Tôi là người… vô sinh
Bản thân tôi cũng đã nghe loáng thoáng những câu chuyện mua bán “con giống” của những gã to khỏe nhưng vô công rồi nghề nhiều lần rồi. Nó thường là những chuyện phiếm để trêu chọc những ai có tính phóng đãng, trăng hoa. Nhưng tôi không ngờ, việc mua bán “con giống” lại có thật.
Đương nhiên, nó cũng khó hơn việc mua mớ rau ngoài chợ một chút! Gạ gẫm mãi mới nhận được cái gật đầu của một cô đồng nghiệp nữ đã có chồng nhưng chưa… có con, chúng tôi mò mẫm đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ sáng sớm. Bệnh viện Phụ sản Trung ương hay còn gọi là Viện C là bệnh viện lớn nhất nước với quy mô 600 giường bệnh, 8 phòng chức năng, 12 khoa lâm sàng và 9 khoa cận lâm sàng. Bệnh viện là tuyến chuyên môn cao nhất chuyên ngành phụ sản và sơ sinh Việt Nam. Chính vì thế, từ cổng đến khuôn viên bệnh viện lúc nào cũng đông nghẹt người, ùn ùn người đến kẻ đi liên tục làm tắc cả tuyến phố.
Tôi và cô bạn đồng nghiệp nữ vào vai một cặp vợ chồng vừa dưới quê lên khám bệnh. Mặt chúng tôi ngơ ngác, lóng ngóng sang đường, dắt díu nhau đứng thuỗn mặt trước cổng bệnh viện, bên phía đường Phủ Doãn. Tôi cảm nhận thấy những ánh mắt theo dõi và dò xét của mấy gã xe ôm đang ngồi thuốc lào vặt. Một cặp vợ chồng dưới quê, đến bệnh viện phụ sản mà ngơ ngác thế này, đám “cò” không nhao đến mới là lạ.
Trước cửa Bệnh viện Phụ sản Trung ương, xe ôm, bán nước kiếm lời nhờ môi giới mua bán tinh trùng Trước cửa Bệnh viện Phụ sản Trung ương, xe ôm, bán nước kiếm lời nhờ môi giới mua bán tinh trùng
Chân dung cò "con giống" tên Hoa. |
Thế nhưng, sự thực là chẳng ai đến gạ gẫm chúng tôi cả. Tôi thay đổi chiến thuật, mang một gương mặt lo âu đến cạnh gã xe ôm: “Bác cho em hỏi khám hiếm muộn ở viện này thì vào khoa nào nhỉ”. Gã xe ôm đang nằm dài trên yên xe bỗng nhổm dậy nhìn chúng tôi một lượt từ đầu đến chân: “Khám gì thế?”. Tôi xích lại gần gã hơn, nói vừa đủ nghe: “Em bị tịt, tịt hẳn anh ạ, muốn đưa vợ vào đây bơm “con giống” kiếm đứa con”.
Gã xe ôm lúc này đã xuống hẳn xe đứng cạnh tôi, gã trề môi chê bai dịch vụ trong bệnh viện, nào là chờ đợi có khi đến mấy tháng, nào là dịch vụ đắt đỏ, nào là phong bì lót tay. Tôi chốt lại: “Bác xem có cửa nào bơm nhanh, an toàn chỉ cho em, em không quên ơn bác”. Gã xe ôm ngay lập tức rút điện thoại gọi cho “cấp trên” của mình và lùa chúng tôi sang đường, tới chỗ lùm cây vắng người hơn. Chỉ trong tích tắc, “cấp trên” của hắn đã xuất hiện.
Đó là một người phụ nữ chừng 40 tuổi, dáng người thấp đậm, nước da mai mái. Chị ta nhìn chúng tôi rất kỹ. Tôi giật mình hiểu rằng, chị ta đang nghi ngờ chúng tôi không phải là vợ chồng. “Chị nói bọn em đừng giận, bây giờ công an làm ngặt lắm, không cẩn thận chết như chơi. Nhẫn cưới của hai em không giống nhau. Nếu thực lòng muốn chị giúp, ngày mai hai em mang giấy kết hôn đến đây. Thế nhé”, người phụ nữ nói rất nhanh rồi đi thẳng. Ý định nhập vai của chúng tôi đã hoàn toàn thất bại. Ngày hôm sau, rút kinh nghiệm từ ngày hôm trước, chúng tôi chuẩn bị một đôi nhẫn cưới giống nhau và cũng với những bước tiếp cận cũ, mọi việc diễn ra suôn sẻ với một “cò con giống” khác. Nghe chị ta giới thiệu, tên Hoa, quê gốc Thanh Hóa.
Lần này chúng tôi không làm việc ngoài đường mà làm việc ở quán cà phê đối diện cổng bệnh viện. Tôi trình bày hoàn cảnh rằng, vợ chồng tôi lấy nhau đã 4 năm rồi mà không có con. Đi khám các nơi người ta đều kết luận rằng “con giống” của tôi yếu, kích kiểu gì cũng không lên được. Tôi bị vô sinh hoàn toàn. Tôi muốn vợ được bơm “con giống” của một người khỏe mạnh, có học thức để kiếm một đứa con. Chị Hoa quả quyết: “Các em mới đến nên không biết, nguồn giống trong bệnh viện khan hiếm lắm, lại là hàng đông lạnh nên chất lượng không cao. Hàng của bọn chị là “hàng tươi”, toàn của sinh viên trẻ trung, khỏe mạnh. Bọn em gặp được chị thì yên tâm đi”. Đại loại là, vợ tôi sẽ được uống thuốc kích trứng, dưỡng trứng. Mười ngày sau kỳ kinh nguyệt thì đến bơm tinh trùng, bơm hai lần cho chắc chắn.
Địa điểm không phải ở bệnh viện mà ở phòng khám Hoàng Linh gần đó. Chi phí tổng cộng khoảng 15 triệu đồng. Tôi ngỏ ý lo lắng và muốn được gặp người sẽ cho “con giống” vợ tôi để xem mặt mũi và sức khỏe của anh ta. Chị Hoa không đồng ý. Tôi phải năn nỉ và hứa sẽ bồi dưỡng thêm tiền chị ta mới đồng ý rút điện thoại gọi y đến. Khoảng 30 phút sau, chúng tôi đã gặp được người cho “con giống”. Cậu ta tương đối trẻ, tên là Trung, chỉ khoảng 24 tuổi, cao khoảng 1m70, vóc dáng lực lưỡng, quê Hiệp Hòa, Bắc Giang, đang là sinh viên ở một trường đại học dân lập. Cậu ta rất kiệm lời, chỉ nói những gì chúng tôi hỏi.
Từ những thông tin mà cậu ta cung cấp, chúng tôi biết được rằng, cậu ta chỉ là một trong hàng chục “con giống” chị Hoa có trong tay. Họ đều là sinh viên, hoặc mới ra trường nhưng chưa có việc làm. Khi cần chị Hoa sẽ gọi điện cho họ để lấy “giống” bất cứ lúc nào khách cần. Đặc biệt, họ đều chấp nhận việc bơm “nóng”, nghĩa là sẵn sàng quan hệ tình dục với khách hàng để họ đậu thai.
Tuy nhiên, thi thoảng mới có người đề nghị phương án này, còn lại họ chỉ mua giống và bơm gián tiếp qua thiết bị. Một điều nguy hiểm là đây không phải là lần đầu tiên Trung đi bán giống mà là lần thứ… 7 rồi. Lần nào cũng thành công. Nghĩa là, tất tật Trung đã có 6 đứa con sinh học mà cậu ta không hề biết mặt. "Nói dại mồm", nếu sau này, chúng gặp nhau và lấy nhau thì sẽ ra sao.
Hiện nay, những người vô sinh, hiếm muộn ngày càng tăng. Việc hiến tinh trùng đã được pháp luật công nhận, nhưng vì tiền mà việc làm nhân đạo ấy đã biến thành những hành vi mua bán trắng trợn như ngoài chợ. Lên mạng, chỉ cần vài cú click chuột sẽ tìm thấy hàng ngàn thông tin rao bán “con giống”. “Em 23 tuổi, sinh viên năm cuối, do thiếu tiền đóng học phí nên không được thi tốt nghiệp. Nếu anh, chị cần tinh trùng có thể liên lạc theo số điện thoại... Em cao to, đẹp trai, không bệnh tật. Em không bán giá cao mà chỉ cần tiền để đóng học phí”, trunganh...@yahoo.com. “Tôi cần bán tinh trùng gấp, thú thật chuyện này chẳng hay ho gì nhưng do hoàn cảnh, bố mẹ già yếu, ngoài giờ đi học tôi còn phải làm thêm nhưng không đủ trang trải nuôi em ở tỉnh lẻ...”, ngocquy...@gmail.com...
Sau khi chọn lựa vài chục e-mail và số điện thoại của những người rao bán tinh trùng trên mạng, chúng tôi liên lạc và chờ đợi... Tôi đã liên lạc với những người như thế này và biết rằng, họ tồn tại thật và việc họ sẵn sàng bán “con giống” là thật.
“Ngân hàng” quá thiếu
Nguyên nhân để chợ “con giống” hoạt động rầm rộ, tràn lan như hiện nay là do nguồn cung cấp “giống” trong các bệnh viện vô cùng khan hiếm. Nguồn này phụ thuộc hoàn toàn vào lượng người tình nguyện hiến tặng. Trong khi đó, tâm lý người Việt chưa hề sẵn sàng cho việc này.
Thực tế, những người “dũng cảm” hiến tặng “con giống”, trứng thường phải giấu người thân vì rất khó nhận được sự đồng tình. Bởi không như hiến máu và hiến nội tạng để cứu chữa người bệnh, hiến tinh trùng và trứng là tạo cơ hội cho ra đời một con người. Bác sĩ Tô Minh Hương, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Hiện nay, ở Việt Nam tỉ lệ trường hợp vô sinh do nam giới khá cao (chiếm 36%). Trong khi người hiến tinh trùng thì rất ít. Chính vì thế, 1 tháng có khoảng 100 trường hợp vô sinh đến viện thì chỉ khoảng 10 người tìm được người hiến tinh trùng.
Bác sĩ Hương cho biết thêm, ở Việt Nam hiện nay, bệnh viện không có nguồn hiến “con giống”. Bệnh viện cũng không giới thiệu người cho “giống” mà tự bệnh nhân phải tìm người cho. Thực tế, có rất nhiều bệnh nhân sau khi tìm được người hiến “con giống” rồi, khi duyệt hồ sơ thì người hiến lại “sợ quá trốn mất”.
Hiện nay cả nước có gần 20 trung tâm hỗ trợ sinh sản và nhiều nơi đã xây dựng ngân hàng lưu giữ tinh trùng để giúp các cặp vợ chồng chữa vô sinh mà chồng không có “con giống”. Thế nhưng các ngân hàng này luôn ở trong tình trạng khan hiếm, cầu luôn vượt cung hàng trăm lần vì không có người hiến tặng. Tại Trung tâm Công nghệ phôi, Học viện Quân y 103, mỗi năm có vài trăm người là các cặp vợ chồng hiếm muộn do chồng, hoặc phụ nữ muốn làm mẹ đơn thân đến xin tinh trùng để thụ tinh. Để có nguồn “con giống”, trung tâm phải vận động người hiến cung cấp cho bệnh nhân nhưng không phải lúc nào ngân hàng này cũng có sẵn nguồn.
Tương tự, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội… ngân hàng “con giống” cũng thiếu trầm trọng, luôn có hàng trăm hồ sơ xếp hàng chờ. Việc tìm nguồn trứng cũng khan hiếm không kém vì các bệnh viện không có nguồn trứng hiến, mà do người có nhu cầu tự tìm. Việc khan hiếm này cũng là tình trạng chung của nhiều nước, không riêng Việt Nam. Nguồn cung cấp “con giống” cho các ngân hàng nói trên là những người tự nguyện hiến (chỉ chiếm khoảng 1-2% trong tổng số người cho), theo nguyên tắc bí mật, tự nguyện, vô danh.
Vì lý do tế nhị, các trung tâm hỗ trợ sinh sản, bệnh viện không thể phát động phong trào hiến “con giống” hay hiến trứng nhân đạo rầm rộ như hiến máu hay hiến các bộ phận khác. Thế nên kho lưu trữ “con giống” tại các cơ sở này thường không đáp ứng được nhu cầu. Còn ở Học viện Quân y, Trung tâm Công nghệ Mô phôi đã bước đầu thu được một số mẫu “con giống” vô danh nhờ biện pháp tuyên truyền trực tiếp.
Giáo sư Trần Văn Hanh, người phụ trách trung tâm cho biết, đối với công tác xin hiến “con giống”, phải sử dụng biện pháp truyền khẩu trực tiếp, vừa kín đáo, tế nhị, vừa đầy đủ thông tin và có tính thuyết phục cao. Tuy nhiên, với phương pháp này, tuyên truyền viên phải làm việc với từng người nên hiệu quả không đáng kể. Việc hiến “con giống” hay trứng được coi là một việc làm nhân đạo, đem lại niềm vui cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Nhưng hiện đầu vào rất ít, nhất là nguồn trứng – tinh trùng hiến tự nguyện, không có ràng buộc kinh tế. Chính điều này dẫn đến thị trường “đen” hoạt động khá sôi động và không lường được hậu quả.
Trên thực tế, việc hiến, cho tặng tinh trùng và trứng người không còn xa lạ và đã được luật định. Theo Nghị định về sinh con theo phương pháp khoa học, quy định người hiến là người đã có con, chỉ được hiến một lần, miễn phí… để đảm bảo những rắc rối có thể xảy ra sau này.
Luật quy định đứa trẻ sinh ra từ nguồn trứng và “con giống” được hiến hay cho tặng sẽ là con của người mang thai chứ không phải của người hiến hay cho trứng và tinh trùng, đứa trẻ sinh ra cũng không có quyền đòi thừa kế đối với người cho trứng hay “con giống”. Người nhận noãn hay “con giống” không tìm hiểu về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người hiến. Cả bên hiến, cho và bên nhận tinh trùng, trứng đều phải thống nhất với nhau điều này trước khi tiến hành mọi thủ tục để đảm bảo tính bí mật, hợp pháp và tránh xảy ra tranh chấp quyền nuôi con và thừa kế sau này.
Việc hiến hay cho, tặng trứng, tinh trùng hoàn toàn là việc làm mang ý nghĩa nhân đạo. Nhưng do nhu cầu của người muốn có trứng, “con giống” quá cao, trong khi “ngân hàng” của các bệnh viện thì lại thiếu nên dẫn đến việc mua bán “con giống”, trứng chui, không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Chính điều này đã biến một hành động nhân đạo thành phạm luật và tiềm ẩn nhiều hậu quả cho xã hội...
Luật Hiến, ghép mô, tạng cấm tuyệt đối việc mua bán “con giống”, trứng người, bởi đây không phải là một thứ hàng hóa. Luật thừa nhận việc hiến tặng, xin cho và bên nhận sẽ thanh toán mọi chi phí chứ tuyệt đối không được mua bán. Hai bên cho, nhận này cũng phải có hồ sơ xin cho và xin nhận hợp pháp. Thế nhưng, trên thực tế việc mua bán bất hợp pháp này vẫn diễn ra và rất hiếm bị phát hiện vì việc này thường hết sức bí mật và luôn được hợp thức hóa. Một khi đã hình thành thị trường mua bán “con giống”, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng cần xem xét sớm đưa việc trao đổi, mua bán vào khung luật, được sự quản lý chặt chẽ của ngành y tế.
Theo quy định của pháp luật thì mỗi người chỉ hiến tinh trùng một lần với lý lịch được kiểm tra rõ ràng để tránh nguy cơ hôn nhân cận huyết, ảnh hưởng đến giống nòi. Ngoài ra, người hiến tinh trùng phải đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe (không có bệnh về di truyền, truyền nhiễm), có trí tuệ tốt, ba đời gần đây không có người thân ruột thịt mắc bệnh di truyền và dưới 35 tuổi. Các mẫu tinh trùng sẽ được đánh mã số, kèm theo các thông số của người cho (không ghi tên) như chiều cao, cân nặng, trình độ... giúp người xin tinh trùng chọn được mẫu phù hợp nhất. Tương tự, với người hiến trứng cũng chỉ được hiến một lần.
Theo Năng Lượng Mới