Thăm chợ hoa "trên bến dưới thuyền" giữa lòng Sài Gòn

27/01/2014 07:46
Việt Văn
(GDVN) - Cận Tết, người miền Tây lại đánh ghe chạy theo con nước chở đủ các loại hoa kiểng về bến Bình Đông (Quận 8, TP.HCM) tạo nên nét đặc thù "trên bến dưới thuyền".

Khu chợ hoa nổi sầm uất giữa Sài Thành

Cũng như mọi năm, khi Tết đến xuân về, người dân trồng hoa kiểng ở miền Tây lại tấp nập đánh ghe lên Sài Gòn mang theo những sắc màu "có một không hai" đến bến Bình Đông (quận 8). 

Và đương nhiên, bến Bình Đông đã trở thành khu chợ hoa nổi sầm uất nhất Sài Thành, nơi con đường nhỏ chạy ven kênh Tàu Hủ - kênh huyết mạch vận chuyển gạo từ miền Tây về Sài Gòn từ khi vùng này lập phố xá.

Hàng ngàn tàu ghe chở hoa từ miền Tây về cập bến Bình Đông (Quận 8, TP.HCM)
Hàng ngàn tàu ghe chở hoa từ miền Tây về cập bến Bình Đông (Quận 8, TP.HCM)

Ngày xưa, bến này là nơi tập kết lúa gạo lớn nhất Sài Gòn, hai bên bờ kênh là những kho chứa lúa, nhà máy xay xát cung cấp gạo cho cả thành phố. Có nhiều người ví von rằng khu này là "cái bao tử của miền Nam". Trong sách Lịch sử khẩn hoang miền Nam, cố nhà văn Sơn Nam miêu tả về kênh Tàu Hủ: “Dòng sông sâu rộng, ghe thuyền đậu dài 10 dặm, theo hai con nước lên, nước ròng thuyền bè qua lại chèo chống ca hát, ngày đêm tấp nập, làm chỗ đô hội lưu thông khắp ngả thật là tiện lợi”.

Ngày nay, khu này trở nên hiện đại hơn với một bờ kênh đã trở thành con đường hiện đại nhất thành phố, mang tên đại lộ Võ Văn Kiệt với dòng xe cộ ngày đêm nối đuôi nhau. Vì thế, "cái bao tử miền Nam" mà nhiều người ví von nay đã không còn trước sự thay đổi của của thành phố, thay vào đó là những con đường hiện đại và dãy nhà cao tầng kiên cố hai bên bờ kênh.

Không vì thế mà những địa lợi của dòng kênh mất đi. Vẫn còn đó thuyền ghe tấp nập trên con kênh mỗi độ xuân về, nhưng không phải chở đầy lúa gạo mà thay vào đó là những gốc hoa mai còn đương ngậm nụ, những chậu kiểng sặc sỡ sắc màu mang đậm hương sắc đồng quê, sông nước miền Tây.

Không còn là những nhà máy xay xát mà thay vào đó là những ngôi nhà hiện đại ven bờ kênh...
Không còn là những nhà máy xay xát mà thay vào đó là những ngôi nhà hiện đại ven bờ kênh...
...Dưới dòng kênh cũng không còn những chuyến ghe chở đầy lúa gạo
...Dưới dòng kênh cũng không còn những chuyến ghe chở đầy lúa gạo
...Mà chỉ còn những chuyến ghe chở đầy ấp hoa kiểng và một bến thuyền hoa sặc sỡ sắc màu mỗi khi Tết đến xuân về
...Mà chỉ còn những chuyến ghe chở đầy ấp hoa kiểng và một bến thuyền hoa sặc sỡ sắc màu mỗi khi Tết đến xuân về

Giờ đây những chuyến ghe chở đầy hoa kiểng ngày đêm cập bến không ngừng nghỉ trong những ngày cuối năm để kịp phụ vụ người dân Sài Thành đón Tết. Không thiếu những chiếc ghe mang biển số các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp,... liên tiếp cập bến. Những chậu hoa được đưa lên bờ sắp xếp ngay ngắn ven bờ kè con kênh tạo nên một nét đặc chưng "trên bến dưới thuyền" đã hơn chục năm nay. Họ vẫn tất bật công việc vận chuyển hoa kiểng về đến bên cho kịp phiên chợ cuối năm.

Khẩn trương chuyển hoa kiểng lên bờ để kịp phục vụ người Sài Thành đón Tết
Khẩn trương chuyển hoa kiểng lên bờ để kịp phục vụ người Sài Thành đón Tết
Thay phiên nhau sắp xếp những chậu hoa vào đúng vị trí
Thay phiên nhau sắp xếp những chậu hoa vào đúng vị trí
Và chăm sóc cẩn thận những gốc mai để trổ hoa kịp Tết
Và chăm sóc cẩn thận những gốc mai để trổ hoa kịp Tết

 Đủ các loại hoa kiểng mang hương vị đồng quê sông nước

Ngày mai hội chợ hoa "trên bến dưới thuyền" mới bắt đầu khai mạc nhưng những ngày qua, không khí mua sắm tại đây đã bắt đầu nhộp nhịp, sôi động. Người mua kẻ bán đã đông đúc, các lô hàng trên bờ kè đã chật kín chỗ. Khách đến tham qua và mua sắm cũng tăng dần. Đặc biệt, tại đây có đủ các loại hoa kiểng từ giá bình dân cho đến cao cấp.

Không khí mua sắm trên bờ đã bắt đầu nóng dần lên
Không khí mua sắm trên bờ đã bắt đầu nóng dần lên
Nhiều người bâng khuâng lựa chọn những chậu hoa kiểng ưng ý trước sự đa dạng, nhiều chủng loại tại đây
Nhiều người bâng khuâng lựa chọn những chậu hoa kiểng ưng ý trước sự đa dạng, nhiều chủng loại tại đây

Năm nay, TP.HCM có 128 điểm chợ hoa Tết, nhưng có lẽ đặc sắc nhất vẫn là các hàng hoa được bố trí dọc bờ kè Bến Bình Đông (quận 8). Hoa tết, cây cảnh tại đây chủ yếu được đưa lên từ "vươn quốc hoa kiểng" Cái Mơn (Bến Tre), chỉ một số ít đến từ các tỉnh khác của miền Tây.

Sặc sỡ sắc màu tại bến Bình Đông có lẽ là hoa giấy đa màu với giá bình dân 150 ngàn đồng/chậu
Sặc sỡ sắc màu tại bến Bình Đông có lẽ là hoa giấy đa màu với giá bình dân 150 ngàn đồng/chậu
Chính vì thế, khu hàng này thu hút không ít khách
Chính vì thế, khu hàng này thu hút không ít khách

Theo nhiều chủ hàng, năm nay hoa tết vẫn không tăng so với năm trước vì sợ bị ế. Gía dao động từ 60 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng đối với những chậu mai gốc nhỏ, riêng gốc lớn có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng một chậu. Còn các loại hoa kiểng khác như sương rồng có giá từ 40 ngàn đồng/chậu nhỏ, chậu lớn là 150 ngàn đồng. Chậu quất kiểng cũng có giá từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng một chậu, tùy lớn nhỏ,...

Những chậu xương rồng có giá từ 40 ngàn đồng trở lên
Những chậu xương rồng có giá từ 40 ngàn đồng trở lên
Chậu quất say trái có giá bạc triệu cũng thu hút khách
Chậu quất say trái có giá bạc triệu cũng thu hút khách
Chậu cây phát tài trang trí bắt mắt cũng có giá gần 150 ngàn đồng
Chậu cây phát tài trang trí bắt mắt cũng có giá gần 150 ngàn đồng

Riêng hoa mai tết năm nay không bằng về chất lượng hoa so với năm trước vì thời tiết lạnh đột ngột khiến việc chăm sóc mai gặp nhiều khó khăn, hoa mai năm nay vì thế cũng kém hơn.

Nhiều chủ hàng bán mai phải thường xuyên tưới nước để đương nụ kịp chơi Tết
Nhiều chủ hàng bán mai phải thường xuyên tưới nước để đương nụ kịp chơi Tết

Chợ tết lần này, bác Nguyễn Văn Hà cũng theo ghe lên đây để phụ các con bán hoa, bác cho biết: "Cũng như mọi năm, hoa kiểng đưa lên phong phú nhiều chủng loại mang màu sắc đồng quê, giá cả thì không tăng so với năm trước. Nguồn hàng chủ lực vẫn là mai tết nhưng do thời tiết lạnh hơn so với mọi năm khiến chất lượng hoa không tốt bằng".

Thời tiết lạnh khiến mai ít ra nụ hơn so với các năm trước khiến người bán lo lắng, người mua cũng e dè
Thời tiết lạnh khiến mai ít ra nụ hơn so với các năm trước khiến người bán lo lắng, người mua cũng e dè

Bác buồn bã nói thêm: "Nếu thời tiết lạnh trước khi chúng tôi xuống lá mai thì còn đỡ, đằng này, thời tiết lạnh đột xuất khi cả vườn mai tôi đã xuống lá. Nhiều gốc mai không ra nụ được, giờ phải thường xuyên tưới nước để mong 1 hoặc 2 ngày nữa sẽ kịp ra nụ chơi tết cho khách".

Mặc dù vậy, đối với người mua, lựa chọn được những chậu hoa kiểng ưng ý hợp giá tiền đã là niềm vui trong những ngày cuối năm này. Chị Trần Thị Tuyết, một người thường xuyên đến bến Bình Đông mua hoa về chơi tết cho biết: "Năm nào, tôi cũng đến đây mua vài chậu về nhà trưng tết. Riêng năm nay, hoa mai ít nụ hơn so với năm trước, vì thế mà đến giờ tôi chưa chọn được chậu mai nào".

Đa phần khách hàng chưa dám mua mai tết lúc này, vì lo sợ thời tiết làm mai không đươm nụ. Họ vẫn chờ vài ngày nữa để chủ hàng chăm sóc, rồi quay lại chọn sau
Đa phần khách hàng chưa dám mua mai tết lúc này, vì lo sợ thời tiết làm mai không đươm nụ. Họ vẫn chờ vài ngày nữa để chủ hàng chăm sóc, rồi quay lại chọn sau

Không ít người chưa dám mua những chậu hoa mai lúc này vì sợ mai không trổ kịp tết, đa phần họ đến xem rồi đi. Riêng các loại hoa khác thì đắc khách hơn, vừa rẻ lại sặc sỡ để lâu được.

Trở lại bến Bình Đông, vẫn thấy dòng người cứ lướt qua trên các tuyến đường, xe cộ vẫn chạy ì ầm ngày đêm nhưng dưới dòng kênh thuyền ghe cũng bập bền trên con nước, ven bờ kênh vẫn nhộp nhịp không khí mua bán khiến người ta liên tưởng nhớ lại một con kênh nức tiếng ở Nam Kỳ Lục tỉnh ngày xưa với những chuyến ghe chở đầy lúa gạo, và hai bên bờ là những nhà máy xay xát vẫn ầm ầm hoạt động.

Nhiều thế hệ đã gắn bó với những chuyến ghe xuôi ngược từ miền Tây - Sài Gòn vào mỗi dịp tết đến xuân về. Họ sống trên sông, xem ghe là nhà, là chợ. Đó là một nét đặc trưng của chợ hoa "trên bến dưới thuyền", và khiến không ít người Sài Thành nhớ quê da diết.
Nhiều thế hệ đã gắn bó với những chuyến ghe xuôi ngược từ miền Tây - Sài Gòn vào mỗi dịp tết đến xuân về. Họ sống trên sông, xem ghe là nhà, là chợ. Đó là một nét đặc trưng của chợ hoa "trên bến dưới thuyền", và khiến không ít người Sài Thành nhớ quê da diết.
Việt Văn