Thách thức trong việc tạo việc làm cho người có H

25/11/2013 08:25
Bình An
(GDVN) - Hiện nay, đại dịch HIV/AIDS đã trở thành vấn đề toàn cầu, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng của con người mà còn tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc nói chung và từng gia đình nói riêng.
Nỗ lực và khó khăn

Với đặc điểm của dịch HIV là tấn công chủ yếu vào lực lượng lao động trẻ, việc tạo chỗ làm việc và bảo đảm làm việc cho những người bị nhiễm HIV/AIDS đang là những vấn đề thách thức đối với nhiều doanh nghiệp nói riêng cũng như cả nền kinh tế nói chung ở nhiều nước, đặc biệt là một số quốc gia ở Bắc Phi, nơi đại dịch HIV/AIDS đang phát triển và lây lan nhanh chóng trong đội ngũ người lao động.

Theo tài liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tính đến năm 2008, có trên 26 triệu ngư­ời lao động đang bị nhiễm HIV, gần bằng 2/3 tổng số ng­ười nhiễm còn sống ở trên toàn cầu, trong đó các quốc gia như Botstwana và Zimbabwe có thể đã mất đi 21% lực lượng lao động. Nam Phi: 17%; Kenya: 15%; Malawi: 13%; Uganda: 12%...

Đại dịch HIV/AIDS đã cư­ớp đi mạng sống của nhiều người lao động có tay nghề cao của một số ngành kinh tế - kỹ thuật; làm giảm chất lượng cũng như số lượng lực lư­ợng lao động, làm tăng chi phí tuyển dụng và đào tạo lại... và hơn thế nữa, làm cho GDP của nhiều nước giảm tới từ 2 đến  2,5%/năm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước tình hình đó, ILO đã đề ra 10 Qui tắc cơ bản trong phòng, chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp và nơi làm việc, trong đó đề cập đến nhiều nội dung về quyền có việc làm và được làm việc của người lao động cũng như các vấn đề không kì thị, phân biệt đối xử người lao động nhiễm HIV; không xét nghiệm HIV vì mục đích tuyển dụng hoặc sàng lọc; xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, an toàn cho người lao động và chính sách phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người lao động, chăm sóc người lao động nhiễm HIV.

Mặc dù Công ước Quốc tế và Luật pháp của hầu hết các nước đều quy định chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, nhưng điều bất công đó vẫn xảy ra ở các mức độ khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới. Từ đó đã tước đi quyền được học tập, học nghề và làm việc của những người bị nhiễm HIV/AIDS, gây nhiều thiệt thòi cho bản thân người có H và gia đình họ.

Với truyền thống nhân đạo và nhân văn của dân tộc ta, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách về phòng, chống HIV/AIDS bao gồm các quy định liên quan tới công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và quyền của những người bị nhiễm HIV/AIDS nói riêng như: Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (Luật Phòng, chống HIV/AIDS); Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020; Nghị định108/2007/NĐ-CP của Chính phủ qui định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

Như vậy, hệ thống luật pháp của nước ta đã có những quy định về việc chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người có H cũng như quyền có việc làm của họ. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều người sử dụng lao động và người lao động chưa hiểu rõ, hiểu đúng về HIV/AIDS, về các đường lây và đường không lây nhiễm HIV và họ thường gắn người nhiễm HIV với các tệ nạn xã hội và với nhóm người ma túy, mại dâm. Từ đó họ e ngại, thậm chí không chấp nhận hợp đồng công việc với người có H hoặc cùng làm việc và sinh hoạt với người lao động nhiễm HIV; từ chối làm việc chung với người nhiễm HIV; từ chối bắt tay, ngồi chung phòng ăn, bàn ăn, dùng chung nhà vệ sinh... dẫn tới không khí tại nơi làm việc trở lên nặng nề, căng thẳng làm ảnh hưởng tới năng suất và hiệu quả công việc.

Giữa những người chủ lao động và người lao động không nhiễm HIV (có thể là chưa bị nhiễm hoặc chưa biết mình cũng bị nhiễm) luôn có sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người có H, gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, tình cảm trong môi trường làm việc. Thậm chí, một số người lao động có tay nghề cao tìm cách gây sức ép người chủ sử dụng lao động như yêu cầu chuyển chỗ làm việc hoặc dọa rời bỏ công ty hoặc đình công gây ngừng trệ sản xuất vì lí do họ không muốn làm việc cùng người nhiễm HIV. Như vậy là họ đã vi phạm những điều quy định của luật pháp.

Cộng đồng xã hội hỗ trợ thiết thực cho người có H


Người nhiễm HIV/AIDS là những người bị thiệt thòi nhiều mặt. Họ đang cần sự cảm thông, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần của toàn xã hội. Trong đó, người có H rất cần sự hỗ trợ về học nghề và giải quyết việc làm. Những năm gần đây, cộng đồng và xã hội dần thay đổi quan điểm và nhận thức về HIV/AIDS cũng như bản thân những người có H, giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử họ.

Tại một số địa phương, địa bàn, với nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ, hỗ trợ người nhiễm HIV trong cuộc sống và sinh hoạt, nhiều người có H đã được bảo đảm chỗ làm việc hoặc giúp đỡ cơ hội tìm kiếm việc làm. Điển hình là Dự án USAID/HIV tại nơi làm việc do Quỹ PEPFAR  của Hoa Kỳ tài trợ cho 8 tỉnh, thành phố tại Việt Nam, sau 5 năm triển khai thực hiện, đã giúp cho hơn 1.400 người sống chung hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV đã tìm được việc làm hoặc đạt được ước mơ tự kinh doanh riêng. Bên cạnh đó, thông qua đào tạo và hỗ trợ sắp xếp việc làm, Dự án đã giúp trên 1.200 người sống chung hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV tìm được việc làm ổn định hoặc tự làm chủ hoạt động kinh doanh, sản xuất của mình. Ngoài ra, với hỗ trợ của Dự án, 220 người sống chung hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV đã được vay vốn với tổng trị giá trên 100.000 USD.

Tại Hải Phòng, Hợp tác xã Hoa Phượng Đỏ do chị Phạm Thị Huệ - “Anh hùng Châu Á” do Tạp chí Times (Hoa Kỳ bình chọn năm 2004) hiện có cơ sở may tại quận Kiến An với 15 nhân công là người có HIV có tay nghề, thu nhập bình quân mỗi người từ 1,2-1,7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, HTX Hoa Phượng Đỏ còn có một cơ sở nuôi tu hài tại đảo Cát Bà với nhiều nhân công là người có H nhưng vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao. Doanh thu năm 2008 là 300 triệu đồng, đến năm 2009 đã tăng lên gần 400 triệu đồng, thu nhập bình quân của mỗi lao động gần 2 triệu đồng/tháng.

Ở nhiều địa phương khác, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp cũng như cộng đồng dân cư đã giúp đỡ cho hàng chục nghìn người có H hòa nhập cộng đồng, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Vừa qua, thấu hiểu và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người có H, trong 3 năm 2010-2012 Hội Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế đã biên soạn chương trình giảng dạy và bộ tài liệu đào tạo về “Nhân viên chăm sóc đồng đẳng HIV/AIDS” cho các đối tượng là người có H để đào tạo nghề và tạo điều kiện tìm kiếm việc làm cho họ sau khi kết thúc khóa học 6 tháng. Hội đã tiến hành 4 lớp đào tạo cho 143 người nhiễm HIV của 4 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Quảng Ninh, Hà Nội và Hải Phòng để trang bị cho những người có H những kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS và các kỹ năng tư vấn, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại các Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội thuộc ngành Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc tại cộng đồng. Kết quả đã giúp nhiều học viên sau khi kết thúc khóa đào tạo từng bước hòa nhập cộng đồng, tự tìm kiếm được việc làm có thu nhập và ổn định cuộc sống.

Một số Trung tâm Giáo dục lao động xã hội đã giúp đỡ các học viên là người có H về chỗ ở và công việc tại Trung tâm nếu họ có nhu cầu ở lại khi hết thời gian học tập rèn luyện theo luật định. Nhiều người có H còn sức khỏe, có chuyên môn, tay nghề hoặc một số tài năng đã được các cơ quan Nhà nước, Hợp tác xã hoặc tổ chức kinh tế tư nhân giúp đỡ công ăn việc làm, có thu nhập và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trong thực tế số người nhiễm HIV có số phận may mắn đó vẫn chưa nhiều. Đại đa số người có H hiện vẫn có nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống và sinh hoạt. Họ đang rất cần sự giúp đỡ từ những tấm lòng nhân ái của cộng đồng và xã hội.

Dân tộc ta vốn có truyền thống “Thương người như thể thương thân”. Tin chắc rằng cộng đồng và xã hội sẽ cảm thông với hoàn cảnh của những người có số phận không may bị lây nhiễm HIV/AIDS, cho dù họ do nguyên nhân nào dẫn tới, để giúp đỡ những người có H tìm kiếm được công việc phù hợp với điều kiện và khả năng của mỗi người. Người có H có quyền mong đợi và hy vọng vào điều đó./.

Bình An