Với Đề án Văn hóa công vụ được ban hành cuối năm 2018 vừa qua (Thủ tướng Chính phú ký Quyết định 1847/QĐ-TTg phê duyệt thông qua ngày 27/12/2018), thói nịnh bợ lấy lòng đối với lãnh đạo cấp trên của cán bộ công chức chính thức được Chính phủ thừa nhận là hành vi xấu, tiêu cực, trái với “chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức”.
Nội dung dung cụ thể trong Đề án Văn hóa công vụ là: “Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức… không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng”. [2]
Thói nịnh bợ ở chốn quan trường (Ảnh: KT). |
Quy định trên cho thấy Bộ Nội vụ nói riêng, Chính phủ nói chung đã nhận thức sâu sắc rằng “nịnh bợ lấy lòng lãnh đạo cấp trên” không chỉ là một thói xấu về văn hóa sống, về nhân cách mà còn là một “hành vi xấu có thể ảnh hưởng đến chất lượng công việc của cán bộ, công chức”. [1]
Hơn thế nữa, nếu thói xấu này ở một số cán bộ, công chức không được loại bỏ mà có nguy cơ phát triển và lây lan thì nó còn ảnh hưởng đến tính minh bạch, công tâm và chất lượng của nền quản trị công mà trước hết là quản trị nhân sự, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
Trong thời gian tới, quá trình thực hiện Đề án văn hóa công vụ, trong đó có việc thực hiện quy định không nịnh bợ lấy lòng cấp lãnh đạo, cấp trên với động cơ không trong sáng đối với cán bộ, công chức, viên chức chắn chắn sẽ hạn chế và ngăn chặn được hành vi xấu này.
Từ đó, góp phần thực hiện được mục tiêu “nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội”. [2]
Tuy nhiên, sự thay đổi tích cực trên theo chúng tôi sẽ không diễn ra nhanh và tương ứng giữa các cơ quan, đơn vị được.
Người nắm quyền lực tham lam, bảo thủ, háo danh sẽ sinh ra thói xu nịnh |
Để xóa bỏ những hành vi nịnh bợ lấy lòng lãnh đạo cấp trên như đã đề cập ở trên, cần phải phối hợp việc triển khai thực hiện Đề án văn hóa công vụ với việc thực hiện nhiều giải pháp khác.
Trước hết cần phải thực hiện tốt các luật về cán bộ, công chức, viên chức, luật về công vụ, trong đó đặc biệt phải giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của người cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người có chức vụ cao (tức là cấp trên của cán bộ, công chức, viên chức).
Khi nào loại bỏ được hoàn toàn ở cán bộ cấp trên thói quan liêu với đa số cấp dưới, gây dựng một bộ phận cấp dưới là “ê kíp”, “vây cánh”, bè phái, người nhà, đội ngũ thân tín, ba phải, dễ sai bảo, biết lấy lòng…
Khi nào quy trình công tác cán bộ và các công vụ khác liên quan đến quản trị nhân sự (cán bộ, công chức, viên chức) như giới thiệu, tuyển chọn, đề bạt, bầu, lấy tín nhiệm, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật…được diễn ra một cách khách quan, khoa học, công khai, minh bạch, công tâm.
Khi nào tất cả các cán bộ, công chức, viên chức, nhất là các cán bộ có chức vụ cao xác định tâm thế và vị thế rõ rằng rằng: mình là người công bộc của nhân dân và xem người dân là chủ, “mọi quyền lực đều thuộc về dân”, “mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” chứ mình không có quyền ban ơn hay lạm quyền… thì khi đó thói nịnh bợ lấy lòng cấp trên trong cán bộ, công chức, viên chức sẽ tự nhiên mất đi.
Bởi đại đa số hành vi nịnh bợ lấy lòng cấp trên của một số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay đều xuất phát từ động cơ không trong sáng, từ sự vụ lợi cá nhân với mục đích mong chờ sự “ban phát”, “sự trọng thưởng” và “sự chiếu cố”, “sự thiên vị” từ đối tượng mình nịnh bợ để nhận được lợi ích, sự thuận lợi về mình trong công vụ, trong sự thăng tiến.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Trong-giao-duc-lieu-co-chuyen-ninh-bo-cap-tren-khong-post194778.gd
[2] https://luatvietnam.vn/hanh-chinh/quyet-dinh-1847-qd-ttg-2018-de-an-van-hoa-cong-vu-169795-d1.html#noidung