Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế John Chipman chỉ tướng Vương Quán Trung hướng về phía bục phát biểu tại Đối thoại Shangri-la hôm 1/6. |
Tờ Christian Science Monitor ngày 1/6 bình luận, thái độ chỉ trích của Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc Vương Quán Trung với những phát biểu của quan chức Nhật Bản và Mỹ tại Đối thoại Shangri-la không khác gì con sâu làm rầu nồi canh, phá hỏng bầu không khí đối thoại, tăng cường hiểu biết lẫn nhau để giảm bớt căng thẳng trong khu vực.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ khi bắt đầu phiên Đối thoại Shangri-la năm nay khai mạc vào tối Thứ Sáu, nhiều quan chức và học giả đã lên tiếng chỉ trích các hành động leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông, hoặc là đích danh, hoặc là ám chỉ.
Tướng Vương Quán Trung rõ ràng cảm thấy nhức đầu, nóng mặt khi cho rằng người khác đang "kết bè kéo cánh" chỉ trích chính phủ Trung Quốc và đến lúc ông phải bật lại.
Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc cáo buộc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel "hành động khiêu khích, thách thức Trung Quốc"?! Ông Trung cáo buộc phát biểu của Hagel là thể hiện "quyền bá chủ, đe dọa, gây rối và khiêu khích".
Christian Science Monitor đặt câu hỏi, 2 nhà lãnh đạo Nhật - Mỹ đã làm những gì để Bắc Kinh xỉ nhục họ như vậy? Ông Shinzo Abe chỉ phàn nàn về cách thức Trung Quốc phái tàu chiến, máy bay quân sự đổ tới vùng biển Hoa Đông gần quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang kiểm soát.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagle lên án Bắc Kinh gây mất ổn định, hành động đơn phương khẳng định yêu sách chủ quyền (vô lý, bất hợp pháp) của họ ở Biển Đông mà ví dụ điển hình là việc kéo giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Đây là những lời mạnh mẽ. Nhưng căng thẳng trên Biển Đông và xung quanh quần đảo Senkaku đang thực sự rất nguy hiểm, có nhiều nguy cơ dẫn đến tính toán sai lầm và gây ra một cuộc chiến nghiêm trọng.
Trong khi Shangri-la là diễn đàn đối thoại thường niên có ý nghĩa để giúp ngăn chặn các thảm họa như vậy bằng cách khuyến khích thảo luận, tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Những cơn giận của tướng Vương Quán Trung chẳng khác nào con sâu làm rầu nồi canh.
Những nước khác nhau có quan điểm khác nhau về chủ quyền với những hòn đảo. Nhưng tất cả các bên đều chính thức cam kết giải quyết những khác biệt thông qua đàm phán hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã lớn tiếng buộc tội những ai đưa ra cái nhìn khác với Bắc Kinh, như ông Shinzo Abe và Chuck Hagel đã làm, Trung Quốc quy họ vào thành phần "khiêu khích".
Trong khi đó bản thân Bắc Kinh (xâm phạm vùng biển Việt Nam, gây hấn trên thực địa - PV) lại hầu như né tránh các kênh đàm phán.
Tờ báo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh cho biết hôm Thứ Bảy tại Đối thoại Shangri-la, từ khi Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981, ông đã liên hệ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc yêu cầu một cuộc họp để xử lý vụ việc. Nhưng cho đến nay Trung Quốc vẫn đang "xem xét" các yêu cầu này mà chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại.
Theo dõi toàn cảnh Đối thoại Shangri-la và những phân tích, bình luận TẠI ĐÂY.