Thái Nguyên: Xây khách sạn đè lên hành lang bảo vệ cống qua đê

17/09/2013 15:59
Theo Báo Thanh Tra
(GDVN) - Trên 1.000m2 đất nằm trong hành lang bảo vệ công trình qua đê chống lũ sông Cầu đoạn qua địa bàn TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đang đứng trước nguy cơ bị “nuốt chửng”, bởi những “ưu ái” mà chính quyền tỉnh đang cố ra sức dành cho chủ đầu tư dự án (D.A) Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn Hồng Hưng.
Phía sau sự hào phóng của doanh nghiệp

D.A Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn Hồng Hưng tại tổ 23 phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên, do Công ty TNHH Hồng Hưng (Cty Hồng Hưng) làm chủ đầu tư, hiện đang là tâm điểm chú ý của dư luận trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên bởi vị trí đắc địa nhưng đầy tính nhạy cảm. D.A nằm trong hành lang bảo vệ công trình cống tiêu số 3 (Cống Ngựa) thoát nước qua đê sông Cầu.

Nay là gara sửa xe, một mai sẽ là trung tâm thương mại “nuốt” đất đê.
Nay là gara sửa xe, một mai sẽ là trung tâm thương mại “nuốt” đất đê.


Để có được mảnh đất “vàng” này, vào năm 2005, nắm bắt được thông tin Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Thái Nguyên khó khăn về vốn không thể xây dựng nhà quản lý đê, kè TP tại vị trí cống tiêu số 3, Cty Hồng Hưng đã ký hợp đồng với Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều - Sở NN&PTNN Thái Nguyên, với thỏa thuận tài trợ toàn bộ vốn gần 2 tỷ đồng cho công trình nhà quy mô 2 tầng diện tích 1.200m2. Đổi lại, phía Cty Hồng Hưng được sử dụng tầng 1 làm văn phòng đến năm 2020.

Khi đã chắc chân trên mảnh đất đang “ở nhờ”, Cty Hồng Hưng xúc tiến quá trình lập thủ tục xin đầu tư D.A trên toàn bộ lô đất. Theo giấy chứng nhận đầu tư của UBND tỉnh Thái Nguyên cấp cho Cty Hồng Hưng thì trong tương lai không xa, 1.228m2 đất gồm cả hành lang bảo vệ cống qua đê chống lũ sông Cầu đoạn qua địa bàn phường Trưng Vương sẽ mọc lên một trung tâm thương mại, khách sạn hoành tráng với chiều cao từ 5 - 9 tầng!

Việc UBND tỉnh Thái Nguyên “ưu ái” cho Cty Hồng Hưng lập D.A xây dựng công trình nhà cao tầng đè lên hành lang bảo vệ cống thực sự gây nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hành lang thoát lũ. Thậm chí, đe dọa sự an toàn đến tính mạng của hàng vạn hộ dân đang sinh sống trên địa bàn TP. Bởi trên thực tế hiện nay, cống tiêu số 3 có nhiệm vụ chống lũ và tiêu úng cho toàn bộ phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên. 

Sự “nhiệt tình” của UBND tỉnh

Trước những nguy cơ nhãn tiền hành lang bảo vệ cống thoát số 3 có thể bị nguy hại nếu D.A được triển khai, nhiều kiến nghị của người dân đã được gửi đến các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên. Nhưng thay vì thu hồi giấy phép đã cấp, UBND tỉnh lại xúc tiến quá trình lập D.A xây dựng trạm bơm SP3 trị giá hơn 10 tỷ đồng bằng tiền ngân sách để thay thế cho cống tiêu số 3.

Khi trạm bơm SP3 được xây dựng, lúc đó hành lang bảo vệ cửa xả của trạm bơm ra mỗi bên sẽ là 5m, thay vì hành lang bảo vệ cống qua đê phải là 50m như Luật Đê điều quy định. Việc này thật chẳng khác nào “một mũi tên trúng hai đích”, phía chủ đầu tư vừa được lợi xây dựng công trình trên đất nguyên là hành lang bảo vệ cống qua đê, còn chính quyền tỉnh lại không bị mang tiếng vi phạm Luật Đê điều!? 

Trong khi Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống lụt bão, Tổng Cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT vẫn đang thẩm định hồ sơ chuyển đổi từ cống số 3 thành trạm bơm SP3, cũng như chưa có ý kiến chính thức về việc này, do “việc xây dựng trạm bơm, cống dưới đê phải được luận cứ vững chắc trên cơ sở điều tra, khảo sát, tính toán chi tiết bảo đảm an toàn công trình và yêu cầu phòng chống lũ”. Ngày 30/8/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long đã ký Quyết định số 1699/QĐ-UBND thu hồi 1.312.6m2 đất tại phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên. Cty Hồng Hưng được sử dụng 1.228m2/1.312,6m2 để triển khai xây dựng D.A.

Trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long, được biết, hiện trạm bơm SP3 đang nằm “trên giấy”, còn phải đợi nguồn vốn xây dựng. Việc tiến hành thu hồi đất theo Quyết định số 1699 vẫn diễn ra. “Bao giờ cái cống thành trạm bơm là việc của người ta, còn nó (Cty Hồng Hưng - PV) cứ xây và triển khai”, ông Long cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, khi trạm bơm SP3 chưa được xây dựng để thay thế cho cống tiêu số 3, thì đương nhiên quy định về “hành lang bảo vệ đối với kè bảo vệ đê, cống qua đê được giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng của kè bảo vệ đê, cống qua đê trở ra mỗi phía 50m” theo khoản 3 Điều 23 Luật Đê điều năm 2006 vẫn phải được thực hiện nghiêm. 

Nếu như vậy, Quyết định thu hồi đất số 1699/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ký liệu có quá vội vàng? Câu hỏi này xin được chuyển tới lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên.
Theo Báo Thanh Tra