Năm nay, người dân miền Bắc đã có loài hoa mai của riêng mình - giống hoa mai Yên Tử “hai trong một” được lai ghép giữa giống mai của miền Nam và giống mai cổ thụ của vùng rừng núi thiêng Yên Tử.
Nói là mai “2 trong 1” vì đây là giống mai được Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam lai ghép giữa giống mai của miền Nam và giống mai cổ thụ của vùng rừng núi thiêng Yên Tử (TP. Uông Bí, Quảng Ninh), tạo ra loài hoa mai có gốc miền Nam lại nở hoa theo kiểu miền Bắc.
Giống mai Yên Tử được tung ra dịp Tết Nhâm Thìn.
|
Rừng “mai đại lão”
Yên Tử, chốn Thiền viện Trúc Lâm huyền bí, nổi tiếng với rừng trúc trùng điệp, và cả một rừng mai cổ thụ độc đáo khoảng 800 tuổi, với những cây cao 12m đường kính 60cm, mà người ta vẫn tôn kính gọi là những "đại lão mai", vốn được cho rằng có từ khi Vua Trần Nhân Tông về đây tu hành.
Hiện tại, những "đại lão mai" này vẫn sừng sững trên đỉnh Yên Tử, khoe sắc mỗi khi xuân về. Mai ở đây phân bố tại nhiều điểm quanh núi Yên Tử như: Khu vực thác Vàng, thác Bạc, chùa Đồng Yên Tử, chùa Một Mái, Vân Tiêu, Bảo Sái. Tại mỗi điểm, số lượng mai sinh sống từ hàng chục đến hàng trăm cây, với độ tuổi từ vài chục tuổi đến vài trăm năm tuổi.
Tuy nhiên hiện nay, với thú chơi cây cổ, nhiều người dân địa phương vì cái lợi trước mắt, đã tự tìm kiếm khai thác cây mai bừa bãi, nên số cây mai vàng Yên Tử đang giảm đi đáng kể, nhất là những cây nhiều năm tuổi có giá trị lớn, khiến rừng "đại lão mai" đang bị cạn kiệt.
Kết hợp “2 trong 1”
Trước nguy cơ bị khai thác tận diệt và để bảo vệ nguồn gen quý mai vàng Yên Tử, duy trì giống mai “có một không hai” này, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu rau quả đã mạnh dạn áp dụng phương pháp ghép mắt mai vàng Yên Tử với thân cây mai miền Nam, để tạo ra những cây mai ghép mang đặc trưng riêng của miền Bắc, và sẽ đưa ra trình làng trong dịp Tết năm nay.
TS Đặng Văn Đông, (Viện Nghiên cứu rau quả), đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: Miền Bắc vốn không trồng được mai vàng, chủ yếu vận chuyển từ miền Nam ra, rất tốn kém mà không giữ được lâu, do mai không thích nghi được với thời tiết miền Bắc. Vẫn theo TS Đông, phương pháp ghép mắt mai vàng Yên Tử với gốc mai vàng miền Nam và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cây mai này nở hoa vào đúng dịp Tết năm nay, sẽ cho ra những cây mai vàng sinh trưởng khỏe, nhanh ra hoa, hoa có mùi thơm.
Để có được những chậu mai Yên Tử, các nhà khoa học đã áp dụng cách gieo hạt, giâm, ghép cành..., song phương pháp ghép cành mai vàng Yên Tử trên các gốc mai vàng miền Nam cho kết quả cao nhất. Các nhà khoa học đã tiến hành ghép các cành bánh tẻ, lấy từ mai Yên Tử đầu dòng, với các gốc mai vàng miền Nam. Kết quả là tỷ lệ bật mầm sau 3 tháng đạt trên 95%, tỷ lệ cây ghép sống đạt 85%.
Nét đặc trưng loài mai Yên Tử là cánh hoa rất dày, lại nở theo chùm, có mùi thơm, là điểm khác biệt căn bản với giống mai miền Nam chỉ “có sắc mà kém hương”. Không những vậy, do được trồng ở miền Bắc, nên sau Tết, người chơi có thể đánh cây trồng xuống đất để có hoa mai cho Tết năm sau.
Được biết, ngay trong năm nay, Viện Nghiên cứu rau quả đã chuyển giao quy trình ghép mai này cho một số địa phương như Thanh Hóa, Bắc Giang... nhân trồng khoảng 10.000 gốc mai vàng Yên Tử để phục vụ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn này.
Khánh Gia