Trong phiên thảo luận ngày 6/11 về công tác của Chính phủ và các cơ quan tư pháp, nhiều Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ mối quan tâm lớn về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là việc thu hồi tài sản cho nhà nước.
Xử lý theo kiểu khép kín nội bộ
Trong bài phát biểu sáng ngày 6/11, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đã đánh giá cao công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đã đạt những kết quả tiến bộ thời gian qua.
Đại biểu Thắng cũng cho răng trong một thế giới còn nhiều biến loạn, phức tạp như hiện nay, Việt Nam là một quốc gia an toàn là thành tựu lớn đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đại biểu Thắng cũng chỉ ra khó khăn, hạn chế làm cho lòng dân chưa yên.
Theo ông Thắng: “Đó là tình hình tội phạm gia tăng, nhất là tội phạm nghiêm trọng diễn biến phức tạp, đáng chú ý là các vụ giết người thân trong gia đình với những thủ đoạn tàn độc gây hoang mang, bức xúc cho xã hội.
Tình hình xâm phạm tình dục trẻ em, hành hung đội ngũ thầy thuốc ngay trong các cơ sở khám chữa bệnh thật sự đáng báo động”.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng tham nhũng mới chỉ xử lý được những con mèo ăn vụng của dân. Ảnh: quochoi.vn |
Trong công tác phòng chống tội phạm, bảo vệ rừng, đại biểu Thắng thẳng thắn nhìn nhận: “Nhiều vụ phá rừng giữa thanh thiên bạch nhật, quy mô lớn xảy ra trong thời gian dài.
Có hay không hành vi làm ngơ tiếp tay bảo kê cho phá rừng? Thật ngạc nhiên khi có địa phương khởi tố 25 vụ phá rừng nhưng không khởi tố được 1 bị can nào. Vậy tội phạm ở đâu hay cơ quan bảo vệ pháp luật của chúng ta yếu kém bất lực?”.
Cũng theo đại biểu Thắng, dù thời gian qua, việc đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn về tham nhũng đã tạo niềm tin của nhân dân, cho thấy quyết tâm của Đảng và Chính phủ về chống giặc nội xâm này.
Thế nhưng, theo đại biểu Thắng: “Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ nhỏ ở cấp xã, huyện đã vạch mặt ra những con mèo ăn vụng của dân, của nước.
Hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội quan tâm do cơ quan điều tra trung ương xét xử.
Dư luận xã hội và nhân dân rất quan ngại về tình hình tham nhũng cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý”.
Bà Lê Thị Nga: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh rà soát bằng cấp của cán bộ |
Trước tình hình đó, đại biểu Thắng đặt ra câu hỏi: "Phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu khép kín nội bộ, phê bình nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội”.
Đông thời Đại biểu Thắng thay mặt cử tri nêu đề nghị: “Chính phủ cần chỉ đạo công khai và kiên quyết yêu cầu xử lý nghiêm minh đúng pháp luật không để hành chính hóa các quan hệ hình sự.
Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể 'giơ cao đánh khẽ', 'rung cây dọa khỉ' mãi được".
Cũng trong phần trình bày của mình, Đại biểu Thắng cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn tình trạng để xảy ra sai sót vi phạm tố tụng làm phát sinh khó khăn vướng mắc kéo dài.
Công tác điều tra truy tố còn để xảy ra vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng điều tra thu thập thông tin không đầy đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội, điều tra bỏ lọt tội phạm hay truy tố oan sai dẫn đến trả hồ sơ điều tra bổ sung kéo dài vụ án.
Đại biểu Thắng cũng chỉ ra nguyên nhân là do không chấp hành tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật của tố tụng hình sự.
Cơ quan tố tụng khởi tố bị can khi chưa đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội không thực hiện đầy đủ nguyên tắc suy đoán vô tội trong hoạt động tố tụng bảo vệ quyền con người như Hiến pháp quy định.
Biệt phủ vẫn còn sừng sững
Trong chiều 6/11, tham gia thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) cho rằng trong công tác phòng chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cư tri cả nước.
Tuy nhiên, đại biểu Hiền cũng chỉ ra, còn nhiều điểm hạn chế. Cụ thể, theo đại biểu Hiền, các vụ khởi tố điều tra vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ, tăng gần 21% về số vụ và trên 28% số bị can.
Những biệt thự, biệt phủ vẫn sừng sững và nhiều "củi tươi", "củi khô" vẫn an toàn sau những ồn ào, gây bức xúc xã hội.
Đại biểu Hiền cũng viện ra tình trạng, sau nhiều năm thực hiện luật Phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới thì mức độ, phạm vi bạo hành ngày càng mở rộng hơn, công khai hơn.
Theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) : "Những biệt thự, biệt phủ vẫn sừng sững và nhiều "củi tươi", "củi khô" vẫn an toàn sau những ồn ào, gây bức xúc xã hội". Ảnh: quochoi.vn |
Bạo lực tấn công vào trường học, ngang nhiên chốn công sở, bạo lực không chừa cả sân bay - nơi có yêu cầu nghiêm ngặt về an ninh- giờ thì xông thẳng vào bệnh viện để truy sát nạn nhân, hành hung y bác sĩ, bất chấp đạo đức, pháp luật hiện hành.
“Người dân vi phạm nhẹ hay nặng đều bị pháp luật xử lý, cán bộ gây sai phạm nghiêm trọng thì điều chuyển, vẫn an toàn sau lớp vỏ nghiêm túc kiểm điểm- rút kinh nghiệm, chịu trách nhiệm tập thể. Điều này dễ làm cho dân hiểu rằng áp dụng luật dành cho dân khác với cán bộ” – Đại biểu Hiền bày tỏ.
Đại biểu Hiền cũng bày tỏ đến Quốc hội tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Rất nhiều vụ có dấu hiệu khuất tất, bỏ lọt tội phạm, có vấn đề về đạo đức cán bộ, về tư duy tư pháp. Vị nữ đại biểu này cho biết.
Nữ đại biểu cũng dẫn trường hợp một người mẹ đơn thân đã viết đơn xin trút bỏ quyền được tự do của mình, vì chị không còn sức đề kháng với những bế tắc vây quanh.
Đại biểu Hiền mong Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm đến công tác giám sát trong hoạt động, cải cách tư pháp, đảm bảo xét xử đúng người đúng tội.
Đặc biệt, quan tâm chú trọng về kỹ thuật lập pháp, tính dự báo, hoàn thiện hành lang pháp lý, tránh việc hiểu khác nhau nên vận dụng Luật khác nhau trong quá trình tố tụng làm kéo dài vụ việc, khoét sâu thêm nỗi đau của nạn nhân.
Cùng với đó là quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là lựa chọn người có dũng khí đấu tranh vì công lý, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Cuối bài phát biểu, đại biểu Hiền đã gửi lời xin lỗi đến những nạn nhân vì bào phát biểu của vị đại biểu này “ít nhiều sẽ khơi lại nỗi đau, những tổn thương, mất mát không gì bù đắp được, sẽ lần nữa chạm vào những oan khiên, uẩn ức của nạn nhân và người thân nạn nhân trong các vụ xâm hại tình dục”.