quyết định của Washington can thiệp vào bán đảo, một khi chiến tranh bùng nổ.

Thứ Bảy 29/7, Tổng thống Moon Jae-in cảnh báo, cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của Triều Tiên có thể dẫn đến những thay đổi cơ bản trong cấu trúc an ninh Đông Bắc Á.

Thay đổi trong phản ứng từ Trung Quốc

Đa Chiều ngày 29/7 cho biết, website Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày đăng nội dung họp báo thường kỳ, Bắc Kinh đã lên tiếng về vụ Triều Tiên phóng tên lửa hôm trước, với những điều chỉnh trong thái độ, ngôn từ.

Mô phỏng quỹ đạo quả tên lửa liên lục địa Triều Tiên phóng tối thứ Sáu 28/7, ảnh: CNN.
Mô phỏng quỹ đạo quả tên lửa liên lục địa Triều Tiên phóng tối thứ Sáu 28/7, ảnh: CNN.

Vụ thử tên lửa ngày 4/7, Trung Quốc hối thúc Triều Tiên "không được tiếp tục có hành vi vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc".

Ngày hôm qua Bắc Kinh đôn đốc Bình Nhưỡng "tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc".

Đa Chiều cho rằng, cách dùng từ của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần này "nghiêm túc hơn, mang tính ra lệnh nhiều hơn".

Ngoài ra, lần trước Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn hối thúc các bên tạo điều kiện cần thiết cho việc quay lại bàn "đối thoại" giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân trên bán đảo.

Nhưng lần này Trung Quốc không còn nhắc gì đến "đối thoại". [4]

Thời báo Hoàn Cầu ngày 29/7 cũng có bài xã luận: "Triều Tiên lại phóng tên lửa, kiên quyết phản đối thuyết trách nhiệm thuộc về Trung Quốc". [5]

Tờ báo này viết:

"Triều Tiên tiếp tục tin tưởng mù quáng rằng, cứ có tên lửa đạn đạo bắn sang được đất Mỹ là nắm chắc chìa khóa vận mệnh quốc gia, nên mới bất chấp tất cả để phát triển thứ vũ khí này, không coi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra gì.".

Thời báo Hoàn Cầu nhắc lại, Trung Quốc rất ít lựa chọn, vừa bất lực trong việc ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí này, vừa không thể thay đổi chính sách gây áp lực của Mỹ, không ngăn được Hàn Quốc bố trí THAAD.

Nhưng lợi ích quốc gia của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên lại nằm ở 3 phương diện:

Một là, Triều Tiên hay Mỹ - Hàn không được làm ô nhiễm hạt nhân vùng Đông Bắc Trung Quốc.

Đây là giới hạn đỏ với Bắc Kinh, dù Bình Nhưỡng hay Washington-Seoul vượt giới hạn này, Trung Quốc sẽ đáp trả quyết liệt.

Hai là, Trung Quốc hiện nay và sau này đều không chấp nhận Mỹ bố trí THAAD ở Hàn Quốc.

Ba là, Trung Quốc phản đối việc làm loạn, gây chiến trên bán đảo Triều Tiên và sẽ có hành động, chứ không chỉ nói suông. [5]

Tên lửa Triều Tiên mới phóng có thể thay đổi cơ bản cấu trúc an ninh Đông Bắc Á ảnh 3

Bình Nhưỡng đòi Mỹ quỳ xuống xin lỗi, Donald Trump úp mở khả năng chiến tranh

Người mở đường cho quan hệ Trung - Mỹ, cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger cũng lên tiếng về vấn đề bán đảo.

Ông được The New York Times dẫn lời nói rằng:

"Tôi tin rằng chúng ta có cơ hội tốt hơn để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nếu trước hết chúng ta đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về những gì xảy ra sau khi chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ.

Điều đó có thể bao gồm một cam kết từ phía Hoa Kỳ, rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên sau khi chế độ tại nước này sụp đổ, để làm dịu lo ngại của Trung Quốc về việc quân đội Mỹ tiến sát biên giới.".

Kissinger đã gợi ý điều này với Ngoại trưởng đương nhiệm Rex Tillerson và các quan chức khác. [3]

Lựa chọn nào cho Tổng thống Donald Trump?

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã khẳng định lại, Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, Washington không từ bỏ cam kết với các đồng minh, đối tác trong khu vực.

Về vai trò - trách nhiệm của Trung Quốc và Nga, ông Tillerson nói:

"Với tư cách là cơ sở kinh tế chủ yếu cho Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Trung Quốc và Nga phải chịu trách nhiệm một cách duy nhất và đặc biệt, về mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với sự ổn định khu vực cũng như toàn cầu.". [3]

Vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên cũng là cú hích cho dự án xây dựng căn cứ mới cho khu gia binh Bộ chỉ huy liên quân trị giá 11 tỉ USD, cách vị trí hiện nay tại Yongsan khoảng 40 dặm (khoảng 64 km) về phía Nam.

Động thái này được cho là tránh tầm bắn của pháo binh Triều Tiên có thể đe dọa trực tiếp tính mạng của gia đình, vợ con chỉ huy và binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. [6]

CNN ngày 28/7 cũng nêu ra 6 giải pháp mà Tổng thống Donald Trump có thể lựa chọn, bao gồm:

Một là, tiếp tục gây áp lực kinh tế, cấm vận và trừng phạt Triều Tiên. Tuy nhiên giải pháp này tính khả thi không cao, vì Bình Nhưỡng vẫn có kênh riêng kiếm ngoại tệ.

Hai là, dùng chiến tranh thông tin để phá vỡ thế bế quan tỏa cảng của Bình Nhưỡng, làm suy yếu sự kiểm soát của nhà nước Triều Tiên.

Tuy nhiên dù có làm được, thì việc này cũng chỉ trì hoãn, chứ không đảm bảo khả năng Bình Nhưỡng dừng lại.

Ba là, đối thoại đàm phán ngoại giao. Đầu năm nay ông Donald Trump báo hiệu sẵn sàng gặp ông Kim Jong-un trong "hoàn cảnh thích hợp".

Tên lửa Triều Tiên mới phóng có thể thay đổi cơ bản cấu trúc an ninh Đông Bắc Á ảnh 4

Triều Tiên có thể được đà lấn tới, Washington vẫn làm chủ cuộc cờ

Tuy nhiên dường như Bình Nhưỡng "rút kinh nghiệm" từ Lybia và Iraq và không chịu đàm phán lúc này.

Đặc biệt là khi chứng kiến số phận của Đại tá Gaddafi và Tổng thống Saddam Hussein, ông Kim Jong-un sẽ chỉ đàm phán khi nào cảm thấy tên lửa, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên "đủ sức răn đe" Mỹ.

Bốn là, thúc đẩy chiến dịch gây áp lực quốc tế.

Điều này đã được ông Rex Tillerson thông báo ngày 3/5 với các nhân viên Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên hiệu quả của nó đến đâu thì còn phải chờ.

Năm là, thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng. Điều này được Giám đốc CIA Mike Pompeo đề xuất.

Sáu là sử dụng vũ lực, cho dù đây là giải pháp vạn bất đắc dĩ, đặng chẳng đừng. Nhưng chính quyền của Tổng thống Donald Trump nói rằng phương án này luôn luôn có trên bàn làm việc của ông chủ Nhà Trắng.

Người viết cho rằng, những diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục phản ánh cục diện cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bán đảo Triều Tiên hiện nay là con đẻ của Chiến tranh Lạnh do xung đột ý thức hệ, nhưng đã liên tục biến đổi và trở thành điểm nóng toàn cầu về lợi ích siêu cường.

Phát biểu của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger ở góc độ nào đó cũng cho thấy, thực ra cái lợi ích chiến lược mà Donald Trump nhắm tới là Trung Quốc chứ không phải Bình Nhưỡng.

Khi nào Nhà Trắng nhận thấy an ninh, an toàn của nước Mỹ thực sự bị đe dọa, thì khi đó chắc chắn sẽ không có giải pháp nào bị loại trừ, kể cả tấn công quân sự.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://edition.cnn.com/2017/07/28/politics/north-korea-missile-test/index.html

[2]https://www.nytimes.com/2017/07/29/world/asia/us-south-korea-north-korea-missile-test.html

[3]https://www.nytimes.com/2017/07/05/world/asia/north-korea-war-us-icbm.html

[4]http://global.dwnews.com/news/2017-07-28/59827788.html

[5]http://opinion.huanqiu.com/editorial/2017-07/11052395.html

[6]https://www.stripes.com/news/pacific/as-n-korea-intensifies-missile-program-us-opens-11b-base-in-s-korea-1.480660#.WX0S2IjyjIU

[7]http://edition.cnn.com/2017/07/28/politics/trump-us-north-korea-options/index.html

Hồng Thủy