Đó là khẳng định của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi tiếp xúc giữa tổ đại biểu Quốc hội số 1 – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với cử tri Q.4, TP.HCM để báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội vừa hoàn thành tốt đẹp.
Báo cáo với các cử tri về kết quả kỳ họp Quốc hội vừa qua, Phó trưởng đoàn chuyên trách – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết: Kỳ họp thứ 8 – Quốc hội XIII vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã thông qua 18 luật, 11 nghị quyết, cho ý kiến thêm về 12 dự luật khác nữa.
Đây là các văn bản pháp luật có giá trị rất quan trọng, nhằm hoàn thiện cơ chế kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải cách hành chính, tư pháp, đổi mới giáo dục, đảm bảo an sinh XH, củng cố quốc phòng – an ninh.
Vì sao thu hồi tài sản do tham nhũng còn thấp?
Bày tỏ quan điểm của mình tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Vũ Hoàng Ninh (phường 13 – Q.4) lo lắng: Việc thu hồi tài sản của các quan chức đã được xác định là có tham nhũng còn quá thấp, dưới 30%, nên cử tri cần phải biết được lý do tại sao tỷ lệ này lại thấp đến như vậy?
Cử tri Ninh cho rằng: Việc thu hồi tài sản khó như vậy sẽ làm tài sản của Nhà nước, của nhân dân bị thất thoát lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Đây chính là vấn đề pháp luật của chúng ta chưa đủ mạnh.
Từ đó, cử tri Ninh đã kiến nghị: Nếu có thể thì cần tăng mức phạt tiền thật mạnh đối với loại tội phạm tham nhũng, hoặc nếu những ai không có khả năng đóng tiền thì sẽ phạt tù, tùy theo mức độ và tính chất của hành vi sai phạm.
Cử tri Nguyễn Vinh Ngọc (phường 7, Q.4) nêu thắc mắc: Nếu cán bộ cấp càng cao thì tài sản ngày càng nhiều, thu nhập và lương như hiện nay thì có thể sắm những dinh thự nguy nga, đồ sộ đó hay không? Có phải việc kê khai tài sản của cán bộ đã chưa trung thực?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các cử tri Q.4, TP.HCM (Ảnh: VGP) |
Ông Nguyễn Vinh Ngọc cũng đề xuất: Cử tri nghĩ cần phải yêu cầu cán bộ kê khai tài sản trước và sau khi nhận nhiệm vụ, cần đưa về địa phương để giám sát.
Cũng theo cử tri Ngọc, đặc quyền đặc lợi và các mối quan hệ quyền lực như hiện nay là hiện thân của một “chuột” tham nhũng, là nguyên nhân gây ra vỡ bình, chứ không phải là “diệt chuột mới gây ra vỡ bình. Làm tốt công tác chống tham nhũng, đó mới là diệt chuột”.
Theo cử tri Nguyễn Vinh Ngọc, muốn giải quyết triệt để vấn nạn tham nhũng là phải giải quyết cái gốc của đặc quyền, đặc lợi, là mảng tối, kiềm hãm sự phát triển cúa đất nước, rào cản của những người tài giỏi, là nguyên nhân của những tiêu cực phát sinh.
“Nếu chúng ta không giải quyết tốt vấn đề này, tương lai sẽ còn thêm nhiều vụ tương tự như vụ ông Trần Văn Truyền xảy ra nữa, mà mức độ sẽ ngày càng tinh vi, táo tợn hơn, nhằm gây mất uy tín, lũng đoạn tài sản của Nhà nước, và cả của cả nhân dân” – ông Ngọc nhấn mạnh.
Tham nhũng đã thành bè cánh, bao che cho nhau
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, thay mặt cho tổ đại biểu Quốc hội số 1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu quan điểm: Hiện tham nhũng không còn đứng riêng lẻ, mà đã trở thành bè cánh, bao che cho nhau. Nhưng nếu chắc chắn Đảng, Nhà nước kiên trì, bền bỉ, làm ngày càng quyết liệt thì chắc chắn nạn tham nhũng sẽ ngày càng đỡ hơn.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ: Tham nhũng đã làm thiệt hại ghê gớm về mặt uy tín cho Đảng, về kinh tế cho đất nước, gây mất lòng tin trong nhân dân. Do vậy, Chủ tịch nước kêu gọi người dân ngày càng đồng hành, tố giác nhiều hơn nữa các thông tin về tham nhũng, nhưng phải tố giác các vụ việc có địa chỉ cụ thể, cung cấp thông tin đáng tin cậy, tăng cường, giám sát tham nhũng nhiều hơn nữa tại các cuộc họp.
Đối với các vụ án tham nhũng đã và đang chuẩn bị được xét xử, Chủ tịch nước khẳng định: Sắp tới, sẽ công bố tuần tự, công khai trên báo chí các vụ án tham nhũng của cán bộ cấp cao. Dù không có bao che, nhưng các cơ quan chức năng sẽ phải kiểm chứng, xác minh thông tin, chứ không phải báo chí đăng là ra quyết định được ngay.
Người đứng đầu Nhà nước đã nhấn mạnh: “Người nào tham nhũng chắc chắn sẽ phải bị trừng trị, còn ai tố cáo tham nhũng cần phải được bảo vệ”.